Chủ nhật, 10/11/2024, 16:46[GMT+7]

Tiền Hải phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm

Thứ 6, 03/03/2017 | 15:45:36
1,374 lượt xem
Hiện nay, dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H7N9 đã xảy ra ở một số tỉnh, thành phố trong nước và còn diễn biến hết sức phức tạp. Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, huyện Tiền Hải tích cực chỉ đạo các địa phương tuyên truyền đến người dân chủ động có biện pháp bảo vệ đàn gia cầm, tránh không để dịch cúm xảy ra tại địa phương gây thiệt hại về kinh tế và lây lan sang người.

Các hộ dân chăn nuôi huyện Tiền Hải chủ động không thả rông gia cầm. Ảnh: Mạnh Thắng

Thời gian qua, huyện Tiền Hải đã ban hành các công văn, kế hoạch, tập trung  tuyên truyền, nhất là hướng dẫn các chủ  gia trại, trang trại chăn nuôi tuân thủ quy trình xử lý chuồng trại, chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.

Huyện thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương. Thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về diễn biến tình hình dịch cúm gia cầm. Yêu cầu các địa phương và cơ quan liên quan không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng dịch.

UBND huyện chỉ đạo Trạm Chăn nuôi và  Thú y kết hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ đàn gia súc, gia cầm, thực hiện nghiêm túc quy định về khai báo khi phát hiện dịch bệnh. Thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, nơi tập trung thu mua, giết mổ gia súc, gia cầm. Phát động tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng trên toàn huyện từ ngày 1 - 31/3. Trong đó tập trung khử trùng tiêu độc bằng hóa chất tại các chợ, nhất là các chợ có bán gia súc, gia cầm sống ngay sau mỗi phiên chợ. Đối với trang trại chăn nuôi lớn, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm cần thực hiện các biện pháp xử lý môi trường có sự giám sát của ban chăn nuôi và thú y xã. Khuyến cáo người dân vệ sinh sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm bao gồm cả nơi chăn thả; thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn vùi xuống đất. Phun hóa chất sát trùng toàn bộ khu vực chuồng nuôi và vùng phụ cận 2 lần/tuần hoặc sử dụng vôi bột rắc 1 lần/tuần cho vùng phụ cận. Đồng thời, các hộ chăn nuôi cần bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho đàn vật nuôi để nâng cao sức đề kháng, chủ động tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm cho đàn vật nuôi. Vận động các đoàn thể, người dân cùng tham gia tuyên truyền phòng dịch, giám sát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

Đài truyền thanh cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền về kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Thực hiện “5 không” trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm: không thả rông gia cầm, không mua bán gia cầm mắc bệnh, không giết mổ gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc, không giấu dịch, không vứt xác gia cầm bừa bãi.

Ông Bùi Đức Thanh, Chủ tịch UBND xã Tây Ninh cho biết: Để bảo vệ đàn gia cầm 17.500 con, xã chỉ đạo các thôn tuyên truyền đến người dân thực hiện tốt tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng từ ngày 1 - 31/3 đối với khu dân cư, chuồng trại chăn nuôi, nơi buôn bán gia cầm sống. Ngoài ra, phối hợp với ngành chuyên môn của huyện giám sát chặt chẽ tình trạng buôn bán gia cầm. Tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi. Khuyến cáo nhân dân không được ăn gia cầm chết không rõ nguyên nhân.

Là hộ chăn nuôi quy mô lớn của xã Tây Phong, trang trại của ông Ngô Văn Cao có diện tích 1,2ha, nuôi 12.000 con gà đẻ. Ông Cao chia sẻ: Tôi không chủ quan, lơ là trước dịch cúm gia cầm có nguy cơ xâm nhập vào địa phương. Được chính quyền địa phương tuyên truyền về dịch cúm gia cầm, gia đình tôi đã có biện pháp xử lý môi trường trang trại bằng vôi bột đồng thời bổ sung thêm chất dinh dưỡng vào thức ăn cho gia cầm…

Mạnh Thắng