Thứ 7, 23/11/2024, 18:49[GMT+7]

Vầng trăng mười chín tuổi

Thứ 4, 18/06/2014 | 10:13:43
3,367 lượt xem
“Với người trai ấy cô mãi mãi là cô hàng xáo mười tám tuổi, các bạn phố mãi mãi là cô sợ cóc, vua trèo sấu, lão thợ nề, bà chúa ô mai. Còn anh với cô, anh mãi mãi là vầng trăng mười chín tuổi”.

Mới lướt qua bì thư cô choáng ngợp trong rất nhiều cảm giác. Nỗi – bất – ngờ - cười hóm hỉnh: “Cô chờ đấy mà cũng không dám tin là sự thật đã gọn trong ngực mình đấy nhé”.

“Ðâu phải thế” – Cảm – giác – rất – khó – định nghĩa quả quyết – “Lá thư này sớm muộn sẽ đến với cô bé. Tuổi trẻ là như thế”.

“Ta toàn quyền làm chủ cô bé này” – Niềm – rạo – rực cất giọng đầy quyền uy “Hãy nghe nhịp đập con tim. Hãy nhìn đôi mắt...”

Theo lời mẹ, một cảm giác nữa chợt trong cô.

- Thư ai vậy Xoan.

- Dạ... thư cái Lan ạ - Cô ấp úng: Lần đầu tiên cô nói dối mẹ. Cảm giác này có tên đích danh là Xấu Hổ. Cô chạy trốn Xấu Hổ bằng cách đổ thóc vào cối xay. Cối xay quay tít, ù ù quay tít.

*

*   *

Ngày rằm chiều tắt là trăng lên. Sao Hôm thì nhấp nhánh từ trước đó.

- Ai hỏi mẹ nói con đi vắng nhé. Cô dặn mẹ ba lần như thế trước khi khép cửa buồng riêng. Trước đó, bao nhiêu công việc xay thóc, băm bèo, nấu cám... nhanh gọn nhờ tâm trạng bộn bề cảm giác.

Vầng trăng đưa qua song cửa một ô vàng ôm gọn chỗ cô ngồi. Cô run run bóc bì thư dán con tem quân đội. Ở ai nét chữ nết người? Thì anh đây! Những con chữ rắn rỏi, vui... và duyên dáng như con người anh vậy.

“... Cô hàng thân mến của lính. Ðơn vị anh đã bước vào giai đoạn huấn luyện cơ bản. Những căng thẳng của nhiệm vụ được sự “ủng hộ nhiệt tình” của nắng lửa gió khô... Thôi để các bạn tự hình dung ra. Nghe này, chú lính của bạn vững vàng tay súng trên con tàu. Loại tàu “mốt” cực kỳ đấy nhé. Còn tàu băng băng lướt sóng. Và mâm pháo quay trong tiếng hát của sóng và gió biển quê hương”.

“Thế cơ đấy”, tiếng lòng cô thốt lên xao xuyến. Thương mến với tự  hào. Anh như đang nói chứ không phải viết thư cho cô đọc. Cô nghe được lời anh bằng đường dây tâm linh. Nhiều lần cô cắt lời anh bằng tiếng lòng run run.

“Cô hàng xáo thân mến...” Lời ấy và bao nhiêu lời nữa thoắt biến thành chìa khóa mở toang kho ký ức tuổi mười tám. Lá thư thoắt như màn ảnh máy đèn chiếu – ký ức. Cô hoàn toàn và trọn vẹn trong dĩ vãng chưa xa.

*

*     *

Ðó là một buổi sáng mùa thu. Tiếng trống trường dội lên giòn giã. Cô gục mặt vào khóm cà tím góc vườn. Qua kẽ lá cô nhìn các em tung tăng tựu trường làng. Các bạn trang lứa hớn hở đạp xe xuống trường huyện. Nước mắt cô rơi rơi lên lá xanh hoa tím. Biết làm sao khác được. Cuộc chiến miền biên giới đã đưa tuổi già sức yếu đến sớm với cha cô. Mẹ cô tảo tần đến khô quắt con người. Cả đàn em lít nhít tuổi ăn tuổi chơi. Xa trước tiếng trống trường cô gói cất cặp sách cấp hai, ghé vai tuổi mười sáu cùng mẹ gánh vác nỗi nhà.

“Gắng cho đủ bữa nhé...” – Mẹ cô nói vọng ra. Cô vạch lá tìm quả. Tháng Giáp hạt ở làng nghèo, bữa cơm rau củ nhiều hơn cơm gạo. Bữa bữa lũ em phụng phịu. “Ứ... ứ... ăn khoai... cà đâu...”

Rồi mùa thu thương mến cũng đi qua. Hy vọng làm nghề thủ công cũng bay theo cơn gió thu tàn. Hợp tác xã thủ công ở làng tan nát vì tham nhũng. Làng trở về thế độc canh. Ngày nông nhàn dài lê thê.

- Con làm hàng xáo được không? – Mẹ cô ướm hỏi. Cô đồng ý.

Từ lâu cô ấp ủ làm nghề gì đó đỡ nỗi tảo tần của mẹ. Mẹ tất tả đi vay vốn. Cô hăm hở bước vào nghề hàng xáo. Ðong thóc – xay giã – đi chợ. Nghề hàng xáo xoay tròn trong cái vòng đèn cù ấy. Làng có máy xay xát nhưng cô vẫn làm gạo thủ công. Xát máy mất tiền lại hao gạo. Làm hàng xáo lãi tấm lãi cám  mà hao gạo thì ba phiên chợ là cụt vốn. Buổi chiều cối xay quay ù ù. Ðêm đêm, cối giã thình thịch. Tinh mơ cô đạp xe đi chợ đường xa.

Có lần cô đi chợ tỉnh. Chợ tỉnh hấp dẫn cô  bởi  một điều rất đơn giản: giá gạo cao hơn và lượng tiêu thụ nhiều hơn.

Cô ngơ ngác trong sự ồn ào phố xá. Bốn năm người phụ nữ vây quanh cô.

Những bàn tay móng son xục vào bao gạo. Những cặp môi tô son đỏ chót.

- Tiền ngay đây cô em...

- Em bán cả cho chị. Cân đây. Bao đây. Gạo xát máy mà làm cao hả.

Cô ôm khư khư bao gạo, thoáng sợ những lời người phố.

- Không... không bán.

-  Không bán thì ôm gạo đi chơi à.

- Rõ đồ nhà quê...

Cô đang thầm trách mình ham lãi cao đi chợ tỉnh thì một người đàn bà bước tới. Bà đặt tay lên bao gạo:

- Cháu bán gạo phải không?

- Vâng – Cô đáp chưa hết sợ dù mấy người son phấn đã đi chỗ khác.

- Bác chỉ mua ít thôi. Nhưng tiện đây bác mua cả cho. Thế giá bao nhiêu.

- Dạ. Tùy bác ạ.

Người đàn bà cười hiền hậu, bốc nắm gạo xem mẫu.

- Rõ chán với cô hàng xáo. Ði chợ tỉnh mà như thế có ngày trắng tay. Gạo của cháu ngon lắm, mười mươi xay giã thủ công. Lâu lắm bác mới được vốc lên tay hạt gạo quê ngon thế này. Bác tính cao hơn giá chợ hai giá nhé.

- Cháu chỉ lấy bằng giá chợ thôi. Cô nói, cảm thấy sung sướng trước nhận xét của người mua. Bác xem mặt cân nhé.

- Khỏi phải cân đong. Nhìn cháu là biết mặt cân rồi. Tính tiền đi rồi giúp bác sang bao. Nhớ cẩn thận tiền  nong nhé.

Cô tần ngần nhìn theo người đàn bà bước đi khó nhọc với bao gạo. Gần gũi và tin cậy quá thôi. Nỗi niềm chợt đến giục cô dắt xe dấn lên với bà.

- Bà về đâu để cháu giúp... Cô gọi “bà” như với người làng. Ðắn đo lúc lâu bà mới để cô đặt bao gạo lên xe. Bà lo cô về nhà lỡ buổi.

Hai người dừng bước trước ngôi nhà hai tầng khuất trong vườn cây. Một thanh niên trên cầu thang chạy xuống.

- Mẹ đã về. Anh reo lên và thoáng ngượng khi nhìn thấy cô.

- Ðây là Sơn, con trai út của bác – Người đàn bà nói với cô và quay sang con trai - Ðỡ xe cho bạn, con.

Cô giúp anh khênh bao gạo vào nhà. Trời đang vào chiều muộn. Cô không dám nán lại theo lời mời. Người đàn bà tiễn cô ra cổng.

- Cháu tốt quá. Cảm ơn cháu. – Bà cầm tay cô. Ðây là khu lao động, nhà nào cũng phải đong gạo chợ. Từ mai cháu nên mang gạo vào đây mà bán. Bà con đỡ phải đi chợ lại được gạo ngon, khỏi lo một cân ăn tám lạng. Cháu cũng đỡ lo tiền  nong giữa chợ phố phức tạp.

Từ đấy cô là người  quen của khu lao động. Bà Mai Hạnh – tên người đàn bà lần đầu mua gạo của cô mỗi lần gặp lại tươi cười: “Ai cũng khen cô hàng xáo đẹp người tốt nết đấy nhé”. Mỗi lần như thế, cô ngượng chín mặt.

Ðó là một lần trên tầng hai anh ngó đầu qua cửa sổ.

- Cô hàng xáo không đến nhanh thì anh chết đói.

Anh xách túi chạy xuống. Cô ghé miệng bao vào túi của anh. Người trai đã từng giới thiệu “cán bộ hội thích đùa” bỗng tần ngần lạ. Cô hiểu ngay xuất xứ nỗi niềm ấy. Hai ngày trước, nhiều người trong khu đong gạo ít vì lương chậm.

- Chưa có tiền thì lần sau trả em. Cô xưng  em tự nhiên như bạn ở làng. Và cô nhanh tay dốc cho đầy bao gạo xách vào trong nhà. Anh lắc thử xe đạp của cô, chỉnh lại dây phanh.

Lần thứ năm cô ngồi trong nhà anh. Bốn lần trước có mẹ anh ở nhà. Lần này.

Cô nhìn khắp gian nhà. Hai chiếc giường gỗ tạp. Bộ bàn ghế gỗ tiết kiệm... Ở phố tỉnh mà đơn sơ như nhà quê vậy. Cô bàng hoàng. Ðã là người quen mà lần này cô mới nhìn thấy bàn thờ trên cao ô cửa sổ có dây vạn niên thanh. Trước bát hương sứ màu lam có bức chân dung người đàn ông mặc quân phục mang quân hàm đại tá. Cô đứng lên bước lại trước bàn thờ. Anh bước lại đứng bên cô.

- Cha tôi đấy. Ông hy sinh ở biên giới... Ngày ấy tôi mới được một tuần tuổi...

Hình như bờ vai anh chạm bờ vai cô. Trên cao vị đại tá đằm thắm và nhân từ ánh mắt nụ cười. Hình như ánh mắt ông dừng lâu hơn với cô.

Tiễn cô ra cổng anh đặt vào tay cô gói chùm sấu chín.

- Cho mình gửi cho các em chút quà. Ðừng chê quà phố nghèo nhé.

Bên anh, cô nhận ra mùi xà phòng thơm mát. Con trai mà dùng mỹ phẩm như con gái vậy. Cô thu mình lại. Cô ngượng vì một ý nghĩ nực cười. Ði gần anh dễ nhận ra mùi mồ hôi đêm qua giã gạo. Sáng sớm đạp xe đường xa. Cô rảo bước. Anh đuổi theo bằng tiếng huýt sáo: “Cô hàng xáo ơi. Gạo cô ngon ghê. Làm tôi rất mê”.

Ðó là cơn mưa bất chợt. Cô dựa xe gốc sấu trú mưa. Anh ào xuống ra ý không vui mà vẫn đùa được:

- Sao lại đứng đây. Bao nhiêu người đang vàng mắt nhớ cô hàng xáo.

Lên nhà. Có mẹ đấy mà anh vẫn đùa.

- Sắp không được chén gạo đẹp của cô hàng xáo rồi. Ðố đoán được đấy.

Anh học giỏi. Cô biết điều này nhờ trở thành người quen của khu nhà. Con người anh thanh nhàn, tự  tin... Anh vào đại học. Anh đi du học. Cô đoán chắc. Anh phá lên cười.

- Lạy chúa, lạy phật. Xin phù hộ cho lời đoán của cô hàng xáo là sự thật trước mặt con và cô. Mô phật. A-men.

Cô không nhịn được cười. Anh đưa cho cô tờ lệnh nhập ngũ:

- Một tuần nữa tôi có thêm nỗi nhớ hạt gạo cô hàng xáo. Xin đừng hiểu tôi chơi trội. Gác việc đại học để tòng quân. Mừng cho tôi đi. Lính hải quân nhé.

Cô thoáng buồn. Cô thoáng vui.

Sau cơn mưa bất chợt bầu trời đẹp đến ngỡ ngàng. Nhưng chiều có đẹp bao nhiêu cô cũng phải về. Bà Mai Hạnh và anh tha thiết giữ cô ở lại. Mấy người hàng xóm cũng giữ cô. Cô xúc động từ chối. Lúc đi cô không ngờ tới việc này để thưa với bố mẹ. Và lạ lùng trong cô vẫn phảng phất mặc cảm. Với anh cô vẫn chỉ là cô gái làm nghề hàng xáo.

*

*     *

Mấy con thiêu thân lao vào  ngọn đèn “Dòng ký ức ngưng lại. Ngọn đèn hoàn  nguyên độ sáng. Những con chữ của anh như đẹp hơn, “thích đùa” hơn trong lần đọc thứ tư này.

“Cô hàng xáo ơi. Xe qua  phà là mình thấy đói cồn cào. Buồn cười thế. Mình mở “cóc” lấy gói xôi. Gói xôi chuyển khắp xe lính. Khi trở về tay mình còn đúng mười tám hạt xôi rền trắng ngần...”

“Người đâu mà...” – Tiếng lòng cô thốt lên.

Cô lấy tiền vốn riêng bán trấu bắt cua giấu mẹ mua nửa yến gạo nếp. Trước ngày anh nhập ngũ, cô đi chợ tỉnh sớm hơn thường lệ.

Từ trong nhà vọng ra những tiếng cười nói. Cô bối rối với bao trong tay. Ðột ngột anh chạy ra. Anh không nói. Chỉ có ánh mắt và cái nhìn khang khác.

- Ðây là cô hàng xáo – Anh giới thiệu cô với các bạn. – Trong chúng ta nhiều người khỏe đẹp hơn nhờ Xoan. Nhờ Xoan mà mình đắt lính đấy.

- Mà  mình cũng sinh ra mộng mơ nữa – Một cô đế theo.

Bao nhiêu là tiếng cười bạn trẻ. Các bạn phố giành nhau kéo cô hàng xáo ngồi cạnh mình. Cô thấy gần gũi như với bạn bè ở làng. Những chuyện phố phường nhường chỗ cho chuyện làng. Cô thấy mình có lỗi vì những mặc cảm bấy nay. Các bạn phố thương mến, gắn bó tha thiết với làng quê bằng tình cảm nguồn cội, họ mạc, bạn bè. Cũng như cô với làng, mỗi người phố đều có những kỷ niệm ấm áp day dứt suốt đời.

Cô hòa nhập hoàn toàn vào cuộc vui các bạn đòi anh đưa sổ tay để ghi lưu bút và địa chỉ. Sau những dòng chữ gói bao nhiêu tình cảm ai cũng chua thêm câu đùa. “Cô bé bán kem”. “Vua trèo sấu.”... “Lão thợ nề”... “Bà chúa nghiện ô mai”. Ðến lượt mình cô ghi “Cô hàng xáo nhà quê”.

Không ai muốn để cho cô về. Nhưng cô vẫn phải về. Ở làng ngày mai nhiều bạn trai của cô cũng nhập ngũ. Cô không thể vắng mặt trong buổi chia tay. Thiếu vắng những cuộc chia tay tuổi trẻ không còn là tuổi trẻ nữa. Cũng giống như thời thơ ấu sẽ không trở thành một miền – yêu – dấu nếu thiếu vắng những hờn giận, cá nướng, trèo cây... những niềm tin ngây thơ huyền thoại.

“... Tớ báo trước cho cậu biết một điều. Thời gian tới có thể tớ cực kỳ lười viết thư...”

Người đâu mà... Cũng giống như các bạn ở làng anh báo trước để cô khỏi chờ. Hà ở Hải Dương báo trước quyết tâm đạt ba điểm mười bắn đạn thật. Lâm ở Vị Xuyên báo trước “ăn ngon” phép thưởng. Công ở Tây Namon> báo trước sẽ “cạch – đến – già” nếu lũ con gái chậm thư hồi âm. Lính trẻ là như thế. Cô cầm lên lá thư, lần nữa “nghe” anh báo trước:

“Ðã bắt đầu mùa cá nam. Bà con ngư dân vào mùa đi biển. Mà biển đang gợn những không bình yên. Hải đội kết hợp huấn luyện và bảo vệ, cứu hộ...”.

Cô đứng lên mở rộng cánh cửa sổ. Gió như chờ thế ào vào. Hương vườn hoa trái ùa theo. Và trăng nữa. Vầng trăng dọi vệt vàng trên lá thư của anh.

... Cô ngồi trên bờ đê. Bên cạnh là xe đạp và bao thóc. Trên đường đi chợ về, bao giờ cô cũng ngồi nghỉ trên quãng đê gần bến tắm sông Lăng.

Lạ chưa kìa. Cả đoàn tàu màu xanh lướt trên mặt sông. Những chàng lính thủy dải mũ bay, những bàn tay vẫy vẫy. Cô vẫn nhận ra một bàn tay quen thuộc. Cô giơ nón vẫy chào. Cả đoàn tàu vút đi. Trước mắt cô là đôi bạn gái trai, Họ ngồi dựa lưng vào bờ lau. Bờ lau reo gió. Những lớp sóng sông quê  xô lên âu yếm vỗ về vồng ngực trần trẻ trung sức sống. Ô, hình như tuổi mực tím ào về xui họ trêu đùa nhau. Bạn trai, bạn gái chạy đuổi nhau trên bãi cỏ xanh. Bạn trai cô ào xuống sông nấp vào khóm lau. Bạn gái ngơ ngác: “Ơ... Anh... đâu rồi”.

Cô choàng tỉnh. Giây lát trấn tĩnh cô nhận thấy ánh bình minh một ngày đẹp trời. Mẹ không phàn nàn cô dậy muộn. Hay mẹ biết đêm qua con gái thức khuya viết thư.

Thư anh đến độ lúa thì con gái. Rồi lúa đến tuổi uốn câu. Bây giờ đồng làng vàng rực lúa chín. Thời gian với cô trở nên tha thiết hơn.

Thư sau của anh không qua được mắt mẹ. Ðêm nằm nhổ tóc sâu cho mẹ, cô thủ thỉ kể lại từ chuyến đầu tiên đi chợ tỉnh. Mẹ xoay người, khẽ khàng:

- Mẹ tin con. Nhưng đừng đi quá xa. Kẻo như cái Hòa.

Thế là mẹ chưa hiểu hết nên lo xa. Anh và cô vẫn là đôi bạn. Hai đứa chưa một lần đi chơi dù chỉ nửa giờ. Anh hứa được phép thưởng về thăm nhà nhưng đành lỡ vì nhiệm vụ. Một lần cô xin lỗi phải về dù bà Mai Hạnh đã mua đôi vé xem biểu diễn nghệ thuật. Lần ấy anh thật buồn.

Cô thoáng buồn, chợt nhớ đến Hòa bạn nghề hàng xáo. Sau mấy chuyến chợ tỉnh. Hòa bỏ nghề đi buôn thuốc tây. Từ đấy Hòa có nhiều bạn phố phường, xa nhạt bạn quê. Nhiều người sang trọng vè vè xe cộ đón Hòa đi làm ăn. Bây giờ Hòa là mẹ của đứa con không bố. Nghĩ đến Hòa thêm thương Cường ở đảo xa.

Gặt xong, mẹ giục cô xay thóc tám mới. Cô ngơ ngác:

- Ngày mai thu ra ngoài đồng để máy cày lật đất. Con đi nghề thì lỡ việc đồng.

- Việc thu rạ, mẹ với các em tranh thủ làm sớm. Ngày mai con lên thăm bà Mai Hạnh, biếu bà yến gạo tám mới. Mấy tuần con không có thư bạn, mẹ thấy bồn chồn lạ lắm.

Ôi! Mẹ bao giờ cũng nhân hậu sâu sắc chu toàn.

Tinh mơ, cô đạp xe vù vù. Con đường gồ ghề vút lùi phía sau. Phía trước bình minh đang hừng lên. Những vầng mây phớt hồng bồn chồn bay bay.

Ðón cô ngay từ cổng là Ly biệt hiệu “cô sợ cóc”. Vẻ mặt u sầu, ánh mắt khác lạ, lời nói lí nhí của cô bạn vốn vui nhộn khiến cô linh cảm chuyện không bình thường.

Ðặt trước mắt cô cốc nước, “cô sợ cóc” gục mặt xuống bàn. Ðôi vai thon lẳn run lên. Tiếng nức nở như làm rung động căn phòng.

- Có chuyện gì thế Ly – Cô hỏi. Linh giác lập tức khiến cô đưa mắt về góc gần cửa sổ. “Trời ơi...” cô kêu lên. Bên cạnh chân dung người cha là người con lính thủy. Dải băng đen đau thương viền quanh khung ảnh chàng trai mười chín tuổi. Nước mắt cô ứa ra.

Ly ngẩng lên, đưa tay gạt nước mắt:

- Ðơn vị ở xa quá không kịp đón bác đến gặp anh phút cuối. Sáng nay khu phố đưa bác và các đoàn thể đi thăm mộ anh. Bác dặn chưa nên báo cho Xoan biết tin buồn.

Cô đón tập album trong tay Ly. Một tờ giấy mỏng chón kín trang đầu cuốn album khổ rộng.

“Quân đội Nhân dân Việt Namon>”

“Lữ đoàn 601”

“Vô cùng đau đớn báo tin buồn” tới gia đình...

Ðôi mắt cô nhòa đi. Những con chữ như muôn vàn mũi kim găm vào vồng ngực tuổi mười tám.

Ðêm trăng tròn. Anh chuẩn bị giao ban thì có tín hiệu cấp cứu. Hai con thuyền đánh cá của ngư dân bị lũ tàu bọn cướp biển đội lốt bạn bè quây đâm vỡ mạn , hỏng lái. Con tàu của anh lao đi. Lũ tàu xám rượt theo khiêu khích, hăm dọa. Mặc xác bọn chúng. Anh lên boong cảnh cáo bọn cướp và ném phao cứu sinh cho ngư dân. Con tàu xám xốc mũi trong tiếng hét của lũ ngợm người. Một vật cứng  bay trúng đầu anh. Trước khi gục xuống anh còn kịp tung phao cho ngư dân.

Cô lật tiếp trang album. Anh nằm đó. Quân kỳ đắp chớm bờ vai tuổi mười chín. Dòng người nối nhau đến vĩnh biệt anh. Vĩnh biệt để nhận vào ký ức cuộc đời gương mặt người lính thủy mười chín tuổi. Chiếc xe tang đầy kín những vòng hoa. Tấm bia đơn sơ. Và cỏ xanh.

Không ai bảo ai, sau khi gấp cuốn album cô và Ly cùng đến trước bàn thờ cha con người lính. Cô châm những nén hương từ ngọn đèn dầu trong tay Ly. Hương trầm lan tỏa. Khói hương chuốt sợi trắng mỏng tang trước chân dung hai người liệt sĩ. Cha và con, nụ cười, ánh mắt đằm thắm, độ lượng và dí dỏm. Tàn hương không rơi xuống mà uốn cong hình dấu hỏi. Ly gục đầu vào ngực cô, tin cậy như với người chị. Nước mắt Ly ướt đẫm ngực cô. Nước mắt cô tràn xuống mái tóc bạn.

- Chúng mình luôn gặp nhau ở đây nhé – Ly thổn thức

*

*    *

Cô ngồi trên bờ đê quãng gần bến nước. Chỗ này cô thường ngồi nghỉ trên đường đi chợ và đã gặp trong mơ đêm nào.

Chiều nay như chiều trong mơ ấy. Nắng tắt, không gian chỉ thoáng sẫm lại. Và trăng lên. Hương đồng mênh mang. Gió thổi bờ lau cất tiếng hòa vào tiếng sóng vỗ bờ. Sóng đồng lúa thì con gái từ xa tít nối nhau chạy về chân đê... Cô nghe rõ hòa thanh của dòng sông tiếng sóng, tiếng gió, bờ lau và hương đồng bãi:

“Với người trai ấy cô mãi mãi là cô hàng xáo mười tám tuổi, các bạn phố mãi mãi là cô sợ cóc, vua trèo sấu, lão thợ nề, bà chúa ô mai. Còn anh với cô, anh mãi mãi là vầng trăng mười chín tuổi”.

Truyện ngắn của Trần Văn Thước

(Vũ Lăng, Tiền Hải)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày