Thứ 7, 23/11/2024, 10:51[GMT+7]

Pháo đài đồng bằng

Thứ 2, 01/06/2020 | 09:59:58
3,181 lượt xem

Ảnh minh họa.

Đặt chân lên trại, Duyệt bảo Tuyền:
- Cậu Chuyển bị bắt ở đây nhỉ!
- Ở đây. Vừa từ đò lên, nó bắn sả ngay, chết mấy người, còn bị bắt hết.
- Hôm ấy giá anh kiên quyết không cho rút thì hay. Đánh giặc có tiến có lui, nhưng lui cho có lợi là phải tính kỹ... Hôm ấy tôi mà họp, dứt khoát tôi ủng hộ anh... Chưa nắm chắc tình hình giặc ở đây thế nào, bám hầm là đúng nhất. Hôm sau có bị đào bắt một ít, vẫn đúng.
- Thì ai học đến chữ ngờ...
Tuyền nói, giọng nhỏ thắt lại... Ba đồng chí đêm ấy nằm đây. Ba nấm mồ chưa mọc cỏ. Cô Tươi, tập bước trong đội ngũ mà hai tay vắt vẻo như múa, nằm bên trái này. Cậu Tam mười bảy tuổi, nói mới vỡ giọng, trẻ nhất, nằm giữa đây. Còn anh Thái, thôn đội trưởng, một mình vác bốn cây tre đánh cả gốc đem trồng ở cổng Đông... Giá hôm ấy mình vững tay hơn...
Đi một quãng dài, Tuyền hỏi Duyệt:
- Truy nguyên nhân hôm ấy, anh bảo tại đâu là chính?
- Truy nguyên! - Duyệt lẩm bẩm. Rồi hỏi lại - Thế anh bảo tại đâu?
- Tôi thì... ý nghĩ lúc ấy tôi không chủ quan, bàn kỹ lắm. Nghe hết mọi người rồi mới có ý kiến cuối cùng... Nhưng vẫn sai, chắc là do mình thiếu kinh nghiệm, thiếu từng trải.
Duyệt ngẫm nghĩ hồi lâu:
- Khéo mà tại thế! Từ ngày lớn lên, chúng mình chỉ giong trâu cầm cày. Giờ có giặc vừa đánh vừa mò mẫm.
- Chứ bảo tại tư tưởng chủ quan, bi quan này khác thì...
- Không phải đâu. Rút kinh nghiệm là phải rút cho đúng. - Duyệt nói dứt khoát - Có cái việc anh đưa một lúc hai tay kỳ hào ra làm tề thì thật là chủ quan.
Tuyền quay lại nhìn Duyệt trong bóng tối.
Duyệt nói thêm:
- Hôm ấy anh giải quyết rồi, chữa ngay không tiện, tôi chỉ để bụng. Xem rồi ra thế nào. Quả nhiên các cậu ấy dựa vào nhau, viện cớ giặc bắt buộc rồi làm sai... Cũng may dân làng mình cứng cựa, anh em mình rắn tay, không thì các cậu ấy úm ngay.
Cái việc này thì mình chủ quan thật - Tuyền nghĩ - tưởng Cự là đảng viên thì không đến nỗi nào. Hóa ra cậu ta chỉ đội cái lốt đảng viên, còn đầu óc bụng dạ thì y nguyên là “cậu cả con cụ chánh”... Mình đã ngài ngại cậu ta từ lâu, mà sao hôm ấy mình lại thế... Hình như gặp lúc tình thế biến chuyển đột ngột, gay gắt, người ta dễ mất tỉnh táo... Trong cái việc này, xét cho sâu hơn, mình còn tùy tiện vô nguyên tắc. Mình không thi hành đúng nghị quyết chi ủy. Việc cần bàn lại, không đưa ra bàn, cứ linh động tự ý làm...
- Bây giờ anh tính thế nào? - Duyệt đột ngột hỏi.
- Việc Bật ấy à?... Tôi đã bàn sơ với anh Chuyển. Định tối mai họp chi ủy ta bàn kỹ... Tức là vận động các cụ lên quận, kiện tội ăn lạm mỗi thẻ tề năm đồng, buộc Bật nghỉ việc. Anh tính được không?
Duyệt ngẫm nghĩ rồi nói:
- Thay Bật là phải... Còn lại Cự, ta yêu cầu cậu ấy làm xã ủy. Đưa Phụ sang làm chánh bảo an... Vậy thì Cự không thích đâu. Nhưng bắt buộc phải vậy.
Thế cũng được. - Tuyền cân nhắc - Nếu Cự không chịu làm xã ủy thì bắt nghỉ luôn. Đưa hội Tùy ra. Lão này biết điều hơn.
Đến nhà thôn đội trưởng Ba Vì, Tuyền và Duyệt rẽ vào.


*
*      *



Quất bị giặc vồ hụt ở Ba Vì. Thằng tây trắng da mốc thếch cào toạc tay Quất. Ngay đêm ấy, hội Tùy giục Quất theo vợ Cự chạy lên thị xã:
- Lánh đi ít ngày, con ạ. Nó xéo, rồi về!
Quất nhìn cánh tay bị cào toạc, rướm máu. Bàn tay thô kệch ráp sì của thằng giặc như còn để lại nọc độc trên da tay mềm mỏng của Quất. Quất cảm thấy ngứa nhung nhúc. Không hiểu sao lúc ấy Quất lại hăng thế. Quất giằng cánh tay mình khỏi bàn tay cứng như sắt của nó, rồi chạy lao vào vườn dong riềng. Một loạt đạn tiểu liên vun vút trên đầu Quất. Quất cúi rạp xuống, chạy miết: “Mày bắn chết cũng được. Không để mày vồ sống!” - Thế rồi Quất chạy thoát.
Thấy Quất lặng lẽ, phân vân, hội Tùy nói khẽ:
- Đi vài ngày thôi! Con nghe bố!
- Con chả đi đâu! - Quất quay đi, mặt nhăn nhó, khổ sở.
Hội Tùy đứng buông thõng hai tay, đôi vai như sã ra. Một lúc lâu, lão bước lại gần Quất:
- Hầm bí mật của mày, giặc tìm thấy rồi! Ở nhà thì trốn vào đâu?
Quất sửng sốt:
- Sao bố biết? - Rồi Quất đứng ngẩn người... Có dễ hầm Quất bị giặc tìm thấy thật. Hôm qua giặc sục được mấy cái hầm trong làng. Có tin báo ra như vậy... Quất tưởng đêm nay luồn về bám hầm. Hầm mất thì về thế nào... Cứ ở đây, giặc lộn lại thì khốn...
Hội Tùy đưa cái tay nải nhỏ gọn cho Quất, trong có bộ quần áo và mấy đấu gạo:
- Con sang ngay bên Bái. Bố đã dặn chị Cự. Sang ngay kẻo người ta đợi.
Quất nhìn ra ngõ, ngơ ngác, ngần ngại: “Đi, chỉ sợ mang tiếng chạy dài...”
- Nghe nói Chuyển bị bắt lên thị xã. Con lên đấy nghe ngóng xem thế nào? - Hội Tùy nhấn thêm.
Quất sờ cái tay nải: “Liều vào đấy mấy ngày, qua trận càn rồi về”.
Nghe nói thanh niên bị càn giam trong chợ Bo, Quất lảng vảng đến tìm Chuyển. Đi lẫn vào đám nhân dân thị xã mang cơm tiếp tế cho đồng bào, Quất đội một thúng mía. Có ít tiền đem theo, Quất mua chục cây mía, chặt từng gióng ngắn. Tay trao mía qua hàng rào dây thép gai, mắt tìm tòi. Chả thấy Chuyển đâu. Thỉnh thoảng thấy một vài người làng Nguyễn nhưng không tiện hỏi. Mấy tên lính gác cầm súng lăm lăm đứng bên, nghe ngóng, xoi mói.
Nắng dội xuống cái chợ người. Hơn vạn cái đầu bù xù không nón mũ nóng ran, tưởng như chỉ một tàn than dính vào là bùng cháy. Những khuôn mặt hốc hác như bị lóc hết thịt. Những cái hố mắt sâu hoắm. Giặc cho ăn uống cầm hơi. Nhiều người đói lả...
Dân thị xã gánh đội, khiêng vác đồ tiếp tế vào đây. Những chồng nón mũ, lành rách đủ kiểu. Từng thúng, từng thúng cơm nắm. Rau muống luộc trộn muối vừng gói vào lá dong. Bánh tẻ, bánh nếp... dào dạt tuôn vào. Một chú bé gánh bưởi, ném từng quả như chuyền bóng cho các anh trong chợ... Một bà cụ dúm năm quả cam sành vào chiếc khăn vuông; đứng ngó nghến rất lâu tìm con hay cháu, không thấy. Bà lau nước mắt rồi tung từng quả cam qua hàng rào, cho những người đứng gần nhất.
Tối hôm ấy, dân ngoại thị đột ngột vào rất đông. Người nội thị cũng tràn đến. Cổng chợ ồn ào. Mấy nghìn người chen chúc. Trong chợ bật lên tiếng hô của hơn vạn con người “Cơm! Cơm!...! Nước!... Nước!...” sôi sục, ầm ã.
Người trong chợ tiến sát hàng rào. Người bên ngoài cũng tiến gần lại. Hàng rào bị những cái đòn gánh từ ngoài luồn vào nâng lên. Những người trong chợ chui qua, lẩn vào đám đông bên đường.
Những tên lính canh nhìn thấy kêu toáng lên: “Tù trốn!... Tù trốn!...” Súng bắn chỉ thiên. Tiếng quát tháo, nạt nộ. Người ngoài đường chen chúc nhộn nhạo. Trong chợ, tiếng đòi cơm nước vẫn sôi sục...
Mặt sau chợ, những tên lính ngụy, lính da đen nhớn nhác nhìn về phía trước. Tự nhiên điện tắt, chợ tối om... Những người thanh niên được chuẩn bị từ trước, lặng lẽ trườn dưới hàng rào thép gai ra bờ sông Trà, xuống cánh đồng ngoại thị...

Bút Ngữ

(Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày