Thứ 7, 23/11/2024, 21:53[GMT+7]

Minh Tân phát triển kinh tế từ thế “chân kiềng”

Thứ 4, 05/04/2017 | 08:24:46
2,215 lượt xem
Sau khi xã quy hoạch, chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao thì diện tích trồng đào và phát lộc tăng nhanh. Chi phí thấp, không vất vả nên dù chỉ bán tập trung vào dịp tết nhưng mỗi sào trồng đào, phát lộc cũng cho thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng.

Mô hình trồng rau màu xen đào cảnh ở thôn Hoàng Đức.

Ba thế mạnh về trồng cây cảnh, rau màu và dịch vụ, thương mại đã tạo thành “tam giác phát triển kinh tế” vững chắc ở xã Minh Tân (Đông Hưng).

Nhắc tới Minh Tân, nhiều người nhớ ngay đến hai sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng là đào cảnh và tháp phát lộc. Năm 1980, một số người dân thôn Đình Phùng đã mạnh dạn đưa đào Nhật Tân (Hà Nội) về trồng thử nghiệm trong vườn. Sau 2 năm, thấy trồng đào cảnh mang lại giá trị kinh tế cao, bà con đã chủ động mở rộng diện tích. Sau khi xã quy hoạch, chuyển đổi những diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao thì diện tích trồng đào và phát lộc tăng nhanh. Chi phí thấp, không vất vả nên dù chỉ bán tập trung vào dịp tết nhưng mỗi sào trồng đào, phát lộc cũng cho thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng. Đến nay, hai loại cây này không chỉ được trồng trên 35ha đất sản xuất nông nghiệp của thôn Đình Phùng mà còn mở rộng sang các thôn còn lại của xã. 

Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng thôn Đình Phùng cho biết: Qua gần 15 năm chuyển đổi từ cấy lúa sang trồng hoa, cây cảnh, người dân Đình Phùng đã lựa chọn cây đào và phát lộc là cây trồng chủ đạo để làm giàu; nhiều gia đình còn thuê đất ở hai thôn Duy Tân, Liên Minh (xã Minh Tân) và ở xã Thăng Long để trồng. Nhiều gia đình còn tận dụng nguyên liệu sẵn có làm tháp phát lộc để nâng cao giá trị, tăng thu nhập.

Nếu người dân Đình Phùng giàu lên từ đào và phát lộc thì người dân hai thôn Hoàng Đức và Hưng Sơn có cuộc sống ấm no nhờ xây dựng thành công cánh đồng lớn chuyên trồng rau màu xen kẹp cây cảnh với diện tích trên 50ha, chiếm 65 - 70% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp. Để bán được giá cao, ngoài việc sản xuất các loại rau màu theo thời vụ bà con còn trồng rau, quả trái vụ như bí đao, dưa chuột, cải cuộn, cà chua, xà lách… 

Ông Nguyễn Phú Đỏ ở thôn Hoàng Đức cho biết: Trồng cây màu vất vả nhưng thời gian quay vòng nhanh hơn, mỗi sào thu từ 12 - 13 triệu đồng/năm nên hàng chục năm nay gia đình vẫn duy trì 6 sào màu. Nhờ trồng màu vợ chồng tôi đã nuôi được con cái ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang, có “của ăn của để”. Khi đào chưa đến thời điểm chăm sóc để ra hoa phục vụ tết, các gia đình tận dụng đất dưới gốc đào trồng rau màu, mỗi năm thu từ rau và đào hàng trăm triệu đồng. Rau màu và cây cảnh đã nâng mức thu nhập bình quân của người dân hai thôn Hoàng Đức, Hưng Sơn lên trên 30 triệu đồng/người/năm.

Nghề làm tháp phát lộc ở thôn Liên Minh cho thu nhập cao.

Tận dụng quốc lộ 39 chạy qua địa phận thôn Liên Minh và trục đường xã, 400 hộ gia đình, cá nhân ở Minh Tân đã tổ chức buôn bán các mặt hàng tổng hợp, dịch vụ ăn uống, nước giải khát, sản xuất, kinh doanh tháp phát lộc, đào cảnh…, giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động. 

Ông Trần Văn Cương ở thôn Hoàng Đức cho biết: Trước nhu cầu ngày càng cao của người dân trong và ngoài thôn, gia đình đã đầu tư mở cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật, phân đạm phục vụ bà con trồng rau màu, cây cảnh và phát triển chăn nuôi; gia đình cũng thường xuyên nuôi trên 30 con lợn thịt, cấy và trồng rau trên diện tích 4 sào. Mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đăng Duyên, Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết: Đến nay, diện tích trồng cây cảnh và trồng màu của cả xã trên 80ha, chiếm 33,2% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp; giá trị thu nhập từ cây màu, cây cảnh bình quân đạt 185 triệu đồng/ha/năm. Xã cũng đã xây dựng thành công cánh đồng lớn rộng 50,4ha chuyên trồng rau màu, cây cảnh. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: nông nghiệp chiếm 45%, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản 32%; thương mại, dịch vụ 23%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm. 

Ba lĩnh vực mũi nhọn cây cảnh, rau màu và dịch vụ, thương mại như “chiếc kiềng” giúp Minh Tân phát triển ngày càng vững chắc, vươn lên trở thành điển hình của huyện. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân 5 thôn tập trung phát triển 3 thế mạnh sẵn có để tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đỗ Hiền

Trần Thị Thắm - 6 năm trước

Tôi là người con của Minh Tân. Qua bài viết của Đỗ Hiền khiến cho tôi cảm thấy tự hào hơn về xã mình, cảm thấy yêu quê hương mình hơn

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày