Thứ 7, 23/11/2024, 17:30[GMT+7]

Mô hình trường học mới - Để lý thuyết không xa thực tế

Thứ 5, 20/04/2017 | 09:15:55
2,222 lượt xem
Tính đến thời điểm hiện tại, mô hình trường học mới (VNEN) đã đi được chặng đường gần trọn 5 năm học. Thái Bình hiện có 87/295 trường tiểu học; 48/267 trường THCS áp dụng VNEN. Có nhiều luồng ý kiến trái chiều khi triển khai mô hình này. Tiếp tục áp dụng hay dừng để trở về với phương pháp dạy truyền thống là bài toán đang cần lời giải.

Học sinh Trường Tiểu học Tự Tân (Vũ Thư) học theo mô hình trường học mới.

Kỳ 1: Thể hiện phương pháp dạy và học nhiều ưu việt

Đó là đánh giá của nhiều cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên. Mô hình trường học mới là một trong những giải pháp nhằm nỗ lực đổi mới phương pháp dạy và học từ lâu được đánh giá là đã đi vào lối mòn và có nhiều hạn chế do việc truyền thụ kiến thức một chiều, việc dạy nặng về lý thuyết, ít đề cao tính chủ động và sáng tạo của học sinh. Với mô hình trường học mới, việc dạy và học theo có nhiều đổi mới trong đó học sinh là trung tâm của quá trình học, là đối tượng chính làm chủ tiết học, tự tìm hiểu, thảo luận kiến thức trong sách giáo khoa để tìm ra lời giải cho bài học, giáo viên có vai trò là người hướng dẫn học sinh tìm hiểu kiến thức. 

Mục tiêu trọng tâm của phương pháp học này nhằm phát huy năng lực, tính tự học của từng học sinh. Việc đổi mới không gian lớp học cũng là một trong những nội dung quan trọng của mô hình. Thay vì ngồi đồng loạt hướng lên bục giảng nghe giáo viên giảng bài như trước đây, với mô hình này, học sinh ngồi bàn tròn theo nhóm để cùng thảo luận, lĩnh hội kiến thức bài học sau đó mới có sự hướng dẫn, giảng dạy, kết luận lại bài giảng của giáo viên. Chương trình học cũng có nhiều thay đổi. Ở cả hai cấp tiểu học và THCS, với các môn như Toán, Tiếng việt, Ngoại ngữ là môn riêng, còn lại sẽ có tích hợp môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Tại Trường Tiểu học Tự Tân (Vũ Thư), trường đầu tiên của tỉnh triển khai mô hình VNEN từ năm học 2012 - 2013, cô giáo Đinh Thị Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định đến nay mô hình đã thực hiện ở trường ổn định sang năm học thứ 5, cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đều đã quen và rất thích dạy và học theo mô hình mới này. Qua kết quả 4 năm học, chất lượng dạy và học của trường vẫn giữ vững ở tốp đầu, về tác phong, nền nếp, tính tự giác, kỷ luật cũng như sự tự tin thì học sinh Tự Tân vượt trội so với học sinh các trường khác.

Tại Hưng Hà, năm học 2016 - 2017 là năm học thứ hai huyện áp dụng mô hình trường học mới. Ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết trong năm học 2015 - 2016, mô hình VNEN được triển khai tại 4 trường tiểu học, 1 trường THCS; sang năm học 2016 - 2017 mô hình được mở rộng ra 15 trường tiểu học và 4 trường THCS. Mặc dù mới qua gần hai năm học song với hình thức và phương pháp tổ chức dạy học mới đã phát huy được sự sáng tạo của học sinh, phát huy được kỹ năng làm việc cá nhân, kỹ năng hợp tác, tương tác giữa thầy và trò, giữa trò với trò. Đặc biệt, học sinh bước đầu được làm quen với việc bày tỏ quan điểm, tranh luận để tìm ra cái đúng, đây là một trong những điểm mới nổi bật mà phương pháp dạy truyền thống ít có cơ hội cho học sinh thể hiện vì vậy học sinh trở nên năng động, có ý thức, trách nhiệm học tập hơn nên đã cơ bản thay đổi được thói quen học tập của học sinh theo hướng tự học và tự giác.

Cô giáo Lê Thị Phương, Trường Tiểu học thị trấn Hưng Hà nhận xét mô hình trường học mới áp dụng ở Trường thời gian chưa lâu nhưng học sinh dần thích nghi, yêu quý việc học theo mô hình mới, ưu điểm là phương pháp học tập này giảm bớt áp lực cho học sinh.  

Đó không chỉ là đánh giá riêng tại Trường Tiểu học Tự Tân hay Phòng Giáo dục và Đào tạo Hưng Hà mà còn là đánh giá chung của số đông cán bộ  quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh về những ưu điểm của mô hình. Nhiều giáo viên còn khẳng định ban đầu khi dạy theo mô hình trường học mới này bản thân cũng còn nhiều băn khoăn, nghi ngờ, thậm chí không thích, khó chấp nhận phương pháp dạy mới, nhưng sau một thời gian làm quen, khi cả thầy và trò đã nhuần nhuyễn thì họ thực sự thích và không muốn trở về cách dạy truyền thống. 

Thầy giáo Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường THCS An Bài (Quỳnh Phụ) khẳng định đây là một mô hình có nhiều ưu việt. Nếu các trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên được đào tạo, tập huấn bài bản thì chắc chắn mô hình sẽ thực sự đem lại sự đổi mới cho công tác giáo dục và đào tạo hiện nay.

Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Theo kế hoạch, năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thay đổi sách giáo khoa mới. Hiện nay, hình thức thi tại các cấp học cũng đang chuyển dần theo hướng từ bài thi tự luận sang bài thi trắc nghiệm để đánh giá kiến thức tổng hợp của học sinh. Vì vậy, dạy và học theo mô hình VNEN thích hợp với xu hướng đổi mới này.

Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo


Thời gian đầu áp dụng mô hình trường học mới, nhiều giáo viên gặp khó khăn do đổi mới đột ngột. Tuy nhiên, chỉ sau học kỳ đầu tiên, phần lớn những giáo viên này đã tỏ ra hào hứng với cách dạy mới bởi việc đưa ra một chủ đề, học sinh tự tìm tòi, thể hiện sự sáng tạo của mình đã liên kết cô trò hơn nhiều so với cách dạy như phương pháp truyền thống. Để mô hình trường học mới thực sự phát huy hiệu quả, Phòng Giáo dục Tiểu học đã hướng dẫn các trường không nên áp dụng máy móc mà sử dụng những thành tố tích cực như: mô hình tự quản, trang trí lớp học, ngồi học theo nhóm hoặc theo bàn…


Cô Trần Thị Năm, giáo viên Trường Tiểu học Quốc Tuấn (Kiến Xương)


Trước kia khi vẫn còn dạy theo phương pháp truyền thống, tôi thấy học sinh có phần nhút nhát, rụt rè, ít giơ tay phát biểu ý kiến. Tuy nhiên, khi học sinh được học theo mô hình trường học mới VNEN, các em đã mạnh dạn, tự tin hơn rất nhiều, đặc biệt là việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh gặp nhiều thuận lợi hơn. Mặc dù mới chỉ học được hơn 1 kỳ nhưng các em đã thích ứng nhanh với phương pháp dạy mới, chất lượng cuối học kỳ I vừa qua được duy trì ổn định so với cùng kỳ năm trước.


Em Trần Minh Ngọc, học sinh lớp 6A6, Trường THCS Kỳ Bá (thành phố Thái Bình)
 
Cháu rất thích được học theo mô hình trường học mới bởi cháu và các bạn được hoạt động theo nhóm, qua đó, vừa tăng cường kiến thức, vừa giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Đặc biệt, những bạn có học lực yếu kém đã học khá hơn rất nhiều, điển hình như bạn Trần Đức Tiến từ một bạn không chú ý trong học tập, có học lực yếu sau một thời gian học theo mô hình trường học mới bạn Tiến đã vươn lên xếp thứ 18 trong tổng số 60 bạn. Cháu mong muốn sách giáo khoa có thêm nhiều câu hỏi dễ hiểu hơn để chúng cháu nắm kiến thức tốt hơn.



(còn nữa)

Trần Hương - Đặng Anh