Thứ 7, 23/11/2024, 09:33[GMT+7]

Bác Trạch Quận công

Thứ 2, 27/08/2018 | 08:55:44
6,319 lượt xem
Trong văn bia Quận công người họ Phạm, xã Bác Trạch, tổng Cao Mại, huyện Chân Định do Tiến sĩ Doãn Khuê biên soạn có chép rằng: Bậc đại trượng phu ở đời lập công to dựng nghiệp lớn mà giữ trọn vẹn được trước sau, làm rạng rỡ đời trước để đức cho đời sau thì có ít. Thời vua Lê Cảnh Hưng, Thượng tướng là cụ Quận công họ Phạm dấy lên trong lúc phong trần, lại làm nên cái mà người khác khó làm được. Vậy thì sự rèn luyện và chứa góp hẳn có từ gốc vậy…

Từ đường họ Phạm ở thôn Bác Trạch II, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải - di tích lịch sử quốc gia, vốn là nhà ở của Quận công Phạm Đình Sỹ.

Tương truyền, lúc bình sinh, Phạm Đình Sỹ, quê xã Bác Trạch, tổng Cao Mại, huyện Chân Định, phủ Kiến Xương (nay là thôn Bác Trạch II, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải) vốn tính nóng nảy cương thường nên một số kẻ hiềm khích dọa sẽ đào mộ thân phụ ông đổ xuống sông. Lo sự việc xảy ra, ông tìm đến Tổng Cửu (Trần Huê Dịch) dòng tộc Trần Đại Tôn làng Trình Phố là người hiểu biết địa lý phong thủy cầu mong sự viện giúp, nửa đường di hài cốt thân phụ trong đêm tối giông gió bão bùng ông đành giấu di cốt thân phụ vào bụi dứa. Sáng sớm ra tìm thì thấy mối đùn thành mộ. Tổng Cửu bảo “thế là điềm lành”...

Từ đường Quận công Phạm Đình Sỹ, thôn Bác Trạch II, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải còn lưu giữ được 4 tấm bia đá khắc chữ Hán Nôm còn khá nguyên vẹn. Trong đó văn bia Quận công người họ Phạm, xã Bác Trạch, tổng Cao Mại, huyện Chân Định do Tiến sĩ Doãn Khuê biên soạn có chép rằng: “Bậc đại trượng phu (ý chỉ Phạm Đình Sỹ) ở đời lập công to dựng nghiệp lớn mà giữ trọn vẹn được trước sau, làm rạng rỡ đời trước để đức cho đời sau thì có ít. Thời vua Lê Cảnh Hưng, thượng tướng là cụ Quận công họ Phạm dấy lên trong lúc phong trần, lại làm nên cái mà người khác khó làm được. Vậy thì sự rèn luyện và chứa góp hẳn có từ gốc vậy… Cụ sinh năm Tân Tỵ (1701), thăng tước Quận công năm Cảnh Hưng 13 (Nhâm Thân 1752). Cụ mất năm Cảnh Hưng 25 thọ 64 tuổi. Thân phụ của cụ được phong là Đô chỉ huy sứ. Thân mẫu của cụ được phong là Tự phu nhân”.

Dân gian xã Bác Trạch thời ấy cho rằng di cốt thân phụ của Phạm Đình Sỹ do mối đùn thành mộ như việc trời định sẵn nên ông phát quan. Cho dù có lời đồn đoán nhưng Phạm Đình Sỹ vốn được sinh ra trong dòng tộc họ Phạm có truyền thống hiếu học ở tổng Cao Mại. Ngọc phả tộc họ còn ghi: “Tổ tông ta từng kế tiếp nhau nhậm chức Hiệu sinh, Giám sinh, dạy toán cửu chương, giữ gìn kỷ cương mực thước, làm Nông trưởng, Chánh thứ bạ hàng tổng, Thủ ngũ, Thủ khoán, Thủ lệ đời đời giáng dụ cố giữ cho dân an cư lạc nghiệp…”. Cơ hội để Phạm Đình Sỹ đầu quân giúp Thượng thư bộ binh Phạm Đình Trọng dẹp yên cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu được triều đình hậu Lê trọng thưởng, trọng dụng bổ làm quan đến chức Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Hữu đô đốc phủ Đô đốc, phụ trách việc quân sự vệ Tứ Thần Vũ cũng là một may mắn có sắp đặt. Bối cảnh lịch sử thế kỷ XVII khi vua Lê chỉ còn là cái bóng ma nhạt nhòa trong triều, chúa Trịnh nổi lên tiếm quyền, khắp nơi kiêu binh của chúa Trịnh làm nhiều việc càn rỡ gây bức xúc trong dân tình. 

Ngọc phả tộc họ Trần Đại Tôn làng Trình Phố chép rằng: Năm ấy, nhằm dịp đầu xuân, làng Trình Phố có lệ thi chọi gà chợ huyện. Vốn là chỗ quen biết thân tình, Phạm Đình Sỹ đến nhà Tổng Cửu chơi, hai ông rủ nhau đi chợ xem chọi gà. Chợ đang đông vui thì một tên kiêu binh của chúa Trịnh va chạm với Tổng Cửu, tên này bất nhã không xin lỗi mà còn văng ra những lời tục tĩu cùng điệu cười khả ố. Vốn tính nóng nảy, Phạm Đình Sỹ lấy ghế hàng nước đánh trọng thương đội kiêu. Thấy cơ sự có thể nguy hiểm đến tính mạng của Phạm Đình Sỹ, Tổng Cửu nói với Phạm Đình Sỹ “Ta xem tướng bác sau này có thể làm nên sự nghiệp hiển hách, nếu bác bị nhà Chúa bắt giam, chịu hình phạt thì uổng phí một đời. Nhà tôi sẵn có tiền của, nếu đem tiền của chạy tội cho bác, có thể gỡ được tội. Nếu mất nhiều tiền vợ con tôi cũng không ân hận gì. Vậy tôi nhận tội thay bác để bác thoát thân mà lập công danh”. Tổng Cửu đóng tiền vào bao tải mang sang Nam Định để chạy tội cho Phạm Đình Sỹ đến ba lần thì cả ba lần đều bị người nhà họ Đỗ bên ngoại cướp mất ở bến đò Mõm Rô. Cuối cùng, Tổng Cửu phải chịu hình phạt của nhà Chúa bên Nam Định. Biết chuyện Tổng Cửu chịu tội thay mình, Phạm Đình Sỹ quyết ra đi rửa hận, ông tìm đến đầu quân cho quan Thượng thư bộ binh Phạm Đình Trọng với mong muốn hiến dâng thân mình dẹp tan cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu và Nguyễn Danh Phương đang gây chấn động triều đình Lê - Trịnh. 

Sử cũ chép Nguyễn Hữu Cầu người làng Lôi Động, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, tục gọi là Quận He. Ông vốn con nhà nghèo học giỏi, tính hay ngạo nghịch tự phụ tài năng của mình xem thường những người đồng lứa gặp lúc chúa Trịnh càn rỡ dân chúng nên nổi loạn. Là kẻ Nho học dũng mãnh hơn người lại táo bạo quyết liệt nên Nguyễn Hữu Cầu khiến quan quân triều đình nhà Lê - Trịnh sợ khiếp vía, kinh hồn. 

Chính sử còn ghi: “Chỉ một mình Phạm Đình Trọng thề quyết chí giết cho bằng được nên triều đình vững lòng dựa vào Phạm Đình Trọng. Phạm Đình Trọng cầm quân có kỷ luật, hễ trận nào Nguyễn Hữu Cầu gặp Phạm Đình Trọng liền bị thua. Các tướng lúc bấy giờ, Nguyễn Hữu Cầu chỉ sợ có Phạm Đình Trọng mà thôi”. Thần thiêng tại bộ hạ, Phạm Đình Trọng là tướng tài triều đình nhưng có trong tay thuộc hạ trung tín, tỳ tướng của ông là Phạm Đình Sỹ dũng mãnh hơn người, giao chiến trăm trận trăm thắng. Năm 1751, nhờ phù ủng của Phạm Đình Sỹ tả xung hữu đột, Phạm Đình Trọng bắt sống được Nguyễn Hữu Cầu ở Hoàng Mai (Thanh Hóa) đóng cũi đem về kinh thành Huế báo công với Trịnh Doanh.

Phạm Đình Sỹ được triều đình hậu Lê trọng dụng, nhớ lại thuở hàn vi được Tổng Cửu nhận tội thay mình nên đã tâu với triều đình nhà Lê minh oan cho Tổng Cửu (tức Trần Huê Dịch). Triều đình nhà Lê truy tặng Tổng Cửu danh hiệu Thí Tướng Sĩ. 

Trong bài minh bia ký do Tiến sĩ Doãn Khuê biên soạn có đoạn: “Ôi! Nguyễn Hữu Cầu là một giặc rất mạnh ở triều Lê, chiếm giữ vùng Đông Bắc chống với quan quân triều đình. Thế giặc lan tràn cả đến vùng Châu Hoan, Châu Ái, lúc ẩn, lúc hiện khoảng 10 năm. Khi thế giặc đương thịnh ở vùng Châu Hoan, Châu Ái, cụ (Phạm Đình Sỹ) lại vâng mệnh vua làm An đốc trấn, đánh giặc ở Phạm Giang rồi tiến tới Mê Sơn, đuổi giặc thẳng tới cửa bể Tiên Lý, lại đuổi giặc ở núi Trùng Điệp, ở Quỳ Lăng, ở Hoàng Mai, Bến Bần, rồi bắt sống được giặc Cầu, thực là oanh liệt. Do đó, cụ được xếp bậc công thần, được phong chức tước, được ban ruộng thế nghiệp ở 30 xã với tổng số ruộng 650 mẫu. Cụ là tướng lĩnh đứng đầu thời bấy giờ”.


Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Thật hiếm có gia đình thời bấy giờ ba cha con đều là trọng quan của triều đình. Viêm quận công Phạm Đình Sỹ có ba người con trai, con trưởng là Phạm Đình Y được phong là Anh liệt tướng quân, Đô chỉ huy sứ Y thọ hầu, giữ chức Hiệp trấn Tuyên Quang. Khi mất được phong Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Tham đốc. Con trai thứ hai là Phạm Trần Thiện năm đầu Chiêu Thống làm Binh bộ Hiệu lý, Đề đốc Tứ vệ Ngự doanh Lân Dương hầu, vì có công phò tá Lê Chiêu Thống được liệt vào hàng bề tôi tiết nghĩa của nhà Lê. Con trai thứ ba được phong làm Hoàng tín đại phu.
Bà Nguyễn Thị Hiên, 82 tuổi, cháu dâu Viêm Quận công Phạm Đình Sỹ, trông coi từ đường, thôn Bác Trạch II, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải

Ngôi từ đường Viêm Quận công hiện nay cũng là nhà ở của cụ Phạm Đình Sỹ. Gọi là nhà thờ họ nhưng dòng họ Phạm ở Bác Trạch vốn là kiệt liệt nên thuở khởi thờ vinh công khởi nghiệp từ đường to hơn đình làng các xã bậc trung trong huyện. Đây từng là nơi ở của Phạm Quận công, Ý Thọ hầu, Lân Dương hầu; Đề đốc từ vệ Thần Vũ, Phụ quốc Thượng tướng quân, Tuyên lực công thần, Viêm Quận công đến các công tử thành danh như: Anh liệt tướng quân, Đô chỉ huy sứ, Hiệp trấn Ý Thọ hầu Phạm Đình Y; Lê triều tiết nghĩa công thần Lân Dương hầu Phạm Trần Thiện và các thế hệ cao tổ, tằng tổ trong họ…
Cựu chiến binh Phạm Xuân Đài, 72 tuổi, hậu duệ đời thứ 11 Viêm Quận công Phạm Đình Sỹ, thôn Bác Trạch II, xã Vân Trường, huyện Tiền Hải


Con cháu Viêm Quận công Phạm Đình Sỹ đến đời tôi là thứ 11, gia phả của dòng họ Phạm làng Bác Trạch không ghi rõ nguồn cội nhưng các cụ truyền lại từ thời nhà Hồ (thế kỷ XV) dòng họ chúng tôi đến Bác Trạch khai hoang, mở đất. Đời vua Lê Thánh Tông khi lập khoán ước giữa ba làng Bác Trạch, Phương Trạch và Quân Bác đã xác định họ Phạm, họ Nguyễn, họ Lương là những tiên công mở đất ở vùng Tiền Châu này. Riêng họ Phạm chúng tôi ba đời cần mẫn làm việc nhà, mỗi khi cửa bể, bến sông nào của dân bị ngập lụt đều có biểu tấu trần tình lên vua ngự lãm. Vua đều có sắc chỉ sai quan Cai áp về đốc xuất coi đê đắp đường…

Quang Viện

  • Từ khóa