Thứ 4, 13/11/2024, 06:55[GMT+7]

“Đảo chìm” - “Thần bút” về người lính đảo

Thứ 2, 15/12/2014 | 08:53:44
3,115 lượt xem
“Ðảo chìm” là một “bảo tàng nho nhỏ” bằng ngôn từ mà Trần Ðăng Khoa dựng nên, vì những đồng đội sát cánh cùng tác giả tại Trường Sa năm xưa và vì những người lính đảo đã, đang ngày đêm đối mặt với bao hiểm nguy, gian khổ để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ðảo Phan Vinh (quần đảo Trường Sa). Ảnh mang tính minh họa

 

Trong tập truyện – ký hai phần “Ðảo chìm” thì phần 1 cũng có tựa đề “Ðảo chìm” được nhà văn Lê Lựu gọi là “thần bút”, gồm 16 truyện ngắn độc lập về 16 tình huống khác nhau, sắp xếp thành 15 chương. Qua đó người đọc được biết về cuộc sống khắc nghiệt, những khát vọng, tình cảm giữa muôn trùng trời biển, những hy sinh và tinh thần trách nhiệm lớn lao với Tổ quốc của những người lính Trường Sa.

 

Bằng giọng văn dân dã như đang kể chuyện cho bạn bè, Trần Ðăng Khoa đã mang đến cho người đọc những câu chuyện chân thật và giản dị nhưng vô cùng cảm động, bởi nó được viết với tất cả tình cảm và trách nhiệm sâu nặng của tác giả, người lính đã một thời sống và gắn bó máu thịt với quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

 

Không gian tác phẩm đối nghịch đầy ấn tượng: căn lều “hoang sơ”, “như lều vịt” và biển trời mênh mông; một bên chật hẹp, ngột ngạt và một bên vô tận, dữ dội. Trong lều, “sóng bạc đầu lao vèo vèo ngay dưới chân sàn”, thủy triều lên ngập dần từng tầng một của chiếc giường tầng; ngoài kia là đàn ó biển, những cơn bão biển hung dữ... Lúc biển dịu êm nhất vẫn có những con sóng ngầm có thể cuộn lên thành sóng bạc đầu bất cứ lúc nào nên những hy sinh ập đến bất ngờ, đầy đau xót. Những chuyện như đề nghị của anh lính trẻ, làm thơ, đào công sự, thoạt nghe tếu táo mà nghẹn lòng đời lính đảo cô đơn. Thế nên, chỉ mỗi việc nuôi lợn cũng là cả một vấn đề trọng đại. Lính, mặc dù phải tắm nước biển, uống nước biển, độn nước biển nấu cơm nhưng vẫn trích phần nước ngọt quý hiếm để dành cho lợn. Câu chuyện nuôi lợn được kể đầy kịch tính, nhân văn, để thấy cuộc sống, tình cảm của lính đảo, nơi những điều giản dị nhất cũng là một mối gắn bó bền chặt, là sợi dây nối kết, là nguồn vui, cũng là người bạn đồng hành giữa muôn trùng gian khó.

 

 

Trần Ðăng Khoa nhập ngũ năm 1975, là lính Trường Sa từ năm 1979 - 1982. Nhà thơ đã có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng viết về biển đảo: Thơ tình của người lính biển, Ðợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Cô tổng đài hải đảo, Ghi ở đảo chìm, Ðồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài, Tình ca trên đảo, Cây phong ba đảo Nam Yết…

Tập truyện “Ðảo chìm” viết năm 2000, gồm hai phần: phần 1 – “Ðảo chìm”, phần 2 – “Thời sự và ký ức”. Ðến nay cuốn sách đã được tái bản 27 lần.

Về việc viết phần 1, năm 1978 tác giả đã viết xong cuốn tiểu thuyết 300 trang, nhưng vì “đọc lại thấy truyện thật mà hóa giả” nên không in. Nhiều năm sau tác giả mới hoàn thành phần “Ðảo chìm” chỉ dài khoảng 80 trang.

 

Với một con vật nuôi đã vậy, với đồng đội còn thiêng liêng hơn biết bao. Những con người ngày ngày sát cánh bên nhau chiến đấu với mọi khắc nghiệt, hiểm nguy, mối gắn kết giữa họ khó lòng tưởng tượng nổi. Người lính không ngại sóng ngầm nước xiết nhảy xuống cứu bạn bị sóng cuốn, không tiếc thân lao mình giữa bão tố đi cứu kỷ vật của đồng đội, để “vẫn còn chút gì của nó” mà đắp ngôi mộ gió. Tình ấy, nghĩa ấy là sức mạnh để họ trụ vững giữa biển khơi.

 

Ở nơi hoang vu, gian khổ và hung hiểm này, sóng gió đã mài cứng ý chí, bản lĩnh những người lính đảo. Họ hiểu rõ nhiệm vụ thiêng liêng mình. Tình yêu Tổ quốc và tinh thần trách nhiệm ngời sáng trong từng mẩu chuyện, từng câu nói. Anh lính trẻ muốn mượn xẻng để xúc cát xuống biển, giấu đảo cho khỏi phải canh gác cực nhọc, nhưng khi có xẻng lại bẩy đá “đắp quanh chân đảo, giữ cho cát khỏi bay”, mà theo anh nói là “chỉ “buông neo” cho Tổ quốc khỏi bị trôi dạt thôi”. Dù có hy sinh, người lính đảo cũng chẳng tiếc gì, chỉ mong “được thấy bóng hải âu chớp qua mắt trước khi nước khép mặt thì mừng lắm, vì có thể hy vọng những mẩu xương tàn của mình sẽ được sóng táp vào đất liền…”.

 

“Ðảo chìm” khép lại với nước biển mặn chát như máu, bởi một dải san hô còn nằm dưới nước, một “vũng cát lờ phờ”, nhưng “đây lại là Tổ quốc, là đất đai hương hỏa của ông cha, thì dù chỉ có đá sỏi gió cát thế này, ta cũng phải canh giữ, một tấc không đi, một ly không rời, dẫu có phải đổi bằng xương máu…”.

 

Mai Hiền

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày