Thứ 7, 23/11/2024, 12:39[GMT+7]

"Tứ hổ" Thái Bình trong làng tình báo chống Mỹ

Thứ 2, 15/07/2019 | 09:03:23
5,053 lượt xem
Khi nhắc đến những huyền thoại tình báo của Việt Nam thời chống Mỹ, nhiều người đã biết đến ông cố vấn Vũ Ngọc Nhạ quê ở Thái Bình. Nhưng một điều khá lý thú là trong giới tình báo cách mạng Việt Nam thì Thái Bình không chỉ nổi danh với ông cố vấn Vũ Ngọc Nhạ mà còn có khá đông các chiến sĩ tình báo đồng hương.

Khung cảnh phía trước chợ Bến Thành (Sài Gòn) năm 1961. Ảnh tư liệu

Bước đầu, xin điểm danh bốn nhà tình báo quê Thái Bình đáng được coi là tứ hổ trong làng tình báo Việt Nam. Đó là: Anh hùng Vũ Ngọc Nhạ (1928 - 2002), quê làng Cọi, nay là xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư; anh hùng Phạm Quốc Sắc (1918 - 1991), quê xã Phương Công, huyện Tiền Hải; anh hùng Trần Văn Lai (1920 - 2002), quê làng Đông Trì, nay thuộc xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình và nhà tình báo Vũ Hữu Duật (1923 - 2004), quê làng Cau, nay thuộc xã Minh Châu, huyện Đông Hưng.

Thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ là một trong số các huyền thoại của làng tình báo Việt Nam. Thời thơ ấu, ông học tiểu học ở thị xã Thái Bình, sau theo cha vào học ở Huế. Cuối năm 1946, ông về quê tham gia cách mạng, từng là Thị ủy viên thị xã Thái Bình. Tại một hội nghị về chiến tranh du kích ở Việt Bắc vào cuối năm 1953, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã giới thiệu Vũ Ngọc Nhạ với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau đó, chính Bác Hồ đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Vũ Ngọc Nhạ trước khi cài ông “di cư” vào Nam. Để tạo vỏ bọc hoạt động, những năm đầu dấn thân trong làng tình báo, ông đã thường lui tới các giáo xứ Công giáo và chiếm được tình cảm của các chức sắc Công giáo hàng đầu ở đất phương Nam. Năm 1958, do một viên mật thám nhận diện, ông bị bắt giam nhưng không có chứng cứ gì nên được thả tự do vào năm 1961. Từ 1961 đến 1963, ông làm cố vấn cho Ngô Đình Diệm. Sau khi chính quyền Diệm bị lật đổ, Nguyễn Văn Thiệu đã tin dùng Vũ Ngọc Nhạ và ông trở thành cố vấn đắc lực cho nền đệ nhị Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Mạng lưới tình báo Mỹ luôn canh chừng các hoạt động lúc ẩn lúc hiện của Vũ Ngọc Nhạ và chúng đã phát hiện ra tuyến tình báo của ông. Năm 1969, CIA ép Thiệu bắt Vũ Ngọc Nhạ và cụm tình báo A22. Ông bị lãnh án chung thân và bị đày ra Côn Đảo. Tháng 7/1973, trong đợt trao trả tù binh, Vũ Ngọc Nhạ được đưa ra Lộc Ninh với danh xưng là “Linh mục giải phóng”. Năm 1974, Vũ Ngọc Nhạ về Củ Chi xây dựng mạng lưới tình báo chuẩn bị tổng tiến công. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông nghỉ hưu  và làm Trưởng ban liên lạc Hội đồng hương Thái Bình tại Thành phố Hồ Chí Minh đến khi qua đời vào năm 2002. 


So với Vũ Ngọc Nhạ thì anh hùng tình báo Phạm Quốc Sắc có “tuổi tù” Côn Đảo dài hơn và cũng dữ dội hơn và từng được các thế hệ tù chính trị Côn Đảo thời kỳ chống Mỹ tôn vinh là một trong năm ngôi sao sáng của Côn Đảo. Đầu năm 1945, ông hoạt động trong phong trào Thanh niên, làm Trưởng đoàn Thanh niên ga xe lửa Sài Gòn. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia quân đội và hoạt động trong ngành quân báo tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 4/1946, bị địch bắt giam tại bót Catina và khám lớn Sài Gòn. Vì không khai thác được gì nên đến tháng 12/1947, ông được thả tự do. Sau khi ra tù, Phạm Quốc Sắc lại tiếp tục hoạt động trong ngành quân báo. Tháng 7/1948, ông được kết nạp vào Đảng. Tháng 8/1954, được cử làm Phó ban binh vận Sài Gòn - Chợ Lớn. Cuối năm 1955, bị địch bắt và lần lượt đưa vào giam tại các nhà tù ở Chợ Lớn, Ty Đặc cảnh miền Đông, Trung tâm cải huấn Tân Hiệp (Biên Hòa). Tháng 1/1957, Phạm Quốc Sắc bị đày ra nhà tù Côn Đảo đợt đầu tiên cùng với 360 tù chính trị, mở đầu cho việc thực hiện chế độ nhà tù của Mỹ - ngụy ở Côn Đảo. 


Thực hiện âm mưu phân hóa tù chính trị Côn Đảo, kẻ thù đã tiến hành khủng bố, tra tấn, gây sức ép hòng khuất phục tư tưởng chính trị bằng mọi thủ đoạn dã man, hiểm độc, đồng thời với việc lập ra Lao 1 để giam giữ những “phần tử cứng đầu” không chịu ly khai Đảng Cộng sản. Phong trào chống ly khai Đảng Cộng sản của tù chính trị Côn Đảo diễn ra quyết liệt và kéo dài từ năm 1957 đến năm 1964. Trong quãng thời gian đó, hàng trăm đồng chí trung kiên đã hy sinh vì các cực hình tra tấn tàn bạo của kẻ thù. Đầu tháng 4/1960, còn lại 59 chiến sĩ không chịu khuất phục đã bị tống vào “chuồng cọp”, trong đó có ông Phạm Quốc Sắc. Đến giữa năm 1964 chỉ còn lại 5 người, gồm: Nguyễn Đức Thuận, Phạm Quốc Sắc, Phan Trọng Bình, Lê Văn Một và Nguyễn Minh. Các thế hệ tù chính trị ở Côn Đảo đã tôn vinh các ông là “năm ngôi sao sáng Côn Đảo”. 


Giữa năm 1964, sau khi chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm bị đảo chính, do sức ép của dư luận, chính quyền Sài Gòn đã chủ trương “phóng thích” một số tù chính trị cách mạng nhưng với điều kiện phải có người ở Sài Gòn đứng ra bảo lãnh. “Năm ngôi sao sáng của Côn Đảo” đã được tổ chức bố trí sắp xếp để bảo lãnh và đưa về căn cứ Trung ương Cục. Sau ngày giải phóng miền Nam, Phạm Quốc Sắc được phân công về Ban Tổ chức Trung ương làm Thường trực Tiểu ban Bảo vệ Đảng Trung ương. Đến năm 1979 về nghỉ hưu tại Thành phố Hồ Chí Minh và qua đời vào năm 1991. Ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 26/7/2012. Tại thành phố Vũng Tàu và một số địa phương khác đã có đường phố mang tên Phạm Quốc Sắc. 


Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai là một trong những chiến sĩ biệt động lừng danh với “vỏ bọc” Mai Hồng Quế - Năm USOM - ông chủ thầu khoán trang trí nội thất dinh Độc Lập, người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào hầm bí mật, thu gom vũ khí, tổ chức ém quân, vận chuyển vũ khí, dẫn đường cho các mũi tiến công đánh vào dinh Độc Lập, tòa Đại sứ quán Mỹ và một số mục tiêu quan trọng khác vào đêm mùng 2 tết Mậu Thân 1968. Ngay từ tuổi ấu thơ, Trần Văn Lai đã có những tính cách khá dị thường. Vào năm 13 tuổi, Lai rời nhà lên Hà Nội kiếm sống. Sau mấy năm làm thằng nhỏ giúp việc cho các ông chủ người Pháp và người Việt, Trần Văn Lai đã theo dòng người đi mộ phu vào đồn điền cao su Phú Riềng và sớm tham gia hoạt động trong phong trào công nhân cao su ái hữu và ít lâu sau tìm đường vào Sài Gòn hoạt động, nuôi chí, luyện tài làm nên nghiệp lớn. 


Cách mạng Tháng Tám thành công, Trần Văn Lai tham gia quân đội, vào ban công tác I.10, từng tham gia các trận đánh phá hoại sinh lực địch khu bến cảng Lăng Tô trong Tiểu đoàn Quyết Tử 950 do Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Đình Chính quê làng Nguyên Xá, huyện Đông Hưng chỉ huy. Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, Trần Văn Lai được phân công về Sài Gòn - Chợ Lớn làm cán bộ xây dựng cơ sở các nghiệp đoàn quần chúng lao động, củng cố gây dựng cơ sở Phật giáo, xây dựng cơ sở trinh sát cho đơn vị vũ trang biệt động thành… 


Trần Văn Lai đã xuất sắc tạo được “vỏ bọc” ông chủ thầu khoán trang trí nội thất dinh Độc Lập (Phủ Đầu Rồng) của chính quyền Sài Gòn. Từ “vỏ bọc” này ông đã có cơ hội quan hệ với tổ chức viện trợ nhân đạo của Mỹ gọi tắt là USOM và trở thành một nhân vật có thế lực ở Sài Gòn. Ông đã cùng người vợ, người đồng chí, một trong những nữ biệt động kiệt danh là Phạm Thị Chinh (Phạm Thị Phan Chính) sớm hoạt động trong mạng lưới tình báo ở nội thành Sài Gòn. Hai vợ chồng biệt động này đã phối hợp thu thập được rất nhiều tin tức, tài liệu có giá trị cao từ các cơ quan đầu não của Mỹ và chính quyền Sài Gòn để kịp thời chuyển ra khu căn cứ. Tổ chức đã giao cho Trần Văn Lai bán 2 căn nhà và đất của gia đình lấy tiền xây dựng cơ sở hầm chứa vũ khí. Vì đứng ra bảo lãnh hai cán bộ đang bị cầm tù ở Côn Đảo vào năm 1964 để đưa ra cứ nên bà Chinh đã bị bắt tù rồi hy sinh vì những đòn tra tấn hiểm độc của kẻ thù. 


Để chuẩn bị cho chiến dịch tổng tiến công các mục tiêu quan trọng trong nội đô vào tết Mậu Thân 1968, Trần Văn Lai đã cùng người vợ kế là Đặng Thị Thiệp (Đặng Thị Tuyết Mai) đào 1 căn hầm ở 287/70 Trần Quý Cáp, tự vận chuyển về hầm này 3 xe ô tô chở hơn 2 tấn vũ khí đủ loại để chuẩn bị cho mục tiêu đánh dinh Độc Lập và Đài Phát thanh, 1 căn hầm ở gần Bộ Tổng tham mưu (Phú Nhuận) để trú ém và cất giấu 2 xe ô tô. Ngoài 2 căn hầm này, ông Lai còn xây dựng  được nhiều cơ sở trú ém khác trong nội đô Sài Gòn. Đến trước giờ có lệnh tổng tiến công, Trần Văn Lai đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm phục vụ trú ém, gom quân và hướng dẫn đơn vị đến mục tiêu chiến đấu thắng lợi. 


Sau chiến dịch Mậu Thân, tung tích “ông chủ thầu khoán” Mai Hồng Quế bị lộ, Trần Văn Lai phải náu mình chờ móc nối lại với đơn vị cũ, đã tham gia thành lập chi bộ và làm hầm tại nhà băng Anh quốc. Khi cơ sở này bị lộ ông lui về quê vợ ở Quảng Ngãi, từng bị bắt 2 lần, đã giả điên, tiếp tục móc nối để hoạt động. Sau 30/4/1975, Trần Văn Lai được giao nhiệm vụ công tác tiếp quản các cơ sở của Mỹ ngụy bỏ chạy rồi về làm quản lý thương xá Tam Đa, một trung tâm thương mại lớn nhất Sài Gòn do chế độ cũ để lại. Tiếp đó ông lại được phân công nhiệm vụ tham gia truy tìm chiến tích Bảo tàng thuộc Bộ Tư lệnh Thành cho đến năm 1981 thì nghỉ hưu và qua đời vào năm 2002. Đến năm 2015 đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. 

Khu vực quận 5 - Chợ Lớn năm 1969 nhìn từ trên cao. Ảnh tư liệu


Cùng trong một tuyến tình báo với Vũ Ngọc Nhạ là người đồng hương Vũ Hữu Duật. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, Vũ Hữu Duật vốn tham gia cách mạng từ sớm, từng là Thị ủy viên, Trưởng ban Tuyên huấn Thị ủy thị xã Thái Bình. Năm 1954, ông được Trung ương điều động đi làm nhiệm vụ đặc biệt cùng với Vũ Ngọc Nhạ. Tháng 8/1954, gia đình ông và gia đình Vũ Ngọc Nhạ cùng dân di cư xuống tàu Hải Phòng vào miền Nam hoạt động trong lưới tình báo chiến lược H10 - A22. Trong những năm 1958 - 1960, bị mật thám bắt giam ở Huế. Sau khi ra tù, được cài vào làm việc tại Tổng nha cảnh sát chính quyền Sài Gòn. Thời Nguyễn Văn Thiệu, ông là Ủy viên Tuyên huấn Trung ương lực lượng tự do và làm Phó Chủ tịch Đảng Liên minh dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu. Ông là một đường dây quan trọng của Vũ Ngọc Nhạ trong phủ tổng thống chính quyền Sài Gòn. Ngày 16/7/1969, cả lưới tình báo sa vào tay địch, bị đày ra Côn Đảo. Tháng 7/1973, trong đợt trao trả tù binh, Vũ Hữu Duật được đưa ra vùng giải phóng Lộc Ninh. Sau năm 1975, làm Trưởng phòng Bảo vệ Ban Thanh tra Xí nghiệp Liên hiệp Giao thông vận tải 6. Nghỉ hưu năm 1983. 


Tứ hổ của Thái Bình trong làng tình báo chống Mỹ mỗi người có thân thế và sự nghiệp khác nhau nhưng điểm đồng nhất ở họ là đều có chí lớn phi thường và những điều phi thường ở họ đã trở thành huyền thoại. Rồi đây, danh tính của họ rất cần được tôn vinh bằng việc đặt tên các đường phố hoặc các công trình văn hóa để người trong tỉnh, ngoài tỉnh thêm tự hào vì Thái Bình là quê hương của các nhà tình báo vĩ đại. Cũng chính từ tứ hổ Thái Bình trong làng tình báo Việt Nam lại thấy rõ thêm một minh chứng là: Người Thái Bình thành danh, ở đâu cũng có và thời nào cũng có.

Nguyễn Thanh

(Vũ Qúy, Kiến Xương)