Chủ nhật, 10/11/2024, 10:03[GMT+7]

Ai mua hoa tôi bán...hương cho

Thứ 2, 20/03/2017 | 09:35:00
3,715 lượt xem
Chất lượng cuộc sống của người dân Thái Bình được cải thiện theo chiều hướng tích cực nên hoa không còn là mặt hàng xa xỉ, nó đã trở thành nhu cầu thưởng ngoạn văn hóa của khá đông người dân. Mấy năm gần đây phong trào chơi và thưởng lãm hoa lan phát triển khá mạnh.

Nếu người Á Đông coi hoa là biểu tượng của sự thanh tao, thuần khiết là tinh túy của đất trời thì cha ông ta bao đời nay thường ẩn dụ lấy hoa để chỉ sự tinh tế như một bức thông điệp chứa đựng ân sâu, nghĩa nặng. Chả thế mà hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ khi hành quân thần tốc từ Nam ra Bắc dẹp tan quân giặc Mãn Thanh bạo tàn vào ngày mùng 5 tết Kỷ Dậu 1789 đã ngắt một cành đào sai người tốc hành mang vào Nam dâng cho Ngọc Hân công chúa vừa mang ý nghĩa đem cả mùa xuân hạnh phúc đến người mà ông yêu thương nhất vừa biểu trưng của niềm tin chiến thắng.

Vẻ đẹp và hương thơm quyến rũ của các loại lan rừng được những người yêu hoa ở thành phố Thái Bình và một số huyện đưa về treo trồng đã tô điểm thêm cho vẻ đẹp cuộc sống vùng quê vốn chỉ quen với việc cấy cày, nông tang những lúa cùng khoai. 

Những cái tên quen thuộc như vườn lan “Village Orchid” của ông Nguyễn Xuân Nhự; Café chủ nhật ở thành phố Thái Bình… thu hút hàng trăm hội viên ở các huyện tham gia. 

Ngoài thú chơi tao nhã, thiên nhiên còn ban tặng cho Thái Bình dải đất “ven bờ, cuối bãi” khí hậu bốn mùa rõ rệt và những cánh đồng màu mỡ, tốt tươi do phù sa của các con sông bồi tụ để rồi những cánh đồng lớn trong xây dựng nông thôn mới rực màu hoa đào, quất, hoa cà, hoa cải, hoa cúc, hoa ly… mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Hoa tượng trưng cho cái đẹp. Người phụ nữ đẹp cũng được so sánh với hoa. Thời nhà Trần, vương triều phong kiến hưng thịnh nhất trong lịch sử nước ta mà Long Hưng (Thái Bình) là miền quê phát tích còn ghi mãi câu chuyện nhuốm màu tâm linh về vua Trần Anh Tông (con trưởng của vua Trần Nhân Tông, vị hoàng đế thứ tư của nhà Trần 1276 - 1320) có một đêm nằm mộng thấy một loài hoa đẹp lộng lẫy nhìn kỹ giống như người con gái, màu xanh như lá mạ non, hương thơm ngào ngạt quyến rũ. Tỉnh mộng, sáng dậy vua Trần Anh Tông tìm trong vườn lan bỗng thấy loài hoa lan đúng như mộng liền hô quân sĩ đem về thưởng lãm. Từ đó, loài hoa lan ấy được gọi với cái tên hoa lan Trần Mộng. Không biết truyền thuyết về giấc mộng đó chính xác tới mức nào nhưng qua câu chuyện cổ tích ấy đủ biết từ bậc vương triều đến người dân bình dị nhất tất cả đều có chung một tình yêu đối với thiên nhiên mà đại diện tiêu biểu là hoa.

Loài hoa đẹp và thơm ấy hiện rất hiếm, chỉ có người giàu tiền lắm của mới dám chơi, nghe “dân chơi” đồn thổi có chậu hoa Trần Mộng giá trị tới vài ba trăm triệu đồng. Người trồng lan ở Thái Bình đã bắt đầu tìm cách ương giống lan quý hiếm này trên miền đất vốn là nơi hưng nghiệp, phát tích của nhà Trần.

Mỗi mùa hoa được chọn làm biểu trưng cho một mùa. Hoa đào biểu trưng cho mùa xuân, hoa sen mùa hạ, hoa cúc mùa thu và hoa cải mùa đông… nên có câu: “Sen tàn cúc lại nở hoa” ấy là ước lệ chứ sen, cúc không xuất hiện đơn thuần là không gian sống mà chủ yếu diễn tả thời gian mùa hạ đã qua, mùa thu lại đến, một cách tính thời gian rất phổ biến của người dân ở xã hội nông nghiệp mà Thái Bình lại là tỉnh thuần nông. 

Đại thi hào Nguyễn Du đã có một khoảng thời gian khá dài (10 năm) phiêu diêu cùng những cánh đồng hoa dại ở quê vợ Hải An (Quỳnh Nguyên, Quỳnh Phụ nay) và chính khoảng thời gian này ông đã viết những câu thơ bất hủ Truyện Kiều, những câu thơ vần điệu không chỉ ánh lên sắc đẹp mà đậm cả hương thơm của các loài hoa. Ông nhiều lần sử dụng từ "hoa” để miêu tả nhân vật, tình và cảnh, thống kê toàn truyện có 3.254 câu thơ lục bát trong đó Nguyễn Du đã có 129 lần nhắc đến 15 loài hoa, trong đó ông cảm tác:

Cửa trời rộng mở đường mây

Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần.

Và để tả nét đẹp của người con gái, ông lại ví von vẻ đẹp của loài hoa:

Bóng hồng nhác thấy nẻo xa

Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai

Còn Quan Hành khiển Nguyễn Trãi với mối tình thơ cùng người con gái bán chiếu “Em ở Hải Hồ bán chiếu gon” Nguyễn Thị Lộ quê ở làng Hải Hồ (nay là Hải Triều, xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà) thì cũng từng “tức cảnh sinh tình” tả mùa hè không phải nóng do ánh nắng mặt trời mà nóng do những câu thơ vần điệu của người con gái bán chiếu đẹp người lại có tài ứng đối:

Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ

Hồng liên trì đã tỏa mùi hương.

Tả một cảnh hè đầy sinh sắc và gần gũi, quen thuộc với người dân quê Thái Bình lam lũ mà vị tất ai đọc cũng cảm nhận được sắc màu thời gian.

Hoa không chỉ là sản vật đặc biệt bởi màu sắc và hương thơm của hoa nâng đỡ tâm hồn có lẽ vì thế mà hoa đã làm rạng rỡ những nơi u tối, hoa nâng cao tình cảm và nhân cách con người. Hoa còn là nguồn cảm hứng vô tận của thi nhân, nghệ sĩ. 

Đời sống người dân từ thôn quê đến chốn thị thành đã nhiều đổi thay no ấm muôn phần vậy là từ cụ già đến những anh lính nơi đảo xa, từ chị lao công đêm đêm quét rác đến anh công nhân hối hả vào ca đêm… ai ai cũng thích trồng hoa, ngắm hoa và coi việc chăm sóc một giò hoa, mua một vài bông hoa đến việc chơi một vài giò phong lan coi là một thú chơi tao nhã ấy là chưa kể đến những giá trị khác mà hoa đem lại cho cuộc sống con người ví như chính những chậu hoa, chậu cảnh làm đẹp cho ngôi nhà, nơi làm việc đến việc xua tan những lo âu, phiền muộn của con người. Và hơn thế, có những loài hoa hóa thân vào cõi hư vô để con người của hiện tại có cơ hội giao hòa cõi tâm linh.



Họa sĩ Hoàng Trung Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật

Ngôn ngữ của loài hoa không bị giới hạn bởi đặc trưng văn hóa. Ở đâu hoa cũng là biểu tượng của cái đẹp, sự duyên dáng, tinh tế và rất nhạy cảm. Các loài hoa không chỉ mang lại vẻ đẹp và không gian thư thái, thơm mát mà nó còn tượng trưng cho sức khỏe, sự cát tường, hạnh phúc.

 Nghệ sĩ Quang Thọ, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình

Thời xa xưa các cụ ta thường áp dụng cách tính thời gian bằng cách lấy mỗi mùa có một hay một số loài hoa đặc trưng làm biểu tượng. Khi đó, hoa được dùng thay cho các mùa trong năm (xuân lan, thu cúc). Các bậc ẩn sĩ ở trong núi sâu nhìn hoa đào biết tết đến, xuân về, hoa mai biết tháng giêng mưa phùn gió bấc và nhìn hoa cúc hiểu rằng tiết trùng dương đã lại về. Không chỉ cảm nhận màu sắc mà các cụ ta còn cảm nhận sâu sắc hương thơm của muôn loài hoa.
 Chị Phạm Thu Trà, khu I thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ

Sau cả ngày làm việc vất vả chiều ngồi thư giãn bên hiên nhà thoảng mùi hương thơm ngát của các loài hoa trồng quanh vườn cảm thấy mọi mệt nhọc dường như tan biến. Hãy tận hưởng hương thơm tự nhiên của các loài hoa do thiên nhiên ban tặng. Việc đặt trong nhà một bình hoa tươi sắc thắm để có được những nguồn năng lượng bổ trợ là lựa chọn hoàn hảo. Các loài hoa có hương thơm cũng giúp xua đuổi đi cái xấu cái xui, đem lại may mắn, an lành.

Quang Viện