Thứ 4, 13/11/2024, 06:47[GMT+7]

Hưng Hà: Làng nghề phát triển mạnh

Thứ 2, 08/05/2017 | 11:03:43
5,707 lượt xem
Hiện nay Hưng Hà là huyện có nhiều làng nghề phát triển sôi động nhất tỉnh. Địa phương không chỉ duy trì nghề truyền thống mà còn du nhập phát triển nhiều nghề mới đem lại diện mạo mới cho các vùng nông thôn, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Nghề dệt khăn phát triển mạnh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân 20 làng nghề trong huyện.

Toàn huyện hiện có 53 làng nghề, 4 xã nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, trong đó 20 làng dệt khăn, 21 làng nghề dệt chiếu, 5 làng nghề mây tre đan, 3 làng bún bánh, 2 làng nghề mộc, 2 làng nghề làm hương. Giá trị sản xuất của làng nghề năm 2016 ước đạt 1.978,2 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất từ nghề đạt 1.549,3 tỷ đồng. Nghề và làng nghề phát triển đã tạo việc làm cho 23.356 lao động, chiếm 71,5% tổng số lao động của làng nghề. 

Trong rất nhiều nghề truyền thống ở Hưng Hà, nghề dệt khăn hiện nay vẫn đứng đầu về giá trị sản xuất cũng như số lao động làm nghề. Mới đầu nghề dệt khăn chỉ có ở làng nghề Phương La (Thái Phương) sau đó đã phát triển mạnh ra các xã lân cận, tạo việc làm cho người dân ở 20 làng, xã khác quanh vùng. Mặc dù năm 2016 nghề dệt khăn gặp nhiều khó khăn, sản xuất có phần chững lại bởi thị trường tiêu thụ, đơn hàng xuất khẩu giảm, cùng với đó là xu hướng máy dệt thủ công giảm, máy công nghiệp tăng song đây vẫn là nghề nổi bật nhất huyện, giúp người dân sống được từ nghề với thu nhập cao. 

Nghề dệt chiếu ở Hưng Hà vẫn phát triển khá ổn định, nhất là ở xã Tân Lễ và thị trấn Hưng Nhân. Đặc biệt, nhiều năm nay các hộ dệt chiếu cói còn phát triển thêm nghề dệt chiếu nilon, lưới nilon nên ngày càng đa dạng các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay ở xã Tân Lễ và thị trấn Hưng Nhân có 7 cơ sở sản xuất dệt chiếu nilon lớn với tổng số 220 máy dệt công nghiệp, doanh thu đạt 140 tỷ đồng/năm. Có 2 cơ sở dệt lưới nilon lớn với tổng số 16 máy dệt công nghiệp và trên 70 máy dệt thủ công, giá trị sản xuất ước đạt 110 tỷ đồng/năm. 

Ngoài ra, Hưng Hà còn có một số nghề khác phát triển ổn định như sản xuất nước uống tinh khiết, dệt mành mỹ nghệ, sản xuất mũ, giày xuất khẩu, sản xuất nilon...

Nhiều cơ sở phát triển nghề dệt lưới nilon.

Có được sự phát triển như trên là do Hưng Hà có nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có năng lực dẫn dắt cho làng nghề phát triển. Họ là nơi cung cấp nguyên liệu đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra và là nơi áp dụng khoa học công nghệ cho các làng nghề. Ước tính, hiện nay Hưng Hà có khoảng 64 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất là những chủ nghề trong các làng nghề dệt khăn, 12 chủ nghề của làng nghề dệt chiếu, 5 chủ nghề sản xuất hương...

Bên cạnh những mặt đạt được, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường trong các làng nghề ở Hưng Hà vẫn chưa được khắc phục triệt để, trong đó nặng nhất là vấn đề ô nhiễm nước thải tẩy nhuộm trong làng nghề dệt ở xã Thái Phương, cụm công nghiệp Phương La, ô nhiễm môi trường tiếng ồn do các máy dệt khăn, dệt chiếu của các hộ gia đình sản xuất nằm xen kẽ trong các khu dân cư, ô nhiễm bụi từ xơ sợi bông ở các máy dệt khăn, máy may khăn...

Sản phẩm chiếu nilon của doanh nghiệp tư nhân Chung Anh (xã Tân Lễ, Hưng Hà) được tiêu thụ trên thị trường cả nước.

Mục tiêu phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Hưng Hà trong những năm tiếp theo là vừa phát triển công nghiệp tập trung vừa phát triển công nghiệp làng nghề, trong đó phát triển nghề và làng nghề theo hướng bền vững, gắn phát triển làng nghề với bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội. 

Hưng Hà phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng bình quân 13%/năm. Đến năm 2020 có 100% xã, thị trấn có ít nhất từ 1 làng nghề trở lên, du nhập thêm 3 - 5 nghề mới, xây dựng được 5 - 7 thương hiệu sản phẩm.

 Thu Thủy

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày