Thứ 7, 09/11/2024, 22:39[GMT+7]

Người lạc về đâu

Thứ 2, 31/10/2016 | 16:12:10
1,062 lượt xem

CHƯƠNG 16: TÌM CHỒNG TRÊN KHUÔN MẶT LẠ

Thúc ngồi đùa giỡn với con mèo khoang ở hiên nhà. Hai chân quỳ đất, đôi bàn tay hẩy hẩy, chú mèo thích thú chồm lên. Bất chợt ông Châu mở cổng bước vào. Thúc đứng phắt dậy, nhảy xuống sân, bỏ chú mèo ngơ ngác.

- Hôm nay chú Kích đã nhớ ra quê quán chưa?

- Con nhớ rồi.

- Nhớ ở đâu?

- Quê con miền trung du, rừng núi thắm xa xa, mờ mờ…

Thúc khe khẽ cất lên câu hát lộn xộn quen thuộc rồi hỏi:

- Bố có về quê con không?

- Có, tôi về để tìm bố mẹ, vợ con chú lên đón chú về.

- Hoan hô, bố tốt quá. Nhưng con chưa có vợ đâu.

- Thì đón người yêu.

- Người yêu con là gì nhỉ? Cô ấy có còn yêu con nữa không? Cô ấy yêu con lâu lắm rồi nhé. Nay chắc là đã quên con. Không quên thì cô ấy đã lên đây rồi.

- Không! Cô ấy chưa quên đâu. Cô ấy đang mong chờ chú đấy. Chú cố nhớ quê ở đâu để tôi về đón cô ấy lên với chú.

- Thế thì con nhớ ngay. Quê con ở Thái Bình nhé. À, đùa đấy, không phải đâu, ở Phú Thọ cơ. Chúng nó bắt con, nó đánh, nó đưa tờ giấy quát khai quê. Ðúng rồi, con khai huyện Lập Thạch. Ðúng rồi, Thắng Lợi, xã Thắng Lợi nhé.

- Quê xã Thắng Lợi, huyện Lập Thạch có đúng không - ông Châu hỏi lại.

Thúc cười dửng dưng, lát sau mới gật đầu. Hình như đã một lần nào đó ông Châu có nghe Thúc lẩm bẩm nhắc tới Lập Thạch. Ngọc Dung bảo một đôi lần cô cũng có nghe Thúc nghêu ngao hát: “Quê em miền trung du. Ðường về Thắng Lợi tù mù xa xôi…”.

Ba tháng sau, ông Châu quyết định lên đường một chuyến nữa. Lần này, ông nhảy tàu đi Phú Thọ. Ông tin có thể tìm được quê hương của Thúc ở đây. Lên đến Lập Thạch, ông tới ngay ban quân sự huyện. Xem giấy tờ, biết ông là người trước kia có cấp bậc cao hơn mình, đồng chí trung tá huyện đội trưởng rất lịch sự, niềm nở đón tiếp. Ông kể hết đầu đuôi sự việc và trình bày nguyện vọng với đồng chí huyện đội trưởng.

- Bác cứ yên tâm, tôi cho rà soát lại danh sách quân nhân xuất ngũ, nhập ngũ từ trước tới nay ở xã Thắng Lợi.

Ðồng chí huyện đội trưởng ngước nhìn bóng nắng vàng rực trên ô cửa sổ như đang cố hồi nhớ một điều gì. Bỗng anh khẽ “À, bác ạ...” rồi kể:

- Hồi tôi mới về đây, đúng rồi, khoảng hơn bốn năm trước, có hai đồng chí cán bộ của đoàn an dưỡng cũng về Lập Thạch tìm một thương binh thần kinh bị thất lạc.

- Thế hả?

Ông Châu nhẩm tính quãng thời gian lưu lạc của Thúc, thấy khớp. Với linh tính bản năng, ông phỏng đoán những người đi tìm thương binh lạc này đó là tìm Thúc chăng?

- Họ ở đoàn nào, đồng chí còn nhớ không?

- Hồi đó đặt vấn đề xong các đồng chí ấy đi luôn cơ sở. Tôi mới về nên chưa nắm được gì cả.

- Thôi được, đồng chí bố trí cho tôi về Thắng Lợi nhé.

Chiều đó, ông Châu cùng huyện đội trưởng và ban lãnh đạo xã có mặt đông đủ tại văn phòng ủy ban xã Thắng Lợi. Huyện đội trưởng nói lý do cuộc gặp mặt. Ông Châu trình bày sự việc như đã trình bày với huyện. Chủ tịch xã Thắng Lợi nói:

- Trước kia cũng có mấy đồng chí cán bộ quân đội về xã này tìm một thương binh của đơn vị họ thất lạc. Họ về xác định có phải là người của xã Thắng Lợi không. Nhưng địa phương chúng tôi không có ai trùng với tên tuổi của người chiến sĩ ấy cả.

Ông Châu rút tấm hình Thúc giơ ra, nói:

- Chú thương binh này tên là Kích, bị thần kinh, thất lạc đơn vị đã lâu ngày, hiện gia đình tôi đang nuôi dưỡng. Quê quán, tên tuổi nói lung tung, khi thì bảo Thái Bình, khi thì nói Vĩnh Phú. Thường hay hát bài “Quê em miền trung du”. Ðôi ba lần nhận quê quán là xã Thắng Lợi. Vì thế tôi lên đây xem gia đình, bố mẹ chú ấy có đúng ở trên này không.

