Thứ 7, 23/11/2024, 10:07[GMT+7]

Ngư Phong Trình Phố

Thứ 2, 16/07/2018 | 09:32:03
4,636 lượt xem
Nếu “ưu hoạn” là số phận của trí thức nho giáo phong kiến nước ta thì Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích (1832 - 1890) quê làng Trình Phố, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương (nay là làng Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải), thủ lĩnh phong trào Cần Vương Bắc kỳ đã sống trọn kiếp phận ấy, nhất quyết lấy danh dự của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân và phẩm giá con người làm lẽ sống.

Từ đường Ngô Quang Bích - di tích lịch sử cấp quốc gia tại làng Trình Phố, xã An Ninh, huyện Tiền Hải.

Nhà sử học người Pháp, Giáo sư, Tiến sĩ Charle Fourniau đã viết về giai đoạn lịch sử Việt Nam từ 1885 đến 1896 với những cung bậc đứt đoạn, tiếp nối trong dòng chảy liên tục của lịch sử mà ở đó đề cập đến phong trào Cần Vương Bắc kỳ do Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích làm thủ lĩnh: “Phong trào Cần Vương là mốc khởi đầu của các phong trào dân tộc ở Việt Nam trong thời kỳ cận đại, nó tạo thành một điểm nút cho sự tiến triển của lịch sử Việt Nam… Cuộc kháng chiến quyết liệt và có uy tín của phong trào lại là những cái khuôn quan trọng, từ đó đào luyện nên những con người kế tục cuộc chiến đấu sau này”.

Nguyễn Quang Bích tự là Hàm Huy, hiệu là Ngư Phong, sinh ra trong gia đình họ Ngô, dòng dõi Ngô Vương Quyền, đến Ngô Kinh, Ngô Từ ở Thanh Hóa phò vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi). Các đời sau chuyển về huyện Chân Định, phủ Kiến Xương. Do cụ Tam đại làm con nuôi họ Nguyễn nên đến đời ông chuyển là Nguyễn Quang Bích. Tuy nhiên, con cháu và nhiều tài liệu vẫn ghi danh là Ngô Quang Bích. 

Là học trò xuất sắc của Tiến sĩ Doãn Khuê, Nguyễn Quang Bích bước vào chính trường đúng thời điểm đất nước đang thời "nước sôi, lửa bỏng”. Mặc dù học giỏi, thông tuệ nhưng đường khoa cử của ông muộn mằn hơn các bạn cùng thời. Năm Mậu Ngọ 1858 ông 27 tuổi lúc đó mới đỗ tú tài và đến năm Tân Dậu 1861 ông mới đỗ cử nhân, được bổ làm giáo thụ phủ Trường Khánh, tỉnh Ninh Bình. Đến năm Kỷ Tỵ 1869 nhân có án khoa, đỗ nhị giáp tiến sĩ đình nguyên, lúc này ông đã 38 tuổi. 

Tại kỳ án khoa năm 1869, trong khi trả lời bài văn sách thi Đình của vua Tự Đức, ông bày tỏ quyết tâm bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, trình bày hoài bão “Trí quân, trạch dân” của mình và được nhà vua ngợi khen. Đầu năm Tự Đức 23 (1870) Hải phòng sứ kiêm Đốc học Nam Định tiến sĩ Doãn Khuê là thầy giáo dạy ông lúc còn ngồi ghế sĩ tử đã tìm gặp Nguyễn Quang Bích người học trò xuất sắc nhất của mình mưu sự cứu nước, cứu dân. Doãn Khuê gợi ý cho ông lên miền núi mở rộng sơn phòng, vỡ hoang đồn điền, xây dựng thêm đồn trại. Còn biển Tiền Hải ông trực tiếp chiêu mộ dân nghèo khắp nơi về khai hoang, lấn biển nhằm mục đích xây dựng căn cứ địa kháng Pháp lâu dài. Nghe theo lời chỉ dẫn của thầy, Nguyễn Quang Bích nung nấu quyết tâm kháng thực dân Pháp đến cùng. Từ khi còn theo học thầy Doãn Khuê, trong tâm tưởng Nguyễn Quang Bích đã hình thành tư tưởng thân dân. Sau khi đỗ cử nhân năm Tân Dậu (1861) ông ra làm quan giáo thụ Trường Khánh (Ninh Bình) được mấy năm thì cha của ông qua đời. Ông phải về chịu tang cha từ năm 1865 đến 1868, thời gian này, ngoài việc dạy học cho con trẻ ở quê, ông còn bỏ tiền cá nhân để xây cống tiêu nước cho các xã trong vùng, vận động nhân dân lưu tán về Tiền Hải khai hoang, lập ấp. Ông lo cái ăn cho dân nghèo, lo sự học cho con em nhân dân trong vùng. Năm 1869, ông đi thi Đình và đỗ Đình nguyên Hoàng giáp. Tháng 8 năm 1869, ông được bổ làm Tri huyện Lâm Thao (Phú Thọ). Bằng tư tưởng thân dân, ông đã vỗ về dân chúng, tuyên dương người tốt, giáo hóa kẻ xấu vì thế mà nạn trộm cướp dần bị xóa bỏ. Từ đường Nguyễn Quang Bích ở làng Trình Nhất vẫn còn đôi câu đối khảm trai mà dân chúng tặng ông:

Khảm tuất chỉ nhất tâm, tự dĩ bất can, Dân kiến đức

Binh hình phi lưỡng sự, phương kỳ quyết tự, Đế quy công

Dịch nghĩa:

Chỉ một lòng thương dân, kính vua, xử sự công minh, Dân thấy đức

Đâu chỉ có hai việc quân cơ, hình sự, lo nhiều phận sự, Vua ghi công

Cố nhà thơ Nông Quốc Chấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từng viết về ông: “Nguyễn Quang Bích để lại cho chúng ta một sản phẩm tinh thần: Lòng yêu nước, ý chí bất khuất, bền bỉ, gan dạ, tình đoàn kết các dân tộc và nhân cách sáng ngời của vị chủ tướng… Ông còn để lại cho chúng ta những vần thơ chất nặng ưu tư, để lại một phong cách riêng trong dòng thơ yêu nước:

Cùng ai tiêu khiển chốn rừng xa

Hứng thú trùng dương kém đậm đà

Bối rối đau lòng lo việc nước

Ngượng ngùng uống rượu với đeo hoa

Mừng mưa buổi sáng người cấy ruộng

Nghe tiếng gà gô khách nhớ nhà

Ai biết Phong Thành Ngưu Đẩu sáng

Lên lầu ý ấy ngỏ cùng ta…

              (Trùng cửu sơn cư gia)

Còn cố thượng tướng, giáo sư Hoàng Minh Thảo lại nhìn nhận ông dưới “lăng kính” quân sự: “… lãnh tụ nghĩa quân Nguyễn Quang Bích là hiện thân của lòng yêu nước, yêu dân. Đặc biệt, tư tưởng của ông đã vượt qua khỏi khuôn mẫu của tư tưởng Nho giáo lúc đó. Việc khước từ địa vị ở triều đình để cùng nghĩa quân xây dựng căn cứ kháng chiến lâu dài ở một vùng rừng núi hẻo lánh, nơi phần đông là đồng bào thiểu số vô cùng thiếu thốn, gian khổ là một bằng chứng sâu sắc về bản lĩnh của Nguyễn Quang Bích…”.

Ngay từ năm 1876, Nguyễn Quang Bích với tư cách là Tuần phủ Hưng Hóa đã tích cực góp phần vào sự nghiệp trị an và bảo vệ Tổ quốc ngay trên dải đất hiểm trở gần biên giới phía Bắc. Năm Ất Dậu (1885), ông được vua Hàm Nghi phong là Hiệp thống Bắc kỳ Quân vụ Đại thần, Thuần Trung tướng quân. Việc chọn căn cứ kháng chiến lâu dài chống Pháp và bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc đã thể hiện Nguyễn Quang Bích có tầm nhìn chiến lược trong quân sự. Đi đến đâu, lập doanh trại, đồn điền ở đâu Nguyễn Quang Bích đều tìm hiểu kỹ tình hình dân chúng, tôn trọng phong tục, tập quán, tín ngưỡng của nhân dân, ông ra lệnh cho quân sĩ phải chấp hành nghiêm ngặt quân lệnh, không được xâm phạm tài sản, tính mạng của nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Giang, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tiền Hải

Nguyễn Quang Bích một trí thức đại khoa triều Nguyễn có lòng yêu nước, thương dân sâu sắc. Ông là người kiên quyết phái chủ chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ông luôn dựa vào lực lượng nhân dân để dựng cờ khởi nghĩa, coi dân là gốc rễ của nước nhà, đặc biệt là các dân tộc ít người vùng Tây Bắc. Họ đã đứng lên theo ông đánh đuổi thực dân Pháp. Ngoài hoạt động chính trị xuất sắc, ông là nhà quân sự tài ba. Ông chủ trương lấy núi rừng thượng du Tây Bắc làm căn cứ kháng chiến lâu dài, dùng lối đánh “du binh” và lối đánh “du kích” khá hiệu quả. Ông còn là nhà ngoại giao xuất sắc khi cảm hóa được tướng của đảng Thái Bình Thiên quốc (Quảng Tây, Trung Quốc) Lưu Vĩnh Phúc thất thế chạy sang Việt Nam trở thành người có ích cùng nghĩa quân của ông đánh thực dân Pháp, giết được tướng Gác-ni-e. Trong thời gian về quê chịu tang thân phụ, ông vẫn tranh thủ mở trường dạy học cho con em dân nghèo, bỏ tiền của riêng huy động dân nghèo lưu tán về khai khẩn đất hoang ở Tiền Hải tạo nên những cánh đồng trù mật, tươi hoa, kết trái.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Quang Yên, tước hiệu AVAPA, EFIAP, chắt nội Đình nguyên Hoàng giáp Ngô Quang Bích, làng Trình Phố, xã An Ninh, huyện Tiền Hải

Cụ tôi mất khi thành Hưng Hóa thất thủ, trước khi ra đi, cụ tôi dặn lại: “Ta đem thân hứa quốc, không cần người đi lại thăm nom vô ích, sau này có nhớ đến ta, cứ lấy ngày thành Hưng Hóa thất thủ làm ngày giỗ”. Ngày 5 tháng 1 năm 1890, cụ tôi qua đời. Nghe tin cụ tôi mất, thực dân Pháp không tin, chúng nghi là mưu của nghĩa quân liền kéo quân về làng Trình Phố bắt thân mẫu của cụ tôi cùng gia quyến giam lại, tịch thu tài sản gia đình. Hào, lý của làng cũng bị bắt giam. Câu đối tiễn đưa cụ tôi về cõi vĩnh hằng của các văn thân, có đôi câu được coi là sâu sắc nhất:“Lệ dục thành băng, hối thủ Quế Sơn đầu, dao vọng bạch vân phù chính khí
Hận do vị tuyệt, thống tâm Trà Hải khẩu, đồ văn hồng láng khiếu anh phong”

Dịch nghĩa:
“Nước mắt muốn thành băng, ngó lại Quế Sơn, chỉ thấy mây trắng phau phau, bát ngát chân trời bầu chính khí

Hận thù chưa tan khói, trông vời Trà Hải, những nghe sóng đào cuồn cuộn, vật vờ mặt biển trận anh phong”.

 
Ông Nguyễn Văn Giáo, công chức văn hóa xã An Ninh, huyện Tiền Hải

Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích tiêu biểu cho lớp nhà Nho yêu nước cuối thế kỷ XIX, gặp lúc đất nước lâm nguy ông vẫn giữ được khí tiết. Phương châm sống của ông là “thà chịu tội với nhất thời chứ quyết không chịu tội với vạn thế” được thể hiện sắt đá trong thư trả lời quân Pháp dụ hàng ông. Ông là niềm tự hào của làng Trình Phố, xã An Ninh, huyện Tiền Hải.

Quang Viện

  • Từ khóa