Thứ 7, 23/11/2024, 12:38[GMT+7]

Giỏ cua của mẹ

Thứ 2, 13/04/2015 | 08:28:06
1,386 lượt xem
Trong ký ức tuổi thơ, tôi không biết công việc mò cua, bắt ốc của mẹ vất vả như thế nào. Nhưng tôi vẫn chưa quên, khi đó tôi rất thích được xách giỏ đi cùng mẹ lặn lội khắp các cánh đồng. Tôi là đứa hiếu động. Ðược theo mẹ ra đồng, được khám phá nhiều điều trên cánh đồng quê là điều thú vị nhất. Mùi bùn đất tanh nồng, mùi thơm ngọt của cỏ pha lẫn hương lúa thoảng bay luôn có sức lôi cuốn mãnh liệt.

Ảnh mang tính minh họa.

 

Bố mất trong một chuyến đi biển ở xã bên  khi chị em tôi còn quá nhỏ. Chúng tôi không nhớ nổi mặt bố của mình. 28 tuổi, mẹ trở thành góa phụ nuôi hai con thơ dại.

 

Tháng ba ngày tám nông nhàn, mẹ tôi thường đeo giỏ ra đồng cặm cụi mò con ốc, bới con cua để lấy tiền nuôi chị em tôi khôn lớn. Mẹ như thân cò lặn lội giữa đồng không mông quạnh, lúc trời hè nắng gắt cũng như những ngày đông lạnh giá. Nhiều lúc nhìn mẹ, tôi se thắt lòng xót xa, ước giá như bố đừng vội bỏ chúng tôi ra đi như thế...

 

Tôi không đủ lớn khôn để tính toán xem một giỏ cua mẹ bắt được đeo lệch bên hông, nước da mẹ cháy sạm, tay mẹ sần sùi vết cua cắp sẽ bán được bao nhiêu tiền và đổi ra được mấy bơ gạo để hai đứa tôi không phải nhịn bữa lúc giáp hạt. Tôi đi theo mẹ trong những buổi nghỉ học để mẹ không còn phải thui thủi một mình. Tôi chỉ việc xách giỏ trên bờ để lưng mẹ bớt đau. Ðổi lại tôi có cả thế giới của riêng mình. Lúc thì con ốc bươu hay con trai to đùng mà mẹ mò được phần hai đứa. Ăn xong vỏ trai để chơi đồ hàng thích phải biết. Cả bọn chỉ có mỗi chị em  tôi có  thứ “nồi để luộc bánh chưng” độc đáo như thế. Lúc thì con muỗm béo múp. Tôi bắt được cả túi cào cào xanh. Về nhà bẻ càng thả chúng làm trâu, bò nhộn nhạo khắp sân. Tôi giàu có hơn em tôi vì có cả một “đàn trâu” đông nghịt. Tôi mê tít những buổi theo mẹ ra đồng bắt cua như vậy và còn nói chắc chắn rằng, sau này tôi lớn lên sẽ là người bắt cua giỏi nhất làng. Lúc ấy mẹ bảo, tôi phải học giỏi sau này tôi làm một nghề khác nhàn hơn để nuôi sống bản thân chứ đừng làm công việc vất vả này. Mẹ không được học cao nên mẹ mới phải lươn bùn làm lụng như thế...

 

Tuổi thơ cứ thế trôi đi.

 

Rồi thương mẹ, dần dần tôi cũng tập tành theo mẹ bắt những con cua, con ốc. Thích mình bắt giỏi, bắt được nhiều, tôi bắt và đếm cả những con cua mới to bằng hạt đỗ. Mẹ luôn động viên tôi chăm chỉ. Nhưng cuối buổi mẹ chỉ lựa lấy những con cua to còn đám cua nhỏ, mẹ lại thả chúng ra hết. Tôi phậm phịch, mẹ cười, để nó lớn rồi bắt bán chứ chúng còn nhỏ thế này bắt thì uổng lắm. Mẹ đổi cua to mẹ bắt được sang giỏ của tôi. Thấy đầy giỏ, tôi thích quá hí hửng theo chân mẹ về nhà. Tiền bán cua của tôi mẹ cho tôi bỏ vào lợn đất để vào đầu năm học mua sách vở.

 

Cô giáo bảo tôi về nhà nói với mẹ làm đơn hộ nghèo rồi ra ủy ban nhân dân xã xin dấu xác nhận để được miễn giảm một số khoản tiền đóng học. Mẹ mất cả buổi sáng chờ ông chủ tịch bận họp mà vẫn không được việc. Mẹ về nhà, cất lá đơn đi, chép miệng: Từ nay trở đi không bao giờ mẹ đi xin xỏ thế này nữa. Mẹ xách giỏ ra đồng, vất vả một chút nhưng lại kiếm được tiền, không phải chờ đợi ai. Cái gì mình tự khắc phục được thì cố mà làm, đừng làm phiền người khác...

 

Thời gian trôi đi. Năm tôi học lớp 10 có đứa bạn trong lớp trêu chọc tôi phải đi mò cua. Tôi xấu hổ bỏ học mấy ngày. Mẹ biết chuyện, khuyên giải: Người ta làm những việc xấu để có tiền mới đáng xấu hổ. Mình kiếm tiền bằng sức lao động của mình, điều đó rất đáng tự hào. Nhà mình nghèo, con phải biết cố gắng vươn lên. Ðừng để ý đến những lời nói vô tình của ai đó mà nản chí. Hãy học giỏi hơn nữa để không ai có thể coi thường mình...

 

Cuộc sống đôi khi ta gặp phải những bất trắc, khó khăn. Chính những lời nói khi xưa của mẹ đã giúp tôi vượt qua tất cả. Không phải ai cũng may mắn sinh ra trong một gia đình giàu có, có sẵn mọi thứ mình cần mà phải biết vươn lên vượt qua hoàn cảnh khó khăn bằng nghị lực của chính mình. Khó khăn thử thách sẽ tôi luyện  nghị lực, bản lĩnh của con người.

 

Giỏ cua của mẹ đã nuôi tôi khôn lớn, cho tôi được học hành. Không có công việc lao động chân chính nào là xấu cả. Tôi tự hào về giỏ cua của mẹ. Giỏ cua đã tiếp cho tôi nghị lực vươn lên....

Lê Thị Nhung

Trường Tiểu học Thụy Hồng, Thái Thụy

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày