Thứ 7, 23/11/2024, 09:49[GMT+7]

Người lạc về đâu

Chủ nhật, 11/09/2016 | 16:17:24
1,128 lượt xem

CHƯƠNG 9: HÀNH KHẤT CŨNG CHẲNG ĐƯỢC YÊN THÂN

Ngồi bán chè đỗ đen ở một góc chợ Cầu Giấy ngày ngày bà Châu thấy một người thanh niên quần áo lả tả, đội chiếc mũ cọ mất vành, lá tòe ra, xơ xác rủ lủa tủa xuống khuôn mặt nhằng nhịt những sẹo. Lúc thì anh ta lủi thủi chen trong đám đông. Lúc thì ngồi vắt vẻo đôi chân hát, hai bàn tay khua khỏa không khí. Khi thì lẩn thẩn làm hộ người này, làm hộ người khác. Khi thì xòe miếng lá trên lòng bàn tay chìa xin ăn ở các quán hàng. Nhìn khuôn mặt xấu xí, khổ sở nhưng có nét chân chất của con người đức độ, bà Châu thấy thương thương. Mỗi lần anh ta lân la tới quán của bà, bà lại múc cho một cốc chè đỗ ngồi ăn trông rất ngon lành. Anh ta là Kích sẹo. Thỉnh thoảng Kích sẹo bị bọn ăn chặn đấm, thụi hoặc túm tóc lôi lệch thệch, thật là thảm hại. Những lúc ấy bà Châu thường sấn vào giằng kéo Kích sẹo ra khỏi tay bọn hung đồ. Bà hay phàn nàn với người bán hàng ngồi cạnh mình là bà cả Phê:

- Trời bắt tội chú ấy mà tụi nó còn hành hạ chú ấy. Xin được miếng ăn cũng bị chúng trấn lột, đánh đập. Ðến ăn mày cũng chẳng được yên thân.

Bà cả Phê bảo:

- Hồi này còn đỡ bác ạ. Trước á, chả mấy ngày chú ấy không ăn thụi của bọn chúng.

Bà Châu nói:

- Tôi trông chú ấy như thể người bị bom đạn ở đâu ngớ ngẩn về đây.

- Tôi cũng nghĩ thế. Mà sao gia đình, họ hàng không ai đi tìm nhỉ?

- Tha thẩn nay đây mai đó, gia đình tìm sao được.

Một hôm, chợ tan tầm, bà Châu giật mình nghe tiếng người kêu thảng thốt: "Bà con ơi, chúng nó đánh chết chú Kích sẹo rồi". Bà Châu bỏ cả quán hàng chạy vội tới. Thấy người quây quần chung quanh, bà chen vào. Thúc đang nằm úp mặt xuống đất, máu trên những vết sẹo cũ đầm đìa. Bà nghe những tiếng người lao xao:

- Móc túi người ta uỵch đấy thôi.

- Ăn cắp chết cũng đáng đời.

- Không phải đâu, bọn ăn ghen đâm chú ấy đấy.

- Sao lại ăn ghen?

- Khổ quá, chú ấy mất trí, quẩn quanh ở chợ. Các bà hàng thương chú ấy cho chú ấy ăn. Bọn ăn mày, cướp giật không ai cho, ghen ghét đâm chú ấy.

- Ai lại đánh người ta như thế. Sao các bà không báo công an, trói gô cổ chúng nó lại.

Lúc ấy, bà cả Phê cũng có mặt. Bà cuống quýt đi gọi xích lô. Loáng cái, một ông già chừng sáu mươi tuổi đạp xe tới. Bà cả Phê và mấy người bế Thúc lên xe đưa vào Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu.

Ngồi đối diện với bà cả Phê qua chiếc bàn có phủ tấm vải trắng nõn là nữ bác sĩ Ngọc Dung, chừng ngoài hai mươi tuổi. Cô bác sĩ trẻ, có đôi mắt sáng đẹp, giọng nói ấm áp, từ tốn, vẻ mặt phúc hậu, thông minh. Ai đó chỉ một lần thoáng gặp cũng dễ cảm tình.

Băng lại vết thương và tiêm thuốc sơ cứu cho Thúc, bác sĩ Dung với cặp bệnh án, mở ra lấy một tờ giấy đặt trước mặt rồi ngẩng lên nhìn bà cả Phê:

- Bác là người nhà nạn nhân à?

Bà cả Phê ngập ngừng rồi khẽ gật đầu.

- Họ tên nạn nhân là gì ạ?

Bà cả Phê lúng túng không biết nên khai thế nào để bác sĩ ghi vào bệnh án. Tên thì là Kích sẹo nhưng còn họ chú ấy là gì nhỉ. Bà ngước nhìn người bác sĩ đang chờ đợi:

- Tên là Kích sẹo ạ.

- Họ gì cơ?

- Tôi… tôi… không rõ.

Bác sĩ Ngọc Dung ngạc nhiên:

- Bác là người nhà nạn nhân sao không biết họ. Thế quê quán anh ấy ở đâu ạ?

Bà cả Phê ngập ngừng:

- Thú thật với bác sĩ, chú ấy là người mất trí, gốc tích ở đâu tôi cũng không hay. Chỉ biết từ khi chú ấy luẩn quẩn xin ăn ở chợ Cầu mọi người gọi là chú Kích sẹo. Bố mẹ, anh em chẳng thấy ai nhòm ngó gì sất. Bà con bán hàng chúng tôi thương coi chú ấy như người nhà mình.

Từ trên giường bệnh, Thúc bỗng la hét, giãy giụa: "Bắt, bắt, đừng cho nó chạy thoát, nó là thằng phản bội". Những âm thanh mê sảng khản đặc, chẳng ai hiểu Thúc đang gào gọi ai? Và cứ chốc lát lại gào lên trong sự khắc khoải, tuyệt vọng. Mặc dù chân tay đã buộc cố định song chiếc giường vẫn rung lên bần bật mỗi lần Thúc mê sảng, giãy giụa. Cô y tá trực phải dồn hết sức bình sinh giữ chặt cánh tay nạn nhân để mũi kim truyền huyết thanh khỏi chệch ven. Những giọt huyết thanh ngọt ưu trương trong vắt như giọt nước suối trên chiếc lọ thủy tinh treo ở đầu giường tí tách nhỏ xuống. Lát sau Thúc nằm im, đôi bàn tay nhỏ nhắn của cô y tá từ từ buông lỏng. Cô ngước mắt lên lọ dịch. Khoảng cách hai giọt nước rơi đều đặn làm cô yên lòng.

Yên ắng chừng mười phút, không có tiếng gào thét nhưng lời mê sảng từ miệng Thúc lại vang ra. Lời mê lộn xộn, chẳng biết ám chỉ hay là nói lung tung song Ngọc Dung vẫn mơ hồ một cảm giác trong lời mê sảng ấy có ẩn chứa một điều gì không bình thường. Có lúc lời mê lại như thể người tỉnh táo: "Sao đời tôi cứ khốn khổ mãi thế này. Ai hành hạ mày mà mày nỡ hại tao. Mày nỡ chặn cả con đường của tao về với gia đình. Con người mày đối xử với đồng đội tàn tệ thế. Sao cuộc đời người ta cứ chà đạp lên nhau để hưởng thụ, để mà vinh quang nhỉ".

Thúc nhăn nhó, hai vành môi động đậy, miệng vẫn lảm nhảm: "Tưởng chỉ có sự vinh quang người ta mới tranh giành, đạp đổ, nào ngờ cả những kẻ hành khất, khốn nạn cũng hằn học, giành giật của nhau. Chúng mày hèn lắm. Cuộc đời này hèn lắm"…

Bác sĩ Ngọc Dung không khỏi ái ngại mỗi lần cởi áo thăy băng cho Thúc. Hai vết dao đâm hình múi quýt chồng lên vết sẹo cũ xám ngắt đang rỉ máu. Cô nhẹ nhàng, thận trọng mỗi lần thay băng, rửa vết thương, tránh làm Thúc đau đớn. Thấy Dung tận tình săn sóc bệnh nhân Thúc, mấy cô y tá bảo: "Chị coi Kích sẹo như người nhà mình không bằng".

Ngồi bên giường bệnh, bàn tay mềm ấm của bác sĩ Ngọc Dung khe khẽ xoa lên vết sẹo ở cổ, ở ngực Thúc. Ðôi mắt vẻ nghi ngại của cô soi rọi vào từng mảng sẹo nhăn nhúm trên cơ thể người bệnh. Thúc nằm nghiêng, quay mặt ra ngoài, im lặng, mặc cho thầy thuốc khám bệnh.

Về bàn thuốc, Ngọc Dung cầm cây bút định kê đơn nhưng lại ngập ngừng. Một vấn đề khác thường trái ngược những điều ghi trong tiền sử người bệnh. Cô đặt bút xuống tập bệnh án, ngẩng lên nhìn ra ngoài vừa lúc y tá Hồng ton tả bước vào:

- Chị khám lâu quá, em chờ mãi.

- Có việc gì thế?

- Không có việc gì cả.

Hồng nói, cô ta đặt quyển sổ tiêm lên bàn, ngập ngừng:

- Bệnh nhân Kích sẹo có gì đặc biệt mà chị…

Bác sĩ Ngọc Dung chưa hiểu ý, cô ta làu bàu tiếp:

- Cướp giật, ăn mày, đâm nhau, được vào viện là tốt rồi.

Thì ra là thế. Ngọc Dung đã hiểu rõ tấm lòng của họ. Thật không ngờ. Cô chạnh buồn, nỗi buồn xót xa!

- Người ta là nạn nhân, dù thế nào, đã vào đây, trách nhiệm của thầy thuốc không thể bỏ họ được - Ngọc Dung nói.

Hồng bảo:

- Nhưng là người tử tế, chứ như bệnh nhân Kích thì…

- Thì bỏ chết người ta à. Cô đã hiểu bệnh nhân này thế nào. Hơn nữa, dù là tử tế hay không tử tế, đã là con người thì ai cũng có quyền được sống, được chữa bệnh cơ mà?

- Vâng, em biết, nhưng…

- Nhưng với nhiếc gì. Cô đi tiêm cho bệnh nhân đi. À, bệnh nhân sẹo sáng nay đã tiêm thuốc chưa?

- Dạ, chưa ạ!

- Ấy chết, ngày hôm qua, hôm xưa cũng bỏ tiêm. Ðiều trị thất thường, làm sao bệnh nhân cắt cơn sốt được.

Y tá Hồng lập cập bưng khay thuốc ra khỏi phòng. Ngọc Dung ngồi lặng lẽ, hai bàn tay ấp má vẻ suy tư nghĩ ngợi. Từ ngày ra trường về nhận công tác ở cái bệnh viện này, cô thường được chiêm nghiệm về cách cư xử của con người ở nhiều đối tượng khác nhau. Bên cạnh những người giàu lòng nhân ái, tận tâm, tận tình vì người bệnh vẫn có không ít những người chỉ biết nhìn bệnh nhân qua mặt người. Họ thờ ơ, vụ lợi, cư xử thiếu công bằng. Nhân cách và hành động của họ bộc lộ khá rõ qua các đối tượng mà họ tiếp xúc. Người có quyền thế, chức sắc hoặc có tiền vào viện được cư xử khác hẳn. Có khi chỉ là váng đầu, xịt mũi qua loa vẫn được thuốc men tận tình, chu tất. Còn những người dân đen, nghèo khó thì họ lạnh nhạt, làm ngơ. Nhiều khi người bệnh không đáng từ giã cõi đời mà vẫn phải âm thầm bỏ dở cuộc đời mà đi.

(còn nữa)
Nhà văn Minh Chuyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày