Chủ nhật, 10/11/2024, 05:38[GMT+7]

Thánh nương Bái Thượng

Thứ 2, 01/07/2019 | 09:59:10
5,709 lượt xem
Cụm đình, đền, chùa Bái Thượng, thuộc làng Bái Thượng, tổng An Tiêm, phủ Đông Quan (nay là thôn Bái Thượng, xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy) vẫn duy trì nghi lễ thờ tứ vị thánh nương (còn gọi là Tứ vị Đại càn thánh Mẫu), nghi lễ độc đáo trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Cụm di tích đình, đền, chùa Bái Thượng, xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy.

Truyền ngôn rằng ngày xửa ngày xưa vào một năm nọ, mưa to gió lớn, nước lũ tràn về, đê vỡ, làng Bái Thượng chìm trong biển nước, triều đình hô hào dân trong vùng ra đắp đê chặn lũ nhưng bao công sức trôi theo dòng nước đành lập đàn tế lễ xin thần linh phù trợ. Bỗng thấy 2 con rắn trắng nổi lên giữa dòng nước xoáy bên cạnh có bốn cái nón. Nước chảy xiết mà nón không chìm, không trôi theo dòng nước mà cứ quẩn lại đoạn đê vỡ. Dòng xoáy hẹp dần dân mới hàn khẩu đoạn đê bị vỡ… Dân gian cho rằng đó là vong linh của “Tứ vị thánh Mẫu” ứng nghiệm giúp dân chặn dòng nước xiết…

Cụm đình, đền, chùa Bái Thượng, thuộc làng Bái Thượng, tổng An Tiêm, phủ Đông Quan (nay là thôn Bái Thượng, xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy) vẫn duy trì nghi lễ thờ tứ vị thánh nương (còn gọi là Tứ vị Đại càn thánh Mẫu), nghi lễ độc đáo trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt. Theo các bậc đại lão, làng Bái Thượng thời nhà Lý (thế kỷ XI - XII) vẫn là dải đất sát biển Đông với những đụn cát lớn nổi lên. Thời Trần vùng đất Bái Thượng nằm trong tuyến phòng thủ chiến lược của quân đội nhà Trần góp phần ba lần đại thắng quân Nguyên - Mông.

Trong chuyến điền dã mới đây về làng Bái Thượng, xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy tìm hiểu về nghi lễ thờ tứ vị thánh nương hay còn gọi là “Tứ vị Đại càn thánh Mẫu” nhóm nghiên cứu văn hóa dân gian chúng tôi được cụ Nguyễn Văn Nơi, sinh năm 1937 ở làng Bái Thượng cho biết: Thời kỳ Pháp thuộc, làng bị giặc Pháp đốt phá do vậy nhiều thư tịch cổ, bia đá ghi thần phả, thần tích… bị hủy hoại nên tư liệu lịch sử ghi chép về di tích đình, đền, chùa… hầu như không còn. Các nghi lễ tôn thờ Tứ vị Đại càn thánh Mẫu chỉ còn trong tiềm thức dân gian nhất là nghi thức tế Nam quan đang mai một, có nguy cơ mất hẳn. 

Tìm trong sách “Lĩnh Nam chích quái” chúng tôi thấy sách ghi: “…một dải từ Kinh kỳ, phố Hiến đến cửa biển một thời đông vui “phú thương ngoại quốc tới buôn bán tấp nập, thờ Tiên Dung, Chử Đồng Tử làm chúa” với phố xá… các chợ làng biển. Bấy giờ, nhà nước phong kiến quy định thuyền buôn ngoại quốc và thuyền buôn các vùng trong cả nước về trao đổi hàng hóa ở vùng kẻ chợ/kinh đô phải dừng ở vùng này, cách xa Thăng Long để giữ an toàn cho kinh đô”.

Xét về mặt địa lý, làng Bái Thượng thuộc lưu vực của ba dòng sông đổ ra biển Đông là sông Trà Lý, sông Diêm Hộ và giao hòa sông Hóa, sông Thái Bình. Thời Trần gọi đây là cửa Đại Bàng gắn liền với những chiến công hiển hách của quân đội nhà Trần. Nhưng điều đáng quan tâm vì sao đền Bái Thượng lại thờ tứ vị thánh nương. Theo truyền ngôn thuở ban đầu xuất phát từ tình cảm thương xót của người dân ven biển đối với thân phận bi thương của Hoàng thái hậu nhà Tống chết trôi dạt trên biển được các bậc đế vương phong thần hộ mệnh sông nước.

 Lục vấn cảo thơm thấy ghi Đại càn thánh Mẫu hay bà Đại càn, tước hiệu là Đại Càn Quốc Gia Nam Hải tứ vị thánh nương. Sự tích về Đại càn thánh Mẫu được tiến sĩ Sùng Nham Hầu Dương Văn An chép trong “Ô châu cận lục” (Trích trong Dương Văn An (1553), Ô châu cận lục - Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính và chú giải, Hà Nội, NXB Giáo dục Việt Nam, năm 2009, trang 95 - 97) nội dung như sau: “Xét trong Bản truyện thì phu nhân họ Triệu, công chúa của nhà Nam Tống. Tứ vị thánh nương gồm mẹ và ba người con, phu nhân là con gái út. Năm Thiệu Bảo nguyên niên đời nhà Tống là Trần Quang Tôn (thời kỳ Bắc thuộc). (Bấy giờ) Tống Đoan Tông chạy ra một hòn đảo ngoài biển rồi bị bệnh mất. Thừa tướng Thiên Tường bị bắt, Lục Tú Phu nhảy xuống biển tự tử, Thế Kiệt bị chết đuối, số người chết kể cả tôn thất cùng với quan lại và nhân dân đến hơn một vạn. Phu nhân cùng mẹ và hai người chị vớ được một tấm ván thuyền, dạt vào một ngôi chùa ở một bờ biển, đói khổ buồn bã. Nhà sư trông thấy cảm thương bèn cho ăn và bảo dưỡng mấy tháng liền. Bốn mẹ con được nhàn hạ và no đủ nên thân thể hồi phục, dung mạo đẹp đẽ lạ thường, nhà sư trong chùa thấy thế sinh lòng tà dâm, đêm đến hỏi xin thông dâm với phu nhân. Phu nhân giữ tiết nên quyết cự lại. Nhà sư ngộ ra, lấy làm xấu hổ, bèn nhảy xuống biển trẫm mình. Mẹ con phu nhân cùng khóc mà than: “Mẹ con ta đội ơn nhà sư cứu vớt nuôi dưỡng nên mới bảo toàn được tính mạng, nay nhà sư lại vì ta mà trẫm mình chết, vậy thì ta còn có thể sống được hay sao”. Nói rồi mẹ của phu nhân lao xuống biển, lúc ấy phu nhân và các chị cũng tự trẫm theo. Thi thể trôi dạt đến ven biển nước Việt ta. Nhân dân thấy thi thể không hư tổn, bèn nói với nhau bên kia bờ biển hiểm yếu sao mà trôi mấy ngàn dặm, áo quần, dung mạo xinh đẹp lạ lùng vẫn như người còn sống. Họ cho là thần, vội chôn cất cẩn thận rồi lập đền thờ cúng. Từ đó, phàm là thuyền buôn bán gần xa, hễ gặp phong ba là vội khẩn khoản cầu khấn và chỉ trong phút chốc quả nhiên được bình an. Đến nay các cửa biển đều lập đền thờ cúng tế. Đây là vị phúc thần linh thiêng nhất của Nam Hải vậy. 

Tìm hiểu về sự hiển linh của tứ vị đại càn, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Hưng Long thứ 19 (1311), mùa đông, tháng 12, vua thân đi đánh Chiêm Thành vì chúa nước ấy là Chế Chí phản trắc. Hưng Long thứ 20 (1312), mùa hạ, tháng 5, đến cửa biển Càn Hải (có ý kiến cho rằng cửa Đại Bàng) đóng quân lại, đêm mơ thấy một thần nữ khóc lóc nói với vua: “Thiếp là cung phi nhà Triệu Tống, bị giặc bức bách, gặp phải sóng gió, trôi dạt đến đây. Thượng đế phong thiếp làm thần biển đã lâu. Nay bệ hạ mang quân đi, thiếp xin giúp đỡ lập công. Tỉnh dậy, vua cho gọi các bô lão tới hỏi thực hư, cho tế, rồi lên đường. Biển vì thế không nổi sóng. Quân nhà vua tiến thẳng tới thành Đồ Bàn, bắt được chúa Chiêm đem về… Tháng 6, vua từ Chiêm Thành về (đến kinh đô)... lập đền thờ thần ở cửa biển Càn Hải, sai hữu ty bốn mùa cúng tế”. Theo ý kiến của nhiều sử gia và các nhà nghiên cứu cho rằng xã hội phong kiến người dân đức tin tuyệt đối vào lực lượng siêu nhiên như thánh, thần… vậy nên nghi thức thờ tứ vị thánh nương ở một làng quê cửa biển là lẽ thường tình. Còn đối với triều đình lúc bấy giờ biết dựa vào dân với đức tin tuyệt đối là một biện pháp chính trị khôn ngoan. Câu chuyện về giấc mơ của nhà vua về tứ vị thánh nương đến giúp xuất quân thắng trận chính là cách nhà vua muốn truyền thông điệp đến các tướng lĩnh, quân binh rằng chuyến chinh phạt này không những được bách thần trong nước phù trợ mà còn được cả các vị thần đế vương, hoàng thái hậu ngoài nước trợ giúp, tất yếu sẽ giành chiến thắng. Đó là giá trị sức mạnh tinh thần cổ vũ tướng sĩ dấn thân vào trận.

Tứ vị thánh nương được các triều đình phong kiến ban tặng nhiều sắc phong ghi nhận công trạng và tôn vinh: “Đại càn quốc gia Nam Hải tứ vị thánh Mẫu” đồng thời cấp tiền bạc xây dựng đền thờ dọc cửa biển nhờ đó mà uy danh tứ vị thánh nương trở nên linh thiêng trong tâm thức của người dân đất Việt, trong đó có người dân làng Bái Thượng.

Ông Đàm Xuân Lượng, Chủ tịch UBND xã Thụy Phúc, Trưởng ban quản lý di tích lịch sử văn hóa cụm đình, đền, chùa Bái Thượng (xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy)

Xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy đã được công nhận xã nông thôn mới, năm 2019 xã phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Thụy Phúc luôn đặt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của cụm di tích đình, đền, chùa Bái Thượng. Nhằm phát huy giá trị lịch sử văn hóa của di sản, UBND xã chỉ đạo quản lý tốt hoạt động tín ngưỡng, quy mô lễ hội tổ chức 3 năm một lần; quy hoạch diện tích đất và đề nghị UBND huyện Thái Thụy cấp sổ đỏ cho di tích.

Cựu chiến binh Vũ Đình Hiến, Trưởng thôn Bái Thượng, Phó Trưởng ban quản lý di tích lịch sử văn hóa cụm đình, đền, chùa Bái Thượng (xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy)

Ngay sau khi có nghị định phân cấp quản lý, di tích lịch sử văn hóa được giao về cho thôn quản lý, chúng tôi luôn ý thức phải bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa đi đôi với giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho các thế hệ người dân làng Bái Thượng.

Ông Nguyễn Văn Nơi, 82 tuổi, đại diện di tích lịch sử văn hóa cụm đình, đền, chùa Bái Thượng (xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy)

Đền Bái Thượng thờ “Tứ vị đại càn thánh Mẫu” có nhiều trò diễn xướng dân gian đặc sắc. Hiện nghi lễ tế Nam quan trong lễ hội đền Bái Thượng đã được phục hồi, tuy nhiên vẫn có nguy cơ mai một do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.


Quang Viện