Lời thì thầm từ biển
- Vào các đời Quang Thái (1388 - 1398), Kiến Tân (1398 - 1400) các vua Trần chỉ còn là cái bóng nhạt nhòa của quân bài chính trị trong tay Hồ Quý Ly. Chèo chống con thuyền triều mạt Trần giỏi như Đại tư đồ Trần Nguyên Đán cũng không còn đủ sức xoay chuyển tình thế đành lui về ở ẩn trên đỉnh Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) để đêm ngày nằm nghe thông hát. Còn cháu ruột Đại tư đồ Trần Nguyên Đán là Trần Nguyên Áng cũng nhanh chóng rời xa chốn cung đình đầy cạm bẫy chạy về bờ biển Chân Lợi (Tiền Hải nay) bỏ công sức khai phá vùng đất bãi bồi Bạch Xa (Cồn Trắng), nay thuộc xã Vân Trường, huyện Tiền Hải tự đổi sang họ Nguyễn để tránh bị hãm hại. Nguyễn Công Áng liên kết chặt chẽ với dân chài vùng cồn Bạch Xa tích cực cải tạo cồn cát và đầm trũng lập nên 3 xã là Bác Trạch, Phương Trạch và Quân Bác.
Trải mấy trăm năm mà biển Bạch Xa ngày ấy vẫn thầm thì kể mãi câu chuyện đầy bi ai về vương triều Trần từng ba lần đánh tan quân Nguyên - Mông bạo tàn vậy mà quyền lực vương triều bỗng chốc lại rơi vào tay quan đại thần Hồ Quý Ly. Cũng giống như một số hoàng thân, quốc thích khác Trần Nguyên Áng về Chân Lợi phải mai danh ẩn tích, đổi họ. Thư tịch cổ ở còn lưu sót lại ở Phương Trạch, Quân Bác và Bác Trạch còn ghi: “Nay phải diễn giải làm mẫu và răn dạy hễ nhà nào giữ điền sổ, điền bạ thì chớ có để lộ tổ tông mình trong ấy…”. Sóng biển Chân Lợi rì rầm kể câu chuyện lịch sử vẫn còn rỉ máu lưu đến nhiều đời sau, kể rằng: Đại tư đồ Trần Nguyên Đán (ông nội của Trần Nguyên Áng và là ông ngoại của Nguyễn Trãi) nhìn thấy nguy cơ triều Trần mất ngôi và rơi vào tay gian thần Hồ Quý Ly, ông bèn tính kế giữ thân xin về trí sĩ ở Côn Sơn (Hải Dương) vào năm Ất Sửu (1385) khi vừa tròn sáu mươi tuổi. Sử cũ chép Hồ Quý Ly, tên thật là Lê Quý Ly, tự là Lý Nguyên, sinh năm Ất Hợi (1335) ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Đông, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) thực sự là một quyền thần thao túng mọi hoạt động triều chính. Trước đó, hai bà cô ruột (cũng là hai chị em ruột) của Lê Quý Ly (sau đổi thành Hồ Quý Ly) đều là Hoàng phi của vua Trần Minh Tông. Bà Minh Từ sinh ra vua Trần Hiến Tông và vua Trần Nghệ Tông, còn bà Đôn Từ thì sinh ra vua Trần Duệ Tông. Sau, con gái của Hồ Quý Ly lại là Hoàng hậu của vua Trần Thuận Tông. Em gái họ của Hồ Quý Ly lấy Trần Duệ Tông, sinh ra Trần Phế Đế. Đó là chưa nói bản thân Hồ Quý Ly cũng lấy Công chúa Huy Ninh là con gái của vua Trần Nghệ Tông.
Theo các nguồn khảo luận, bối cảnh triều mạt Trần cuối thế kỷ XIV, trải 115 năm trị vì ngôi báu từ Trần Thái Tông (1225 - 1258) và các đời vua đầu triều Trần với những chiến công rực rỡ trong lịch sử ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông bạo tàn gây dựng cơ đồ quốc gia Đại Việt hùng mạnh, đến đời vua Trần Dụ Tông (1341 - 1369) nhà Trần bắt đầu suy vi. Vì không có con nối dõi nên trước khi mất (1369) vua Trần Dụ Tông đã nhường ngôi cho người khác họ là Dương Nhật Lễ điều đó khiến tôn thất nhà Trần phải toan tính việc lật đổ. 17 tháng sau cuộc chính biến lật đổ thành công Dương Nhật Lễ bị phế truất ngôi vua. Cung Định vương Phủ con của Thượng hoàng Trần Minh Tông lên ngôi đó chính là vua Trần Nghệ Tông. Vua Trần Nghệ Tông là người nhu nhược, không quyết đoán. Những lần quân Chiêm Thành tấn công ra Bắc dù kinh thành chưa bị uy hiếp nhưng vua đã cho tẩu tán tài sản vàng bạc và bỏ chạy. Làm vua được hai năm, tháng 11 năm Nhâm Tý (1372) vua Trần Nghệ Tông nhường ngôi cho Trần Duệ Tông. Trần Duệ Tông là vị Hoàng đế cuối triều Trần có dũng võ và mong muốn khôi phục vị thế Đại Việt vốn đã suy yếu bởi vua Trần Dụ Tông. Điều đáng tiếc Trần Duệ Tông là người chủ quan, tự kiêu, tự phụ trực tiếp cầm quân đánh sâu vào tận kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành, coi thường Chiêm Thành là nhược tiểu nên đã bị mắc lừa và tử trận. Gia Từ hoàng hậu (vợ của Trần Duệ Tông) cùng ba công chúa là Quý Minh công chúa chạy về làng Thượng Liệt (xã Đông Tân, Đông Hưng nay), công chúa Bảo Hoa về thôn Trung Liệt (xã Thái Giang, huyện Thái Thụy nay), công chúa Quang Ánh về thôn Quài Miễu (nay là thôn Thanh Miếu, xã Thái Sơn, huyện Thái Thụy) còn bà Gia Từ hoàng hậu về làng Trình Nhất, xã An Ninh, huyện Tiền Hải lập am tu Phật pháp. Thái tử Trần Hiện được Thái Thượng hoàng Trần Nghệ Tông giữ lại kinh thành Thăng Long. Từ khi Trần Duệ Tông tử trận, cứ mỗi lần quân Chiêm bắc phạt là Thượng hoàng Trần Nghệ Tông lo sợ cùng Hồ Quý Ly bỏ chạy. Trần Nghệ Tông dựng Trần Hiện con của Duệ Tông lên ngôi lấy tên là Trần Phế Đế. 30 năm sau kể từ khi Dụ Tông qua đời (năm 1369) nhà Trần hoàn toàn thất sủng, ngôi báu rơi vào tay gian thần Hồ Quý Ly. Tìm nguyên nhân làm nhà Trần (1226 - 1400) chỉ thịnh vượng giai đoạn đầu và suy vi nhanh chóng giai đoạn giữa chính là tục cha nhường ngôi cho con khi còn sống để làm Thái thượng hoàng. Bên cạnh đó là tục nội hôn (kết hôn trong nội tộc) nhằm mục đích củng cố địa vị vương tộc nhưng đó là căn nguyên làm cho triều chính thêm rối ren. Từ khi Trần Minh Tông lên cầm quyền (1314) nhà Trần bước vào thời kỳ rối ren, suy yếu. Đây chính là cơ hội ngàn vàng để Hồ Quý Ly tham dự và thao túng triều chính rồi cướp ngôi nhà Trần. Hồ Quý Ly dựa vào hai bà cô ruột đều là hoàng hậu nhà Trần, bản thân Hồ Quý Ly lấy con gái Trần Nghệ Tông nên có điều kiện can thiệp sâu vào chính trường triều đại nhà Trần. Để lấy lòng Thượng hoàng Trần Nghệ Tông, Hồ Quý Ly đã rập đầu thề rằng: “Nếu thần không biết dốc lòng trung, hết sức giúp Quan gia để truyền đến con cháu về sau thì trời sẽ ghét bỏ thần” (Đại Việt sử ký toàn thư chép). Rồi Hồ Quý Ly dựng Trần Thiếu Đế làm vua được sử sách coi là đoạn chót trong việc thực hiện nội dung lời thề của ông với Thượng hoàng Trần Nghệ Tông vào tháng 4 năm Giáp Tuất (1394). Nhưng khi soán ngôi, Hồ Quý Ly lại ra tay thanh trừng, trấn áp tìm cách loại bỏ ảnh hưởng của nhà Trần bằng các hình thức khác nhau đặc biệt là diệt trừ lúc ngấm ngầm, khi công khai các nhân vật thuộc hoàng thất nhà Trần.
Dã sử chép khi mới soán ngôi nhà Trần, Hồ Quý Ly thường mượn cớ đi tuần thú để truy tìm, dò xét con cháu nhà Trần để bắt giết. Bấy giờ nhiều hoàng thân, quốc thích họ Trần đã thay tên đổi họ nhằm tránh họa sát thân, trong đó có Trần Nguyên Áng, cháu ruột Trần Nguyên Đán phải chạy về vùng Chân Lợi đổi thành họ Nguyễn Công. Nhờ sự đùm bọc, chở che của ngư dân vùng Cồn Trắng, Nguyễn Công Áng đã gây dựng thành công sự nghiệp khai hoang, lấn biển và lập nên ba xã Bác Trạch, Phương Trạch và Quân Bác (nay thuộc xã Vân Trường, huyện Tiền Hải).
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ông Nguyễn Văn Phung, Chủ tịch UBND xã Vân Trường, huyện Tiền Hải Ông Nguyễn Quang Hà, công chức văn hóa xã Vân Trường, huyện Tiền Hải |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh