Ký ức tuổi thơ
20 tháng 10 là ngày tôn vinh một nửa thế giới. Vào những ngày như thế này, tôi tặng cô giáo một bó hoa, tặng mẹ một món quà, tặng bạn bè và những người phụ nữ khác tôi quen những lời chúc. Tất cả những cô gái và những người phụ nữ trong ngày này đều xứng đáng được nhớ đến và tôn vinh. Ấy vậy mà tôi lại thường quên đi một người quan trọng, một người rất đỗi thương yêu. Tôi quên rằng bà cũng cần một món quà nho nhỏ hay ít ra là một lời chúc. Tôi đã quên một cách đáng trách như vậy.
Bà tôi, người tằn tiện từng đồng tiền bán rau chẳng dám tiêu pha gì cho bản thân nhưng lại sẵn sàng mua bất cứ thứ gì mà tôi thích khi theo bà đi chợ. Ấu thơ trong tôi là những ngày mẹ có em bà lên giúp, vậy là tôi lại được dịp làm nũng bà. Tôi vẫn còn nhớ ngày ấy mỗi lần tôi nhõng nhẽo, bà lại kể cho tôi nghe những câu chuyện ngày bà còn trẻ, chuyện mẹ tôi và các bác tôi ngày bé. Vẫn là những câu chuyện của ngày xửa ngày xưa. Đứa trẻ là tôi khi ấy nghe những câu chuyện về thời gian khó cũng thấy hay như khi nghe chuyện cổ tích vậy. Những ngày tháng ấy thật sự vui vẻ vô cùng. Bà thích ăn trầu, có lẽ vì thế mà bà có mùi rất đặc trưng, nhưng không phải ai ăn trầu cũng có mùi như thế. Mùi của bà là mùi của vôi tôi, mùi lá trầu không, mùi của cốc nước chè xanh bà vẫn uống, mùi mồ hôi quyện với mùi mưa nắng khi chăm rau ngoài vườn, mùi của thời gian, năm tháng. Đó là mùi hương rất ấm áp nên tôi cứ thích ôm bà, thích ngủ cùng và cuộn tròn vào lòng bà dù tôi đã lớn và cao hơn bà nhiều lắm. Mỗi lần về quê tôi lại đòi bà dẫn sang nhà hàng xóm ở đầu làng để cân, ai hỏi đi đâu bà lại bảo: "Dẫn con lợn nái đi cân xem được bao nhiêu thì đem bán". Bóng chiều đổ xuống, lưng bà còng in dài xuống mặt đường. Những tia nắng cuối cùng rọi lên mái đầu bạc trắng.
Ngày bé, tôi và anh trai nhổ tóc sâu cho bà. Nhổ thì được ít nhưng tóc bà dài, hai anh em lại âm mưu cắt thành những sợi ngắn rồi đòi bà trả công, mỗi sợi 500 đồng. Có tiền lại đi mua kem, vừa ăn vừa cười rúc rích nghĩ thầm bà dễ bị lừa quá. Bây giờ mà nhổ tóc trắng cho bà, số tiền kiếm được tôi sẽ mua được số kem ăn cả mùa hè cũng không hết. Bà ngoại thích chơi tam cúc, tôi với anh trai luôn thích được chơi tam cúc với bà, ai thua sẽ bị cù một trận. Nhưng cho dù tôi cố gắng cù thế nào bà tôi cũng không buồn. Còn tôi chỉ cần chạm nhẹ là đã cười như nắc nẻ. Thế nên lại xin bà búng tai thôi. Nhưng lần sau bà nhường cho thắng là lại cười vui vẻ. Bây giờ chẳng mấy người chơi tam cúc nữa, mà chơi tú lơ khơ. Mỗi lần chơi là nhớ tam cúc, nhớ búng tai, lại nhớ bà. Nhớ cả những tối thứ bảy của những năm về trước hay gọi điện về nhắc bà bật ti vi, vì bà tôi thích xem cải lương vào mỗi tối thứ bảy hàng tuần. Bà tôi già rồi, nghe điện thoại không nghe rõ, cuộc điện thoại mười mấy phút mà chỉ có "alo" và "ai đấy". Giờ thì tối thứ bảy cũng chẳng mấy khi có cải lương. Bà cũng không hay xem nữa. Bà bảo ngồi xem một mình buồn lắm, với lại cái lưng đau cũng chẳng cho bà ngồi lâu.
Năm tháng trôi đi, chúng tôi lớn dần lên, lưng bà mỗi ngày một còng xuống. Khi chúng tôi lớn dần lên cũng là khi bà tôi càng già yếu. Lúc nào bà cũng chỉ dặn dò, phải cố gắng học, chị em hòa thuận, phải biết bảo ban em, giúp đỡ mẹ. Ấy vậy mà biết bao lần tôi đã không nghe lời. Bà hỏi thăm những người hàng xóm nhà tôi, những người mà bà gặp cách đây lâu lắm rồi. Bác Lan có khỏe không, anh Tuấn đã lấy vợ chưa, con nhà cô Thơm học lớp mấy rồi. Vẫn là những câu hỏi như thế nhưng lúc nào tôi cũng thích nghe và kiên nhẫn trả lời. Cảm giác bình yên khi ấy không thể diễn tả thành lời, chỉ có thể cảm nhận thôi. Bà tôi vất vả một đời, đến lúc xế chiều, gia đình tôi xảy ra chuyện cũng làm bà thêm suy nghĩ. Có đôi lúc bất chợt bà nhắc lại chuyện buồn đã qua, tôi lại đánh trống lảng, hay nói với một giọng điệu bình thường nhất, tỏ ra mọi thứ đều ổn cho bà tôi yên lòng. Nhưng tôi biết, có nhiều lúc bà tôi lại nén thở dài. Tôi lớn rồi đi học xa nhà, những lần về quê ít dần đi nên những ký ức tuổi thơ, khoảng thời gian bên bà như những món quà quý giá mà tôi nâng niu và trân quý.
20/10, người ta nô nức đi mua hoa, mua quà cho những người phụ nữ mà họ thương yêu. Tôi cũng muốn tặng bà một món quà nên lang thang tìm kiếm. Đường phố ngập tràn sắc hoa và những nụ cười rạng rỡ. Cầu chúc cho bà tôi, mẹ tôi, bác tôi và tất cả những người phụ nữ khác luôn mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc. Đây chẳng phải là ngày yêu thương, tôn vinh một nửa thế giới nhiều hơn những ngày còn lại một chút sao...
Vũ Quỳnh Trang
(Câu lạc bộ Phóng viên Tuổi hồng)
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh