Thứ 7, 09/11/2024, 22:23[GMT+7]

Người lạc về đâu

Thứ 2, 22/08/2016 | 08:13:39
1,429 lượt xem

Chợ Cầu Giấy ngày nay.

Chương 6: Người ăn mày tử tế

Phú nói tiếp:

- Ban nãy nó toàn nói lung tung, em có nghe thấy không? Vừa gọi tên anh nó lại hỏi tên gì nhỉ. Chấp chi với hạng người ấy.

- Anh có biết tên hắn không?

- Thằng tâm thần, ai mà nhớ.

Sự thiên thẹo, khéo léo của Phú đã xua đi một phần nghi ngờ, ám ảnh trong lòng Mai Phương. Tuy đã tin Phú, không hỏi thêm gì về gã ngăn xe nữa nhưng Mai Phương vẫn mơ hồ một điều gì đó ẩn khuất mà cô cảm nhận mình còn hiểu quá nông cạn về Phú.

Còn đối với Phú, nỗi lo âu, ám ảnh đã tan dần theo năm tháng bỗng chốc lại ập đến, choáng váng. Không ngờ một người tưởng trí nhớ bị vò nát, mất hết mà vẫn nhận ra quá khứ của Phú. Cái quá khứ hèn nhát và tội lỗi ngoài Thúc ra không còn ai biết. Nếu Thúc tố giác, số phận của Phú sẽ ra sao? Cái nấc thang danh vọng, tiến thân của Phú có thể sập gãy. Và cả Mai Phương nữa, cô gái trẻ trung, cả tin, xinh đẹp sẽ nghĩ gì khi sự thật của Phú hiện lại nguyên hình. Chắc chắn khi ấy sẽ mất Mai Phương và mất tất cả.

Băn khoăn, lo ngại là thế song nghĩ đến những ngày cuối cùng ở Côn Đảo, Phú vẫn hy vọng Thúc sẽ hoàn toàn bất lực. Sự đầu độc thần kinh và chấn thương sọ não, trí tưởng của Thúc vĩnh viễn không thể phục hồi. Ngày ấy, ngay cả tên tuổi, cha mẹ, quê quán, Phú hỏi mà Thúc có nhớ gì đâu. Lý do ấy để Phú tự trấn an mình về cuộc gặp gỡ bất chợt. Theo Phú, cuộc gặp gỡ nhận ra nhau chỉ là hiện tượng mẫn cảm bất thường của Thúc. Cái trí nhớ bất thường ấy sẽ nhanh chóng bị vùi vào sự hoang tưởng của một kẻ rỗng trí. Và như thế, mọi sự phát giác chắc chắn ít có thể phiền toái. Hơn nữa, cuộc giáp mặt giữa đường, người minh mẫn cũng khó có thể lần được Phú ở đâu, làm gì. Nghĩ vậy, Phú tạm yên lòng. Những ngày sau đó, dù mải mê với những cuộc họp triền miên, những cuộc du tình đắm say với Mai Phương, những buổi hoan hỉ, bia bọt, chè chén lu bù, đắm mình trong sự cuốn hút nhưng hình ảnh của Thúc từ buổi gặp lại ở chợ Cầu vẫn cứ chập chờn bên Phú không nguôi.

Cuối năm 1976, bà con chợ Cầu Giấy Hà Nội thấy xuất hiện một thanh niên tâm thần, quần áo tả tơi, người đầy sẹo, ngày ngày lủi thủi chìa tay trước các quán hàng. Trông mặt hiền lành, khắc khổ, nhiều bà hàng động lòng thương. Nhưng cũng có người sợ bẩn, sợ mất đồ thì xa lánh. Ngày đầu Thúc luẩn quẩn ở chợ Cầu thật khổ sở. Mấy bà buôn to nhìn Thúc quẩn quanh bên quầy hàng, họ sợ, xua đuổi:

- Đi đi cho tôi bán hàng. Không mắt nào mà coi các người được.

Một bà mắt sáng, miệng nhai trầu, ái ngại nhìn Thúc rồi quay sang nói với bà ngồi bên vừa xua đuổi Thúc:

- Trông anh ta như người bị thương ấy.

- Bị thương ai người ta để cho lang thang thế. Chắc là đánh nhau hay trộm cắp gì đó, người ta đâm chém đấy thôi.

Bà nhai trầu nghe vẻ thương hại:

- Rõ khổ, chân tay chú ta run lắm. Tôi cho bát cơm ngồi nhai mãi không hết.

- Bà chỉ thương người không đâu. Cái loại ăn không của người khác, bắt được đánh chết cũng đáng đời.

- Tôi không tin anh ta là người như thế. Trông mặt mà đặt thành dong chứ bà.

- Ối dào, khối người tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi đấy.

Nhiều bà chủ quán lúc đầu xua đuổi, ráy rỉa Thúc sau này mới thấy ân hận. Thúc không mang tính cách của những kẻ ăn mày tắt mắt, ai sơ hở cái gì là "bốc hơi" liền, thậm chí còn cướp giật, ù chạy một cách trắng trợn. Bên những kẻ đánh lén, bốc nhanh còn có loại ma cô hành nghề lẩn khuất làm một số bà hàng lo sợ. Một bà hàng xén có lần nhìn thấy một thằng rạch túi của chị phụ nữ vào mua hàng, bà kêu toáng lên, nó tẩu thoát. Lát sau, ba bốn thằng tóc trùm vai, râu ria rậm rì xấn vào đe dọa, định hành hung bà. Chưa thôi, hôm sau nó cảnh cáo tiếp, cái ví tiền bà giữ gìn cẩn thận bỗng dưng không cánh mà bay. Từ đó, dù trông thấy chúng nó quấy quả người khác mọi người cứ phải làm ngơ, không ai dám hé răng nửa lời.

Còn Thúc rách rưới, dở người nhưng thật thà, hay làm, khi dọn đồ, quét chợ, khi nghêu ngao hát chèo, lúc ngồi ca vọng cổ cho các bà hàng nghe. Anh quen dần với công việc giúp mọi người dọn dẹp, rửa bát, bê đồ, gánh nước, rửa rau. Các bà hàng quý Thúc, cho Thúc ăn uống ngay ở quán chợ.

Từ ngày gặp người thanh niên ngẩn ngơ, tha thẩn quanh chợ Cầu Giấy, bà cả Phê thường hay nghĩ ngợi, liên tưởng tới gia cảnh nhà mình. Bà gốc ở làng Tống Vũ, xã Vũ Chính, Thái Bình, lên Hà Nội sau ngày giải phóng thủ đô. Bà làm nghề bán bánh giò ở chợ Cầu đã lâu. Bà có cảm giác như là đã gặp người ấy ở đâu, hình như lâu lắm rồi. Lần theo năm tháng để cố nhớ lại nhưng bà vẫn không nhớ nổi. Hay là sự vô tình người ấy gặp bà ở chợ Cót, chợ Xanh? Có đôi nét trên gương mặt dị hình của anh ta giông giống thằng cháu ở quê của bà. Nhưng thằng cháu ở quê xã đã làm lễ truy điệu cho nó rồi. Nhưng bà vẫn tỉ tê hỏi han gốc tích, tên tuổi. Anh ta bảo quê ở Vĩnh Phú, tên là Kích, Cúc gì đó. Không phải, cháu bà nó tên là Thúc. Nguyễn Đình Thúc cơ. Vì thế, dần dần bà cũng không quan tâm nhiều nữa. Có điều, mỗi lần gặp anh ta, hình ảnh thằng cháu lại làm bà liên tưởng. Nó đi chiến đấu ở miền Nam. Nó mất tích lâu rồi người ta mới báo tử. Biết đâu nó còn lang thang ở một nơi nào đấy mà không ai biết. Ôi, nếu ông trời bắt tội nó thế thì khổ cho nó biết chừng nào.

Bà Phê thương đứa cháu, thành thử bà thương cả Thúc. Bà không sai bảo Thúc làm lụng dọn dẹp như trước nữa nhưng thỉnh thoảng bà vẫn cho Thúc ăn. Bà lấy cả cái áo của thằng con trai lớn mang cho Thúc mặc. Gần hai chục năm bán bánh giò ở chợ Cầu, bà Phê chưa gặp trường hợp nào thương tâm như Thúc. Một thanh niên còm cõi, xanh tái, môi sạm, người, mặt ngổn ngang những sẹo. Xin được miếng ăn lại bị đồng đảng tranh cướp, đánh đập. Thỉnh thoảng bà dành một ít bún, miếng chả, ít nước chấm, đợi trời tối hẳn mới gọi Thúc lại cho ăn. Quen rồi nên đi đâu thì đi, cứ chập choạng tối là Thúc quay về quán bà.

Những khi không hát hò vui vẻ Thúc chỉ lủi thủi làm. Các bà hàng ngày càng quý anh. Có người muốn hỏi tên để gọi cho thân mật, Thúc cứ hử, hỉ, lắc, cười. Chẳng ai biết anh gốc tích ở đâu. Mọi người chỉ quen gọi là chú Sẹo. Có người gọi chú Kích Sẹo. Cái tên chú Sẹo hình như sau này Thúc nhớ hơn cả. Chú Sẹo giúp tôi cái này này. Chú Sẹo giúp tôi cái kia nhá. Chú Sẹo ăn cơm đi. Tối nay chú Sẹo ngủ ở đâu, hay là chú Sẹo nằm ngay quán này coi đồ giúp tôi nghe… Ai bảo gì chú Sẹo cũng gật, cũng cười, cũng chỉ tay, hử, hỉ…

*

* *

Một đêm mùa đông mưa phùn gió bấc, trời rét ngăn ngắt, ngoài đường không một bóng người qua lại. Trong phòng ngủ của giám đốc Đỗ Cao Phú gắn chiếc máy sưởi điện làm những cơn gió lạnh lùa vào đều bất lực. Góc bàn, bộ đầu video chiếu phim làm tình suốt buổi tối đã tắt. Ngọn đèn ngủ màu xanh lá mạ làm căn phòng sáng mờ ảo. Nằm trên giường, Phú đang mơ màng bỗng thấy cửa đẩy rầm một cái, một người lừng lững bước vào, đứng sát cạnh bàn, mở miệng nói:

- Anh là Đỗ Cao Phú phải không?

- Vâng! Tôi là Phú. Đêm hôm khuya khoắt thế này anh gặp tôi có việc gì? A… Anh là… Tôi nhớ rồi, anh tới xin việc phải không? Trường hợp của anh chúng tôi còn xem xét nhé.

- Không, tôi không phải là người tới xin việc. Tôi là bạn anh ngày trước. Anh vẫn quên tôi à?

- Bạn nào nhỉ? Sao tôi không nhớ.

- Chính vì anh quên, hay nói một cách khác, anh cố tình không nhớ nên buộc tôi phải đến vào giờ này. Bây giờ tôi yêu cầu anh im lặng, lắng nghe tôi nói. Trước hết, xin tự giới thiệu: Tôi là Thúc. Hì, hì. Nhớ chưa? Thúc chặn xe anh ở chợ Cầu ấy mà. Anh quát: Thằng điên xê ra. Đúng, lúc ấy tôi điên. Nhưng vì sao tôi điên chắc anh chưa quên chứ? Gần mười năm trước, trong một trận chiến đấu tưởng như tuyệt vọng, tiểu đội chỉ còn sót bốn người, trong đó có tôi và anh. Nhưng đến phút cuối cùng của trận đánh, anh và Kha đã chọn con đường sống để mặc hai chúng tôi đương đầu với thần chết, đương đầu với một trung đội địch. Sau đó, Hùng lại hy sinh. Tôi thì dính đạn không biết gì nữa. Hình như anh em đơn vị đến cứu, đưa tôi vào đội điều trị. Rồi sau đó tôi lại sa vào tay địch. Trận ấy cứ tưởng mình Kha hèn nhát bỏ sang bên kia chiến tuyến còn anh chết trận. Nào ngờ, ra ngoài Côn Đảo ta lại gặp nhau. Không phải đương nhiên bọn cai ngục trà trộn những kẻ phản bội với anh em tù binh. Anh hiểu hơn tôi điều đó và hiểu rõ cả trường hợp cái chết của Kha nữa chứ. Trước khi nhắm mắt, Kha còn kịp kể về anh để tôi rõ. Chỉ trách Kha, người tự nguyện hạ vũ khí đầu hàng mà lại chết trong tay kẻ mình đầu hàng một cách nhục nhã. Tôi hiểu anh và Kha khi ấy bỏ chúng tôi không phải vì ham hố, tham vọng gì khác mà chỉ là ham sống sợ chết mà thôi.

(Còn nữa)

Nhà văn Minh Chuyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày