Chủ nhật, 24/11/2024, 05:36[GMT+7]

Vũ Thư: Giải cứu hộ chăn nuôi lợn

Thứ 5, 11/05/2017 | 09:22:16
2,370 lượt xem
Kích cầu tiêu dùng, tăng cường liên kết với các tổ chức, cá nhân tiêu thụ sản phẩm là những giải pháp mà huyện Vũ Thư đang nỗ lực triển khai để tiêu thụ trên 9.000 con lợn thịt tồn dư, trọng lượng từ 100kg trở lên/con nhằm giải cứu người chăn nuôi.

Người chăn nuôi vẫn tồn đọng nhiều lợn thịt có trọng lượng lớn chưa tiêu thụ được.

Với đàn lợn khoảng 20.000 con, Bách Thuận được coi là “vựa” lợn của huyện Vũ Thư. Những ngày này, không khí ở các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn xã đều ảm đạm do giá lợn giảm sâu, khó tiêu thụ. 

Ông Nguyễn Văn Mai, Chủ tịch UBND xã Bách Thuận cho biết: Từ thời điểm lợn giảm giá sâu, xã vận động hộ chăn nuôi linh hoạt tìm cách tiêu thụ thịt lợn tại chỗ như mời gọi hộ chế biến thực phẩm đến tiêu thụ lợn; hộ chăn nuôi tự giết mổ lợn để bán tại các chợ trong và ngoài tỉnh; tuyên truyền, vận động nhân dân tăng cường hỗ trợ người chăn nuôi bằng cách mua, sử dụng thịt lợn hoặc chung nhau đụng lợn làm thực phẩm. Tuy vậy, việc tiêu thụ lợn theo các hình thức nhỏ lẻ này không dễ dàng vì giá lợn rẻ, nhân dân đua nhau giết lợn, nguồn cung nhiều nhưng nhu cầu người dân thì không lớn, nhất là điều kiện thời tiết nắng nóng khiến thịt lợn càng khó tiêu thụ. Vì vậy, trong vài tháng trở lại đây, xã mới chỉ tiêu thụ được khoảng 1.000 con, tương đương khoảng 20% đàn lợn thịt. Hiện tại, Bách Thuận vẫn còn gần 5.000 con lợn thịt từ 100 - 150kg; 400 con lợn thịt từ 150 - 220kg, trong đó đàn lợn thịt có biểu cân nặng trên 150kg không hề “suy chuyển” vì chưa tiêu thụ được con nào.

Gương mặt hốc hác vì cơn “bão lợn” gây thiệt hại hàng tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Luân, thôn Liên Hồng, xã Bách Thuận cho biết: Trang trại của ông hiện nay có trên 2.000 con lợn các loại, trong đó có 300 con lợn thịt từ 100kg trở lên. Để tiêu thụ bớt đàn lợn, phần nào vớt vát chút vốn liếng đầu tư, gia đình ông Luân linh hoạt mở cửa hàng bán sản phẩm thịt lợn tại thành phố Thái Bình. Tuy giá bán đạt 50.000 - 60.000 đồng/kg thịt, cao hơn 10.000 - 20.000 đồng/kg so với các chợ ở quê nhưng trừ chi phí đầu tư thuê nhân công, địa điểm, người giết mổ, vận chuyển thì gia đình ông vẫn lỗ 1 - 2 triệu đồng/con lợn. Hơn nữa, lượng tiêu thụ trung bình chỉ đạt 1 con/ngày, với tốc độ tiêu thụ như vậy phải gần 1 năm nữa ông mới tiêu thụ xong đàn lợn. Vì vậy, ngoài tiêu thụ nhỏ lẻ, gia đình ông đang nỗ lực kết nối với một đơn vị quân đội tại Quân khu 3 để tiêu thụ đàn lợn với mong mỏi bán sớm ngày nào sẽ bớt thiệt hại ngày đó.

“Đàn lợn hơn 50 con còn trong chuồng ngày nào là vợ chồng tôi không ăn, không ngủ được ngày đó vì càng cho ăn càng lỗ nặng tiền thức ăn. Các chợ quanh địa bàn thì người ta rải kín thịt lợn rồi, chẳng thể tiêu thụ nổi nữa. Từ hơn 1 tuần nay, gia đình tôi thuê người giết mổ lợn của nhà rồi chở sang tận chợ đêm ở Nam Định để bán. Đó là chợ chuyên bán rau, nhưng giờ đành phải bán cả thịt, giá được khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg. Được một vài ngày đầu, người ta mua nhiều, mấy hôm nay nắng nóng cũng chỉ bán được 1 con/ngày thôi. Thôi thì cứ kiên trì, cố gắng bán, vớt vát chút nào hay chút ấy”, ông Nguyễn Văn Học, thôn Liên Hồng, xã Bách Thuận chia sẻ.

Không riêng Bách Thuận, những ngày này, người chăn nuôi các địa phương trên địa bàn huyện Vũ Thư đều nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho đàn lợn thịt. Qua khảo sát, hiện toàn huyện còn hơn 9.000 con lợn thịt, sản lượng ước tính 1.300 tấn thịt lợn cần tiêu thụ, trong đó tập trung nhiều ở các địa phương như Bách Thuận, Hồng Lý, Việt Hùng, Vũ Đoài... 

Ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Thư cho biết: Trước thực tế giá lợn xuống thấp kịch trần thời điểm cuối tháng 4 là 18.000 đồng/kg lợn hơi gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi, huyện chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động người chăn nuôi giữ vững tâm lý và duy trì ổn định đàn lợn. Để giải quyết khâu tiêu thụ thịt lợn, huyện tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, cá nhân tiêu thụ thịt lợn; vận động các hộ kinh doanh sản phẩm thịt lợn thực hiện giảm giá bán, kích cầu tiêu dùng sản phẩm thịt lợn để hỗ trợ tiêu thụ lợn cho người chăn nuôi. Các địa phương kêu gọi cộng đồng dân cư hỗ trợ người chăn nuôi tiêu thụ thịt lợn bằng cách mua lợn về đụng. Tuy chỉ là giải pháp tình thế nhưng cũng góp phần tiêu thụ thêm hàng trăm tấn thịt lợn trên địa bàn huyện thời gian qua. 

Qua khảo sát, từ ngày 6 - 7/5, giá lợn trên thị trường bắt đầu nhích nhẹ, đến ngày 9/5 đạt 27.000 đồng/kg thịt lợn hơi, do đó, nhiều hộ chăn nuôi lại có tâm lý “ém” lợn lại chờ giá lên. Huyện cũng chỉ đạo các địa phương định hướng cho hộ chăn nuôi, cần tính toán kỹ phương án xuất lợn khi giá nhích lên hay “ém” lợn chờ giá, tránh thiệt hại tiếp tục xảy ra.


Bà Lưu Thị Chỉ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh

Để giải quyết khó khăn đầu ra sản phẩm thịt lợn cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh nói chung và hộ chăn nuôi huyện Vũ Thư nói riêng, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng mở cửa hàng, hỗ trợ nhân lực, giới thiệu sản phẩm để tiêu thụ thịt lợn. Liên minh HTX tỉnh cũng phối hợp, vận động các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn thực hiện các chính sách ưu đãi về tài chính nhằm hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn về tiêu thụ sản phẩm.


Bà Phạm Thị Thành, chủ đại lý thức ăn chăn nuôi thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư


Hiểu những khó khăn mà người chăn nuôi lợn đang phải gánh chịu, riêng đại lý của gia đình tôi thực hiện giảm giá 7.000 - 10.000 đồng/bao cám, đẩy lùi thời gian thanh toán chi phí mua thức ăn để động viên bà con vượt qua khó khăn, duy trì ổn định đàn lợn. Ngoài ra, tôi đã và đang trực tiếp đi tìm gặp, liên hệ, mời gọi một số cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh để tìm nguồn bao tiêu lợn hơi. Dự kiến, sẽ bao tiêu được khoảng 500 con lợn, phần nào hỗ trợ người chăn nuôi trên địa bàn huyện giải quyết khó khăn về đầu ra.


Anh Nguyễn Xuân Thủy, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư


Trang trại của tôi hiện có gần 600 con lợn thịt, trong đó gần 300 con đạt trọng lượng trên 100kg, thua lỗ tính ra ngót 1 tỷ đồng. Thời điểm này, giá lợn trên thị trường tăng nhẹ nhưng việc tiêu thụ lợn thịt vẫn rất khó khăn. Nếu tiêu thụ thịt lợn nhỏ lẻ thì không thể xuể, vì vậy tôi mong các ngành, các cấp vào cuộc làm công tác liên kết người chăn nuôi với đơn vị, doanh nghiệp để hỗ trợ chúng tôi tiêu thụ thịt lợn quy mô lớn hơn, giá ổn định hơn.


Bà Lê Thị Lan, thôn Nhân Bình, xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư


Thông thường, gia đình tôi chỉ sử dụng một phần nhỏ thịt lợn, kết hợp sử dụng thực phẩm khác trong bữa ăn, nhưng với mong muốn góp sức mình để tiêu thụ thịt lợn, hỗ trợ người chăn nuôi nên giai đoạn này, gia đình tôi sử dụng thịt lợn thường xuyên hơn. Nhóm gia đình trong khu dân cư chúng tôi còn rủ nhau mua lợn về tự giết mổ, vừa rẻ, vừa giúp hộ chăn nuôi địa phương tiêu thụ lợn.



Quỳnh Lưu 


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày