Chủ nhật, 24/11/2024, 01:56[GMT+7]

Ầu ơ… mẹ đất!

Thứ 2, 27/03/2017 | 08:51:33
3,884 lượt xem
Cuộc hành trình về đất Tổ của đoàn công tác phối hợp giữa Báo Thái Bình và Báo Phú Thọ đã đến huyện Hạ Hòa nơi có đền Mẫu Âu Cơ để tìm hiểu sâu hơn tín ngưỡng thờ Mẫu và quá trình chinh phục tự nhiên của cư dân vùng biển Thái Bình xưa thuộc Bộ Lục Hải trong công cuộc dựng xây nhà nước Văn Lang.

Trời muốn đất phương Nam thêm thịnh bèn cho quốc mẫu Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, trăm trứng nở ra trăm người con trai khỏe mạnh, tuấn tú, hùng dũng như cha rồng Lạc Long Quân; ân tình, ân nghĩa như tiên mẫu mẹ Âu Cơ. Dòng giống tiên rồng phải chia đôi ngả do thủy hỏa tương khắc nên năm mươi người con theo mẹ Âu Cơ lên non, 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển. Tiên phong mở cõi có hoàng tử Hùng Lô lặn lội về Bộ Lục Hải (trong đó có phủ Kiến Xương thuộc Thái Bình nay) mộ dân khai khẩn đất hoang biến bãi biển thành nương dâu, bờ xôi, ruộng mật được Hùng Vương phong làm Lộc Điền, đặt tên làng mới là Mỹ Cơ…

Trải qua mấy nghìn năm, vùng đất lưu vực sông Hồng thuộc địa phận huyện Vũ Thư, Thái Bình xưa lau lách um tùm, ba ba, thuồng luồng, rắn rết, thú dữ quấy phá dân lành, lúc ấy người con cả của Lạc Long Quân và Âu Cơ là Hùng Lân Vương cấp lệnh cho Hùng Lô xuống Bộ Lục Hải trấn áp thú dữ, chiêu mộ dân lành khai hoang lập địa. Không lâu sau, rừng lau thành nương dâu, bãi mía, ruộng lúa phì nhiêu, dân cư đông đúc, thấy công việc khai hoang, lập ấp, mở làng dạy dân làm ăn khấm khá, Hùng Lân Vương cấp đất ấy cho Hùng Lô và phong làm Lộc Điền, đặt tên làng là Mỹ Cơ. Sau khi phụ vương Lạc Long Quân hóa về trời, Lộc Điền vô cùng thương xót cho xây đền, phủ Mỹ Cơ để thờ và cho dân cõi xa phụng thờ quốc Tổ. Trải bao cuộc bể dâu, lũ cuốn, đê vỡ, dân sống ở vùng ngoại đê làng Búng (xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư nay) chuyển vào trong đê sinh sống nên địa danh Mỹ Cơ chỉ lưu lại đến cuối thế XVIII, địa danh xã cũ Mỹ Cơ dần thay đổi theo cách quản lý mới của triều đình phong kiến, chỉ còn dấu tích đền Mỹ Lộc được nhân dân trùng tu, coi sóc cho đến tận hôm nay. 

Ngoài xã Việt Hùng địa danh Mỹ Cơ cũng tồn tại đến đầu thế kỷ XIX ở một số vùng như Hội Khê (Vũ Hội, Vũ Thư); Mỹ Bổng (Bổng Điền, Tân Lập, Vũ Thư)… Đặc biệt, tài liệu “Tục lệ xã Mỹ Cơ” dài 18 trang gồm 25 điều lập ngày 11/11 năm Duy Tân (1916) và Bản khai thần tích - thần sắc của xã năm 1938 có 8 trang chữ Hán cùng 6 đạo sắc phong của triều đình hậu Lê phong thờ Lạc Long Quân, Hùng Lô, Âu Cơ, Lê Nại, Thiên Tiên, Liễu Hạnh Thượng Ngàn công chúa còn được nhân dân thôn Phú Chử (Mỹ Cơ cũ) lưu giữ là những cứ luận giúp cho việc khảo tả quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta trên vùng đất “ven bờ cuối bãi” thuộc Bộ Lục Hải trong đó phủ Kiến Xương, Long Hưng và Đa hương cương xưa và nay là các địa danh Việt Hùng, Tân Lập, Vũ Hội (Vũ Thư); Minh Tân (Hưng Hà) và Quỳnh Trang (Quỳnh Phụ)…

Ngược dòng lịch sử, tương truyền nước Âu Việt có vua Đế Lai sinh được công chúa xinh đẹp tên là Âu Cơ, Kinh Dương Vương đem đồ sính lễ đến xin cưới đón về cho Thái tử Lộc Tục. Sau Kinh Dương Vương nhường ngôi cho Thái tử, lấy hiệu là Lạc Long Quân. Long Quân cùng Âu Cơ làm sáng đạo vợ chồng, mở đường phong hóa. Lạc Long Quân lo trị nước, Âu Cơ trông nom nội cung, truyền nghề nông tang, canh cửi, dân được thấm nhuần giáo lý, đàn ông săn bắn, đàn bà hái lượm, phong tục thuần phác, cõi Nam Giao cường thịnh. Rồi nàng Âu Cơ sinh hạ một bọc trứng, nở thành một trăm người con. Khi các con đã lớn khôn, Lạc Long Quân nói với mẹ Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, chung hợp thật khó vì dòng giống bất đồng”. Nói xong, Lạc Long Quân dẫn 50 con xuống biển. 50 người con còn lại theo mẹ Âu Cơ lên rừng, người con đầu lên nối ngôi vua, lấy niên hiệu Hùng Vương thứ nhất, đặt tên nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, truyền 18 đời vua Hùng và trị vì đất nước trong 2621 năm. Ngày mẹ Âu Cơ đưa 50 con lên non, đi đến đâu cũng thu phục nhân tâm, khai phá rừng hoang. Một lần đi qua vùng đất Hiền Lương, nơi có núi cao, sông dài, cảnh vật hữu tình, mẹ Âu Cơ liền cho khai hoang, dạy dân cấy lúa, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải. Khi trang ấp đã tươi đẹp, mẹ Âu Cơ đi tiếp đến vùng đất mới. Sau này, mẹ trở về Hiền Lương, gắn bó suốt phần đời còn lại với nơi này. Ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Thân, mẹ Âu Cơ cùng các tiên nữ bay về trời, để lại dưới gốc đa dải yếm lụa. Tại đó, nhân dân trong vùng đã dựng lên đền Mẫu Âu Cơ, đời đời tưởng nhớ công đức mẹ Âu Cơ. Đền thờ Mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa, Phú Thọ) đã ba lần được các triều đại nhà nước Việt Nam sắc phong. Lần thứ nhất dưới triều vua Lê Thánh Tông, năm 1465 vua đã ra chiếu chỉ phong thần, cấp tiền, tôn tạo đền Mẫu Âu Cơ, giao cho nhân dân xã Hiền Lương thờ phụng. Thế kỷ XV, triều đình hậu Lê đã phong sắc và trùng tu đền. Đến thế kỷ XIX, nhà Nguyễn một lần nữa sắc phong đền Mẫu Âu Cơ.  

Nếu Lạc Long Quân là nước, là sông, là biển mà biển thì rộng sông thì dài còn Mẫu Âu Cơ là đất mà đất đai cương vực mở rộng về hướng biển, đất nuôi dưỡng, chở che dân ta từ gốc lúa bờ tre. Bát cơm dẻo trắng thơm ngon hôm nay chúng ta ăn có nguồn cội từ cây lúa ngày xưa mẹ Âu Cơ dạy chúng ta cày cấy, áo quần chúng ta mặc cũng từ cây dâu, con tằm mẹ dạy chúng ta trồng. Nhớ về cội nguồn dân tộc là đạo đức, tình cảm là lẽ sống, là đạo lý mà ông cha đời đời căn dặn con cháu. Những dấu tích của một thời dựng nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt sẽ mãi còn tươi trong tâm thức của người dân Thái Bình. Không chỉ riêng xã Việt Hùng (Vũ Thư), nhiều làng, xã ở Thái Bình vẫn còn tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ và Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ và Hùng Vương là nét đẹp văn hóa cũng là sức mạnh để dòng giống Lạc Hồng quyết tâm bảo vệ giang sơn tổ tiên để lại, xây dựng quê hương Thái Bình ngày càng giàu đẹp, phồn thịnh và phát triển. Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ và Hùng Vương ở đình, đền Mỹ Cơ, thôn Mỹ Cơ nay là thôn Phú Chử, xã Việt Hùng là điển hình về phong tục đẹp ở miền quê lúa. Đình Mỹ Cơ tọa lạc trên khuôn viên hơn 1.400m², bố cục kiến trúc kiểu chữ đinh, bái đường có đắp cuốn thư đề ba chữ Long Tiên tự. Trong đình có ba cỗ ngai thờ cùng bài vị Lạc Long Quân, Mẫu Âu Cơ. Đình còn 6 đạo sắc phong và một quyển thần tích của các vị thành hoàng làng. Ngoài đình, đền, thôn Mỹ Cơ còn phủ thờ Mẫu Âu Cơ và các vị tiên. Phủ được xây dựng theo kiến trúc chữ nhất có một gian tiền đường cuốn vòm. Trong phủ có 4 pho tượng mẫu, hai pho tượng ngọc nữ, phủ thờ Mẫu Âu Cơ. Những cái tên Mỹ Am, Mỹ Bổng, Mỹ Lộc, Mỹ Cơ… sẽ mãi là niềm tự hào của người dân Thái Bình với thuở dựng nước Văn Lang của các vua Hùng, mãi vang vọng như lời ru ầu ơ… mẹ đất!

Quang Viện

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch


Những địa danh cổ và tín ngưỡng thờ Hùng Vương và Quốc Mẫu Âu Cơ còn lưu truyền ở xã Việt Hùng (Vũ Thư) là bằng chứng sinh động chứng minh người Thái Bình xưa từng có công lao to lớn trong công cuộc dựng xây nhà nước Văn Lang của các vua Hùng.


Ông Phan Văn Ban, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư


Vinh dự và tự hào cho xã Việt Hùng chúng tôi là nơi ghi dấu tích về thuở vua Hùng dựng nước. Những cái tên Mỹ Cơ, Mỹ Bổng, Mỹ Lộc, Lộc Điền… sẽ còn mãi trong tâm thức người dân Việt Hùng nói riêng, người dân Thái Bình nói chung, là chứng tích lịch sử văn hóa đặc biệt gắn liền với hình tượng Mẹ Âu Cơ sinh ra con Lạc cháu Hồng trong một bọc trăm trứng, vốn đã ghi tạc trong tâm trí và tình cảm của các thế hệ người Việt Nam.
 
Ông Nguyễn Văn Rỹ, Trưởng ban quản lý đình, phủ Mỹ Cơ, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư


Đình, phủ Mỹ Cơ là niềm tự hào của nhân dân thôn Mỹ Cơ bởi nơi đây bao đời truyền lại là nơi thờ ba vị thành hoàng làng là Lạc Long Quân, Âu Cơ và Đức Thánh Trần Hưng Đạo. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) đình tế lễ long trọng và có nhiều trò chơi dân gian như bơi chải, vật, võ, chọi gà… Chúng tôi mong muốn cấp có thẩm quyền tạo điều kiện để đình, phủ Mỹ Cơ được tôn tạo xứng với công đức của Hùng Vương, Quốc Mẫu Âu Cơ.