Thứ 7, 23/11/2024, 22:59[GMT+7]

Thái Thụy: Ô nhiễm từ các bãi rác tự phát

Thứ 2, 16/01/2017 | 09:20:42
4,278 lượt xem
Rác thải đổ tràn ra ruộng, chất thành đống ven đường, người dân không có chỗ đổ rác, phải sống chung với ô nhiễm môi trường - đó là thực trạng rác thải ở một số vùng nông thôn huyện Thái Thụy. Đâu là nguyên nhân?

Bãi rác tự phát ở xã Thụy Hải (Thái Thụy).

 

Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, những ngày qua, thực hiện Công điện số 17/CĐ-UBND ngày 13/12/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc xử lý rác thải sinh hoạt, Huyện ủy, UBND huyện Thái Thụy đã tập trung chỉ đạo các địa phương, đơn vị đồng loạt ra quân vệ sinh môi trường từ ngày 20 - 25/12/2016; tổ chức thu gom, xử lý rác thải, trám lấp các bãi rác tự phát; đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường. Tại hai xã Thụy Hải, Thụy Xuân nơi mà nhiều năm nay ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt đã trở thành nỗi bức xúc, ám ảnh người dân địa phương, ngày 25/12/2016, từ các đồng chí lãnh đạo huyện, các phòng, ban, các đoàn thể và nhân dân hai xã đã tổ chức thu gom, xử lý khoảng 20 tấn rác thải sinh hoạt tại 3 bãi rác tự phát đưa về khu xử lý tập trung xã Thụy Trình. Tuy nhiên, chỉ sau đó một tuần, rác thải lại tràn lan, gây ô nhiễm môi trường với mùi hôi thối nồng nặc. Dọc tuyến đê biển số 8 địa phận xã Thụy Hải hình thành rất nhiều bãi rác tự phát, cả người dân và tổ thu gom rác thải của xã đều đổ ra đây. Theo phản ánh của các hộ dân ở thôn Quang Lang, xã Thụy Hải thì mặc dù không phải bãi rác theo quy hoạch của xã thế nhưng người dân nơi đây đang phải gánh chịu trực tiếp hậu quả hôi thối từ bãi rác gây ra. Nước từ bãi rác rỉ ra màu đen ngòm và rất thối. Theo quan sát của chúng tôi, bãi rác có diện tích trên 2.000m2, nhiều đống rác chất cao và đã từ rất lâu. Xung quanh bãi rác nước thải rỉ ra. Chỉ khoảng 10 phút tác nghiệp, người bịt kín mà chúng tôi không thể chịu nổi, vậy những hộ dân sống chỉ cách bãi rác 20 - 30m thì cuộc sống sẽ như thế nào? Được biết, do không có diện tích đất quy hoạch bảo đảm khoảng cách xa khu dân cư 300m theo quy định nên bãi rác này vẫn hoạt động cả chục năm nay, là nơi chứa rác của 2/3 thôn. Còn thôn Tam Đồng do không có bãi rác, không có tổ thu gom rác thải sinh hoạt nên người dân tự xử lý chôn lấp, hoặc đốt tại nhà. Nhiều hộ nhà chật thì đổ ra đường, tiện đâu đổ đó nên trong thôn hình thành nhiều bãi rác tự phát. Ông Nguyễn Dương Luân, Chủ tịch UBND xã Thụy Hải cho biết: Chính quyền địa phương rất đau đầu với vấn nạn ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt. Người dân cũng đã liên tục phản ánh qua các cuộc họp cử tri, UBND xã nhiều lần kiến nghị lên huyện về thực trạng ô nhiễm môi trường từ địa phương mong sớm tìm ra giải pháp. Thế nhưng, tình trạng ô nhiễm ở đây không được cải thiện, do xã không quy hoạch được bãi rác bảo đảm khoảng cách xa khu dân cư 300m theo quy định. Chúng tôi rất mong muốn huyện Thái Thụy có giải pháp để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt tại địa phương. Xã Thụy Xuân với gần 10.000 nhân khẩu cũng đang loay hoay với bài toán rác thải nông thôn. Là xã đất chật người đông, sinh sống chủ yếu bằng nghề biển nên rác thải từ hoạt động khai thác, đánh bắt, chế biến thủy hải sản rất lớn, nặng mùi, khó phân hủy, khoảng 4 tấn/ngày, trong khi xã lại không có khu xử lý rác thải tập trung. Vì vậy, từ nhiều năm nay, người dân Thụy Xuân phải tự đầu tư xe ô tô, thuê người chuyển rác từ địa phương sang Hải Dương xử lý hàng ngày. Người dân phải đóng góp gần 1 tỷ đồng/năm, hộ ít thì vài chục nghìn, hộ nhiều vài trăm nghìn đồng để xử lý rác thải nhưng rác vẫn không được xử lý triệt để, ô nhiễm môi trường từ rác thải, nước thải đang ngày càng trầm trọng.

 

 

Rác thải xây dựng trên tuyến đê biển xã Thụy Xuân (Thái Thụy).

 

Ông Bùi Đức Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy cho biết: Ngay sau khi nhận được Công điện số 17 của Chủ tịch UBND tỉnh, huyện Thái Thụy đã tích cực vào cuộc chỉ đạo. 100% các xã, thị trấn huy động từ 250 - 300 người ra quân thu gom, xử lý rác thải; đồng thời lấy ngày 24 hàng tháng là ngày toàn dân ra quân vệ sinh môi trường. Đến nay đã tổ chức trám lấp gần 60 bãi rác tự phát tại các thôn, thu gom từ 1,5 - 2 tấn rác/xã, góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của nhân dân, cộng đồng về ý thức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên hai xã Thụy Hải, Thụy Xuân do diện tích đất nông nghiệp ít, chủ yếu phát triển thủy hải sản nên không có đất để quy hoạch bãi rác thải tập trung theo quy định nên rất khó khăn, bức bách trong việc xử lý rác thải sinh hoạt và chưa tìm được phương án giải quyết khả thi.

 

Để thực hiện nghiêm Công điện số 17, thời gian tới, UBND huyện Thái Thụy sẽ thành lập các tổ kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các địa phương nhằm phát hiện các bãi rác tự phát để kịp thời trám lấp; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để thay đổi tập quán, thói quen xả rác thải, chất thải tùy tiện của các hộ dân; hướng dẫn người dân tận dụng môi trường vườn, ruộng để xử lý rác thải hữu cơ, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt.

 

Minh Nguyệt

  • Từ khóa