Thứ 7, 23/11/2024, 12:38[GMT+7]

Thái Bình với sự nghiệp dựng nước Đại Cồ Việt hai triều Đinh - Lê

Thứ 3, 09/07/2019 | 16:20:55
7,408 lượt xem
Nếu như chiến thắng năm 938 trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền chấm dứt hơn một ngàn năm nước ta bị phong kiến phương Bắc xâm lược và đô hộ thì việc Đinh Bộ Lĩnh xưng Đế và lập nước Đại Cồ Việt là sự khẳng định độc lập chủ quyền của nước ta, sự lớn mạnh của dân tộc ta. Trong chiến công ấy có sự đóng góp to lớn của đất và người Thái Bình.

Đền thờ Đàm Thái hậu tại thôn Lộc Thọ, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà.

Ngày 21 tháng 4 năm 2018 tỉnh Ninh Bình đã tổ chức kỷ niệm 1050 năm ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế, lập nước Đại Cồ Việt (968 - 2018). Nếu như chiến thắng năm 938 trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền chấm dứt hơn một ngàn năm nước ta bị phong kiến phương Bắc xâm lược và đô hộ thì việc Đinh Bộ Lĩnh xưng Đế và lập nước Đại Cồ Việt là sự khẳng định độc lập chủ quyền của nước ta, sự lớn mạnh của dân tộc ta. Nhà nước Đại Cồ Việt của hai triều Đinh - Lê tồn tại hơn 30 năm (968-1009). Trong chiến công ấy có sự đóng góp to lớn của đất và người Thái Bình.

Thái Bình nơi tựa dựa để Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn đánh dẹp, thu phục 12 sứ quân, lập nước Đại Cồ Việt.

Các vua Đinh và Tiền Lê đã từng dựa vào Bố Hải Khẩu (Thái Bình nay), tựa dựa vào sứ quân Trần Lãm để thu phục hoặc đánh dẹp các sứ quân khác.  Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Bấy giờ trong nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thân thuộc vào ai. Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng Trần Minh Công là người có đức mà không có con nối, bèn cùng với con là Liễn đến nương tựa. Minh Công thấy Bộ Lĩnh dung mạo khôi ngô lạ thường, lại có khí lượng, mới nuôi làm con, ơn yêu đãi ngày càng hậu, nhân đó giao cho coi quân, sai đi đánh các hùng trưởng khác, đều thắng được cả” (Sđd tập I trang 208 Nxb KHXH-1998).

Ngoài ghi chép của sử nước, qua sự tích về Đống Bo, dân gian Thái Bình kể:  “Bấy giờ ở sách Hoa Lư có Đinh Bộ Lĩnh, con trai của tướng quân Đinh Công Trứ dấy binh hùng cứ một phương nhưng không đủ sức thôn tính các sứ quân khác. Biết tin Trần Minh Công là bậc nhân hậu, làm chủ Kỳ Bố Hải Khẩu, dân đông, quân mạnh, lại không có con nối nghiệp, liền cùng con trai và các gia tướng đến nương nhờ Trần Minh Công, tôn Minh Công làm dưỡng phụ. Minh Công từng nghe Bộ Lĩnh sức địch trăm người, để thử tài, Minh Công giao cho Bộ Lĩnh phải đắp xong một đàn thề trong đêm để sáng sau làm lễ thề phụ tử. Quả nhiên như có phép thần giúp: vai vác, tay sách, một đêm tự đắp nổi nền đàn cao một trượng. Minh Công rất cảm phục, liền bàn với em Trần Thăng: “Tổ phụ ta nối đời lấy đức làm trọng, lấy canh nông làm gốc... Thiên hạ là của trăm họ, ai có tài đức được thiên hạ thuận theo. Ta đã già, còn đệ không kham nổi việc lớn. Giữ quyền mà không lo được cho thiên hạ thái bình, quốc gia loạn mãi là tội lớn. Ta muốn trao quyền cho Bộ Lĩnh. Nói rồi liền giao hết binh quyền cho Bộ Lĩnh”.  

Đinh Bộ Lĩnh được Trần Minh Công giao binh quyền, lại được nhiều thủ lĩnh ở Thái Bình hưởng ứng, khi các tướng súy qua đời, dân lập đền thờ tôn làm thần, trải hơn ngàn năm,  nay đền miếu ấy vẫn. Đó là Tứ vị Quốc công họ Đinh ở làng Tầu, Đọ (Đông Sơn, Đông Hưng), bốn cha con Phạm Trù ở xã Lập Bái (Kim Trung), bốn anh em họ Trịnh ở xã Việt Yên (Điệp Nông), Vạn Thắng vương Nguyễn Phúc (Duyên Hải), bốn anh em họ Bùi (Độc Lập), Phạm Hương Quan (Thống Nhất)… Hưng Hà, Thủy đạo tướng quân Nguyễn Hãng (Quang Lang, Thụy Hải, Thái Thụy), Đỗ Tử Minh đại vương (Tô Hải, An Mỹ), Hùng Công, Dũng Công (Cam Mỹ, An Ấp)… Cừ Hải (An Ký, Quỳnh Minh), Phạm Đình, Phạm Thanh, Phạm Hoài (Quỳnh Giao)… Quỳnh Phụ. Dương Đường Bộc (Minh Lãng, Vũ Thư)… Khi Đinh Bộ Lĩnh được giao binh quyền, cầm quân, quân hướng về đâu, sứ quân nào cũng kinh hãi không địch nổi, hễ giao chiến là toàn thắng. Mười hai sứ quân lần lượt đều đại bại, đảng giặc tán loạn, bốn bể một nhà thấy đâu cũng bình yên.

Sử nước chỉ ghi việc Đinh Bộ Lĩnh làm con nuôi Trần Lãm, “được ưu ái giao cho binh quyền, giao đi đánh các hùng trưởng khác đều bình được cả” còn vua Lê Đại Hành, sử nước chỉ ghi “làm quan nhà Đinh” nhưng trước khi làm quan, Lê Đại Hành đã là gia tướng của Đinh Liễn và khi Đinh Liễn cùng cha đến dựa nhờ sứ quân Trần Lãm thì Lê Hoàn cũng theo chủ tướng mà đến đất này. Ngày nay nhiều xã ở Hưng Hà, Quỳnh Phụ có đền thờ vua Lê Đại Hành và các danh thần nổi tiếng của vua như Phạm Cự Lượng, Đỗ Pháp Thuận, Lưu Ngữ. Nhân dân các xã Chi Lăng, Bắc Sơn, Đông Đô (Hưng Hà), Quỳnh Khê, Quỳnh Ngọc… (Quỳnh Phụ) vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện về việc vua đi chinh phạt sứ quân Phạm Bạch Hổ ở Châu Đằng, có lần thua trận, vua phải cởi bỏ áo mũ, bỏ cả ngựa chạy, được dân cưu mang cứu sống. Ca dao có câu:  Đầu Kênh, mình Nếnh, ngựa Đô Kỳ. Thua liền ba trận còn gì uy danh. Nhờ dân Tạ Xá trung thành. Mà quan Thập đạo nổi danh với đời.  Vì mang ơn với Thái Bình nên khi lên làm vua (980), Lê Đại Hành đã về Kỳ Bố cày ruộng “Tịch điền”, đào sông Bo, cho mở chợ Sơn Đồng để dân buôn bán… công lao của vua được Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ (1860-1908) - Tác giả sách  “Việt Nam sử lược giáo khoa thư” viết trong bài văn tế vua tại đền Sơn Đồng, Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ) có câu:

Cửa Bố cày ruộng tịch điền, bắt được chĩnh vàng

Mở chợ Sơn Đồng cho dân buôn bán

 …Là vua, là thánh

Ban điều phúc lành

Thiên thu còn mãi...

Thái Bình nơi yên nghỉ của mẹ và vợ vua Đinh.  

Tại thôn Lộc Thọ, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà nay còn đền thờ Quốc mẫu Đàm Thị mẹ của vua Đinh, dân gian kể: Khi Đinh Bộ Lĩnh cử tướng Lưu Công, Phạm Thành, Đinh Điền đi thu phục sứ quân Phạm Phòng Át ở Châu Đằng, Thiềm Bà bàn với Trần Minh Công xin cùng đi trợ sức. Sau khi lấy được Đằng Châu trở lại “đồn” Lộc Thọ, Thiềm Bà đột nhiên đổ bệnh. Bệnh tình ngày càng nặng, được nhân dân  tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng vì tuổi cao bệnh trọng, ngày 20 tháng 10 năm ấy bà mất. Đinh hoàng bèn ra lệnh táng bà ở chính sở trong nơi đóng quân thuộc trang Thụy Thú (nay là Lộc Thọ). Lệnh cho chôn sâu một trượng hai thước, lấy đá lấp, thành mặt bằng, dựng miếu ở trên, viết thần hiệu để thờ. Năm Mậu Thìn (968) sau khi bình được thiên hạ, định đô  ở Hoa Lư, lên ngôi Hoàng đế, vua đã dẫn trăm quan văn võ về trang Lộc Thọ, truy phong thân mẫu chức Hoàng Thái hậu, lấy Kim Khố cho xây lại lăng tẩm và miếu đền, cấp đất cho dân Lộc Thọ để lo việc nhang đèn. Lại miễn cho dân trang mọi sưu thuế, tạp dịch để chuyên lo việc cúng thờ Quốc Mẫu. Đền thờ Quốc mẫu nay đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa. Tại thôn Phù Lưu, xã Đông Sơn, huyện Đông Hưng lại có Quốc Mẫu từ. Sự tích vị thần ở đây được giải thích: Trong cuộc chinh chiến dẹp loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh được bốn anh em họ Đinh ở làng Tầu, Đọ (Đinh Dương Xà, Đinh Uy Linh, Đinh Đại Lộc, Đinh Bắc Phương) giúp sức. Sau khi thu phục được 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên làm vua, bốn anh họ Đinh cùng em gái Đậu Tỉnh về Hoa Lư hội kiến. Tiên Hoàng thấy Đậu Tỉnh xinh đẹp lại có tài, vời vào cùng làm thứ phi, đến khi Đậu Tỉnh sinh hoàng tử, gia phong Hoàng hậu. Sau khi sinh hoàng tử 100 ngày, Hoàng hậu không bệnh tự nhiên mất, hôm đó là ngày 12 tháng 10. Nhà vua thương xót, phong là Đoan trang Trinh thục cẩn tiết Hoàng hậu, cho người về làng Phù Lưu mời lý dịch kỳ hào vào kinh đô Hoa Lư nhận chỉ và rước linh cữu về chôn cất tại quê nhà. Dân làng lập miếu thờ ngay bên lăng mộ, lưu truyền hương hỏa muôn đời. Nơi thờ bà dân quen gọi  "Quốc mẫu từ". Từ đấy dân Phù Lưu được ân đức của người      .

Phạm Minh Đức

(Thành phố Thái Bình)