Chuyện nhà
Cuối tháng hai ta, anh Bình tôi về nhà. Dịp Tết tăng ca nên anh nghỉ bù. Nhưng đến khuya, khi trong nhà chỉ còn mấy mẹ con, anh nói:
- Xí nghiệp sắp phá sản. Giám đốc, công nhân mạnh ai nấy no. Con tranh thủ về bàn với mẹ, các em xem nên thế nào?
Mẹ tôi vốn không có quan niệm “Công chức là danh giá”. Vậy mà theo từng lời anh Bình vầng trán mẹ tôi chợt in những vết nhăn lạ. Mẹ tôi nhằn bã trầu:
- Quanh năm quẩn với ruộng vườn, mẹ chả hiểu đường công nghiệp thế nào. Anh em liệu bàn tính sao cho phải.
Cô Út Hải rầu rĩ ra mặt. Nó đang ấp ủ “bài toán” quyết tâm đỗ đại học – anh cả chu cấp học phí. Nguồn tin anh Bình mang về là nghiệm số choáng váng.
Anh Bình tốt nghiệp cao đẳng hành chính, thi tuyển công chức đỗ đầu Sở Công Thương. Tính anh thẳng thắn nhưng ngại va chạm. Biết đâu “phá sản” là cớ để anh tạm lánh cú va chạm nào đó. Tôi ướm hỏi:
- Anh xin việc nơi khác được không?
Anh Bình an ủi chính mình:
- Vài triệu tiền thôi việc chỗ này có thể đủ chi kiếm việc chỗ khác. Vấn đề là ở đâu đỡ được ít nhiều sự bán mình. Anh rời tay cày đã lâu giờ về cầm lại. Cũng quen lại thôi.
Anh Bình chưa quên việc. Về nhà, anh chằm bặp đủ việc. Không nhìn thấy nỗi buồn trên gương mặt anh. Có thể công việc làng đa canh đã giúp anh nguôi ngoai. Một đêm, anh Bình gọi dựng tôi dậy hỏi.
Thủ tục xin cấp ruộng đất phải như thế nào em.
- Ruộng đất đã chia lâu dài nhưng vẫn còn quỹ dự phòng. Trường hợp như anh thường được cấp ngay để kịp làm mùa. Nhưng phải lấy ruộng giá thầu.
Hôm sau mẹ tôi bươn bả đi từ trưa. Tối sẫm mẹ tôi mới về. Người nhổ quết trầu đánh toẹt như thể anh em tôi có lỗi:
- Ðứa là người thân họ nội, đứa hàng cháu bên ngoại. Vậy mà chúng nó coi không bằng người dưng nước lã. Bực quá mẹ nói cho một thôi. Nhà nước gọi đi bộ đội rồi cho đi học, đi làm. Giờ nhà nước ít việc thì cho về. Tù tội gì cho cam. Mà có tội tù, mãn hạn về cũng phải có miếng đất cho người ta sinh nhai. Các con cứ để mẹ lo việc này.
Ngày tư giỗ bố tôi. Ngày ba, mẹ tôi bàn việc mua sắm, khách mời. Tôi láng máng hiểu ý đồ của mẹ. Anh Bình nói thẳng.
- Mẹ làm thế bố con buồn giận. Dân làng họ cười cho. Mới lại chắc gì họ đến.
Mẹ tôi chùi nước mắt:
Nơi chín suối thế nào bố con cũng thấu sự đời nay tha tội cho mẹ. Ngày mai các con lo việc sắp sửa. Việc tiếp khách đã có dì Ân.
Thì ra dì Ân cũng tham gia chiến dịch đất đai. Dì tôi rất đẹp gái và tính cách cũng nổi tiếng lạ. Ngọt ngào dì nói thiên lôi cũng phải cúi đầu, dỏng tai. Tam bành dì nổi thì ông ba mươi cũng phải cụp đuôi rảo cẳng.
Mẹ tôi nói đúng. Quý thượng khách đến sớm và đông hơn dự kiến. Quan thôn, quan xã ngồi dư hai mâm. Cũng may dì Ân có “tầm nhìn xa” làm thêm mâm dự phòng. Trong số các quan có hai vị là bạn học cấp ba của anh Bình. Nhờ thế câu chuyện “trước – trong – sau” cỗ khá rôm.
Khách nhà về vãn, dì Ân bưng cái mâm đầy lút gỏi lá chuối đến trước giường khách quan. Mẹ tôi, ngọt ngào:
- Các anh cho thím gửi chút lộc:
- Ấy... chớ chớ - Bí thư xua tay.
Chủ tịch quả quyết:
- Cô đừng làm thế. Cô cho anh em cháu đến nhớ ngày chú thế này là quý hóa lắm rồi.
Dì Ân còn quả quyết hơn. Vơ chồng cặp da dì nhét vào mỗi cặp một gói cặp nào cũng căng phồng. Tiện chiếu trải dì Ân ngồi xuống nền nhà, nhìn lên:
- Chả mấy khi vinh hạnh các vị đến nhà, xin có lời thưa thật. Chị tôi mẹ góa con côi. Có thằng cả tưởng kiếm được đồng lương, chẳng ngờ nhà nước cho về. Kể ra thì việc khác cũng dư đỗ nhưng cháu nó thương mẹ, yêu làng. Các vị thương đến cảnh nhà, hạ bút cho suất ruộng thì thật ơn mưa móc...
Trưởng thôn chuyển đơn sang bí thư. Bí thư chuyển sang chủ tịch. Quá nửa vòng tròn lá đơn hội đủ chữ ký cho phép người về làng có ruộng. Tiễn khách ra về, trở vào dì Ân như nhập đồng huơ tay lẩy Kiều: “Cứ như ý tứ mà suy...” Cả nhà cười ra nước mắt. Anh Bình cười gượng. Tôi an ủi anh:
- Việc chẳng đừng thôi. Suy cho cùng được nhiều hơn mất.
Thêm ruộng anh Bình tính mua con bò. Món tiền thôi việc sau vài chi tiêu còn đủ mua con bê tuổi vực vai. Mẹ tôi gạt đi. Lý do cổ nhân đã dạy: “Một ba, sáu tám kim lâu. Làm nhà, cưới vợ, tậu trâu hãy đừng”. Thâm tâm tôi nghĩ khác. Món tiền mồ hôi nhọc nhằn một thời nên sử dụng vào mục đích an ủi, kỷ niệm. Ví như gửi tiết kiệm, hàng tháng rút lãi mua tờ báo, cuốn sách, lạng chè, gói thuốc, con tem vui bạn.
Suất ruộng thầu thuộc diện tăng vụ, anh Bình tính gieo lứa đay hè. Tôi đi thồ đất khoán ngoài bãi sông Lăng. Ðược vài chuyến có đứa cháu gái chạy ra bãi, rối rít:
- Chú Bình bị thương. Về ngay.
Tôi thất tán hồn vía. Con trâu mộng nhà ông Ty rất bướng bỉnh.
Buổi tối đang ăn cơm mẹ tôi hỏi:
- Các con nhớ xem. Có lần nào phun thuốc cho lúa bỏ quên hay đánh rơi chai lọ.
- Không ạ - Tôi quả quyết. Lần nào đi phun thuốc con cũng mang theo giỏ đựng vỏ, chai.
Mẹ tôi ngừng tay xới cơm.
- Chiều nay mẹ với bác Ty có xem móng trâu. Chắc chắn trong ruộng không chỉ có một mảnh. Ðành chịu chậm xuống giống vài ngày. Ngày mai phải tháo kiệt nước ruộng, cuốc tìm nhặt mảnh chai.
Thình lình dì Ân ào vào sân. Ðang cơn tam bành dì phệt xuống hiên, không để ý đến bữa cơm.
- Cha tiên nhân nhà nó. Cậy bố, cậy tiền, cậy mai cậy mối. Trăm trò cậy dựa vẫn bị chối phăng giờ trò chó cắn trộm. Việc này cứ để dì xử. Bố nó có là vua dì cũng không sợ.
Anh Bình vội vàng:
- Mảnh vỡ lẫn trong phân gio là chuyện thường. Mình không bắt quả tang nói ra họ tạt lại thì hết đường gỡ.
- Bằng cớ hả! – Dì Ân gay gắt – Bằng cớ cả làng nhìn thấy, dì mày nắm trong tay. Cứ để dì mày cho quan lang biết tay đàn bà.
Mẹ tôi cúi đầu cố nuốt miếng cơm. Suốt đêm tôi thao thức với những chuyện đã qua ít nhiều liên quan đến anh Bình. Anh về quê đúng dịp làng vào hội. Hội đền Ðức Thánh Trần làng Quảng mở ngày rằm tháng Ba, là địa điểm lịch sử tâm linh nổi tiếng. Anh Bình đăng ký giải cờ tướng, vượt qua ba vòng bốn mươi bảy đấu thủ đoạt giải nhất. Người thôn Bàng, chị Làn đoạt danh hiệu hoa khôi hội làng. Chị Làn đang là mục tiêu của khá nhiều trai tráng trong vùng. Trong số các trai có Tấn – con trai chủ tịch xã. Tấn lợi thế người cùng thôn, là cán bộ ủy ban huyện. Các trai lảng dần vì thua điểm Tấn còn vì những trò đầu gấu Tấn sai bảo lũ trai hư hành xử. Làng đồn sắp có cuộc hôn nhân cưỡng ép. Thế rồi ông tơ bà nguyệt ra tay. Ngày mãn hội, anh Bình chị Làn lên bục nhận giải trong tiếng vỗ tay, tiếng reo: “Ðẹp đôi... Yêu nhau đi...” Ra về chị Làn cảm ơn Tấn mở sẵn cửa xe ô tô lên xe đạp của anh Bình. Xe ô tô vượt lên chạy loằng ngoằng rú còi khiêu khích. Ít hôm sau, anh Bình bị trận “củ đậu bay” ngay đầu ngõ nhà chị Làn. Một lần anh bị mấy thằng quây đòn hội chợ, gậy tày cứ nhằm phang ống chân. Lần thứ hai, anh Bình tóm được một thằng, buộc nó khai ra kẻ chủ mưu. Anh Bình xuống văn phòng Ủy ban huyện xin gặp riêng Tấn. Anh Bình ấp bàn tay lên ngực, chìa bàn tay ra: “Tôi và anh cùng yêu một cô gái. Anh đang có rất nhiều. Tôi chỉ có thế. Chúng ta hãy đàng hoàng đáng mặt trai làng Quảng...”. Tấn cười khẩy thách thức. “Rồi xem ai thắng ai”. Những cú đòn nhằm vào chân và những mảnh chai ném xuống ruộng là trò tiểu nhân hòng làm anh Bình mang tật suốt đời. Kẻ tiểu nhân đã được bài học nhớ đời. Mấy tên đầu gấu ăn đủ đòn của chàng trung sĩ hải quân. Tình yêu của cặp khôi nguyên hội làng đã chín cuộc hôn nhân.
Phải ngày mưa hai hôm sau thửa ruộng mới kiệt. Cả nhà tôi cuốc đẫy buổi sáng nhặt lên hai mươi mốt mảnh vỏ chai. Buổi tối dì Ân sang. Dì diện đồ đẹp, mặt thoa son phấn như đi hội. Dì đẹp lộng lẫy như hoa hậu đăng quang. Mẹ tôi và dì Ân gói đống mảnh chai vào vuông vải điều đặt trong khay nhựa vàng. Hai người đi ra ngõ. Ði đâu với gói mảnh chai? Hay mẹ và dì lên đền Ðức Thánh phát lời thề? Không đắn đo nhiều, tôi bám theo mẹ và dì. Ðến giữa làng hai người rẽ vào khu văn phòng ủy ban xã. Trong ấy sáng đèn. Cán bộ xã, thôn đang họp.
- Chào các ông các bà – Dì Ân đặt cái khay xuống bậc hiên, cúi người – Chị em tôi có câu chuyện xin thưa được không ạ.
- Chúng tôi đang họp. Nhưng có chuyện gì cứ vào trong này.
Mẹ tôi bưng khay cùng dì Ân bước qua bậc cửa. Chờ mẹ tôi đặt khay nhựa xuống nền nhà dì Ân chắp tay:
- Thưa, sự việc xảy ra với cháu Bình nhà tôi đến đứa trẻ cũng biết. Chị em tôi, các cháu muốn quên. Nhưng dư luận xôn xao đấy là việc kẻ quyền tiền tư thù dân thường. Thâm tâm hoài nghi nhưng nghĩa vụ phải trình báo chính quyền.
Tiếp lời dì tôi là sự im lặng.
Anh Bình cưới vợ được ít lâu mẹ tôi đón trước một việc tất yếu.
- Con đã thành gia thất, sớm muộn cũng phải ra ở riêng. Vợ con là đứa chỉn chu, biết ăn biết làm. Ăn làm chung nó thương mẹ, chiều em cáng đáng mọi việc. Lúc son rỗi, khỏe chân mạnh tay thì thế. Còn khi bụng mang dạ chửa, trái gió trở trời? Chả ai nắm tay tối ngày được. Mẹ còn ăn còn làm được cứ để mẹ lo làm ăn. Mai ngày chân yếu gối chùng ắt phải dựa dẫm các con, chưa muộn. Vợ chồng con ra riêng cũng là để các em tập tành công việc, bỏ thói dựa dẫm. Ý mẹ thế. Còn trông ở điều thuận vợ thuận chồng.
Hôm sau, với chị Làn:
- Mẹ nghĩ thế. Con tính sao?
Chị Làn không buồn như anh Bình – Phải lẽ thôi! Người biết tính toán được tự lo liệu mà không vui mới là điều đáng nghĩ. Chị thật thà:
- Anh Bình đã thưa chuyện với thầy u con bên nhà. Thầy u con nhất trí. Thóc cho ba tạ. Ðôi lợn, mái gà tha hồ chọn.
Mẹ tôi thoáng buồn:
- Ông bà chu đáo quá. Mẹ đong thóc cho các con đủ ăn đến mùa. Sang tháng đàn lợn biết ăn, tùy chọn lấy đôi nái... Làm cha mẹ để các con thiếu thốn chẳng đành tâm. Cha mẹ nghèo con khó! Làm dâu mẹ con lạ gì cảnh nhà.
- Mẹ thì. Chúng con giầu hơn mẹ rồi.
- Chị Làn ôm lưng mẹ, chợt khẽ khàng – Mai con sang cụ trưởng hỏi xem ngày nào tốt sắp lễ gia tiên, xin phép bố cho chúng con ra ở riêng.
- Cha tổ chị - Mẹ tôi mắng yêu. Thoắt tiêu tan nỗi buồn tưởng in sầu mãi trên gương mặt người.
Tiếng là ra riêng nhưng chưa mua được đất làm nhà nên anh chị Bình vẫn “ăn riêng chung nóc. Ðến bữa, chị Làn sắp cơm mẹ đâu đấy rồi mới sắp mâm vợ chồng dưới bếp. Ðang ăn, chị bưng bát cơm chạy lên hiên: “Con xin muôi canh. Ðể xem út nấu thế nào. “Mời mẹ, các em ăn thử món cá kho dưa. Anh Bình câu cá sông Lăng đấy ạ...“. Bữa cơm bừng không khí mới.
Tháng năm, út Hải xuống trường đem về một việc khiến nhà tôi chia làm hai phe. Mẹ với anh Bình chỉ vài lời nhưng đủ nói lên nỗi lo có cơ sở. Con gái mới lớn nửa bước ra ngõ là cả muôn lo. Chị Làn một mực:
- Cứ để út lên tỉnh ôn thi. Cả lớp đăng ký ôn thi trường tỉnh, một mình út ở nhà học sao vào. Ði ôn thi cũng là để út tập sự xa nhà, mai kia thi đỗ ở ký túc xá đỡ bỡ ngỡ.
Cho đến ngày cuối tháng. Tôi và anh Bình đi tát nước đêm để hôm sau có nước bừa ngả ruộng tăng vụ. Về đến sân, hai anh em giật mình, sững bước. Trong buồng mẹ tôi vẳng ra tiếng khóc thút thít. Rồi tiếng chị Làn.
- Ðầu đuôi thế nào em phải nói thật. Biết rõ chuyện mới bàn bạc, liệu đường xử sự.
- Chúng nó rủ em đi xem cho đầu óc đỡ căng thẳng. Ði xem, đi chơi về đứa nào cũng thao thức khó ngủ. Quen rồi tối nào cũng đi. Thế rồi vui vui, thích thích... rủ nhau thuê phòng trọ riêng.
Thế là rõ. Anh Bình như lao vào nhà anh bật đèn sáng gọi út ra.
- Thằng Chu có làm được bài không?
- Nó chỉ làm được nửa bài đại số.
- Còn cô.
- Em làm được hết.
- Thôi. Ngày mai gặp nó bảo đến tối sang nhà anh chị hỏi chuyện.
Bốn năm lần bắn tin vẫn không thấy mặt thằng
Một đêm, tôi choàng thức vì bàn tay vỗ như đập vào trán. Thì ra anh Bình. Anh dúi vào tay tôi tờ giấy.
- Cô út trốn nhà đi, gài giấy đầu giường mẹ.
Chị Làn dìu mẹ vật vã dưới đất lên giường, gắt giục anh Bình.
- Anh lấy xe đạp vù xuống bến xe. Tạt qua bảo cậu Triều đi xe máy sang bến tàu. – Chị bảo tôi. – Chị phải ở nhà với mẹ. Em nhờ bạn có xe máy chạy sang bến Trà. Ði ngay đón trước chuyến xe liên tỉnh.
Ngày tiếp, hơn chín giờ đêm tôi mới về đến nhà. Mọi hướng đi tìm đều không kết quả. Bà con hàng xóm sang an ủi, ngồi chật nhà. Khuya, dì Ân sang thôn Ðồng về. Dì ngồi như gieo xuống góc hiên, chao chát:
- Chồng ngồi đấy, vợ ngồi đấy. Tôi vào thưa gửi đầu đuôi. Sờ sờ hai đống mà không nỡ mở miệng lấy nửa lời mời. Hỏi xin địa chỉ thằng kia để dò la tin tức con bé thì chồng rằng không biết, vợ rằng không hay. Lũ con vặn đài phừng phừng. Già trẻ cậy quyền cậy của coi người như cỏ rác. Con dại cái mang, chứ nhà này truyền kỳ vun nhân đắp nghĩa. Con bé trót dại có đi khắp gầm giời cũng có người cưu mang.
Sau mấy ngày trông ngóng mẹ tôi vâng theo ý kiến của cụ trưởng họ. Dì Ân, chị Làn lên Thái Nguyên sang Tuyên Quang. Có thể út Hải xấu hổ tìm lên người nhà tạm cư một thời gian. Tuyệt đối không được ai nhờ đài, báo nhắn tin tìm người”. – Cụ trưởng dặn thêm sau một lúc bấm đốt ngón tay lẩm bẩm như bấm quẻ độn.
Anh Bình trở nên lầm lỳ ít nói. Ban ngày anh ra đồng. Buổi tối xong bữa cơm là anh đi làm thợ phụ xưởng mộc làng Mai. Anh chị quyết tâm mua đất, làm nhà bằng việc tích góp mồ hôi cơ bắp và đôi trâu vừa tuổi vực vai. Ðôi trâu là tiền mẹ tôi bán đàn lợn và chị Làn bán chiếc nhẫn hồi môn.
Một buổi sáng, anh Bình ra chuồng trâu, lao về đứng giữa sân, nghẹn ngào.
- Mẹ... Hỏng hết rồi.
Mẹ và tôi chạy ra chuồng trâu, sững sờ, không dám tin ở con mắt nhìn đôi trâu đẹp như tranh qua đêm trở gió thoắt đờ đẫn, tai cụp lông dựng, mõm và chân sưng vù. Anh bác sĩ thú y đến khám, tiêm ngay thuốc liều cao. Ba ngày thuốc men, chăm sóc tối đa, đôi trâu đổ bệnh nặng hơn. Ngày thứ năm, bác sĩ thú y dừng việc điều trị. Hàng xóm có người bàn gọi lò mổ bán vớt vát đồng vốn. Anh Bình không nghe, báo thú y chuẩn bị vôi bột, tìm chỗ chôn đôi trâu. Mẹ tôi nhờ người dắt trâu đi. Mấy mẹ con tôi, bà con xóm giềng tiễn đôi trâu xấu số qua cổng. Cả chục con người đỏ hoe con mắt nhìn theo. Ðôi trâu đi mấy bước ngoái lại, đôi mắt ướt nhèm chớp chớp liên hồi.
Nhóm “tìm kiếm” trở về. Út Hải vẫn vô tăm. Trớ trêu, ngay chiều hôm sau út Hải có giấy gọi Ðại học Y khoa. Mẹ tôi vật vã. Chị Làn mượn điện thoại di động của anh kỹ sư người hàng xóm đang nghỉ phép gọi điện cho bạn học công tác ở Hà Nội. Dứt cuộc điện thoại chị Làn ôm chầm mẹ, nước mắt giàn giụa.
- Mẹ đừng buồn. Anh bạn con hứa giúp út Hải bảo lưu kết quả thi. Út nhà ta sớm muộn sẽ là bác sĩ.
Dì Ân lau vội nước mắt. Dì lại bàn thờ thắp hương báo tin vui cho các bậc tiền nhân và bố tôi. Trong ánh đèn lung linh gương mặt dì tôi rạng ngời. Dì tôi đẹp đến không tả nổi.
Tháng mười, buổi tối ngày rằm nhà tôi có khách. Khách là người thôn Bến, họ tên đầy đủ là Hà Tiến Trình, xa gần gọi tắt: họa sĩ Trình. Họa sĩ Trình tầm tuổi dì Ân tôi là cháu nội của bạn điền với ông ngoại tôi. Có câu chuyện mà dì Ân và họa sĩ Trình là nhân vật chính. Hai người yêu nhau từ năm cuối trung học phổ thông. Chàng đỗ thủ khoa đại học mỹ thuật, nàng đỗ cao đẳng dược. Một cặp trai tài gái sắc xưa nay hiếm. Cho đến một buổi chiều, đang họp đảng ủy ông ngoại tôi lao đi. Trên đường ông với cây bàng bẻ cành làm gậy. Ở góc bến tắm sông Lăng, chàng họa sĩ với giá vẽ, nàng dược sĩ khỏa thân, nửa người ngợp trong lòng bến quê. Một tiếng thét gầm cùng lúc cây gậy đập tan tành giá vẽ. Bất chấp những lời khuyên giải, cả những đề xuất của đảng ủy, ông bố từ bỏ mọi chức vụ, danh hiệu đứa con gái lên miền ngược. Hai bố con ông chỉ trở về làng khi chàng họa sĩ tài ba đã yên bề gia thất nơi phố phường. Năm kia, đột ngột họa sĩ về làng dắt theo đứa con trai đang học lớp một. Dư luận đồn rằng gia đình đổ vỡ, vợ đi với nhân tình người Hàn. Ðây đó có người nói họa sĩ Trình bị tai nạn nghề nghiệp.
Chắc là có việc hệ trọng nên họa sĩ vào nhà đến bàn thờ thắp hương rồi mới ra ngồi bên anh Bình.
- Thưa thím, cháu xin nói ngay câu chuyện – Họa sĩ nhìn nhanh anh Bình, chị Làn – Có đúng là thím và các em đang tìm mua đất tách hộ cho vợ chồng em Bình.
Mẹ tôi thở dài:
- Thím và các em quả có tính việc ấy nhưng mấy việc xảy ra, đồng tiền tiêu vào đấy cả. Ðành gác việc ấy lại.
- Có việc, cháu và thầy mẹ cháu đã bàn bạc, nhất trí. Thổ cư nhà cháu rộng, nhường lại cho các em một sào. Thím và các em không chê, ngày mai làm thủ tục. Tiền chuyển nhượng bao giờ có trả dần.
Mẹ tôi ngồi lặng đi. Chị Làn rơm rớm nước mắt. Tiễn họa sĩ ra về, anh Bình ôm choàng lấy mẹ.
- Ngày mai, mẹ với dì Ân sang thưa với ông bà giúp chúng con.
Mẹ tôi chỉ khẽ gật đầu. Tôi hiểu nhưng băn khoăn của mẹ. Như là tiền định, cùng một năm hai người yêu xưa cùng đổ vỡ gia đình. Chồng dì Ân lên chức to, ruồng rẫy vợ con, hiện đang ở với vợ hai trong Sài Gòn. Họa sĩ Trình, thật ra chưa rõ nguyên nhân về quê. Ở quê họa sĩ vẫn vẽ tranh, đồng nghiệp luôn về thăm, nhận tác phẩm đi triển lãm đó đây. Hình như từ khi về quê làm ruộng, vẽ tranh họa sĩ có điều kiện phát huy tài năng. Sự nổi tiếng của họa sĩ vô hình chung làm rộ những lời dị nghị không liên quan gì đến hội họa. Oái ăm, lại liên quan đến dì Ân tôi. Có lời bóng gió rằng mối tình xưa là nguyên nhân khiến hai gia đình tan đàn xẻ nghé. Hơn một lần mẹ tôi căn vặn và dì Ân giàn giụa nước mắt. Mối tình xưa đã là kỷ niệm xót xa, dì Ân tôi và họa sĩ Trình không có tác động gì đến nhau trong việc gia đình. Sự thật là như thế nhưng giải thích với dư luận là việc không tưởng. Giờ có việc họa sĩ nhượng đất cho anh chị Bình. Liệu dì Ân có ảnh hưởng đến việc lớn ngoài sức tưởng tượng của không riêng mẹ con tôi? Ông bà ngoại tôi mất đã lâu. Song thân họa sĩ Trình đã ngoài tám mươi, còn lanh lẹ và minh mẫn. Và, vẫn còn đó câu chuyện đem trả trầu cau, bắt con gái lên miền ngược.
Dì Ân sang. Mẹ và dì ngồi nói chuyện cả giờ đồng hồ. Sau hồi bàn bạc dì Ân vào đứng trước gương sửa lại mái tóc. Tôi vào nhà với dì:
- Dì tính có nên không.
- Sao lại không! Dì Ân quay ra với tôi. Ðời vẫn nhiều người tốt. Cứ biết đường ăn ở có phúc có phần. Miếng đất ông bà bên ấy nhượng cho rộng đẹp nhất thôn. Ðất ấy được đẹp như thế cũng có công ông bà nhà ta.
Vào tuổi hai mươi sáu tôi mới được nghe kể chuyện từ những năm bốn mươi thế kỷ trước. Vốn đầu thôn có dãy ao tù ông bà nội họa sĩ Trình, khi ra ở riêng chỉ đủ tiền mua vuông ao tù. Ông bà ngoại tôi giúp công. Hai tháng ròng, sức người gánh đất bãi sông Lăng về lấp ao. Vuông ao nổi nền nhà, bếp sân vườn. Dần dần làm ăn tích cóp, ông bà mua được cả dãy ao tù, tôn tạo nên khu đất rộng đẹp.
Một đêm khuya tôi vỡ giấc vì tiếng gọi cổng. Tôi bật lên, đi ra sân.
- Ai đấy?
- Xin cứ sáng đèn, rộng cửa.
Giọng nói lạ hoắc. Tôi rón bước thế thủ ra cổng. Chốc lát, anh Bình cầm đèn pin ra sân.
- Trời ơi. Lương. Anh Bình reo lên, lao ra ôm chầm lấy người đàn ông cao to như hộ pháp đeo túi ký giả. Quỷ tha ma bắt mày đi đâu miết vậy, Lương!
Người đàn ông vập vập vầng trán vào trán anh Bình.
- Cho cái chỗ ngồi đã nào. Cuốc bộ đến sắp rụng cả giò rồi đây.
Tôi nhớ ra ngay. Anh Lương là bạn chí thân của anh Bình. Anh Lương tốt nghiệp đại học báo chí, đương chức “sếp” của một tờ báo lớn.
Anh Lương mở túi xách lấy ra phong thư đặt trước mặt mẹ tôi, thoáng ngượng:
- Út Hải... đang ở chỗ con.
Mẹ tôi nhìn qua phong thư, đi lại bàn thờ vặn to hơn ngọn đèn. Trên ban thờ nhà tôi quanh năm sáng ngọn đèn hạt đỗ.
Muôn thuở người đời bảo nhau: “Tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy điệm”. Một năm, những vui buồn hay dở trong nhà tôi đậy điệm cả vào trang giấy trắng mực đen. Ðó là việc bố tôi thường làm. Ra giêng ngày rộng tháng dài, mọi người đình đám, hội hè... Bố tôi ngồi trước trang giấy, hồi tưởng gợi hỏi chuyện năm qua đặng chép lại. Ông quen ghi chép ngày tháng theo lịch “can – chi” Trung Hoa. Và gọi vui là “Nhất Niên Gia Sự”. Chép xong ông để cuốn sổ ở nơi dễ thấy nhất. Ai đọc cũng được. Có nhận xét gì cứ thoải mái ghi vào những trang để trắng. Mấy năm nay chưa một lần tôi dám quên lệ nhà. Duy lần này muộn mằn vì vừa lo xong việc nhà mới của anh Bình lại giúp họa sĩ Trình đưa tranh đi triển lãm có tiêu đề rất thú vị: “Làng Ta – Xuân...”
Truyện ngắn của Trần Văn Thước
(Vũ Lăng, Tiền Hải)
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng