Thứ 7, 23/11/2024, 17:50[GMT+7]

Trường Sa - Khúc tráng ca (Bài 5)

Thứ 2, 08/05/2017 | 06:37:00
1,901 lượt xem
Biển Đông giàu tiềm năng hải sản và có rất nhiều loài hải sản quý. Đây là ngư trường rộng lớn để bà con ngư dân khai thác, làm giàu. Đồng hành và theo dõi, bảo vệ giúp ngư dân vươn khơi bám biển luôn có những người lính hải quân Việt Nam trên quần đảo Trường Sa.

Ngư dân miền Trung hoạt động trên vùng biển đảo Tiên Nữ cách đất liền gần 700km.

Bài 5: Cùng ngư dân vươn khơi

Trong chuyến hải trình gần 1 tháng lênh đênh trên biển tới các đảo của quần đảo Trường Sa giữa trập trùng sóng biếc, chúng tôi bắt gặp những con tàu đánh cá của ngư dân các tỉnh khu vực miền Trung cần mẫn lao động trên ngư trường rồi trở về với khoang đầy ắp cá, tôm. Một công việc cực nhọc và phải đối mặt với đầy hiểm nguy bão tố, nhưng họ luôn vững tin bám biển mưu sinh, làm giàu. 

Đại tá Nguyễn Hưng, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân chỉ huy đoàn công tác ra Trường Sa chia sẻ: Bộ đội Trường Sa không chỉ làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà còn luôn sát cánh bảo vệ ngư dân trong bất cứ tình huống nào.

Mỗi chuyến ra khơi đánh bắt xa bờ của ngư dân miền Trung kéo dài khoảng 1 - 2 tháng. Điều mà tất cả ngư dân đều lo lắng, thời gian hoạt động trên biển bị bệnh đột xuất và tai nạn lao động. Đã có nhiều trường hợp ngư dân bị ngộ độc do ăn cá biển, viêm ruột thừa cấp và bị máy cưa đá cắt đứt chân, tay đe dọa đến tính mạng. 

Đại úy Trần Quang Dũng, Bệnh xá trưởng đảo Phan Vinh A chia sẻ: Năm 2016, Bệnh xá đã tiếp nhận 38 ca, trong đó, cấp cứu 17 ca ngư dân bị viêm vỡ ruột thừa, chết lâm sàng vì giảm áp do lặn sâu, đứt chân, tay và cá đánh vào tay, chân… Đáng nhớ nhất là ngư dân Phạm Vinh Trọn ở Bình Định bị viêm phúc mạc ruột thừa khi đưa vào Bệnh xá trong tình trạng các chỉ số sinh tồn rất thấp vì vỡ ruột thừa. Tất cả các cán bộ của Bệnh xá khẩn trương khám, xét nghiệm và quyết định mổ khẩn cấp trong thời gian 2 giờ đồng hồ. Sau 7 ngày được điều trị và chăm sóc hồi sức chu đáo, bệnh nhân đã bình phục và trở về đất liền. Trước khi rời đảo, ngư dân Trọn đã không cầm được nước mắt trước sự quan tâm, chăm sóc ân cần của bộ đội Trường Sa và hứa sẽ tiếp tục bám biển, trở lại thăm anh em đảo Phan Vinh.

Không chỉ khám chữa bệnh cho ngư dân, cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa còn luôn sẵn lòng đón và chu cấp lương thực cho các ngư dân gặp nạn, tổ chức lai dắt tàu cá bị hỏng vào đảo để sửa chữa, cung cấp xăng, dầu để bà con tiếp tục hoạt động và đi vào bờ.

Với các ngư dân khai thác cá ngừ đại dương, nỗi lo bão tố luôn thường trực. Ngư trường cách xa đất liền từ 250 - 400 hải lý (từ 450 - 720km), việc cập nhật tình hình thời tiết rất khó khăn nếu như không có các đơn vị bộ đội trên quần đảo Trường Sa thông tin, liên lạc để tránh, trú bão thì có lẽ không ngư dân nào dám bám trụ với nghề. Ở vùng biển quanh các đảo Tiên Nữ, Tốc Tan, Phan Vinh cách đất liền hơn 300 hải lý, chúng tôi vẫn thấy bóng dáng những con tàu khai thác hải sản của đồng bào các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa… nhộn nhịp với hoạt động câu, đánh bắt cá ngừ. Những nụ cười luôn rạng rỡ trên những khuôn mặt đen nhẻm vì nắng, gió biển mặn mòi của các ngư dân.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, vừa qua, Phân đội làng chài thuộc Hải đoàn 129, Quân chủng Hải quân đã tổ chức xây dựng âu tàu làng chài ở đảo Núi Le. Đây sẽ là trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá lớn cùng với các làng chài ở Trường Sa lớn, Sinh Tồn lớn tạo ra hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển Đông giúp ngư dân khai thác, bảo quản và tiêu thụ hải sản có chất lượng tốt và bà con hoạt động trên biển dài ngày mang lại giá trị kinh tế cao.

Mỗi hòn đảo, mỗi nhà giàn, mỗi nhà đèn trên biển là ngôi nhà thân thương với đồng bào ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung khi vươn khơi. Nó cũng trở thành hình ảnh thiêng liêng giúp cho ngư dân biết được vùng ngư trường của đất nước để hoạt động, tránh bị lạc sang các nước khác.

Đại tá Nguyễn Công Sơn, Phó Chính ủy Vùng 4 Hải quân chia sẻ: Cán bộ, chiến sĩ công tác trên quần đảo Trường Sa là những người lính xung kích trên tuyến đầu canh giữ, bảo vệ vững chắc vùng biển, vùng trời phía Đông Tổ quốc. Còn mỗi ngư dân, mỗi con tàu của đồng bào ngày đêm hoạt động trên biển là một cột mốc sống khẳng định chủ quyền biển, đảo của đất nước. Quân và dân hòa quyện làm một bảo vệ lẫn nhau và cùng thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.


Ông Nguyễn Đắc Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa luôn tạo mọi điều kiện để ngư dân từng bước hiện đại hóa tàu cá và ngư cụ khai thác nguồn lợi hải sản xa bờ. Tỉnh cũng có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp chế biến đầu tư vào địa bàn để thu mua sản phẩm cho ngư dân. Khi ra khơi, bà con vững tin vì có các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa luôn sát cánh bảo vệ. Ở đất liền, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở luôn quan tâm, chăm lo giúp đỡ cho gia đình có cuộc sống ổn định để họ yên tâm vươn khơi, bám biển. Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt của đất nước Việt Nam, chúng tôi đang nỗ lực làm tất cả để nhân dân làm giàu trên vùng lãnh thổ, lãnh hải của mình và bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.  

Trung tá Nguyễn Văn Bình, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông


Đóng quân trên vùng biển thường xuyên có giông, bão, ngoài chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đơn vị còn tích cực giúp đồng bào ngư dân về thuốc men, y tế, chăm sóc sức khỏe khi bà con bị ốm đau, tai nạn. Khi ngư dân gặp bão, hết thức ăn, đồ uống, xăng dầu đều được cán bộ, chiến sĩ đưa vào đảo chăm sóc sức khỏe và chu cấp đầy đủ. Đảo Sinh Tồn Đông thực sự là mái ấm của bà con ngư dân chúng ta.

Trung úy Đậu Bá Quí, Phân đội trưởng Phân đội làng chài Núi Le

Vùng biển Núi Le có nhiều loài hải sản quý. Để giúp đồng bào vươn khơi và khai thác có hiệu quả, chúng tôi đang khẩn trương triển khai mở luồng, xây dựng làng chài gồm: hội trường, nhà kho, bể chứa nước ngọt, hệ thống điện năng lượng tự nhiên, khu tăng gia nuôi trồng hải sản và hệ thống cây xanh. Tất cả cán bộ, chiến sĩ dốc sức ngày đêm làm việc để làng chài sớm hoàn thành và đi vào hoạt động giúp ngư dân có nơi tránh trú bão an toàn, có điều kiện đánh bắt dài ngày trên biển và bảo quản hải sản tốt trước khi đưa vào bờ tiêu thụ.


(còn nữa)

Khắc Duẩn