Truyện ngắn Một sáng đồng quê
Mới đấy mà đã hai mươi lăm năm.
Người ta bảo vợ chồng là cái duyên cái số, chẳng biết có phải thế không, nhưng vợ chồng chị thì đúng như đã có bàn tay vô hình sắp đặt. Hai nhà cùng nằm trên thửa ruộng hai sào ngày trước hợp tác vẫn dùng để gơ dây khoai lang và đúng là “cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn”. Hai ông bố đều là chiến sĩ Ðiện Biên, cũng vào chiến đấu ở miền Nam từ khi bắt đầu có đường dây 559, cùng ngã xuống trong trận B52 giội bom dọc đường mòn để lại bên kia là chị, bên này là anh và hai người đàn bà đến bây giờ vẫn không trút bỏ những vành khăn trắng.
Lúc sinh thời, hai ông bố ngoéo tay nhau trong đêm chia tay chảy tràn ánh trăng vàng. Hai bà mẹ âm thầm vun vén để hai đứa gần nhau. Ấy là các bà quá lo xa, chứ anh chị từ bé đã dính nhau như nhựa. Càng lớn anh chị càng thấy không thể thiếu nhau, tình yêu cũng lớn dần cùng năm tháng.
Những năm cấp ba, anh chị bỗng phổng phao như đôi uyên ương sớm tối bên nhau. Hai mẹ vừa mừng vừa lo. Mừng vì lời hứa của những ông chồng đã thành sự thật, lo vì tuổi trẻ quá đà, khôn ba năm dại một giờ để tiếng xấu trong làng, trong xã. Biết vậy, chị thủ thỉ hứa cùng hai mẹ: “Chúng con đã hứa bao giờ cả hai tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm mới cưới nhau. Chúng con tự biết giữ mình”.
Hai mẹ cười vui tin tưởng. Nhưng rồi những đôi mắt vẫn cố giấu đi bao nỗi buồn, lại như bị làn sương xa xăm bao phủ: “Lúc ấy các con đi cả, các mẹ biết sống với ai?” Anh chị ngẩn ra. Ờ... dù có lớn khôn đến mấy anh chị cũng khó lòng rời xa các mẹ. Ðể các mẹ đỡ buồn, anh chị chỉ biết gắng công học tập, ngoan ngoãn vâng lời.
Tốt nghiệp cấp ba chị đỗ loại ưu, anh đỗ loại khá. Với sức học của cả hai, lại được ưu tiên con liệt sĩ, con đường phía trước đang mở rộng thênh thang.
Ðược tin, chú Nhân đang là Phó Ty Công an mừng lắm. Chú với bố anh, bố chị cùng một tổ tam đạt thành tích xuất sắc trong chiến dịch bắn tỉa ở chiến trường Ðiện Biên Phủ năm xưa. Chú là người bắn giỏi nhất. Với 55 viên đạn chú đã diệt được 68 tên giặc, có viên xuyên táo tới ba thằng. Chẳng biết có phải vì thế mà chú xa hai anh, chuyển về xây dựng lực lượng công an ngay sau ngày đình chiến.
Chú coi việc chăm sóc hai chị và hai cháu là nghĩa vụ, trách nhiệm của người còn sống. Chú như người cha thứ hai. Chú đề nghị lãnh đạo Ty Công an tuyển cả hai đứa vào ngành. Chú còn mua lại ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô có hơn hai sào vườn trồng rau, định đón hai chị lên tiện gần gặn trông nom hai cháu.
Chủ nhật ấy chú đánh xe về, nhưng quả thật nơi chôn nhau cắt rốn không dễ gì thay đổi. Ðêm ấy mọi người thức trắng với những giằng xé vừa yêu thương vừa cố chấp. Bầu trời không trăng sao, hai gia đình, bốn ngọn đèn dầu, sáu đốm hương khi lờ mờ rực sáng soi rõ ánh nhìn nghiêm nghị yêu thương của hai người đàn ông quá cố. Ðêm ấy cách đây đã hai mươi lăm năm mà cứ như mới hôm qua hôm kia. Chú vẫn kiên trì nhỏ nhẹ:
- Nào, hai chị quyết thế nào nào?
- Cảm ơn chú! Chúng tôi không thể xa làng xóm họ hàng, không thể xa nơi các anh chú vẫn sớm tối đi về.
- Thế hai đứa cũng không đành xa hai chị thì sao?
- Ðể chị em tôi khuyên bảo các cháu.
Ngoài bờ tre, nơi có lối mòn đánh cấp xuống cầu ao ghép bằng hai cây phi lao thẳng tắp, anh chị yên lặng lắng nghe.
Khuya lắm, anh nắm tay chị:
- Nếu hai mẹ không đi anh sẽ ở nhà. Không thể để hai mẹ không người chăm sóc. Mắt chị bỗng sáng lên. Ừ nhỉ. Hai mẹ nhất quyết không đi cũng không thể để hai mẹ đau yếu sống một mình không người chăm sóc. Tại sao trong hai đứa không để một đứa ở nhà. Nhưng sẽ là ai? Chả lẽ là anh? Anh tự nhận thiệt thòi để làm tròn đạo hiếu, nhường cho chị phần hơn. Hồi hết cấp một, chú Nhân đưa lên thị xã, nhìn cô công an chỉ đường giữa ngã tư chị đã mơ sau này sẽ là “Cô công an”. Giấc mơ ấy lớn dần, đến nay trong tầm tay đã thành hiện thực. Nhưng sao chị nỡ để anh thui chột những giấc mơ. Chị không thể ra đi bỏ mặc mẹ già, bỏ mặc những lo toan cho anh gánh chịu. Không. Chị phải ở lại. Anh xứng đáng ra đi, tung cánh tới những đỉnh cao ước vọng. Nhưng rồi một hình bóng người con gái thành thị kiều diễm biết nâng niu, chiều chuộng ngọt ngào bỗng hiện ra. Chị khẽ thở dài. Chị đâu có ý nghi ngờ anh nhưng nhiều khi con người không thắng nổi hoàn cảnh, không vượt qua những cám dỗ những đòi hỏi tầm thường. Chị chăm chắm nhìn anh như muốn đo lại cõi lòng chung thủy. Không. Cái dáng to cao nghiêm nghị kia, đôi mắt trong veo thăm thẳm ấy, những lời yêu thương quê mùa chân chất không thể có ở những người bội lừa. Người chị nóng ran, vừa ân hận vừa xấu hổ như thể đang trách móc về những ý nghĩ nhỏ nhen, ích kỷ của mình. Chị gỡ tay anh, nhẹ nhàng vít đầu anh sát vào ngực, âu yếm.
- Anh! Em đồng ý. Chúng mình sẽ có một đứa đi, một đứa ở nhà trông nom hai mẹ. Nhưng người ở lại sẽ là em.
Anh bật lên, giãy nảy:
- Không, không được. Em học giỏi, em phải đi.
- Anh nói thật ngược đời. Ai lại vợ thoát ly để chồng ở nhà phân gio, cày cấy.
Nói xong, mặt chị đỏ bừng xấu hổ. Chưa gì đã nhận vợ người ta. May sao trời tối anh cũng không để ý, nhưng anh kịch liệt phản đối việc chị ở nhà. Chị tỉ tê phân tích thiệt hơn. Khi mỗi người biết sống vì mọi người thì sóng gió lại kết thành thác hoa tô đẹp cho đời. Ðến lúc đằng đông hừng lên chùm rẻ quạt anh mới ngập ngừng: “Thôi thì anh chịu em. Nhưng còn các mẹ?” Chị vào thưa chuyện, hai mẹ buồn rầu nói: “Thế hóa ra các mẹ đã làm hại đời các con. Thà các mẹ chết quách đi cho rồi, còn hơn phải nhìn con cái mình lam lũ”. Chị lại nhỏ to rỉ rả. Chú Nhân nhìn chị ái ngại gật đầu.
Chẳng biết bằng cách nào chị đã dần dà thuyết phục, đến chiều hai mẹ cũng nguôi nguôi, nhưng lại nói như đinh đóng cột:
- Chúng tôi đành phải đồng ý để anh đi, chị ở nhà. Nhưng nhất thiết anh chị phải làm lễ cưới. Nếu không đừng nói gì thêm.
Cả anh chị đều ngớ ra. Mùng 2 tháng 9 này chị mới tròn 18 anh vừa chớm đôi mươi. Vừa vứt cặp sách đã lấy vợ lấy chồng, mặt mũi nào nhìn bè nhìn bạn. Lại còn lời hứa đã thưa cùng hai mẹ, nghĩ lại thẹn chết đi được. Kể ra anh chị cũng đã quá hiểu nhau, tình yêu cũng mọng chín như quả đến ngày thu hoạch, nhưng nào ai đã chuẩn bị cho một vụ mùa.
Anh chị cuống cuồng nhờ đến những người lớn tuổi. Nhưng đa phần lại dịu dàng bảo:
- Các bà nghĩ thế là phải. Ðến tuổi ấy rồi các cháu sẽ hiểu, sẽ thông cảm cho các mẹ. Tốt nhất là các cháu nên nghe lời.
Chị tìm gặp bí thư đoàn, hội trưởng phụ nữ. Họ rất thông cảm với tâm trang của chị, nhưng lại bảo:
- Cánh mình có lý do gì mà ngăn cản các bà. Về luật, cậu chỉ thiếu mấy ngày. Chuẩn bị xong là đủ. Chả nhẽ cánh mình lại bảo: Ðoàn viên không được lấy chồng đúng luật hay sao?
Cuối cùng anh chị phải thua các mẹ và cũng thật tức cười, chưa đầy mười tháng sau, thằng Trung đã ra đời, giống ông nội như đúc. Rồi chưa học xong trường công an, anh đã là bố của hai cậu bé kháu khỉnh.
Chuẩn bị khai sinh cho bé Chính, anh đạp xe từ Vĩnh Phú về, nói là nghỉ phép. Suốt mấy ngày anh la cà đến nhà các ông chú bà bác, nói chuyện riêng với hai mẹ cả tiếng đồng hồ. Chị cho là anh bàn chuyện xây mộ tổ hay tổ chức nhận chi họ mãi tận Thái Bình. Thấy anh tất bật, lo lắng, chị cũng chưa tiện hỏi.
Ðến ngày rằm, anh cho mời cả hai họ. Gọi là hai họ chứ thực ra chỉ có họ nhà anh, chứ nhà chị làm gì còn ai. Mẹ chị là con dâu duy nhất của dòng họ Phạm. Anh thắp hương cắm lên hai bàn thờ bảo chị bày bánh kẹo hoa quả rồi đi mời từng người tới. Hương cháy được quá nửa, tàn hương trắng xốp uốn cong như những vòng hoa ôm lấy những đốm sáng lập lòe. Anh đứng lên kính cẩn:
- Thưa các bác, các chú, thưa hai mẹ. Ngày mai vợ chồng chúng con sẽ lên ủy ban khai sinh cho cháu Chính. Chúng con xin phép được có ý kiến thế này: Cha mẹ con bên kia chỉ có một mình vợ con, họ Phạm cũng không còn ai nối dõi. Nhờ hồng phúc tổ tiên, chúng con được hai cháu. Cháu Trung đã mang họ Hoàng, chúng con muốn cháu Chính được mang họ Phạm, họ của mẹ cháu, để nhớ công ơn cha mẹ đã sinh cho con người vợ đảm đang, hết lòng yêu chồng thương con, kính hiếu với họ hàng.
Chị ớ ra. Chắc anh muốn dành cho chị sự bất ngờ. Mọi người im lặng. Một lúc, bác trưởng họ đứng lên:
- Thưa các ông, các bà, các anh, các chị. Suốt mấy ngày nay tôi đã suy nghĩ đã tham khảo ý kiến nhiều người, kể ra anh làm vậy là trái với luật lệ tổ tiên, trái với lẽ thường. Nhưng suy đi nghĩ lại, tôi thấy tấm lòng của mẹ con bà thím đây thật đáng quý. Họ ta bớt một người, nhưng lại có thêm một họ. Gọi là bớt chứ cháu Chính chả là con cháu nhà mình thì là con cháu nhà ai? Tôi chấp nhận ý kiến của anh.
Bấy giờ mọi người mới xôn xao bàn tán. Sau cùng ai cũng cho là anh ăn ở có nghĩa, có tình. Mẹ chị rơm rớm nước mắt:
- Cảm ơn các cụ, các ông, các bà. Mẹ cảm ơn các con. Ðược thế còn gì bằng. Ông ấy ở dưới suối vàng cũng được an ủi đôi phần. Chỉ sợ không phải với tổ tiên, sợ người đời đàm tiếu.
Mọi người cười vui vẻ.
Tối hôm ấy, chị đấm vào lưng anh thùm thụp, nước mắt giàn giụa, rúc đầu vào ngực anh, vừa biết ơn, vừa vô cùng hạnh phúc...
Hai mươi lăm năm, cuộc đời người chiến sĩ công an hình sự trải qua bao hiểm nguy, bao khó khăn thiếu thốn, bao mặc cảm, dằn vặt để bây giờ anh vẫn là anh bao dung, yêu thương và vô cùng nhạy cảm. Hai mươi lăm năm chung sống nhưng anh chị gần nhau mấy chốc, có mấy lần chị được thỏa thuê ngắm nhìn khuôn mặt chồng mình. Mãi sẩm tối hôm qua, chiếc xe phủ kín bụi đường mới đưa anh về tới nhà, chị vẫn còn mò mẫm vớt từng bông lúa chìm sâu dưới nước.
Vùng quê Lương Tài những năm gần đây nhờ hệ thống tưới tiêu hiệu quả đã dứt cảnh chiêm khê mùa thối, nhưng năm nay trời đất quái ác, mưa trút nước đã mấy ngày liền, nhấn chìm một vùng mênh mông lúa chín. Có một mình cấy gần 2 mẫu, chị phải lăn lộn mới kéo được phân nửa lúa về. Khắp nhà giăng đầy thóc ướt, có chỗ đã nảy mầm trắng như giá đỗ, mùi ẩm mốc bốc lên nghèn nghẹt. Anh về chỉ kịp biếu quà hai mẹ, hỏi dăm câu rồi cởi trần trùng trục dọn dẹp, chạy sang chú Hùng mượn cái đèo hàng lắp vào xe máy, bật đèn để thồ hết chỗ lúa chị cắt buổi chiều.
Gần nửa đêm, mưa đã ngớt, lác đác mấy ngôi sao thẹn thùng lấp ló ở phía chân trời, mọi việc mới tạm ổn, anh mới được ngả lưng thư giãn.
Bây giờ đã sắp 4 giờ, bầu trời đầy sao lấp lánh báo hiệu một ngày nắng gắt chói chang. Nhà nông ngày mùa bao nỗi lo toan, nhưng lo nhất là lúa ngập gặp kỳ nắng gắt, có khác gì dùng nước ba sôi hai lạnh ủ mầm. Chị định dậy sớm gặt lấy nửa sào đồng rồi về cơm nước để anh lên Sở đúng giờ.
Chị thở dài đứng dậy, ánh mắt đằm thắm lướt khắp cơ thể anh, sung sướng thấy cơ bắp anh cuồn cuộn. Chị dừng lại chỗ mạng sườn, nơi có vết thẹo dài dễ đến gang tay, dấu dao điên cuồng của tên tội phạm. Bất giác chị đặt nhẹ bàn tay lên vết thẹo, lặng lẽ buồn. Rồi chị quay mặt, định bước ra phía cửa. Nhưng bàn tay chị dính chặt vào vết thẹo, người chị đổ nghiêng. Thì ra anh đã tỉnh, lẳng lặng tận hưởng niềm yêu thương của chị. Anh kéo chị nằm xuống, hôn lên đôi môi vẫn còn đỏ mọng như thời con gái, luồn tay xuống lưng nâng bổng chị lên, nhìn sâu vào đôi mắt trong veo, đờ đẫn.
- Sao em không gọi anh?
- Anh đã vất vả từ hôm qua.
- So với em có nghĩa lý gì.
- Anh đừng nói thế. Việc đồng áng em đã quen rồi. Nhìn vết thương của anh em lo và thương lắm!
Anh cố tìm lời lẽ an ủi. Hình như trong kho tàng ngôn ngữ được tích lũy hàng bao thế kỷ vẫn không đủ diễn tả đức hy sinh, tình yêu nồng thắm của người phụ nữ. Kể gì những bà mẹ anh hùng, những người vợ thờ chồng cả đời, những cô gái lặn lội cả ngàn cây số tìm gặp người yêu ngoài mặt trận... mà ngay chị, sống giữa thời bình cũng phải âm thầm hy sinh cho chồng, cho con, cho cuộc sống bình yên của những người thân thích. Một người con gái vừa buông sách bút đã phải gánh hai gánh nặng gia đình, chăm sóc hai mẹ già, nuôi hai con nhỏ. Giờ đây cuộc sống vật chất không đến nỗi khó khăn như xưa, nhưng gánh nặng đè lên vai chị vẫn không hề thuyên giảm.
Hai mẹ càng già càng khó tính, đau yếu liên miên. Hai con học đại học tháng tháng vẫn phải xin mẹ tiền ăn, tiền học. Rồi giỗ tết hai nhà, khách khứa của anh... gần hai mẫu ruộng và bao nhiêu những việc không tên lặt vặt đã rút kiện sức chị. Mới ngoài 40 tuổi mà những nếp nhăn đã đan dày đuôi con mắt, dẫu cố cười tươi cũng không giấu được nét khắc khổ ngày thường. Anh thì nay đây mai đó, lương ba cọc ba đồng, dành dụm chút nào cũng chỉ làm sang cho con, báo hiếu mẹ già. Anh thấy buồn buồn, có phần ân hận. Chị như đọc được ý nghĩ của anh, kéo anh sát lại, thủ thỉ:
Ðừng buồn. Có anh là em mãn nguyện lắm rồi!
Hoàng Giá
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng