Thứ 7, 23/11/2024, 09:27[GMT+7]

Khát vọng của con

Thứ 2, 22/08/2016 | 08:18:02
941 lượt xem
Thuở nhỏ, và cả khi lớn lên, đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, tôi vẫn mong và nuôi khát vọng trở thành một nhà báo. Tôi muốn được như mẹ, được tận tụy gieo trồng, cấy gặt trên cánh đồng chữ nghĩa, được lật giở tờ báo thơm phức mùi mực in, có bài viết và tên mình trên đó.

Trong mắt tôi, mẹ là một người giỏi công việc bếp núc, nấu nhiều món ăn ngon. Mẹ còn viết báo giỏi. Ở nhà và ngoài phòng làm việc, mẹ cất nhiều bằng khen, giấy chứng nhận những bài viết được giải thưởng mà bố vẫn ví là "phiếu bé ngoan" của mẹ, không khác tấm phiếu tôi hớn hở mang về nhà mỗi chiều thứ sáu tan lớp mẫu giáo hồi còn bé.

Tôi còn nhớ 5 - 7 năm trước, nhà tôi chưa đủ điều kiện để sắm cái máy vi tính. Mỗi khi đi lấy tin, bài về, lo cơm nước, tắm giặt cho bố con tôi xong, mẹ ngồi vào bàn và viết. Đây có lẽ là lúc tôi thích nhìn ngắm mẹ tôi nhất. Vầng trán cao, khuôn mặt đăm chiêu, đôi lúc cái trán nhăn lại... Trong mắt tôi, lúc đó mẹ rất đẹp. Mẹ được đi nhiều nơi, biết nhiều chuyện, từ cấy gặt, ruộng đồng, ngân hàng, xí nghiệp… đến chức danh, tên tuổi các bác hay lên ti vi. Kho kiến thức của mẹ, từ ca dao, thơ, truyện Kiều khi làm văn tôi đem hỏi mẹ đến những chuyện ở huyện nọ, xã kia, trong nước, thế giới… khi mẹ nói chuyện với người khác mà tôi lỡ nghe được, rồi cái thần thái lúc đắm vào trang viết… làm tôi thầm mê mẩn. Từ khi cô giáo cho làm bài tập làm văn đầu tiên vào lớp 3, tôi thầm ước mong sao mình được như mẹ, cứ viết lia lịa những bài văn dài của người lớn, để có lúc được nhuận bút. Cả nhà vui thật là vui. Mẹ có tiền, chúng tôi biết ngay vì mâm cơm thịnh soạn hơn. Những gì mẹ hứa mua ngày hôm đó mẹ mang về tất cả, cho bố, cho tôi, mua để dành cho chị tôi đi học ở Hà Nội.

Lớn thêm chút nữa, tôi càng thích và say mê với nghề của mẹ vì tôi nghĩ nó cao quý lắm cho nên tôi cũng tập viết, tập làm thơ, tập quan sát xung quanh và trau dồi thêm nhiều từ ngữ mới. Bằng sự cố gắng, tôi đã có một vài dấu ấn, được tham gia Câu lạc bộ phóng viên nhỏ do chị Huyền Nhung phụ trách, chúng tôi cộng tác với báo Hoa học trò, Báo Thái Bình…, được đi họp, được khen thưởng… Có lúc tôi vẫn hay cười cười chọc mẹ: "Giờ mình là đồng nghiệp rồi đấy mẹ của con ơi!".

Năm tôi 17 là lúc khó khăn nhất, 17 tuổi xuân qua, tôi sẽ tập bay bằng đôi cánh của mình, thực hiện ước mơ, hoài bão hằng nung nấu: theo nghề mẹ. Vậy mà khi tôi chọn trường báo chí, mẹ tôi lại bảo: "Đừng theo nghề mẹ, nghề báo bạc lắm, ngơi tay viết là hết tiền... Nghề báo như người trèo thang, nhiều áp lực, nguy hiểm…".

Nghề của mẹ khi con còn trẻ, con năng động, con có thể chẳng ngại nắng mưa, phơi lưng cháy nắng, tắm mưa đầm đầm mà lấy tin về viết báo.

Làm nghề của mẹ, con luôn phải cháy với từng câu chữ, con phải luôn có ý tưởng, luôn giữ ý tưởng để có thể viết và viết mãi không thôi vì khi con có phút chán nản rồi khó có thể lấy lại nhịp lắm.

Làm nghề của mẹ, con sẽ chẳng thấy cuộc sống đầy rẫy màu hồng như con mơ ước, con không có thời gian biểu làm việc cụ thể và con sẽ luôn tất bật: viết như là sống.

Làm nghề của mẹ là nghề nguy hiểm! Con chắc tay bút, con phản ánh sự thật, đúng ngay là ở bản tính con người. Mình viết ra là mình phơi bày hiện thực, mình động đến nơi tận cùng của xã hội mà người ta manh động, người ta nghiệt ngã và con phải bảo vệ con đường con đi bằng chính mạng sống của mình.

Theo nghề mẹ là con phải sống, phải chết với nghề, yêu nghề như chính bản thân con vậy. Con phải cháy với nó. Cái nghề là cái nghiệp vậy, mình thích thật nhưng mình phải yêu và sống với nó trọn cả cuộc đời. Chồng con sẽ chẳng thích khi đêm đêm con cặm cụi gõ máy tính ở phòng riêng. Rồi những nỗi buồn khi những bài viết không được như mình mong muốn…

Mẹ ơi, con không sợ đâu, con yêu lắm từng trang báo mẹ viết. Yêu cả vầng trán đăm chiêu của mẹ, yêu những ngày mẹ về muộn tất bật nấu cơm rồi ngồi vào bàn làm việc đến khuya. Mẹ ơi! Con không sợ những khó khăn con sẽ gặp phải khi con chọn con đường này. Giống như mẹ và bao người làm báo khác, con sẽ cháy vì có lẽ con nghiện con chữ, nghiện sự thật và những lẽ phải mình cần lên tiếng bảo vệ. Và rồi sau này khi con lớn, con vững vàng viết, vững vàng đấu tranh để phơi bày sự thật như mẹ, con mới thực sự là con, mới sống thật với bản thân mình. Đừng lo cho con mẹ nhé, con sẽ làm đồng nghiệp của mẹ. Mẹ ơi!

Hà Linh
(Câu lạc bộ Phóng viên tuổi hồng)

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày