Chủ nhật, 10/11/2024, 06:01[GMT+7]

Thiên thần và dòng nước

Thứ 2, 12/01/2015 | 08:29:40
1,300 lượt xem

Ảnh minh họa.

 

1.Em xinh, có thân hình lý tưởng, khiến cánh mày râu trong làng dám cả quyết rằng, đám hoa hậu Báo Tiền Phong còn phải “trả lại tiền”. Khuôn mặt tròn và trắng hồng của em đến trăng mười sáu cũng phải ghen tỵ. Em như bông hoa chúm chím nở, làm xao lòng bao chàng trai trong làng, ngoài xã. Chỉ tiếc một nỗi, em ở một vùng quê xa thành thị, quanh năm lam lũ với đồng áng, móng chân, móng tay két vàng của chua phèn nên chẳng bao giờ có dịp được khoe sắc cùng thiên hạ.

 

Âu cũng là mệnh đời và vận trời. Dân trong làng thường nhắn nhe con cháu mình như vậy.

 

Một buổi chiều đẹp. Nhiếp ảnh gia cấp huyện nọ vô tình gặp em bên con mương nổi. Dòng nước trong mát từ chiếc máy bơm đầu nguồn ào ạt chảy về. Sau một buổi cúi gằm xuống mặt ruộng, em ngồi bệt xuống thảm cỏ xanh rì, tháo xà cạp chân, xà cạp tay và cái áo chống nắng màu cỏ úa vứt sang bên, tháo vợi ba hàng cúc trên chiếc áo cánh màu nâu tươi, mải mê và chậm rãi kỳ cọ từng vết bùn vàng quánh trên đôi chân như hai cái đòng đòng và trắng tựa ngó sen. Nắng cuối chiều hè vẫn rực màu hồng nhạt. Bầu trời xanh tít tắp. Ánh sáng làm bật nổi đường cong thiếu nữ đang vô tư khua đôi chân trần xuống dòng nước trong xanh... Nhiếp ảnh gia nọ bấm máy lia lịa. Và, may thay, tấm ảnh vô tình có chú thích “Thiên thần và dòng nước” đoạt giải cuộc thi ảnh cấp tỉnh, vô tình biến em thành người mẫu ảnh.

 

Nhân tiện ghé qua triển lãm ảnh, vị trưởng thôn cứ đi đi lại lại ngắm tấm ảnh “con bé làng mình” rất thôn quê nhưng lại ẩn chứa một vẻ đẹp thánh thiện của thời kỳ mở cửa. Bất chợt, ông ta sực nhớ đến một dự án mà ông ôm ấp nhiều tháng nay. Ðó là một tờ nông lịch năm cỡ 45 x 85cm để ra mắt cái chức vị thôn trưởng mà ông dùng mọi mánh khóe mới giành được. Vốn là nhà kinh doanh văn hóa phẩm của huyện bị thải hồi bởi cái lý do lùm xùm nào đó, ông nhanh chóng thiết kế trong đầu. Tờ lịch trước hết phải đẹp, nghĩa là phải có một trong bốn yếu tố đang được nhiều người ưa thích: chim, hoa, cá, gái. Và ông đã chọn gái để in đẫy trang. Tiếp đó phải ghi đủ lịch ta, lịch tây và nhất thiết phải gắn với nông vụ; kỹ thuật gieo cấy, chăm bón từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Ông tìm ngay nhiếp ảnh gia cấp huyện. Hai ý tưởng lớn nhanh chóng gặp nhau bằng những phép cộng trừ nhân chia và cái bắt tay thật chặt...

 

Ảnh: Việt Hùng

 

Thế là, em được rước ra đồng như một nữ hoàng. Quần sa tanh đen nhánh. Áo màu nâu tây. Nón bài thơ quai màu xanh hoa lý. Tay ôm bó lúa nhỏ vàng óng và căng mẩy. Quả là một nông dân của thế kỷ hai mốt, nhưng lại chân chất kẻ nông quê với nụ cười xiêu lòng, đến nỗi mấy cụ cố cổ lai hy vốn ghét như xúc đất đổ đi cũng gật đầu khen đẹp. Ðôi mắt liếc ngang rừng rực ngọn lửa tình yêu như đang đốt cháy chiếc nón trắng mỏng manh. Ðôi bàn tay trắng phau, thon thả có đính chiếc nhẫn vàng óng ánh trong cái màu lúa đang vào mùa thu hoạch. Ðúng là một nông dân thời mở cửa. Hơn hai vạn tờ lịch được nhanh chóng in ra và bán sạch từ tháng mười hai. Vậy là, em đang có mặt trong các gia đình trong xã, ngoài huyện.

 

2.Ông hiệu trưởng một trường trung học phổ thông vừa được cất nhắc, nhân kỷ niệm 15 năm thành lập, cũng muốn làm một cái gì đó cho xứng với tên mình. Bàn đi tính lại, cuối cùng thì ông quyết: Phải làm một cuốn nội san cho thật hoành tráng để các vị có chức sắc đến dự cũng như các thế hệ thầy giáo, cô giáo và học sinh biết được sự đi lên của trường. Nội san phải in màu đẹp, dày dặn, trên giấy láng bóng Nhật, trang bìa phải đẹp, phải tươi mát như cái sự trẻ trung của tuổi mười sáu. Viết bài và chụp ảnh do mấy nhà báo tỉnh có nghề đảm nhiệm, kiêm cả ma-két lẫn in ấn. Kinh phí do tỉnh cho phần nhiều, còn lại do hơn chục công ty, nhà máy, xí nghiệp cấp tỉnh, các phòng giáo dục có học sinh học tập và trưởng thành ủng hộ dưới dạng quảng cáo và bài phát biểu. Khâu phát hành cũng giản đơn. Ngoài non nghìn cuốn biếu tặng, sẽ có khoảng sáu ngàn học sinh đã và đang theo học với giá thị trường khoảng trên trăm ngàn đồng một cuốn. Tính ra phải in tới vạn cuốn. Vị hiệu trưởng nọ tìm gặp tác giả tấm hình “Thiên thần và dòng nước”. Hai tư tưởng lớn lại gặp nhau. Bây giờ thì em lại biến thành một nữ sinh áo trắng, ngây thơ và trong trắng, tay cắp cặp sách màu đen cùng vài bạn đang nở bung tiếng cười, hớn hở trước ngôi trường bốn tầng vừa khánh thành từ đầu năm học. Ngày kỷ niệm đông vui, chật kín quan khách, phụ huynh và các thế hệ thầy giáo, cô giáo và học sinh. Thế là, em lại có mặt trong cặp của các quan chức trong huyện, ngoài tỉnh và trong các gia đình phụ huynh...

 

3.Ngành thể thao vừa đạt thành tích xuất sắc về bóng chuyền và điền kinh toàn quốc cũng muốn làm cái gì đó trong ngày truyền thống vào cuối năm nay. Ông giám đốc quyết định làm một tờ gấp mười sáu trang khổ lớn. Tìm mãi trong đám vận động viên có cước sắc vẫn chưa tìm được khuôn hình trang bìa. Cô bóng chuyền chân dài nhưng bộ mặt không khả ái. Cô điền kinh bộ giò thì được nhưng lại thô kệch. Vận động viên bơi lội thì khuôn mặt không ăn ảnh. Cô cầu lông cao dàn nhưng “trước sau như một”... Và thế là, em trở thành vận động viên tóc xõa, diện bikini màu huyết dụ, chẳng hiểu là điền kinh hay bơi lội, nhưng khuôn hình, nét mặt, bộ ngực, cặp giò thì hình như em sinh ra chỉ để dành cho ngành thể thao. Thế là, cái thân hình gợi cảm và bốc lửa của em được chia đều cho tất cả những ai tới dự ngày truyền thống của ngành...

 

4.Cô gái vùng quê nghèo bước ra đời từ bộ áo tắm đỏ rực rỡ, từ trong bộ áo dài trắng muốt nữ sinh của một trường trung học phổ thông, từ bộ quần áo của một thôn nữ nông thôn thời mở cửa... khiến không ai nhận ra em và ngay cả em cũng không nhận ra mình. Dưới con mắt xinh đẹp của em, những đứa con gái cùng thời chăn trâu, cắt cỏ, nhổ mạ cấy lúa trở thành những cô gái đen đúa, xấu xí và lam lũ. Những thằng con trai thì thô kệch, bặm trợn, gân guốc và tục tằn. Cái làng quê nghèo túng quanh năm ấy đã không đủ sức kéo em về. Em lang thang đến tìm nhiếp ảnh gia nọ chỉ nhận được một nụ cười gượng gạo rồi nhanh chóng chia tay. Trường học nọ không còn ai nhận ra em lung linh trong tấm áo dài trắng muốt và thướt tha của thời thiếu nữ đang cắp sách đến trường. Ngành thể thao mới kết thúc ngày hội được hai tháng mà chẳng ai nhận ra khuôn mặt xinh đẹp, bộ chân dài thon đẹp và trắng của em. Ngay ông thôn trưởng còn quắc mắt và bảo rằng, cô không phụ gia đình cấy hết diện tích khoán, có thiếu ăn cũng chẳng ai làm từ thiện đâu!

 

Không hiểu em kiếm được bao nhiêu trong cái vụ một vạn tờ nông lịch, tám ngàn cuốn nội san và hàng vạn tờ gấp. Chỉ biết rằng nhiếp ảnh gia nọ nâng cấp được nhà mặt phố. Ông thôn trưởng sắm được chiếc Dream mới. Ông hiệu trưởng mua được mảnh cho con trai. Ông giám đốc ngành thể thao mua cho vợ chiếc xe ga. Còn em lại trở về với cái làng nghèo túng, ba mươi tuổi rồi vẫn chưa kiếm được mảnh tình vắt vai, để cứ mỗi buổi chiều lại ra ngồi bên con mương nổi mà mấy hôm nay người ta không bơm đầy nước, phòng xa mùa bão lũ đang đến gần.

Thiếu Văn Sơn

Thành phố Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày