Chủ nhật, 24/11/2024, 01:30[GMT+7]

Cây mai đỏ

Thứ 2, 04/03/2013 | 16:03:42
6,385 lượt xem
Ông Hà vừa ở UBND xã về, khuôn mặt đăm chiêu suy nghĩ, bỗng có tiếng còi xe ô tô, ông ngoái cổ nhìn lại, dường như nhận ra người quen, người lái xe bước xuống, vẫn nụ cười quen thuộc, anh ta giơ tay về phía ông: Cháu đoán thế nào cũng gặp bác. Ông Hà mời khách vào nhà, sau tuần trà nước, người khách đưa mắt nhìn về phía cây mai đỏ ở trước cửa nhà, rồi nói: Bác để cho cháu cây mai quý này đi, bao nhiêu tiền cháu cũng chịu.

Ông Hà nói: Anh phải để cho tôi suy nghĩ đã. Tôi biết ba năm nay anh vẫn muốn mua cây mai này, quý nhân tầm quý vật là điều tôi đã thấy nể anh. Giả sử có bán cây mai cho anh tôi cũng thấy yên tâm.

Người khách cười, giọng nhẹ nhàng: Bố để cho con đi, lấy tiền để dưỡng tuổi già. Ông Hà nâng ly nước lên miệng đưa đôi mắt nhìn ra ngoài vườn, giọng ông trầm hẳn: Anh cứ về đi, số điện thoại của anh tôi đã có, khi nào cần tôi sẽ điện. Hiện tại tôi cũng đủ sống, chưa đến mức phải bán đi cây mai mà cả cuộc đời tôi mới có được nó. Biết không thể lay chuyển được ông, người khách ra về, vẫn không quên ngoái cổ lại dặn với một câu: Bố nhớ nhé, nếu có bán phải để cho con đấy.

Khách đi rồi, ông Hà xách xô nước lại gần cây mai, ông nhẹ nhàng vẩy nước vào cây, như sợ nếu té nước mạnh quá cây mai đỏ sẽ bị đau. Trong đầu ông ngổn ngang những kỷ niệm về cây mai đỏ. Sau năm 1975, ông Hà ra Bắc. Ðến năm 1980, ông được quân đội cho nghỉ hưu. Ông lặn lội quay lại chiến trường cũ ở Quảng Ðà, với mục đích đi tìm hài cốt đồng đội. Người bạn chiến đấu thân thiết của ông đã hy sinh trong một trận chiến đấu ác liệt với kẻ thù. Vào đêm tối ông chỉ biết chôn xác bạn và đánh dấu địa điểm nơi chôn. Chiến tranh cứ cuốn hút cuộc đời lính của ông cho đến khi giải phóng miền Namon>. Với tâm nguyện khi về hưu ông sẽ tìm tới nơi người đồng đội đã mất để đưa anh về quê cho thỏa tâm nguyện, lời hứa với người đã khuất. Người bạn đã hy sinh của ông vốn là một chú bé mồ côi cha mẹ, quê ở một tỉnh miền núi phía Bắc. Anh xung phong đi bộ đội, khi gặp ông Hà hai người đã kết nghĩa anh em. Trước ngày chiến dịch mở ra, người đồng đội đó đã nói: Ðối với người lính, trong chiến tranh cái sống, cái chết là chuyện thường tình. Nếu em có hy sinh, anh nhớ đưa em về quê anh nhé để cho có anh, có em. Ông Hà đã thực hiện đúng lời hứa với người đã mất. Câu chuyện nếu dừng ở đây có lẽ cũng chẳng có gì để nói. Nhưng khi đưa hài cốt người bạn về, ông Hà chợt phát hiện ở gần bờ suối có một cây mai đỏ đang nở hoa. Mai đỏ là giống cực hiếm, ít khi gặp được, bông mai to, cánh mai mở rộng, khi gặp gió mai thoảng hương thơm. Ông đã từng nghe những người dân ở Quảng Nam, Ðà Nẵng kể: Có một viên sỹ quan ngụy đã huy động hàng đại đội lính đi tìm giống mai đỏ ở trong rừng nhưng cũng không thấy. Với ông Hà, gặp được cây mai đỏ quả là điều không tưởng tượng được, bởi ông là người rất thích chơi mai, đào và cây thế. Vốn dĩ bố ông trước đây là người dân đất Nhật Tân, một vùng quê luôn làm đào thế bán vào dịp xuân; khi có gia đình, bố ông đã theo vợ về quê ngoại và sống ở đó rồi sinh ra ông. Với tất cả khả năng của một người yêu và sành kỹ thuật chăm sóc cây, ông Hà đưa cây mai về quê. Nhiều đêm ông không ngủ, ngắm nghía rồi dùng dao kéo cắt tỉa, tạo thế cho cây. Cây mai tưởng như nhiều lần suýt chết vì cái lạnh mang theo sương muối của miền Bắc. Ông Hà đã có lần phải bắc giàn để che cho cây khi gió mùa đông bắc về kèm theo sương muối. Phải nói, ông dành tất cả tâm trí của mình cho cây mai. Ðến khi từ gốc cây mai già sinh ra hai mầm mai mới, ông đổ tâm sức để tạo cho bằng được thế cây: lão mai sinh quý tử. Cứ mỗi lần cây mai đỏ ra hoa lại rực lên một vùng sáng trong vườn. Trong những năm gần đây, kinh tế phát triển mạnh, người ta đua nhau chơi cây thế, tìm những cây hoa lạ, những giống cây quý. Cứ vào dịp Tết, bà Hà lại vất vả đun nước tiếp khách. Có rất nhiều người khách, ở xa có, gần có tìm tới ngắm nghía trầm trồ khen ngợi cây mai đỏ. Ðã có người dám trả ông hàng chục cây vàng để đổi lấy cây mai quý, nhưng ông chỉ cười và lắc đầu.

Ðang triền miên suy nghĩ ông nghe thấy tiếng khóc thút thít ở nhà bên, ông mở cổng đứng ở bờ đê nhìn vào rồi cất tiếng gọi: Nhà mẹ Nhàn có việc gì đấy, sao lại khóc?. Chị Nhàn từ trong nhà chạy ra nói trong nước mắt: Ông ơi, khổ thân cháu quá, thằng Tuấn phải đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Việt Ðức, năm hết tết đến rồi, nhà cháu thì ông biết đó, làm gì có tiền để thuê xe đưa người đi bệnh viện ở tận Hà Nội; lại còn tiền mổ xẻ, thuốc thang nữa chứ! Cháu chạy đôn chạy đáo cũng không vay được tiền, đang tính phải gá thổ đất này cho cái ông buôn bất động sản ở thành phố, may ra mới đủ tiền lo chữa chạy cho con.

Nghe đến đây ông Hà lặng người, bố thằng Tuấn đi xây cho người ta rồi ngã từ trên giàn giáo, để lại một người vợ trẻ và đứa con thơ mới được chín tuổi nhưng lại mang trọng bệnh trong người. Quả thật, ông suy nghĩ mông lung trong đầu, rồi đột nhiên hỏi chị Nhàn: Thế đã gặp người mua đất chưa?

- Dạ, gặp rồi, họ ép giá chỉ bằng 2/3 lúc giá nhà đất bình thường, bởi họ biết cháu đang cần tiền lo cho con, chị Hà nói trong nước mắt. Cháu chưa biết tính kiểu gì, có lẽ cũng phải bán thôi ông ạ.

- Chị cứ yên tâm tôi sẽ giúp, nhà cửa cứ để đấy sau này còn có chỗ mà ở, đằng nào thì tôi cũng cần một khoản tiền để lo việc khác.

- Chị Hà dường như không tin ở tai mình. Ông ơi, ông lấy đâu ra tiền, cháu biết ông bà chỉ có lương hưu, cây cối cũng không bán, chú Hải thì ở xa có giúp được ông bà mấy đâu.

- Chị cứ yên tâm, nói xong ông nhấc máy điện thoại lên, sau khi trao đổi với người ở đầu máy bên kia, ông bảo chị Nhàn: Chị cứ chuẩn bị đi, nửa tiếng nữa có người mang tiền tới: Ông về nhà, đứng bên cây mai đỏ dáng tần ngần, dường như ông đang muốn nói với nó: Cây ơi, ngươi hãy về với người đang cần có ngươi, ta biết ngươi là giống cây quý, nhưng cứu người, lo việc nghĩa là đạo của con người, ta đành phải xa ngươi, đừng trách ta nhé. Sau đó, ông lấy điện thoại ra rồi gọi cho anh Chủ tịch xã, giọng ông nhẹ nhàng nhưng rõ ràng: Tôi biết các anh đã hỏi được giống cây để trồng vào dịp đầu xuân, tôi đề nghị trồng hết ở đường làng và chân đê, để hưởng ứng Tết trồng cây nhớ Bác. Ðặc biệt là cần phải xây thêm mấy hố chứa rác thải cho hợp vệ sinh môi trường. Giọng anh Chủ tịch xã từ đầu máy bên kia vọng ra: Ông ơi như thế phải đến nghìn cây, chúng cháu lấy đâu ra tiền mà mua nhiều cây như vậy?

Giọng ông Hà trầm xuống: Anh tính đi, đủ một nghìn cây hết bao nhiêu tiền tôi sẽ ủng hộ xã, một tiếng nữa cho người đến nhà tôi lấy tiền. Giọng anh Chủ tịch như reo trong máy: Chúng cháu xin cám ơn ông; nhưng xin phép hỏi: Ông lấy đâu ra tiền để ủng hộ xã. Ông Hà nói: Cái đó anh khỏi phải lo, rồi sẽ biết tôi lấy tiền ở đâu ra; yên tâm đi. Tắt máy điện thoại, ông Hà trầm ngâm nhớ lại buổi họp của lãnh đạo Hội Cựu chiến binh với chính quyền xã để bàn về việc chuẩn bị tiền mua cây giống trồng vào dịp đầu xuân mới. Công việc thì rất ý nghĩa, ngặt một nỗi kinh phí của địa phương eo hẹp. Hơn thế còn phải ủng hộ, hỗ trợ những gia đình nghèo, khó khăn ở trong xã có một cái Tết vui vẻ. Khi ngồi họp, ông Hà cứ suy nghĩ mông lung. Có lẽ việc trồng cây đầu xuân sẽ gặp khó khăn. Nếu chỉ trồng có 100 cây thì là chuyện đơn giản, đằng này xã vừa sửa lại đường làng, ngõ xóm theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, lại còn lượng rác thải ra ở các thôn không có chỗ chứa nữa chứ, thật là nan giải. Lượng cây xanh cần để trồng ở đường sẽ lên tới hàng nghìn cây chứ đâu phải ít... Vừa lúc đó có tiếng còi ô tô ở ngay đầu ngõ, người khách hàng xách cặp bước xuống, theo sau anh ta là hai thanh niên. Tiếng anh oang oang: Con quả có duyên với cây mai đỏ này ông ạ, đêm qua con nằm mơ sẽ mua được nó, quả nhiên là đúng.

Ông Hà dường như không để ý tới chuyện mơ mộng của anh ta, giọng ông trầm lắng: Anh biết đấy, tôi quý cây mai đỏ này như tính mạng của tôi, phải trao nó cho anh là điều tôi chưa hề nghĩ tới, nhưng nay tôi cần một khoản tiền để làm việc, mà nếu không có nó vào lúc này thì e rằng sẽ ảnh hưởng tới sinh mệnh của một cháu bé. Vì thế, tôi quyết định bán nó cho anh nhưng với điều kiện anh phải chăm sóc nó cẩn thận, khi rảnh rỗi cho phép tôi được sang “chơi” với nó. Người khách mua cây nắm chặt lấy tay ông mà nói: Ông yên tâm, nhà con lúc nào cũng rộng cửa đón ông tới thăm cây. Nhưng ông cho con hỏi thật, ông cần tiền để làm gì mà lúc trước con hỏi ông lại không đồng ý bán?

Ông Hà cười nhẹ: Tôi cần gì có lẽ không cần phải nói cho anh biết, nhưng thôi anh đã hỏi thì tôi cho anh tỏ để khỏi phải thắc mắc trong đầu. Tôi muốn dành một phần tiền để giúp mẹ con cái Nhàn đi bệnh viện để chữa bệnh, số còn lại tôi ủng hộ xã mua cây trồng ở con đường làng mới sửa, một phần có lẽ cũng phải để góp phần đóng các xe gom rác, giữ vệ sinh chung.

Nghe nói vậy người khách mua cây nhìn chằm chằm vào ông Hà, anh ta như không tin ở tai mình. Sau khi nhận tiền ông gọi chị Nhàn sang giao tiền cho chị, người khách mua cây thấy vậy liền nói: chị đã thuê được ô tô chưa?

- Dạ, chưa anh ạ.

Người khách đon đả: Nếu chị không ngại thì ngồi luôn lên xe. Tôi bảo người chở cây về rồi sẽ đưa mẹ con chị đi Hà Nội luôn. Nói xong anh ta đưa mắt nhìn ông Hà rồi tiếp: Cháu rất cảm động khi thấy ông làm việc này, ông cho cháu cùng san sẻ.

Tiễn người khách ra xe cùng chị Nhàn, ông Hà quay lại nhìn vào đám đất trước đây trồng cây mai đỏ, đôi mắt ông dường như có giọt lệ rơi, ông tự nhủ với lòng mình: con người ta sống phải vì hạnh phúc của người khác, việc mình làm là nhỏ so với những việc mà người thiên hạ đã làm từ thiện trong cuộc sống cộng đồng này. Trước đây bố ông thường nói: Làm việc thiện là cái tâm, cái đức của con người, nhưng phải bằng hành động thực tế chứ không phải là bằng lời nói suông. Con nên nhớ, ở đời có người cứ mở miệng là nói tới chữ tâm hoặc luôn tự đắc tôi sống vì cái tâm, nhưng việc làm của họ lại không hề giống như những gì họ nói... Nghĩ tới đây, ông Hà tự nhủ lòng: Việc mình làm, chắc hẳn bà ấy biết chuyện cũng sẽ đồng ý.

Truyện ngắn của Đặng Hùng

(Kỳ Bá - Thành phố Thái Bình)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày