Vàng bên sông
Sử cũ ghi: Ngay từ những năm đầu Công nguyên, làng Vàng (xã Đông Phương, huyện Đông Hưng) là vùng đất bãi bồi ven biển có nhiều gò đống nổi lên, cư dân khắp nơi đổ về sinh sống. Năm 40, trước cảnh Thái thú Giao Chỉ là Tô Định (triều đại nhà Hán thế kỷ I) bạo tàn, chém đầu Thi Sách, đàn áp dân lành, Lê Thị Cố, người con gái thục hiền của làng Vàng đã tập hợp nam thanh nữ tú các làng quanh vùng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và trở thành nữ tướng của Hai Bà. Làng có những thiết chế văn hóa cổ thờ các vị thần linh thiêng ở đình Lưu, đền đá Quốc Tuấn, đền Thượng và đền thờ Hai chúa tại khu vực chùa Hầu...
Thuở xa xưa, làng Vàng (nay là xã Đông Phương, huyện Đông Hưng) có tên Nôm là làng Viềng, bây giờ vẫn còn dấu tích địa danh cổ như: đò Viềng, chợ Viềng, miếu Viềng... bên dòng Diêm Hộ gắn bó mật thiết với đời sống dân cư giàu bản sắc văn hóa. Lúc đầu chỉ là bãi bồi tụ bên sông Diêm Hộ, nhưng đất đai màu mỡ, tôm cá dồi dào nên cư dân khắp các vùng đổ về làng Viềng sinh sống, làng trở nên đông vui, sầm uất, trù phú, dân gian gọi là “bãi Bạc, làng Vàng”. Làng Vàng ngày càng trở nên đông đúc, dân dần dần tách làng Vàng thành hai làng, làng “Vàng trên” và làng “Vàng dưới”. “Vàng trên” phát triển đông vui, sầm uất thành xã Hoàng Quan; “Vàng dưới” cũng lớn mạnh không ngừng trở thành xã Hoàng Xá.
Đặc điểm về địa văn hóa phong phú, đa bản sắc rất dễ nhận ra ở làng Vàng từ xưa tới nay chính là do người dân di cư tới đây lập nghiệp từ nhiều vùng miền xa xôi nên nét văn hóa làng Vàng có nhiều đặc trưng nổi bật từ giọng nói, phong tục, tập quán, tín ngưỡng... Mỗi người một hoàn cảnh, số phận tìm đất “bãi Bạc, làng Vàng” sinh sống, những cư dân phiêu bạt đến bãi ven sông này đều đoàn kết, bó bện với nhau. Họ ly tán đến vùng đất màu mỡ này là do các cuộc chiến tranh cát cứ hoặc những xung đột dòng tộc cứ nhằm hướng biển tìm tới gặp dòng sông trù mật với sự hoang dã của vùng đất mới ven biển, họ đã trụ lại làm ăn sinh sống và sinh cơ lập nghiệp, “sinh con đẻ cái, đông đàn, dài lũ”. Làng Vàng từ xưa đã nổi tiếng đa nghề, xuất hiện nhiều bậc thương gia vì có nhiều người là thợ thủ công, ngư phủ, buôn bán... từ nhiều ngả, nhiều xứ xuôi ngược khi qua “bến Bạc, làng Vàng” lưu luyến mà ở lại. Đến thời Lý, dân cư đông đúc và thịnh vượng nhất vùng.
Trong chuyến điền dã về xã Đông Phương, huyện Đông Hưng tìm hiểu về sự lan tỏa của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng đối với vùng đất “ven bờ, cuối bãi” thuộc huyện Chân Định bên dòng sông Diêm Hộ, được sự giới thiệu của ông Nguyễn Thế Xuân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Phương, chúng tôi tìm đến di tích đình Lưu, ngôi đình cổ đã bị hỏa hoạn thiêu rụi hồi cuối năm 2017. Đình cháy khiến những di vật cổ trở thành tàn tích. May thay thần tích về vùng đất vàng bên sông Diêm Hộ vẫn còn lưu giữ trong nhân dân.
Ông Vũ Viết Đác, thôn Trung, xã Đông Phương là một trong những người gắn bó với ngôi đình từ thuở ấu thơ cho chúng tôi xem lại những đoạn video, ảnh chụp ngôi đình trước khi bị hỏa hoạn. Bản (sao chép) thần tích đình Lưu còn lưu giữ ghi rằng: “...sau khi chiếm được Văn Lang, đổi tên nước thành Âu Lạc, Thục phán An Dương Vương mắc mưu Triệu Đà nên để mất nước. Khi đó Vũ Cao Lỗ tướng công và một số trung thần con vua đã cùng ông Đồng phó tướng luyện binh. Được tin vua Thục thua trận rẽ nước xuống Trấn Thủy Phủ, hai ông chỉ còn biết “kêu trời lạy đất” cho quân sĩ trở về. Hai ông cho lui tới địa đầu vùng An Lạc và cho quân nghỉ ở thôn An Vĩnh (nay thuộc xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ), nằm nghỉ trong miếu. Hai ông mộng thấy Thục An Dương Vương thở than và phán rằng: “Thượng đế đã phán xét cho ta được trở lại Lang Cung và truyền phong làm Nam Hải trấn trị hoành hợp các cửa sông để xóa đi cho tội lỗi đã qua vì trước đây hiếu thảo phụng sự Đồng Đình Đại đã có công, ngoài ra hiện thân đã nhận việc là phối hợp với Đông Tây Bắc Hải các vị Long Vương cứu giúp dân nghèo cấy trồng được sinh lợi”. Nghe xong hai ông không thấy bóng dáng Thục phán An Dương Vương đâu mà thấy một vị quan ở cổ miếu An Lạc xuất hiện. Tay trung thần cầm chiếu của Thượng đế trao cho 2 ông, 2 ông đọc tờ chiếu, đọc xong trông lên cũng không thấy vị thần quan đâu, 2 ông liền ra sân lạy tạ Hoàng Thiên và quyết tâm thực hiện lời chiếu. Tiếp từ đó về sau các cửa sông, bờ biển nếu có gió bão, thủy tai dẫn đến đê điều bị phá hủy, các vị thần đã luôn giúp dân trấn trị và hoành hợp thu được kết quả khả quan rất lớn.
Theo các bậc cao niên và thần tích đình Lưu thì nửa đầu thiên niên kỷ I, làng Vàng thuộc vùng đất Tây Quan huyện Chân Định; nửa sau thiên niên kỷ I, thuộc huyện Chu Diên. Đến đời Khúc Hạo làm Tiết độ sứ (907 - 917), làng Vàng thuộc Châu Đằng. Thời Lý (1010 - 1225) và thời Trần (1225 - 1400), làng Vàng thuộc huyện Tây Quan, lộ An Tiêm (lộ An Tiêm gồm 4 huyện: A Côi, Đa Dực, Thái Bình và Tây Quan). Thời thuộc Minh, năm Vĩnh Lạc thứ 13 (1415) huyện Tây Quan nhập vào huyện Thái Bình, Hoàng Quan và Hoàng Xá thuộc huyện Thái Bình phủ Tân An sau là phủ Trấn Man.
Thời Lê, đời Lê Thái Tổ (1428 - 1433) lập lại huyện cũ Tây Quan. Thời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (1469), đổi huyện Tây Quan thành huyện Đông Quan, lấy đất lộ An Tiêm thời Trần lập phủ Thái Bình. Trang sử chống ngoại xâm của nhân dân Hoàng Quan, Hoàng Xá (Đông Phương) được mở ra từ những năm đầu Công nguyên. Trong thời Bắc thuộc, dân Hoàng Quan, Hoàng Xá đã thể hiện tinh thần yêu nước bất khuất, kiên cường, chống lại sự xâm lược và âm mưu nô lệ, đồng hóa của nhà Hán. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa năm 40, Lê Thị Cố (? - 43) là con ông Lê Phụ, quê gốc Phong Châu (tỉnh Phú Thọ), vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông đã về làng Vàng sinh cơ lập nghiệp. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, bà xin phép cha cho về Phong Châu ứng nghĩa, được Trưng Trắc tin dùng, giao trở về quê tập hợp quân nghĩa dũng, bà đã xây dựng căn cứ chống giặc Hán ngay làng Vàng. Rất đông nhân dân trong vùng đã tập hợp dưới ngọn cờ đại nghĩa. Năm Nhâm Dần (42), giặc Hán trở lại xâm lược, tại Hát Giang xảy ra một trận tử chiến, thế cùng, lực kiệt, Hai Bà Trưng nhảy xuống sông tuẫn tiết. Tướng quân Lê Thị Cố bái lạy hồn Trưng Nữ Vương rồi đưa các nghĩa sĩ còn lại vượt sông Nhị Hà về Tây Quan bị Lưu Long, phó tướng giặc truy đuổi đến tận làng Vàng. Lê Thị Cố nói với các nghĩa sĩ: “Bất cam sinh mệnh tướng quân đầu” nghĩa là làm tướng dù có đầu rơi máu chảy cũng không đầu hàng giặc. Nữ tướng Lê Thị Cố đã chiến đấu anh dũng mặc dù trên người không còn một mảnh giáp che thân, bà đã trẫm mình xuống dòng nước trong mát để giữ trọn khí tiết.
Ông Nguyễn Thế Xuân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Phương, huyện Đông Hưng Xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và nay là xã nông thôn mới nhưng rất tiếc vào cuối năm 2017 một vụ hỏa hoạn xảy ra tại đình Lưu đã thiêu cháy ngôi đình đồng thời hủy hoại toàn bộ di vật cổ mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống làng Vàng xưa và lịch sử vùng đất Tây Quan những năm đầu Công nguyên. Đảng bộ, chính quyền xã Đông Phương nói chung và nhân dân thôn Trung nói riêng đang tích cực quyên góp công, của để phục dựng lại ngôi đình bằng bê tông, cốt thép. Ông Vũ Viết Đác, thôn Trung, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng Đình Lưu gắn bó biết bao kỷ niệm từ thuở ấu thơ của tôi. Khi đình cháy, tôi đã khóc. Những đoạn video clip và ảnh chụp của tôi về ngôi đình cổ này cho thấy bức đại tự (đã cháy) treo trang trọng tại gian chính tòa đại bái có khắc bốn chữ “Lưu phương thiên cổ”. Hệ thống rường cột bằng gỗ lim, chạm lõng, bong kênh đủ tùng, cúc, trúc, mai... Đình Lưu thờ Nam Hải Đại Vương (Đức Thành hoàng làng) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng chứng nhận “Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia” năm 1990. Ông Mai Đình Mẫn, cán bộ hưu trí thôn Trung, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng Ký ức về đình Lưu sống mãi trong tôi bởi đây là ngôi đình kiến trúc chạm gỗ độc đáo chỉ đứng sau đình Đông Hồ, xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đình là nơi hoạt động của cơ sở cách mạng chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền (tháng 8 năm 1945) và đình Lưu còn là địa điểm hoạt động (trước năm 1954) của cố Tổng Bí thư Đỗ Mười về chỉ đạo phong trào chống thực dân Pháp càn quét, tàn phá vùng châu thổ sông Hồng. |
Quang Viện
Tin cùng chuyên mục
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Tiếng thơm muôn thuở 06.10.2023 | 08:49 AM
- Kỷ niệm 195 năm thành lập huyện Tiền Hải (1828 - 2023)Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ với cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải 06.10.2023 | 08:50 AM
- Bến phà Tân Đệ: Nơi Đảng kỳ hiên ngang tung bay 02.09.2023 | 07:40 AM
- Côn Đảo - Trường học cách mạng của cả nướcKỳ 1: Chốn "địa ngục" trần gian 17.07.2023 | 14:40 PM
- Phù sa châu thổ 12.12.2022 | 09:04 AM
- Ký ức nụ cười Thành cổ Quảng Trị 15.09.2022 | 22:10 PM
- Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/08/1972- 28/08/2022)Tàu Ô - Xóm Ruộng - “bức tường thép” trên đường 13 22.08.2022 | 15:19 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Các hình thức đấu tranh chống Pháp trước và sau khi thành lập tỉnh Thái Bình 16.03.2022 | 15:21 PM
- Kỷ niệm 132 năm ngày thành lập tỉnh Thái Bình (21/3/1890 - 21/3/2022)Tiền Châu trỗi dậy 15.03.2022 | 09:32 AM
- Rũ áo không để sờn chữ trung 08.11.2021 | 10:00 AM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh