Thứ 7, 23/11/2024, 12:39[GMT+7]

Vẫn miền quê ấy

Thứ 2, 14/09/2015 | 08:37:50
1,512 lượt xem
Lúa trên đồng mướt mát màu xanh, cánh cò chao liệng chấp chới, đường bê tông mới đẹp như dải lụa. Trong làng, những ngôi nhà tầng san sát. Vào dĩ vãng rồi những mái rạ quê xưa. Không chỉ ô tô tải xuôi ngược đường làng mà về làng bây giờ còn có nhiều xe sang trọng. Dẫu cuộc sống lao động vẫn còn nhiều vất vả nhưng xa rồi cảnh lam lũ đói rách. Tản bộ trên đồng trong buổi hoàng hôn, nghe rưng rưng trong lòng vẫn miền quê ấy.

Yên bình. Ảnh: Việt Hùng

Tôi sinh ra sau ngày chiến thắng Ðiện Biên Phủ, được nuôi dưỡng và lớn lên trong tình yêu thương của đất nước thanh bình. Một thời cả nước còn khó khăn, nửa nước còn dưới ách quân thù. Rồi không bao lâu chiến tranh lại lan ra cả nước. Với quyết tâm: "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" mọi người đều buộc bụng thắt lưng, tiết kiệm tối đa để chi viện vì sự nghiệp giải phóng miền Nam. Chúng tôi lớn lên cùng chịu cảnh khó khăn chung của cả nước. Mỗi năm tết đến xuân về, được bộ quần áo mới đã là niềm vui khôn xiết. Với lũ trẻ quê chúng tôi, miếng bích quy, viên kẹo bột là món quà xa xỉ. Nhìn các cháu bây giờ đeo sách đi học thấy thương nhưng cũng chạnh lòng với cảnh đi học ngày xưa. Sách giáo khoa của chúng tôi được phân theo tổ nên phải thay nhau đọc. Giấy viết thì phân phối. Bài học nối dài ước mơ, rồi đây chúng ta sẽ có điện thắp sáng, trẻ con không phải học bằng đèn dầu. Nào đâu đã mơ đến điện quạt mát cho ngon giấc ngủ. Khi người lớn hằn thêm nét lo âu thì lũ trẻ con chúng tôi lại khấp khởi chờ những ngày giỗ, tết. Bởi chỉ có những ngày giỗ, tết chúng tôi mới mong có được miếng thịt mà ăn. Tinh bột nuôi chúng tôi là cơm độn với khoai, với sắn. Ðạm nuôi chúng tôi là con tép, con cua. Ðường nuôi chúng tôi là cây mía còi cọc vườn nhà. Bởi thế mà có người đã lặng đi khi nghe mấy câu thơ trong bài Thương tháng ba xưa của tôi: "... Tháng ba xưa bởi thanh tịnh xóm thôn/ Nên thảng hoặc nhà ai làm đám giỗ/ Ðộng dao thớt có băm hành phi mỡ/Theo gió đưa cả làng thấy mùi thơm"... Khó khăn, thiếu thốn là thế mà chúng tôi vẫn lớn lên. Thật diệu kỳ, phải chăng hồn thiêng sông núi, khí phách tổ tiên đã phù trì để chúng tôi lớn lên còn nối nghiệp cha ông. Ðể rồi đã có những nhân tài. Ðể chúng tôi kịp lớn lên, để kịp ra trận tiếp bước cha anh, giữ vững truyền thống để không hổ thẹn với vong linh tiên tổ. Ðể rồi mỗi khi viếng nghĩa trang liệt sĩ ở quê, tôi lại không thể cầm lòng, không thể ngăn được dòng nước mắt khi đọc trên bia mộ dòng tên liệt sĩ Lê Duy Nhiệm là lớp trưởng lớp 7B của tôi... Sau ngày 30/4/1975, cùng cả nước òa vui, làng quê được đón những người con chiến thắng trở về. Hòa bình trở lại nhưng đất nước vẫn còn nặng gánh hậu quả chiến tranh, làng quê vẫn còn thiếu thốn mọi bề. Thế rồi công cuộc đổi mới được mở ra, làn gió mới ùa về, những cơ chế bó buộc một thời được tháo gỡ. Những tiềm năng được đánh thức, những tài năng được phát huy, góp sức xây đời. Cả nước chuyển mình, khiến cho bè bạn quốc tế phải ngỡ ngàng.

Vẫn miền quê ấy nhưng mùa hè không chỉ có quạt điện mà nhiều nhà đã có điều hòa nhiệt độ. Sướng gì cái sự ôn nghèo, vui gì cái sự kể khổ. Nhưng mỗi chúng ta nhớ lại cái ngày xưa của vẫn miền quê ấy để mà trân trọng cuộc sống hôm nay. Yêu quý cái đã có, cái đang có trong tay để mà vinh dự, để mà tự hào, để mà biết ơn công lao, xương máu của bao người đi trước, những người đã ngã xuống vì non nước hôm nay và cũng trân trọng công lao của mỗi chúng ta đã vất vả phấn đấu để có hôm nay... Nông thôn mới về rồi. Những tiêu chí của nông thôn mới đủ để mỗi chúng ta đang sống ở nông thôn mà vẫn thêm tự tin sánh cùng bè bạn. Ðể chúng ta thêm yên tâm bởi mình đã đi đúng hướng, cứ vững lòng mà phấn đấu vươn lên.

Chiều mùa thu đi trong ánh hoàng hôn, thong dong bước trên con đường bê tông giữa đồng quê bát ngát, gió xào xạc xô vờn sóng lúa. Ngắm làng quê đổi mới, lòng lại rưng rưng với bao cảm xúc, thêm tự hào vẫn đất này của miền quê ấy ngày xưa.

Phạm Văn Lục
(Vũ Lăng, Tiền Hải)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày