Thứ 4, 13/11/2024, 06:48[GMT+7]

Thái Thụy: Nhiều doanh nghiệp đi lên từ làng nghề

Thứ 5, 30/03/2017 | 16:56:35
4,173 lượt xem
Thái Thụy hiện có 24 làng nghề được công nhận, trong đó nhiều làng nghề đã suy giảm, hoạt động cầm chừng song cũng có không ít doanh nghiệp đi lên từ làng nghề, tạo dựng được thương hiệu và việc làm cho nhiều người, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Khu vực lắp ráp máy thái cỏ của doanh nghiệp tư nhân điện cơ Thiên Thuận.

Xã Thái Xuyên vốn nổi tiếng với làng nghề mây đan móc hộp từ hàng chục năm nay ở cả 3 thôn Lục Nam, Lục Bắc và Kim Bàng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động lúc nông nhàn. Sau nhiều năm chịu nhiều biến động của thị trường, đến nay Thái Xuyên vẫn tồn tại doanh nghiệp mây tre Thanh Bình thu hút trên 1.500 lao động tập trung. 

Bà Tạ Thị Hương, Phó Giám đốc doanh nghiệp cho biết: Thời kỳ đầu cơ sở chỉ có vài chục lao động, song nhằm tạo việc làm cho nhiều người dân, Thanh Bình đã chủ động mở hàng chục lớp đào tạo nghề trong toàn huyện để hoạt động theo mô hình tổ sản xuất ở các xã. 

Doanh nghiệp mây tre Thanh Bình tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Thời kỳ cao điểm nhất (2006 - 2011) doanh nghiệp có hàng chục nghìn lao động vệ tinh, mỗi năm sản xuất ra hàng chục mẫu mã mới xuất sang thị trường Nhật Bản và các nước châu Âu, doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng/năm. Đặc biệt hơn, đây cũng là nghề tiểu thủ công nghiệp tạo được việc làm cho nhiều lao động, người dân rảnh lúc nào đi làm lúc đó, không gò bó về độ tuổi, thời gian như nhiều ngành nghề khác. Vì thế nhiều người đã quá độ tuổi lao động nhưng vẫn làm được, họ vừa làm nông nghiệp, vừa chăm được mẹ già, con nhỏ lại vẫn có thu nhập ổn định từ nghề. 

Bà Nguyễn Thị Mín, xã Thái Đô cho biết: Tôi đã 57 tuổi, hiện nuôi mẹ già 83 tuổi ở quê. Nhà chỉ có hai mẹ con sống dựa vào nhau với vốn liếng duy nhất là 2 sào ruộng. Khi doanh nghiệp mây tre Thanh Bình mở xưởng, tôi đã tới học nghề để xin vào làm. Từ đó đến nay đều đặn mỗi tháng tôi thu nhập được hơn 2 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập rất quan trọng đối với gia đình tôi.

Nhiều sản phẩm từ các làng nghề ở Thái Thụy được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Xã Thụy Thanh trước đây cũng khá nổi tiếng về nghề lưỡi câu, xây dựng, cói và cơ khí song đến nay chỉ còn nghề cơ khí và nghề may phát triển mạnh. Đặc biệt, xuất phát điểm từ hộ sản xuất trong làng nghề thôn Vô Hối, nghề cơ khí của doanh nghiệp tư nhân điện cơ Thiên Thuận đã trở thành điểm sáng ở địa phương. 

Ông Nguyễn Như Lĩnh, Giám đốc doanh nghiệp cho biết: Lúc đầu tôi chỉ nghĩ đến một công việc đủ cho cuộc sống mưu sinh, làm nghề nhỏ lẻ với mặt hàng duy nhất là máy bơm nước. Song với quyết tâm vươn lên cải thiện cuộc sống gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, đặc biệt là mong muốn giải phóng sức lao động cho người dân tôi đã nghiên cứu chế tạo thành công máy thái bèo để phục vụ cho bà con nông dân. Đến nay trung bình một giờ, một chiếc máy thái được trên 2 tạ phụ phẩm chăn nuôi với giá thành chỉ từ 500.000 - 700.000 đồng/chiếc. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chế tạo nhiều loại máy khác như máy tẽ ngô, máy thái sắn, máy thái đa năng... mỗi năm xuất bán 6 vạn sản phẩm, đem lại doanh thu đạt 25 tỷ đồng. Hiện nay doanh nghiệp đang tạo việc làm cho 40 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Sự phát triển của Thiên Thuận đã góp phần đưa giá trị sản xuất từ nghề của làng nghề thôn Vô Hối năm 2016 đạt gần 1 tỷ đồng.

Doanh nghiệp Cơ khí Thiên Văn chuyên sản xuất giỏ xe, khay nhựa, rổ nhựa tạo việc làm cho 60 lao động, doanh thu năm 2016 đạt 15 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thái Thụy, hiện nay những làng nghề truyền thống còn tồn tại và phát triển hầu hết đều có doanh nghiệp trong làng nghề đỡ đầu hoặc là những nghề còn thịnh hành trên thị trường, tiêu thụ được sản phẩm như nghề làm hương ở xã Thụy Dương hoặc nghề rèn ở xã Thụy Dân. Còn lại phần lớn các làng nghề đều bị mai một do gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ sản phẩm, thu nhập từ nghề thấp nên người lao động chuyển sang nghề mới có thu nhập cao hơn. Không ít số lao động trẻ trong các làng nghề đã chuyển sang làm may hoặc các ngành nghề khác. Vì thế, thời gian tới Thái Thụy sẽ rà soát lại các làng nghề để đề ra những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm duy trì nghề truyền thống, phát triển nghề mới để nâng cao thu nhập đời sống của người dân.                                                                  

 Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày