Thứ 7, 23/11/2024, 09:47[GMT+7]

Người lạc về đâu

Thứ 2, 24/10/2016 | 09:34:24
921 lượt xem

CHƯƠNG 15: HÀNH TRÌNH TÌM QUÊ HƯƠNG NGƯỜI TÂM THẦN

Ông Phúc nói:

- Tôi không thể tưởng tượng rằng ở giữa cuộc đời hôm nay anh lại hành động như vậy. Tôi phục tấm lòng vợ chồng anh đó.

Ông hỏi:

- Thế anh đã đi tìm ở những đâu rồi?

Ông Châu đáp:

- Tôi đã đến các đoàn an dưỡng của quân đội và các viện tâm thần ở ngoài này nhưng đều không thấy.

Ông Châu thọc tay vào túi rút tấm ảnh ra:

- Ðây, tấm hình của chú ấy đây.

Trần Phúc đỡ tấm ảnh nghiêng về phía ánh điện.

Ông Châu nói:

- Anh xem giúp viện ta có trường hợp nào là chú ấy không?

Trần Phúc nhìn tấm ảnh rất lâu. Vết sẹo làm khuôn mặt hơi lệch và nhăn nhó khó tả. Ông quay ra nói:

- Anh cứ yên tâm, tôi sẽ cho lục lại bệnh án của tất cả thương binh vào viện từ trước đến nay.

Suốt mấy ngày Chính ủy Trần Phúc, ông Châu, một số y bác sĩ phòng y vụ đến các khoa chấn thương, thần kinh, tâm thần xem xét, lục tìm cụ thể từng bệnh án. Kết quả không một thương binh nào tên là Kích trong sổ sách cả. Ðang băn khoăn thì bác sĩ Tính, Chủ nhiệm Khoa Chấn thương đột ngột xuất hiện, báo một tin sốt dẻo với Chính ủy Trần Phúc:

- Báo cáo Viện trưởng, ở Viện 9 có một thương binh tâm thần bỏ trốn viện. Họ đi tìm khắp nơi vẫn chưa thấy.

- Ðúng không?

- Dạ, tôi có người nhà ở trên ấy về nói, chắc là đúng ạ.

Ông Châu cùng ngồi đó nghe vậy vui hẳn lên. Ông hy vọng người thương binh tâm thần ở Viện 9 bỏ đi có thể là Kích.

- Anh thử gọi điện cho Viện 9 xem.

- Vâng, anh yên tâm, tôi sẽ điện cho Viện 9.

Trần Phúc với máy điện thoại ngay góc bàn: Alô, cho tôi 324. Vâng! 324 đấy hả. Cho xin phòng y vụ nhé. Vâng! Ðồng chí là ai đấy? Tôi hả, tôi ở Viện 5 đây. Xin lỗi, đồng chí tên gì nhỉ. Hạnh à? Ðồng chí Hạnh ơi, nghe nói Viện 9 có một thương binh tâm thần bỏ đi phải không? Thế hả. Tìm thấy chưa? Chưa à? Bệnh nhân tên gì? Thúc hả. Họ gì? Hoàng Văn Thúc à…

Nghe nói tới Hoàng Văn Thúc, ông Châu đã mừng tuy rằng cái họ Hoàng Văn ông chưa hề nghe Kích nhắc bao giờ. Nhưng tên Thúc, tên Thích và mấy cái tên nữa thì thỉnh thoảng có nghe anh ta nói đến. Có thể đúng rồi, ông mừng thầm. Tìm được bệnh án nơi điều trị nghĩa là tìm được đơn vị, quê quán của bệnh nhân.

Trần Phúc vẫn chưa rời điện thoại: Alô, đồng chí Hạnh ơi. Tôi có người bạn nuôi một bệnh nhân tâm thần bị lạc, tên là Kích, là Thích, là Thúc gì đó đang ở chỗ tôi, đang muốn tìm đơn vị của người thương binh này. Vâng! Có mang theo cả tấm hình nữa. Các anh cho người lên trên tôi nhé. Nếu đúng thì nhận bệnh nhân về. Vâng. Lên ngay nhé.

Chín giờ ba mươi phút ngày hôm sau, tại phòng làm việc của Chính ủy Trần Phúc. Một bên bàn là Hùng, bác sĩ điều trị khu tâm thần Viện 9 và người nhà bệnh nhân Hoàng Văn Thúc. Một bên là Trần Phúc và ông Châu. Sau những phút chào hỏi, tay bắt mặt mừng, ông Châu rút tấm hình Kích đưa cho bác sĩ Hùng. Ngắm nhìn một lúc, Hùng đưa cho người nhà bệnh nhân Thúc xem. Sự đợi chờ, hồi hộp của ông Châu phút chốc tan biến bởi những cái lắc đầu thất vọng của hai người ngồi đối diện bên kia bàn.

- Báo cáo hai anh, bệnh nhân Hoàng Văn Thúc của chúng tôi không phải người này.

Vừa nói bác sĩ Hùng vừa đưa tay chỉ vào tấm ảnh. Rồi anh móc túi lấy ra tấm hình Hoàng Văn Thúc đưa cho ông Châu.

Hai khuôn mặt hàm chứa hai cuộc đời hoàn toàn khác biệt. Hoàng Văn Thúc vầng trán phẳng phiu, khuôn mặt hình trái doi hốc hác. Ðôi mắt đờ đục vẻ bệnh hoạn. Còn tấm hình Kích, mặt và cằm gồ ghề bởi những vết sẹo lỗ chỗ. Ánh mắt thoáng vẻ thờ ơ, ẩn chứa một điều gì vừa như hờn giận vừa như khinh thường. Ông Châu ngẩng lên hỏi:

- Bệnh nhân này trốn viện lâu chưa?

Bác sĩ Hùng trả lời:

- Từ hôm 15 tháng 4, đến nay gần 6 tháng rồi.

- Ðúng là không phải.

Ông Châu cầm tấm ảnh Kích Sẹo giơ lên:

- Chú này lang thang hơn 4 năm nay rồi.

Chính ủy Trần Phúc tiễn người bạn ra về mà lòng xao động, bâng khuâng. Ông thấy ở người bạn mình có cái gì đó vừa đáng kính trọng vừa đáng cảm thương. Một người bạn già có tấm lòng thật nhân hậu, bao dung. Có tình thương người hơn cả thương thân mà ở ông và nhiều người khác không dễ gì có được.

*

*      *

Ngọc Dung đã biên một trăm chín sáu bức thư gửi cho các làng xã ở Thái Bình - Vĩnh Phú. Qua bạn bè, người quen, cô đã biết tên một số làng xã ở hai tỉnh này. Cứ mỗi bức thư gửi đi Dung lại ghi vào sổ để theo dõi sự hồi âm trở lại. Bức thư gửi về xã Minh Lãng, huyện Vũ Thư có đoạn viết: “… Hiện gia đình tôi đang nuôi dưỡng một thanh niên tâm thần, chừng hơn ba mươi tuổi. Anh ta có vóc người gầy, thấp, đầu và mặt dăn dúm nhiều vết sẹo. Vốn là người lang thang ăn mày ở chợ, bị bọn côn đồ đâm chém, mẹ tôi và bà con ở chợ đưa vào viện điều trị, sau đó gia đình tôi đón về nhà chăm sóc, nuôi dưỡng. Anh ta tính tình lẫn cẫn, lúc nhận tên là Kích, là Thích, lúc lại bảo không phải. Bà con ở đây thường gọi là Kích Sẹo. Tên anh em, bố mẹ không nhớ. Hỏi quê quán khi thì nhận ở Vĩnh Phú, khi thì nói ở Thái Bình. Vì thế, tôi đã hỏi tên các làng xã ở hai tỉnh này để báo tin. Với linh tính nghề nghiệp, tôi tin người tâm thần đang chung sống ở gia đình tôi là do vết thương chiến tranh nên mới thất lạc. Nếu như biết hết được tên các làng xã ở hai địa phương mà anh ấy thường nhận là quê thì dù có phải viết trăm, nghìn bức thư tôi cũng sẽ viết. Tuy là người mất trí nhưng anh ấy rất khao khát được về thăm nhà, thăm cha mẹ. Nhưng khổ nỗi chẳng nhớ được cha mẹ là ai, quê hương ở đâu. Chắc ở nơi nào đó, hẳn ông bố, bà mẹ và những người thân thiết của anh ấy cũng đang từng ngày, từng giờ mong mỏi tìm được con mình, chồng mình. Vậy nên, nếu nhận được thư này, mong các bác, các anh, các chị ở địa phương ta xem giúp có ai tên là Kích là Thích hoặc là người tương tự như trên xin liên hệ với gia đình chúng tôi theo địa chỉ: Ông Lê Minh Châu hoặc Lê Ngọc Dung, khu tập thể Thủ Lệ I, phường Cầu Giấy, quận Ba Ðình, Hà Nội”.

Ngọc Dung đã nhận được khá nhiều thư hồi âm các địa phương gửi đến. Nhưng phần lớn thư đều viết địa phương họ có một số người đi thanh niên xung phong, đi bộ đội vào chiến trường bị mất tích nhưng chẳng có ai tên là Kích, là Thích cả. Tuy vậy, một số người vẫn liên tưởng tới con mình, nghi ngờ, đã lần theo địa chỉ bức thư, tìm đến gia đình ông Châu. Khi gặp được Thúc, họ buồn, thất vọng ra về. Tuy buồn và thất vọng nhưng họ đều tỏ lòng biết ơn và kính phục. Họ cho rằng việc làm của gia đình ông Châu là việc làm đại nhân, đại nghĩa.

Duy trì sự sống của Thúc trong nhiều năm, hoàn cảnh gia đình ông Châu quả là gay go. Bởi không chỉ nuôi dưỡng mà bệnh tật, thương tích trong người Thúc thường xuyên đe dọa, tái phát. Chạy chữa, thuốc men ở viện, ở nhà rất tốn kém. Ngọc Dung đã làm đơn đề nghị các cơ quan chính sách ở địa phương, ở quận, trên sở giúp đỡ và xem xét chế độ cho Thúc. Cô kiên trì nhiều năm đi lại các cơ quan này. Người dửng dưng, thờ ơ cũng có. Người cảm kích, thương hại muốn giúp cũng nhiều. Nhưng tất cả đều giữ nguyên tắc một cách khắt khe, máy móc. Họ yêu cầu những thủ tục, giấy tờ, nhân chứng mà Ngọc Dung và gia đình không thể có được. Ví như phải biết rõ gốc tích, quê hương của Thúc? Phải có giấy chứng nhận tham gia chiến đấu, bị thương ở đâu? Là chiến sĩ của đơn vị nào? v.v… Nếu có những thứ đó thì Thúc đã chẳng phải lang thang, lưu lạc còn Ngọc Dung cũng chẳng phải trình báo, đề nghị và biên thư gửi đi khắp nơi làm gì.

(Còn nữa)

Nhà văn Minh Chuyên

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày