Thứ 5, 14/11/2024, 11:15[GMT+7]

Đồn Biên phòng Cửa Lân - nơi tình yêu bắt đầu

Thứ 2, 16/09/2019 | 14:11:08
2,552 lượt xem
Đứng chân trên địa bàn xã Nam Cường huyện Tiền Hải, những năm qua, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa Lân không chỉ giữ gìn an ninh trật tự trên tuyến biên phòng biển, mà còn là những người nhen nhóm yêu thương, viết tiếp ước mơ cho nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Em Lương Trần Thị Phương (thứ tư, từ phải qua) nhận học bổng “nâng bước em tới trường” năm 2019.

Cùng với Đại úy Trần Sỹ Sơn, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Cửa Lân, tôi đến thăm Trường Tiểu học Nam Thịnh (Tiền Hải) khi năm học mới vừa bắt đầu. Cái nắng giữa thu gắt gỏng, khô khan. Gió thổi qua da rin rít vị mặn mòi của biển. Đang giờ ra chơi, đám trẻ ngồi xếp hàng bên hành lang lớp học, chơi với những viên đá nhỏ, tuổi thơ của biết bao học trò vùng cửa biển đã trôi qua giản đơn như thế. Phía bên trong giữa sân trường là ngổn ngang gạch đá, sắt thép, cùng với những chiếc máy ủi lầm lũi đang bắt đầu xây dựng ước mơ về một ngôi trường mới khang trang, đẹp đẽ. Một ngôi trường khác hẳn với những phòng học nứt toác, xuống cấp trước kia, khác hẳn với những phòng học tạm thiếu thốn bây giờ. 

Thấy bóng dáng người lính quân hàm xanh, đám trẻ líu ríu chào hỏi, cười nói, rồi ùa theo mỗi bước chân. “Cháu yêu chú bộ đội” - một cậu con trai hét to rồi chạy biến sau cánh cửa lớp học. Một thứ tình yêu giản đơn, xúc động đến lạ kỳ. Anh Sơn bảo đã quen với đám trẻ vùng cửa biển. Không chỉ Nam Thịnh, mà cả 8 xã ven biển huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình các anh đều thân quen, nắm rõ tình hình đời sống của bà con, nhất là những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Thấy chú bộ đội, một cô bé nhỏ nhắn với đôi mắt lấp lánh, nụ cười trong veo cứ nhìn anh, không nói gì. 

“Đây là em Lương Trần Thị Phương, thôn Thiện Tường xã Nam Thịnh, được bộ đội biên phòng đỡ đầu trong chương trình “Nâng bước em đến trường” với học bổng trị giá 4 triệu đồng mỗi năm. Năm nay học lớp 5, cũng là năm thứ 4 em được nhận học bổng từ chương trình” – Đại úy Sơn giới thiệu.

- Con tên là gì? Tôi hỏi

- Lương Trần Thị Phương - Cô bé nhỏ nhẹ, ngại ngùng.

- Ở nhà con có gì nào?

- Nhà con có 2 xe đạp, một của con đi học, 1 của mẹ đi làm. Nhà con còn có tivi, quạt mát, có điện. Cô bé đã mạnh dạn hơn.

- Thế ở nhà con biết làm những gì?

- Con biết nấu cơm, rửa bát, quét nhà, giặt quần áo. Con biết kho cá. Cô bé nói nhanh và dứt khoát.

- Lớn lên con muốn làm gì?

- Con muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ, cho mọi người ạ.

- Thế con ở với ai?

- Con ở với mẹ, anh trai và anh trai, và anh trai…. Cô bé lại ngập ngừng, hai bàn tay nhỏ đan vào nhau.

Nhận thấy sự bối rối của cô trò nhỏ, cô giáo Vũ Thị Nhàn giáo viên chủ nhiệm lớp 5B trường tiểu học Nam Thịnh bày tỏ: em Phương ở với mẹ, nhà còn ba anh trai nữa, thuộc diện hộ nghèo của xã. Một gia đình từng ấy con người mà đứa trẻ mới lên mười này được đánh giá là ngoan ngoãn, thông minh và nhanh nhẹn nhất. Nếu không có tình yêu thương của các anh biên phòng hỗ trợ, động viên, thì có lẽ giờ này em cũng đang theo mẹ đi biển. Được đến trường, có nghĩa là tương lai của em còn đang rộng mở ở phía trước. Phía nhà trường và các thầy cô giáo, bạn bè cũng chỉ biết giúp em bằng những bộ quần áo cũ, đồ dùng học tập. Bởi vì ngoài em Phương, trường vẫn còn nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn khác...

Không gặp được gia đình em Phương, vì mẹ em - lao động chính trong nhà còn đang làm việc ngoài biển, đại úy Trần Sỹ Sơn, Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Cửa Lân dẫn tôi đến nhà em Phan Thanh Đạt, thôn Chí Cuờng xã Nam Cường. Đạt đi học, chỉ có mẹ em, cô Vũ Thị Tuyền ở nhà. Ngôi nhà mái bằng kiên cố được xây bằng tiền hỗ trợ của họ hàng cách đây 7 năm. Mới có 7 năm mà nhiều mảng tường đã mốc xanh, loang lổ, những cánh cửa gỗ cũ kỹ, lỏng lẻo. Tài sản lớn nhất trong nhà là chiếc xe máy wave màu xanh cũ, phương tiện để cô Tuyền làm công việc thư báo nuôi con. 

Cô Tuyền kể, khi Đạt được hơn 1 tuổi thì bố em ngã bệnh, đau ốm liên miên. Hết ca mổ này đến ca mổ khác đã khiến gia đình kiệt quệ, nợ nần. Và bố Đạt đã mất năm 2012, khi em mới vào lớp 1. Cuộc sống của hai mẹ con và đủ thứ việc làng, việc họ lúc đầu chỉ trông chờ vào hơn 1 sào ruộng. Thời gian gần đây cô được tạo điều kiện đưa thư báo kiếm thêm mỗi tháng hơn 1 triệu đồng. 

Cô Tuyền bảo: “Có khó khăn mấy cũng không dám đi làm xa vì còn muốn cho con ngày hai buổi đến trường. Cháu được đồn biên phòng giúp đỡ, hỗ trợ, tôi không biết nói gì ngoài hai tiếng biết ơn. Cảm ơn tình cảm yêu thương của các anh dành cho gia đình”. Người mẹ nghèo nghẹn ngào cố giữ những giọt nước mắt khỏi lăn. 

Chia sẻ về những dự định sau này, cô Tuyền bảo học hết THPT sẽ cho con học nghề để đi làm, chứ đi học đại học cũng không nuôi nổi. Nhưng nếu có một phép màu, cô vẫn muốn con được học đại học…

Trên những con đường nông thôn mới trải dài, thẳng tắp, đâu đó cờ hoa chào mừng quốc khánh, chào đón năm học mới vẫn rực rỡ sắc màu. Con đê biển số 6 uốn lượn nhịp nhàng, ôm lấy miền cửa biển thênh thang gió cả. Gió thì vẫn vô tư thổi cả ngàn năm. Sóng vẫn dạt dào ôm bờ như thuở trước. Và ước mơ của những người mẹ nghèo vẫn đau đáu không thôi. Tôi miên man nghĩ, nếu như không được bộ đội biên phòng hay bất cứ tổ chức, cá nhân nào hỗ trợ, thì em Phương, hay mẹ của Đạt, đến cả một ước mơ cũng thật khó để thành hình.

Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động từ năm 2014, Đồn Biên phòng Cửa Lân đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã biên giới biển, tổ chức rà soát, lựa chọn học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để nhận hỗ trợ, đỡ đầu. Trên địa bàn huyện Tiền Hải luôn duy trì hỗ trợ 9 em, trải đều ở 8 xã biên giới. Các em được hỗ trợ từ khi bước vào tiểu học đến khi học xong THPT. Khi có em tốt nghiệp THPT, đơn vị sẽ rà soát, bổ sung thêm. Trong số các em được nhận học bổng đã có 3 em tốt nghiệp THPT. Có em đỗ vào trường đại học lớn, có uy tín trong cả nước. Và để duy trì tốt chương trình này, các cán bộ biên phòng trong toàn tỉnh đã đóng góp từ chính tiền lương của mình.

Đại úy Trần Sỹ Sơn chia sẻ: 12 năm học là cả một chặng đường dài. Đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chặng đường đó có thể ngắn hơn. Chương trình “Nâng bước em tới trường” với mong muốn là nơi khởi đầu của tình yêu thương, của ý chí và nghị lực, của niềm tin và sức mạnh, để các em có điều kiện vươn lên, viết tiếp ước mơ, thực hiện hoài bão. Khi thực hiện chương trình này, không chỉ các em khó khăn được hỗ trợ, mà bản thân người cán bộ biên phòng cũng được người dân thêm yêu mến, tình cảm quân dân gắn bó, đoàn kết, là nền tảng để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.

Mùa tựu trường đã về. Trong những rộn ràng áo trắng, là nồng ấm bước chân của người lính biên phòng đồn Cửa Lân. Họ đang gieo những tình yêu thương rất thật, trên một mảnh đất anh hùng.

Đỗ Hà 

(Đài TT-TH Tiền Hải)

(Bài dự thi viết về Người Thái Bình, đất Thái Bình)

  • Từ khóa