Bà ơi, cháu xin lỗi!
Quê tôi ở xa lắm, cách nơi tôi sống dễ cả trăm cây số. Tuổi còn nhỏ nên tôi có muốn gửi quà, gửi hoa hay thiệp cho bà cũng không dễ. Cũng có thể gọi điện thoại đấy, nhưng vốn dĩ tôi là đứa sống nội tâm, bên ngoài rất khô khan nên đến cả một lời chúc tình cảm dành cho mẹ, tôi còn phải viết qua thiệp. Vô hình chung, lâu nay, tôi đã quên mất 8/3 cho bà. Ðến hôm qua, mẹ nhắc: “Sắp 8/3 rồi đấy, con gọi điện hỏi thăm và chúc sức khỏe cho bà vui”. Thấy tôi ngập ngừng, mẹ tôi lại bắt đầu, nào là con gái thì phải tình cảm, ai lại khô khan thế bao giờ, rồi một học sinh chuyên Văn mà lại không nghĩ ra được mấy lời hỏi thăm, chúc mừng bà ở xa, lại chuyện mấy năm rồi đều quên, đùn đẩy cho mẹ nói. Mà tôi thì có muốn thế đâu, tính tôi như thế, muốn cất lên lời có chăng cũng chỉ được vài câu rồi lại chả biết nói gì nữa. Tôi chỉ im lặng nghe mẹ trách. Tối hôm ấy, trong lúc học bài, mệt quá, tôi lăn ra gục đầu ngủ trên bàn học. Chẳng hiểu sao những kỷ niệm xưa cũ về bà lại ùa về trong giấc mơ...
Ngày trước, khi chân bà còn khỏe, mỗi lần tôi và mẹ về quê, bà đều ra đón tận nơi, rồi ôm ấp tôi vào lòng mà nựng, vỗ về âu yếm. Bà dẫn tôi đi bộ, dạo quanh phố phường, chiều ý mua cho tôi cái bánh, cốc kem hay gói bim bim khi tôi đòi hỏi. Mỗi khi mẹ tôi lên tiếng ngăn cản, bà lại gạt đi: “Thôi, chị đừng lắm chuyện. Ngày xưa tôi nuôi các anh, các chị cũng chả theo chế độ dinh dưỡng nào sất, vớ được củ khoai, củ sắn nào thì ăn củ đấy, thế mà anh chị vẫn lớn, lấy chồng, lấy vợ cả đấy thôi”. Bình thường ở nhà, mẹ tôi bận bịu đủ thứ nên cũng chỉ hay nấu mấy món quen thuộc. Nhưng lúc về quê, bà quý tôi, nấu cho đủ món ngon. Thấy tôi có vẻ vừa ý với món nào, lần sau về, bà lại chu đáo chuẩn bị. Hồi đó tôi chưa biết gì nhưng cũng hiểu là bà quý và chiều tôi lắm. Có những lúc tôi mè nheo làm mẹ giận, mẹ cầm roi quất vào mông. Lúc đó, bà là người luôn chạy ra can, xoa đầu tôi mà vỗ về rồi nói với mẹ: “Dạy con thì phải có sự kiên nhẫn. Bây giờ các anh các chị hiện đại lắm mà lại không biết đánh con là phương pháp dạy dỗ sai lệch à?”. Lúc đó, tôi mới ngỡ ra: “A, bà cũng biết hiện đại!” Ðến khi tôi lên lớp 5, bà vẫn còn hoạt bát, chăm sóc tôi kỹ lắm. Riêng mấy việc lặt vặt như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, ra ngoài trời lạnh phải quàng khăn ấm, đội mũ len, tất tai không được rời chân,... bà để ý tôi từng tí một. Bà thương tôi như thế, nhưng ngày bé, tôi ngây ngô có biết gì?
Cho đến một ngày năm tôi học cấp II, nghe tin bà bị gãy chân, tôi và mẹ gấp rút về quê. Tôi thấy các cô chú bảo bà bị ngã cầu thang, phải đóng đinh vào chân, buốt ghê lắm. Nghe vậy, tôi cũng thấy lo cho bà vô cùng, tôi chạy vội vào phòng bệnh, mau mải: “Bà ơi, bà có đau không bà?”. Bà thấy tôi thì quên cả đau, ôm chầm lấy cháu mà cười ân cần: “Không, bà khỏe rồi cháu ạ”. Tôi nhớ đến một người bạn ở lớp, bà nội của bạn ấy cũng bị gãy chân, nó buồn, nó khóc. Thế nhưng tại sao tôi không khóc? Phải chăng tôi không thấu hiểu được tình cảm của bà nên tôi mới lạnh lùng đến như vậy? “Bà ơi, có phải là cháu hư không?”.
Tôi chỉ thấy có một cảm xúc mãnh liệt đang trào dâng trong lòng mình, không biết tình cảm đó là ân hận, buồn hay đau xót, ngay lúc đó tôi chỉ muốn cười thật tươi để động viên bà, cho bà biết là tôi đang ở ngay cạnh bà, chờ bà dẫn đi chơi, tiếp tục nấu ăn ngon và ngăn cản mẹ khi mắng tôi mà thôi! Giây phút ấy, tôi hiểu rằng, chỉ cần có tôi bên cạnh động viên, bà sẽ vì tôi mà làm được tất cả, bởi đó chính là tấm lòng của một người bà - bà tôi.
Bà ơi, ngày 8 tháng 3, cháu không vượt trăm cây số để tặng bó hoa đỏ thắm cho bà như mọi đứa cháu ngoan khác, cháu cũng không thể trực tiếp cất lên nổi một lời yêu thương dành cho bà vì cháu nhút nhát, rụt rè. Thế nhưng, từ trong sâu thẳm trái tim của đứa cháu bé nhỏ này, cháu muốn nói với bà, rằng bà là người chiếm vị trí quan trọng nhất trong trái tim cháu, và rằng, bà ơi, cháu xin lỗi vì có thời gian cháu không hiểu được tình yêu mà bà dành cho cháu, vì cháu vụng về không biết thể hiện sự yêu thương, kính trọng của mình cho bà. Nhưng, cháu yêu bà lắm, bà ơi, bà hãy sống đến trăm tuổi để cháu luôn nhận được tình yêu của bà và sẽ luôn có một người để cháu dành hết sự yêu thương, bà nhé!
Phan Vũ Anh Thư
CLB Phóng viên nhỏ
Tin cùng chuyên mục
- Chung kết cuộc thi "Em yêu làn điệu dân ca" học sinh phổ thông tỉnh Thái Bình năm 2025 07.04.2025 | 07:17 AM
- Vun đắp đam mê nghệ thuật truyền thống lứa tuổi học sinh 05.04.2025 | 15:54 PM
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
Xem tin theo ngày
-
Ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số giai đoạn 2025 - 2030
- Công an tỉnh Thái Bình giành giải nhất toàn đoàn hội thi thể thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vòng 2 - khu vực II
- Hội đồng chấp hành UNESCO thông qua quyết định khuyến nghị vinh danh nhà bác học Lê Quý Đôn
- UNESCO phê duyệt khuyến nghị kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân Lê Quý Đôn
- Thái Bình giới thiệu danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn và các tiềm năng hợp tác tại Pháp
- UBND tỉnh: Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ Pháp tại Việt Nam
- Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Khai mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Thái Bình quyết tâm hoàn thành xây dựng, sửa chữa 100% công trình nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách trước ngày 20/6
- Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Uzbekistan