Hình tượng người phụ nữ trong thơ ca cách mạng
Chiến tranh đã lùi xa nhưng khúc tráng ca của đất nước vẫn còn vang mãi để thế hệ hôm nay khi đọc lại thấy cháy rực tình yêu đất nước trong tim. Ta bắt gặp hình ảnh những Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong thơ Tố Hữu như mẹ Suốt, sáu mươi tuổi vẫn “một tay lái chiếc đò ngang” đưa bộ đội qua sông. Lời bộc bạch giản dị, chân tình mà đầy bất khuất của mẹ đã khiến bao thế hệ cảm phục, trở thành nguồn sức mạnh cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ ta vững tay súng:
“Gan chi, gan rứa, mẹ nờ
Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?
Chẳng bằng con gái con trai
Sáu mươi còn một chút tài đò đưa
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc nắng mưa đưa đò”
(Mẹ Suốt - Tố Hữu)
Kháng chiến trường kỳ, để thắng lợi cần có sự chung sức đồng lòng của cả dân tộc. Nhà thơ Tố Hữu đã khắc họa hình tượng bà mẹ lam lũ nuôi quân gắn liền với đức hy sinh thầm lặng, một mình bám trụ với mảnh đất chết, bất chấp hiểm nguy:
“Rừng một dải U Minh sớm tối
Má lom khom đi lượm củi khô
Ngày đêm củi chất bên lò
Ai hay má cất củi khô làm gì?”
(Bà má Hậu Giang - Tố Hữu)
Giữa miền hoang cô, chỉ có mái nhà mẹ còn bay khói bếp, ấy là khói bếp mẹ nấu cơm cho bộ đội, mặc cho mất mát, đau thương và quân thù tàn ác. Nhưng xót xa thay khi nụ cười hạnh phúc vừa nấu xong nồi cơm to chưa kịp tắt trên môi mẹ đã ngã xuống dưới gót giày giặc:
“Má ngã xuống bên lò bếp đỏ
Thằng giặc kia đứng ngó trừng trừng
Má già nhắm mắt rưng rưng
Các con ơi! Ở trong rừng U Minh
Má có chết một mình má chết
Cho các con trừ hết quân Tây”
(Bà má Hậu Giang - Tố Hữu)
Ðó còn là những người mẹ cặm cụi vá áo cho con, đem tình thương gửi vào từng đường kim, mũi chỉ. Là người con gái giao liên “giặc đến nhà, còn cái lai quần cũng đánh” như chị Út Tịch trong “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi. Những người mẹ kiên trung ấy trở thành biểu tượng của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Thi nhân trân trọng và ngợi ca những người phụ nữ của thời đại mới, thoát khỏi vòng cương tỏa của lễ giáo phong kiến hòa vào công cuộc chung, luôn mang tâm thế sẵn sàng, bất chấp mọi khó khăn. Ðó là những cô gái Trường Sơn bám chốt mở đường, những Võ Thị Sáu, Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Ðịnh hay o du kích Nguyễn Thị Kim Lai… hiện lên đầy gan dạ giữa đạn lửa chiến tranh:
“Mười tám tuổi, em bắt đầu với con đường của Ðảng
Ðường đánh Mỹ, đường Bắc Nam xuyên qua những lèn cao đá phẳng!
Em đạp phăng mười bậc,
Em hạ dốc Ba Thang
Em đi giữa thác lũ nắng ngàn
Em chấp cả bùn lầy vắt muỗi”
(Ðường em làm, đường em đi - Lưu Trọng Lư)
Ðẹp biết mấy khí phách anh hùng. Chúng ta vẫn nhớ về Võ Thị Sáu, người con gái Ðất Ðỏ “chỉ biết đứng, không biết quỳ”:
“Người con gái trẻ măng
Giặc đem ra bãi bắn
Ði giữa hai hàng lính
Vẫn ung dung mỉm cười”
(Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn - Phan Thị Thanh Nhàn)
Hay Trần Thị Lý, người con gái Quảng Nam bị giặc bắt, tra tấn dã man nhưng vẫn hiên ngang, bất khuất:
“Em là ai? Cô gái hay nàng tiên
Em có tuổi hay không có tuổi
Mái tóc em đây là mây hay là suối
Ðôi mắt em nhìn hay chớp lửa đêm đông
Thịt da em là sắt hay là đồng
…Ðiện giật dùi đâm dao cắt lửa nung
Không giết được em người con gái anh hùng”
(Người con gái Việt Nam - Tố Hữu)
Không chỉ gan dạ, trung trinh, ta còn bắt gặp những người con gái đặt hạnh phúc bản thân phía sau tình yêu đất nước. Khi Tổ quốc cần, họ lên đường và biết sống xa nhau. Họ là những người vợ thủy chung, người tình son sắt, sẵn sàng hy sinh và cả đợi chờ:
“Trái tim đau nỗi đau mất nước
Anh ơi anh - khi Tổ quốc yêu cầu
Ta sẵn sàng gửi lại nhớ thương nhau
Theo bước hành quân kháng chiến”
(Nhớ - Hoàng Thị Minh Khanh)
“Nụ cười chiến thắng” của nữ sinh Võ Thị Thắng (xã Tân Bửu, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) khi bị tuyên án 20 năm tù khổ sai (năm 1968) đã trở thành biểu tượng cho ý chí của người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Trong kháng chiến cứu nước, có rất nhiều bản tình ca đẹp. Những câu chuyện về “Người con gái sông Gianh”, “Cuộc chia ly màu đỏ” vẫn làm day dứt lòng người. Ta còn mãi khắc khoải với Vũ Cao khi ông viết về nữ du kích “Núi Ðôi”, hay chính là niềm riêng của người lính dành cho mối tình dang dở:
“Mới đến cầu ao tin sét đánh
Giặc giết em rồi, dưới gốc thông
Giữa đêm bộ đội vây đồn Thứa
Em sống trung thành, chết thủy chung”.
“…Dân chợ Phù Linh ai cũng bảo
Em còn trẻ lắm, nhất làng trong
Mấy năm cô ấy làm du kích
Không hiểu vì sao chẳng lấy chồng”
(Núi Ðôi - Vũ Cao)
Ðối với những người phụ nữ ấy, hạnh phúc của họ là được cùng đứng trên một chiến hào với người yêu, cùng sống và chiến đấu vì lý tưởng cộng sản. Trái tim họ cùng đập với tiếng gọi Tổ quốc thiêng liêng. Kỷ niệm tình yêu là những lần đi làm nhiệm vụ như lời khẳng định của người con gái trong thơ Dương Hương Ly:
“Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng
Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi không ra
Cho đến ngày cất bước đi xa
Miền Nam gọi, cả hai cùng có mặt”
(Bài thơ về hạnh phúc - Dương Hương Ly)
Xuyên suốt dòng chảy thơ ca cách mạng, hình tượng người phụ nữ Việt Nam dưới ngòi bút tài hoa của các nhà thơ, nhà văn hiện lên rạng rỡ, chiếm trọn tâm hồn và trái tim người đọc.
Trong thời đại mới, người phụ nữ vẫn giữ được bản sắc truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Vẫn là đức tính chịu thương, chịu khó, vẫn nét thuần hậu, chịu đựng, hy sinh, nhưng người phụ nữ thời hội nhập biết vươn ra biển lớn, góp sức mình trong mọi lĩnh vực của đời sống… Thời nào cũng thế, người phụ nữ Việt Nam luôn đẹp một cách vẹn tròn.
Thùy Dung
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh