Thứ 7, 23/11/2024, 13:56[GMT+7]

Mộc dạ đề

Thứ 2, 16/12/2019 | 08:58:12
2,067 lượt xem
Miếu bà Chúa Mẫu là nơi tôn thờ mẹ nuôi vua Trần Anh Tông và cũng là địa điểm hoạt động cách mạng của cán bộ huyện Thư Trì, là địa điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thư Trì.

Di tích miếu bà Chúa Mẫu.

Tương truyền, khi vị sư trụ trì chùa Tiểu Long (xã Kim Kê, huyện Chân Định) trăng trối lúc gần viên tịch có gọi mẹ con bà Nguyễn Thị Bảo và Trần Thị Nhuận bán nước ở cổng chùa vốn làm nhiều công quả đến bên rồi nhắn nhủ: “Mẹ con bà thành tâm nơi cửa Phật, bần tăng không có gì báo đáp, nay tặng cho bà quả gỗ, sau này sẽ có duyên phận giúp ích quốc gia”. Trao quả gỗ cho bà Bảo, trước lúc viên tịch, nhà sư dặn: “Khi nào có mộng vua mời thì mang quả gỗ đó để cứu hoàng tử…”. Quả nhiên lời tiên đoán của sư trụ trì thành sự thật, quả gỗ đã giúp hoàng tử Trần Thuyên (vua Trần Anh Tông) hết khóc dạ đề, bà được phong Chúa Mẫu…

Bà Chúa Mẫu (tên thật là Nguyễn Thị Bảo, sinh ra ở ấp Lại Ỷ (nay là thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa), xuân thì bà rất đẹp, nét mặt tươi như hoa, vẻ đẹp như tiên giáng thế. Trăng tròn lẻ bà nên duyên “cầm sắt” với ông Trần Đạo Huấn, con cụ Trần Tướng Công ở xã Vạn Hải, huyện Phú Ninh. Hương lửa mặn nồng, bà Bảo sinh hạ một người con trai khôi ngô, tuấn tú, hai ông bà mừng vui khôn xiết liền đặt tên là Đạo Trí. Đạo Trí lớn lên thông minh hơn người, 12 tuổi đã tinh thông âm luật. Vài năm sau, ông bà sinh thêm một người con gái, tóc dài như suối, mắt phượng, mày ngài, môi thắm hoa ghen… ông bà đặt tên là Nhuận, hiệu là Kim Hoa. Đạo Trí học cao, hiểu rộng đỗ đạt nhưng không ra làm quan mà theo Thiền phái Trúc Lâm tu trên núi Yên Tử, được vua Trần gia phong Trúc Lâm Huyền Quang Tổ. Kim Hoa xinh đẹp, nết na nhiều giai nhân dập dìu nhưng Kim Hoa chẳng màng, chỉ chuyên cần bên mẹ. Hai mẹ con Kim Hoa dựng quán bán nước chè trước cổng chùa Tiểu Long ngày ngày hiến quả cúng Phật ở chùa để tu nhân tích đức.

Truyền ngôn rằng, năm Kỷ Mão 1279, hoàng tử Trần Thuyên, con trưởng vua Trần Nhân Tông đã lên 2 tuổi mà vẫn khóc dạ đề, khóc ròng rã ngày nọ qua ngày kia mà không ai “dỗ” nín được, người Thuyên gày như xác ve. Đại phu ở Thái y viện đều bó tay. Vua Trần lo lắng lệnh cho sứ giả đi khắp nước tìm danh y về triều chữa bệnh cho hoàng tử. Nghe tin hoàng tử Thuyên mắc bệnh khóc dạ đề, nhớ lời sư trụ trì chùa Tiểu Long dặn lúc lâm chung, hai mẹ con bà Bảo vội mang quả gỗ theo sứ giả về Thăng Long vào cung thăm hoàng tử. Trông thấy hoàng tử gầy còm, hình hài tiều tụy gào khóc, bà liền đưa quả gỗ cho hoàng tử chơi, hoàng tử nhìn thấy quả gỗ từ tay bà Bảo liền nắm lấy giữ chặt và thôi không khóc nữa. Hoàng tử nhìn hai mẹ con bà Bảo nhoẻn miệng cười và đưa tay đòi bà Bảo bế ẵm. Các quan trong hoàng cung ngỡ ngàng, bởi bao ngày qua, biết bao danh y nổi tiếng, biết bao bài thuốc quý sắc cho hoàng tử uống nhưng đều vô dụng, không cách nào “dỗ” được hoàng tử thôi khóc, vậy mà chỉ có quả gỗ của bà già “nhà quê” lại làm hoàng tử thích thú, bỏ khóc, bật cười. Hoàng hậu tâu lên vua, vua mừng rỡ mời bà ở lại trong cung làm mẹ nuôi (bà Vú) hoàng tử. Không còn khóc dạ đề, hoàng tử Thuyên được mẹ nuôi chăm bẵm vương tượng. Niên hiệu Trùng Hưng thứ 3 (1287), hoàng tử Thuyên được lập làm thái tử. Năm Quý Tỵ 1293, vua truyền ngôi cho thái tử Thuyên (tức vua Trần Anh Tông), lấy niên hiệu là Hưng Long. Nhưng, ngự ngai vàng quyền lực, vua trẻ Trần Anh Tông lại mắc chứng nghiện rượu. Một lần thượng hoàng Trần Nhân Tông từ Thiên Trường (Nam Định) lên kinh đô thăm vua, Trần Anh Tông say khướt, không ra đón tiếp thượng hoàng. Thượng hoàng Trần Nhân Tông cả giận bỏ về Thiên Trường. Có giai thoại ghi rằng: Khi tỉnh rượu, Trần Anh Tông hốt hoảng, vội ra ngoài cung gặp Đoàn Nhữ Hài, được người này “tư vấn” thảo bài biểu dâng lên thượng hoàng để tạ tội, rồi xuống thuyền đi suốt đêm về phủ Thiên Trường. Thượng hoàng xem biểu, quở mắng một lúc rồi tha lỗi cho ông. Trần Anh Tông được mẹ nuôi chăm sóc, tỉnh ngộ, bỏ rượu chè bê tha, bộc lộ tư chất của bậc đế vương. Trần Anh Tông ngự ngai vàng năm 17 tuổi nhưng giữ vững triều chính kể cả về chính trị, văn hóa, quân sự đến quốc gia đại sự đều tiến triển tốt đẹp. Sử cũ ghi vua Trần Anh Tông chú trọng mở mang việc học, sử dụng người tài, trân trọng các cựu thần đã có công trong hai cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông, thường hỏi ý kiến họ về những việc lớn, những kế sách xây dựng, giữ gìn đất nước. Đồng thời, ông cũng mạnh dạn sử dụng, giao việc cho các nho sĩ trẻ như Đoàn Nhữ Hài, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn. Nhờ vậy, thuở ấy các cựu thần lớp trước vẫn phát huy được khả năng, nhiều nhân tài trẻ tuổi có điều kiện thi thố tài năng. Năm Canh Tý (1300) Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bệnh nặng, vua Trần Anh Tông thân hành đến vấn an sức khỏe, nhân đó hỏi Quốc công về kế sách giữ nước. Trần Anh Tông đã nghe theo kế sách của Hưng Đạo Vương mà bảo toàn quốc gia. Sứ giả nhà Nguyên mấy năm liên tiếp (1293, 1295, 1299) được cử sang Đại Việt, tỏ thái độ hống hách nhưng vua Trần Anh Tông chẳng những không chịu khuất phục mà còn làm cho thượng quốc kính nể. Các sử gia khen vua Trần Anh Tông là “bậc vua tốt của triều Trần”, khéo “nối chí giữ nghiệp”.

Năm Hưng Long thứ 3 (1295), mẹ nuôi Nguyễn Thị Bảo thấy mình già yếu liền ngỏ ý muốn xin nhà vua cho về quê hương ở làng Lại Ỷ. Vua Anh Tông quyến luyến, chẳng muốn xa mẹ nuôi, nhưng chiều ý mẹ nuôi đành để bà hồi hương. Vua Trần Anh Tông phong tôn hiệu cho mẹ nuôi là “Trần Triều Hoàng Thái Hậu”, tiếp đó gia phong cho bà Kim Hoa làm thái phi, phong tôn hiệu “Bảo Từ Vương Công Chúa”, phê chuẩn 1287 mẫu lộc điền thuộc xã Kim Kê, huyện Chân Định sống để lập ấp, chết làm hương hỏa muôn đời, cho dân dọn đường, rước thầy địa lý chọn đất xây cung phủ để mẹ nuôi và một số cung nữ hầu hạ ở cùng. Vú nuôi vua Trần Anh Tông về quê vui cảnh điền viên chẳng được bao lâu thì năm Kim Long thứ 15 (1308) bà lâm bệnh trọng rồi mất. Vua nghe tin buồn bã, sai quần thần cùng vua ngự giá về làng Lại Ỷ lo đại tang, dâng tôn hiệu Hoàng Thái Hậu, truyền chỉ xây lăng mộ phía sau cung phủ, cho sửa sang cung phủ thành miếu thờ Hoàng Thái Hậu, dân gian quen gọi là miếu bà Chúa Mẫu. Khảo tả di tích miếu thờ bà Chúa Mẫu và lăng mộ hiện nay được sửa sang và xây dựng vào đời vua Khải Định (1925) theo kiến trúc “tiền nhất hậu đinh”. Hướng Bắc từ ngoài vào là cổng, kiến trúc dạng tam quan, ở giữa có gác chuông kiểu chồng diêm, mái cong đao đắp hình mây cuốn. Từ tam quan vào đi qua đoạn đường lát gạch tới tòa tiền đường 5 gian, trung đường 3 gian, hậu cung 1 gian và sân 3 gian. Tổng cộng 11 gian gỗ tứ thiết, kèo cột bào trơn đóng bén không chạm trổ. Phía trong là khảm gỗ, chạm trổ tinh vi nơi đặt tượng Hoàng Thái Hậu; hai hương án, một cỗ kiệu bát cống chạm trổ cầu kỳ và đôi câu đối ghi công đức bà vú nuôi vua:

“Công tại hoàng gia, tên ở sử
Tôn làm mẫu hậu, hưởng làm thần”.

Khu di tích lịch sử văn hóa miếu bà Chúa Mẫu, thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư còn là cơ sở hoạt động cách mạng, địa điểm thành lập Chi hội Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên của huyện Thư Trì.

Ông Vũ Ngọc Vĩnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư

Thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Hội Cựu chiến binh xã Tân Hòa thường xuyên động viên cán bộ, hội viên cựu chiến binh tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương. Miếu bà Chúa Mẫu là nơi tôn thờ mẹ nuôi vua Trần Anh Tông và cũng là địa điểm hoạt động cách mạng của cán bộ huyện Thư Trì, là địa điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thư Trì.

Ông Nguyễn Văn Cánh, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư

Hội viên cựu chiến binh thôn Đại Đồng tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống quê hương cho thế hệ trẻ. Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam, mỗi hội viên cựu chiến binh thôn Đại Đồng tự nguyện trồng 30 cây xanh lưu niên góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Cựu chiến binh Lại Văn Hiên, thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư

Ngoài các hoạt động tuyên truyền truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương Đại Đồng, Tân Hòa, hội viên cựu chiến binh chúng tôi cũng rất mong các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương có sự quan tâm, đầu tư tài chính nâng cấp di tích lịch sử văn hóa kết hợp với hoạt động xã hội hóa nhằm bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của di tích miếu bà Chúa Mẫu, mẹ nuôi vua Trần.


Quang Viện

  • Từ khóa