Thứ 7, 23/11/2024, 09:56[GMT+7]

Đất địa linh thêm những anh hùng

Thứ 4, 25/07/2018 | 08:32:02
4,415 lượt xem
Trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược bảo vệ Tổ quốc, Hưng Hà đã có hàng vạn người con ra trận chiến đấu anh dũng, ngoan cường làm rạng danh quê hương, đất nước.

Đền thờ liệt sĩ huyện Hưng Hà. Ảnh: Thành Tâm

Vùng đất địa linh nhân kiệt giàu truyền thống văn hóa và cách mạng còn có nhiều anh hùng ở trong mỗi giai đoạn lịch sử và những ngày tháng bảy tri ân này, Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà lại thêm niềm vinh dự, tự hào khi có thêm hai người con của quê hương được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thượng tá Trần Ngọc Chung, sinh năm 1930 ở xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà nhập ngũ tháng 10/1950, hy sinh ngày 12/2/1979 tại Ta Keo, tỉnh Căm Pốt, nước bạn Campuchia. 29 năm trong quân đội, Thượng tá Trần Ngọc Chung kinh qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giúp nước bạn Campuchia, từ người chiến sĩ và qua nhiều cương vị chỉ huy cấp đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn và lập chiến công đặc biệt xuất sắc. Ngày 26/4/2018, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 622/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Thượng tá Trần Ngọc Chung. 

Báo Thái Bình giới thiệu bài viết về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Ngọc Chung qua lời kể của Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh trưởng Quân đoàn 3 và Đại tá Tô Xuân Hinh, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Binh đoàn Tây Nguyên (Quân đoàn 3).

Người chỉ huy trận đầu tiên đánh Mỹ của Sư đoàn 320

Tôi và Đại tá Tô Xuân Hinh đến thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Tư lệnh Binh đoàn Tây Nguyên (Quân đoàn 3). Trung tướng Khuất Duy Tiến đã 88 tuổi, ông vừa có chuyến công tác ở một số tỉnh Tây Nguyên để chỉ đạo ban liên lạc truyền thống Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320) xây dựng bia chiến thắng ghi công các anh hùng liệt sĩ của Sư đoàn trở về Hà Nội. Vừa gặp thủ trưởng, Đại tá Tô Xuân Hinh đã phấn khởi: Báo cáo thủ trưởng, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 622 ngày 26/4/2018 truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho cụ Chung rồi, vui quá, anh em trong ban liên lạc và gia đình bà Tuẫn, vợ cụ Chung ở quê hương Đoan Hùng, huyện Hưng Hà biết tin này phấn khởi lắm thủ trưởng ạ. Trung tướng Khuất Duy Tiến nói: Vậy là tốt rồi, suốt 5 năm cơ quan chức năng của Bộ Tư lệnh Quân đoàn, cùng Sư đoàn và Ban liên lạc 320 theo đuổi bây giờ mới thấy nhẹ lòng một chút. Nghĩ về anh Chung mình thương anh quá, còn sống thì anh Chung hơn mình một tuổi. Với mình anh Chung là đồng đội, là bạn vong niên, cùng chia ngọt sẻ bùi khắc phục khó khăn, gian khổ đánh giặc suốt hai thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và giúp nước bạn Campuchia đánh đổ chế độ Pôn Pốt. Anh Chung là sĩ quan có tài, có tâm và có tầm chỉ huy đánh giặc giỏi, ngày anh Chung hy sinh mình mất đi cánh tay phải tham mưu đắc lực của Sư đoàn 320. Anh Chung là người chỉ huy cấp tiểu đoàn trực tiếp đánh Mỹ đầu tiên của Sư đoàn 320. 

Trận đánh trên dãy đồi Động Mã nằm sát đường số 9 Bắc Quảng Trị năm 1968 do Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 Trần Ngọc Chung chỉ huy đã ghi vào sử sách của Binh đoàn Tây Nguyên. Ngồi lặng một hồi lâu ký ức cuộc chiến trở về với vị tướng già, Trung tướng Khuất Duy Tiến chậm rãi kể: Trên cương vị là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7, Trần Ngọc Chung được Ban Chỉ huy Trung đoàn giao nhiệm vụ chỉ huy đánh trận mở đầu phục kích cắt giao thông đường 9 ở khu vực dãy đồi Động Mã, tạo điều kiện cho hướng chính chiến dịch đường 9 - Khe Sanh bao vây tiêu diệt quân Mỹ ở Tà Cơn, Làng Vây. 

Trưa ngày 24/1/1968, từ trận địa phục kích dưới chân đồi Động Mã, mặc cho máy bay trinh sát chỉ điểm và pháo địch bắn dọn đường gây một số thương vong cho bộ đội nhưng Tiểu đoàn trưởng Trần Ngọc Chung vẫn đợi cho đoàn xe gồm 9 chiếc GMC chở đầy lính Mỹ lọt hẳn vào trận địa mới lệnh cho nổ súng tiêu diệt. Sau khi tiêu diệt 40 tên Mỹ, số lính Mỹ còn lại tháo chạy về căn cứ gần đó, Tiểu đoàn trưởng Chung dự đoán Mỹ sẽ cho quân phản kích, ông lệnh cho Đại đội 1 cơ động lên núi Kiếm cách trận địa 500m sẵn sàng đánh địch giải tỏa; lệnh Đại đội 3 chuẩn bị đánh vận động vào đội hình tấn công của địch. Đúng như dự đoán của Tiểu đoàn trưởng Chung, quân Mỹ điều hai đại đội có 10 xe tăng, thiết giáp yểm trợ từ căn cứ Tân Lâm (241) ra phản kích thông đường, chúng đã bị cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7 do Trần Ngọc Chung chỉ huy đánh bại ngay ở phía Tây cầu Thiện Xuân. 

Vậy là ngay ngày đầu xuất kích đối mặt với quân Mỹ, Tiểu đoàn 7 đã đánh hai trận tiêu diệt hơn 100 lính Mỹ, bắn cháy 2 xe tăng, 8 xe ô tô GMC. Chiến thắng của trận phục kích, phản kích đường 9 ở Động Mã, Thiện Xuân, Tiểu đoàn 7 không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mặt trận giao mà còn tạo sức mạnh tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 trong cuộc đọ sức quyết liệt với quân Mỹ ở Cam Lộ, Gio Linh phía Đông tỉnh Quảng Trị trong chiến dịch xuân hè 1968. Trung tướng Khuất Duy Tiến nhấn mạnh ở đâu, việc gì ông Chung cũng tỉ mỉ cẩn trọng, đã giao việc cho ông Chung là cấp trên yên tâm. Trung tướng kể thêm khi địch bị Tiểu đoàn 7 đánh thảm bại trên dãy đồi Động Mã, hôm sau địch điều hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ quyết chiếm cao điểm 105 làm bàn đạp tấn công dãy chốt Động Mã của Tiểu đoàn 7, được Bộ Tư lệnh Sư đoàn giao nhiệm vụ phối hợp với Tiểu đoàn 8 tổ chức đánh địch khi chúng chưa kịp củng cố công sự. Trần Ngọc Chung đã nhanh chóng chỉ huy đơn vị chiếm lĩnh trận địa, trong khi lực lượng Tiểu đoàn 8 gặp khó khăn chưa bắt được liên lạc. Không để lỡ thời cơ, Trần Ngọc Chung trực tiếp tiếp cận cách địch 50m trinh sát mục tiêu, phát hiện địch đào dở công sự và căng bạt để ngủ, súng ống để ngổn ngang. Hội ý nhanh chỉ huy tiểu đoàn quyết định đánh địch không đợi lực lượng Tiểu đoàn 8 sẽ mất thời cơ. 5 giờ sáng ngày 27/1/1968, Trần Ngọc Chung phát lệnh nổ súng, trận đánh chỉ diễn ra trong 20 phút hầu hết quân Mỹ ở cao điểm 105 bị các chiến sĩ Tiểu đoàn 7 tiêu diệt, một số ít sống sót chạy về căn cứ Carol 241, Tiểu đoàn 7 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cắt đứt đường số 9. 

Những năm 1972 - 1974, tại chiến trường Tây Nguyên với cương vị là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48 đơn vị chủ lực của Sư đoàn 320, Trần Ngọc Chung đã cùng Đảng ủy và chỉ huy Trung đoàn lãnh đạo chỉ huy các đơn vị cấp tiểu đoàn trở lên đánh hàng chục trận lớn nhỏ trên đường 19 phía Tây tỉnh Gia Lai. Tháng 12/1972, tiêu diệt Tiểu đoàn 22 biệt động quân ở khu vực Nhà Lá; tháng 9/1973, tiêu diệt Tiểu đoàn 80 biệt động quân ở cứ điểm Chư Nghé; tháng 4/1974, đánh tiêu diệt Tiểu đoàn 82 biệt động quân cụm cứ điểm 711 Làng Siêu; tháng 8/1974, đánh tiêu diệt Tiểu đoàn 81 biệt động quân bên ngoài cứ điểm Plây Me. 

Ở trận đánh tiến công cứ điểm Chư Nghé ngày 22/9/1973 khi ấy Đại tá Tô Xuân Hinh là Trung đội trưởng, Đại đội 11, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 48 trực tiếp chiến đấu dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Trần Ngọc Chung. Đại tá Tô Xuân Hinh kể, trước khi vào trận bao giờ Trung đoàn trưởng Chung cũng động viên cán bộ, chiến sĩ, vào trận thì quả cảm kiên cường, quyết đoán và xử lý nhanh nhạy các tình huống chiến trường, trận đánh cứ điểm Chư Nghé, Trung đoàn trưởng Chung trực tiếp cùng tổ của Trung đội trưởng Tô Xuân Hinh vượt qua ba hàng rào cứ điểm, hướng dẫn Tô Xuân Hinh đặt mìn định hướng ĐH 30 phá toang vật cản còn lại tạo hố để bộ đội ém mình. Cửa mở thông, quân ta tràn lên tấn công, sau ba giờ thực chiến, dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48 Trần Ngọc Chung quân ta làm chủ căn cứ Chư Nghé, toàn bộ Tiểu đoàn 80 biệt động quân của địch bị tiêu diệt, chiến thắng này góp phần giữ vững vùng giải phóng, bảo vệ hành lang vận chuyển chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (đoạn qua phía Tây tỉnh Gia Lai và phía Bắc tỉnh Đắk Lắk. 

Trận công kiên tác chiến “Bí mật cơ động lực lượng, hình thành thế bao vây, tập trung hỏa lực và lực lượng, phương tiện đột phá trên hướng chủ yếu dùng bộc phá mở cửa nhanh, liên tục của Trung đoàn 48 do Trung đoàn trưởng Trần Ngọc Chung chỉ huy được đánh giá là bước phát triển mới nhiều mặt về phương thức tác chiến tiến công địch phòng ngự trong công sự vững chắc ở địa bàn rừng núi”. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 trên cương vị tham mưu phó Sư đoàn 320, Trần Ngọc Chung được cử trực tiếp xuống Trung đoàn 48 chỉ đạo các phương án chiến đấu Trung đoàn 48 đã đánh thắng giòn giã các trận có ý nghĩa quan trọng như Thuần Mẫn - Đường 14, Đồng Dù - Củ Chi Buôn Ma Thuột trong chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975, góp phần cùng Sư đoàn lập chiến công to lớn…

Bà Nguyễn Thị Tuẫn vợ anh hùng liệt sĩ Trần Ngọc Chung và hai con gái xem các kỷ vật của chồng.

Ngày 12 tháng 2 năm 1979 định mệnh

Dừng câu chuyện khá lâu, vầng trán vị tướng già như giãn ra, hình như ông không chế ngự được cảm xúc khi nói về người đồng chí, người bạn vong niên mấy chục năm sát cánh chiến đấu, mắt ông rướm lệ, giọng ông chùng xuống, Trung tướng Khuất Duy Tiến xúc động: “Ngày 12 tháng 2 năm 1979 đúng là ngày định mệnh đối với anh Chung”. Ông kể, sáng hôm ấy Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Sư đoàn 320 Trần Ngọc Chung tắm giặt rồi ăn sáng đàng hoàng, sau đó trực tiếp báo cáo Sư đoàn trưởng Khuất Duy Tiến đi kiểm tra đốc chiến ở Trung đoàn 48 và khi xe của tham mưu trưởng Sư đoàn đến đường 3, Ta Keo, tỉnh Căm Pốt thì trúng đạn phục kích của tàn quân Pôn Pốt, Thượng tá Phó Tư lệnh tham mưu trưởng Sư đoàn 320 Trần Ngọc Chung hy sinh.

* Tấm bia tưởng niệm ghi danh liệt sĩ Trần Ngọc Cửu và liệt sĩ Trần Ngọc Minh được Đảng bộ và nhân dân xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà dựng năm 1993 cạnh gốc cây nhãn ngoài đê bên con đường xuống bến ca nô, đối diện với nhà thờ Hà Xá. Dấu tích thời gian, cây nhãn xưa giặc trói Trần Ngọc Cửu bây giờ không còn, thay vào đó là cây đa nhỏ, nét chữ trên bia đã mờ. Năm 1950, mảnh đất này là nơi ngụy quyền quận Hưng Nhân tay sai của giặc Pháp đã nặn ra cái gọi là pháp trường hành quyết hai chiến sĩ kháng chiến người thôn Phú Hà. Trần Ngọc Cửu 23 tuổi, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, Chi ủy viên Chi bộ xã Phạm Lễ, đội trưởng đội phòng trừ của xã. Trần Ngọc Minh 30 tuổi, đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, trưởng thôn kháng chiến Mãnh Chinh, thôn Phú Hà. Đứng trước bạo quyền và họng súng của giặc hai ông vẫn bình tĩnh, hiên ngang, kiên cường, bất khuất, vẫn rành rọt thưa chuyện với nhân dân là hãy đoàn kết lương giáo, tin tưởng và ủng hộ kháng chiến, nhấn mạnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nhất định thắng lợi; khuyên lính giặc hãy quay súng trở về với Tổ quốc rồi cùng với nhân dân hô vang khẩu hiệu cổ vũ kháng chiến. Hôm đó là ngày chính phiên chợ Đồn (21/8/1950). Tên Quang quận trưởng đã huy động bọn xã ủy, tổng tề cùng bọn vệ sĩ, bảo an, dân vệ đi dồn ép nhân dân quanh vùng về nơi chúng tổ chức hành quyết người Chi ủy viên, đội trưởng phòng trừ của xã Phạm Lễ (nay là xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà).

Cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tân Lễ giai đoạn 1930 - 2010 ghi lại truyền thống vẻ vang trong quá trình đấu tranh cách mạng những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp, một thời kỳ gian khổ, ác liệt và cam go, một thời kỳ mà nhiều cán bộ, đảng viên một lòng trung với Đảng, trụ vững bám đất, bám dân, phá tề gây dựng phong trào cách mạng. Xã Tân Lễ những năm 1950 có tên là xã Phạm Lễ là một “vùng tề” với hệ thống đồn bốt của giặc Pháp. Phía Tây là bốt Dốc Văn, phía Đông là bốt Đào Thành, ngay trong xã là bốt Quận và các đồn vệ sĩ Hà Xá, An Tập, Xuân Hải. Ngoài ra giặc còn lập một số tháp canh xóm Bến Hà Xá, Tân Mỹ Hà để khống chế, kìm kẹp nhân dân. Ở các thôn Công giáo Hà Xá, An Tập, Xuân Hải giặc còn lập hàng rào, xây công sự chiến đấu, trang bị vũ khí cho vệ sĩ Công giáo phản động. Trong thời gian này giặc thường tổ chức vây ráp, lùng sục bắt cán bộ và cốt cán cách mạng, nhiều đảng viên, cán bộ bị chúng bắt và sát hại. 

1 giờ đêm ngày 18/8/1950, Tỉnh ủy, Huyện ủy Hưng Hà phát lệnh phá tề, du kích Tân Lễ phối hợp với bộ đội huyện tổ chức bao vây, áp sát đồn bốt địch. Cuộc “đại náo” phá tề ở Tân Lễ đã gây khí thế toàn dân đánh giặc giữ làng, củng cố lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, ba ngày sau đó giặc phát hiện lực lượng của ta chúng củng cố lực lượng. Từ ngày 19 - 21/8/1950, chúng tung lính từ bốt Dốc Văn, bốt Quận cùng bọn vệ sĩ ở Hà Xá, An Tập, Xuân Hải tổ chức vây ráp, càn quét để truy lùng cán bộ, đảng viên, du kích về nằm vùng bám cơ sở. Do có phản bội chỉ điểm chúng đã bắt được Trần Ngọc Cửu và Trần Bá Mô, đang được che giấu tại gia đình bà Mưu, cơ sở cách mạng thôn Phú Hà, đưa hai người về giam giữ ở bốt Hà Xá, dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn nhưng hai cán bộ vẫn một lòng kiên trung với Đảng và cách mạng. 

16 giờ ngày 21/8/1950 tên Quang quận trưởng và bọn giặc đã dựng ra pháp trường tại đầu làng Phú Hà cạnh đường giao thông nơi tiếp giáp với chợ Đồn có bến đò và bến tàu thủy cửa Luộc nơi tập trung buôn bán tấp nập của đồng bào các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình... Chúng dồn dân tới hàng nghìn người gồm bà con lương giáo để chứng kiến việc chúng hành quyết Trần Ngọc Cửu hòng lung lạc tinh thần cách mạng của nhân dân. Tên Quang quận trưởng tuyên bố: “Hôm nay bắt được tên Cửu chính cộng, không quy phục quốc gia, quốc gia tuyên bố tử hình làm gương cho kẻ khác”. Hiên ngang trước họng súng quân thù, Trần Ngọc Cửu đã biến pháp trường của chúng thành một cuộc mít tinh, ông hiên ngang vạch trần tội ác của giặc Pháp và lũ tay sai, tuyên truyền cho đồng bào tin tưởng vào đường lối cách mạng của Đảng và Bác Hồ, ủng hộ và tích cực tham gia kháng chiến, kêu gọi đồng bào lương giáo đoàn kết, cùng đi kháng chiến, hô hào binh lính giặc lầm đường lạc lối quay về với kháng chiến, với cách mạng để được khoan hồng. Viên linh mục Trực kéo Trần Ngọc Cửu lại và nói: “Con thật là người can đảm, xứng đáng anh hùng, cha sẽ rửa tội cho con về thiên đàng với Chúa”. Trần Ngọc Cửu gạt tay linh mục và nói lớn: “Tôi không có tội gì mà phải rửa, ngoài tội yêu nước”. Chỉ tay về phía tên Quang quận trưởng, ông Cửu rành rọt: “Chính tên kia mới là kẻ có tội, làm tay sai cho giặc giết hại nòi giống, hãy rửa tội đi”. Nhìn về hướng cha mẹ, vợ con và người thân ông Cửu nói tiếp: “Tôi hoạt động cách mạng rất giàu tình cảm gia đình, thương cha mẹ, vợ con nhiều lắm chứ. Nhưng giờ phút vinh quang này hãy để cho tôi hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và dân giao phó”. Giặc dùng khăn bịt mắt Trần Ngọc Cửu, ông giật phăng khăn quẳng xuống đất, dõng dạc: “Không cần bịt mắt!” và hỏi: “Những ai bắn tôi?”. Rồi đanh thép hô lớn:

Lương giáo đoàn kết muôn năm

Việt Nam độc lập muôn năm Hồ Chí Minh muôn năm

Đả đảo đế quốc Pháp và bè lũ tay sai!

Trần Ngọc Cửu đã ngã xuống trước họng súng quân thù, cạnh cây nhãn làng Phú Hà lúc 16 giờ chiều thu tháng tám năm 1950, năm ấy ông mới 23 tuổi. Bên thi thể người đội trưởng đội phòng trừ Trần Ngọc Cửu, đồng bào lương giáo trào nên tiếng khóc uất nghẹn, xót thương và cảm phục một cán bộ của Đảng đã sống vì dân và thác vì dân. Những tiếng khóc của sự oán hờn, căm uất kẻ thù tàn bạo. Ngày hôm sau, mùng 9 tháng 7 năm Canh Dần, phiên chính chợ huyện Hưng Nhân, đông đảo đồng bào, tiểu thương, nhiều bà con giáo dân từ Bùi Chu - Phát Diệm đã tới chia buồn với gia đình Trần Ngọc Cửu, còn tu sĩ Thiêm ở Giáo xứ Hà Xá thì bày tỏ phẫn nộ với những kẻ theo giặc.

Ông Trần Ngọc Cửu sinh năm 1928, tham gia cách mạng năm 1946, được kết nạp Đảng năm 1948, bị giặc bắt và sát hại ngày 21/8/1950. Sự hy sinh anh dũng của ông trở thành bất tử, một tấm gương ngời sáng về lòng trung với Đảng, chiến đấu vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Trần Ngọc Cửu hy sinh ở tuổi 23 để lại người vợ trẻ và hai người con một trai, một gái. 68 năm sau, những đóng góp cho phong trào cách mạng của quê hương và tinh thần quả cảm của ông lại được sáng lên, góp vào truyền thống đấu tranh cách mạng của quê hương Tân Lễ, của huyện Hưng Hà và của tỉnh Thái Bình.

Ghi nhận đóng góp to lớn và sự hy sinh dũng cảm của ông Trần Ngọc Cửu trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 26/4/2018, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 622/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Trần Ngọc Cửu.

Nguyễn Công Liêm

(Thành phố Thái Bình)