Mọi người chuyền tay nhau ngắm tấm ảnh Thúc. Khuôn mặt xa lạ, không bình thường nhưng vẫn làm nhiều người nhìn cảm động, thương hại. Thương cho số phận bất hạnh của người chiến sĩ. Ðồng chí huyện đội trưởng nói:

- Tuy là thần kinh nhưng phải có cái gì sâu sắc lắm người ta mới nhận Thắng Lợi là quê hương phải không? Tôi đề nghị các đồng chí và các bác có mặt hôm nay về kiểm tra lại danh sách hơn hai trăm liệt sĩ của xã ta. Biết đâu những trường hợp mất tích hoặc báo tử nhưng lại bị thương nặng rồi thất lạc thì sao. Biết đâu lại là người trong tấm ảnh này.

Thế là ngay từ chiều hôm ấy ban chính sách xã lần lượt chuyển bức ảnh của Thúc đến từng gia đình liệt sĩ và gia đình có người mất tích nhận diện. Nhà ai cũng thấp thỏm, hồi hộp. Những ông bố, bà mẹ, chị vợ liệt sĩ chỉ mong người thương binh lạc trên tấm ảnh ấy là con mình, chồng mình. Nhiều gia đình chưa đến lượt, tìm đến tranh nhau xem. Một số gia đình liệt sĩ ban chính sách chưa kịp mang ảnh đến đã thắp hương khấn tổ tiên ông bà phù hộ để đúng là người nhà mình. Chị Liên ở xóm Hòa An, chồng mất tích từ năm 1972. Người ta đồn anh Ðô chồng chị vẫn còn sống. Anh ấy lấy vợ ở tận trong Nam. Cũng có tin cho rằng không phải thế, anh ấy bị thương quá nặng, không nói, không nhìn được, bị lạc đơn vị, sống với đồng bào Tây Nguyên đã nhiều năm, vì tàn tã không muốn trở về quê nhà. Nay chị đột ngột được báo đến nhà ông xóm trưởng nhận diện tấm ảnh của người thương binh nặng mất trí. Mặc dầu vết thương dị dạng chưa rõ là ai nhưng nghe người ta kháo nhau hình như là anh Ðô nhà chị, chị Liên mừng rỡ, chảy cả nước mắt, hồi hộp nói với mẹ chồng: “Nếu đúng là anh ấy thì dù anh ấy có tàn phế, con có phải hầu hạ suốt đời cũng là hạnh phúc lắm mẹ ạ”. Chị quỳ trước bàn thờ, hai tay chắp trước mặt, mắt nhìn lên nén hương đang nghi ngút tỏa khói, miệng khấn: “Con lạy chín phương trời, con lạy mười phương đất, lạy hồng phúc tổ tiên phù hộ độ trì cho người thương binh bất hạnh trong tấm ảnh ấy chính là chồng con, để gia đình chúng con được vui vầy đoàn tụ. Con xin suốt đời ghi tạc công đức của đấng linh thiêng…”.

Chị Liên tất tưởi đến nhà ông xóm trưởng. Vừa thấp thoáng bóng chị, mấy người đã gọi toáng lên:

- Mau lên chị Liên ơi. Ðúng anh Ðô nhà chị rồi.

Nghe vậy, chị Liên mừng quá, tay chân bủn rủn, tim đập dồn dập, đi không vững nhưng vẫn cố chạy chen vào đám đông đang xúm xít bên tấm ảnh.

- Ðâu… Anh Ðô nhà tôi đâu?

Chị hồi hộp, nói không rõ tiếng. Mọi người đưa tấm ảnh cho chị. Người chị run lên, đôi mắt khao khát như dán chặt vào tấm hình. Một lát, bỗng nước mắt chị trào ra. Chị lắc đầu, òa khóc.

Một người bảo chị:

- Người ta đồn anh Ðô bị thương nặng, mặt mày biến dạng, không ai nhận ra. Bị lạc đơn vị, sống với đồng bào dân tộc, không nhớ đường về quê. Tấm ảnh người này cũng có hoàn cảnh như thế, lại nhận là người ở vùng ta nên chị xem lại cho kỹ, kẻo ân hận. Anh ấy đã về đến đây, không nhận, tội nghiệp cho anh ấy lắm.

Chị Liên hai tay run run, nâng tấm ảnh lên trước mặt một lần nữa. Chị lặng lẽ cố tìm kiếm một nét thân thuộc nào đó của chồng tiềm ẩn trên khuôn mặt dị hình của người trong ảnh. Nhưng chị hoàn toàn thất vọng. Dù đã hơn mười năm ly biệt, dù anh ấy có biến hình, đổi thay thì chị vẫn có thể nhận ra một nét gì đó. Nhưng con người trên tấm ảnh này chị không hề nhận được một bóng hình nào của anh ấy cả. Mắt chị lại nhòa lệ. Chị quỳ xuống, nâng tấm ảnh lên qua đầu, sụt sùi nói với mọi người:

- Thưa bà con, thưa các bác, tấm ảnh đây không phải anh ấy nhà tôi. Nhưng có thể hoàn cảnh nhà tôi cũng như người chiến sĩ này. Tôi chỉ cầu mong chồng tôi cũng được những tấm lòng cao cả như gia đình bác Châu đây cưu mang giúp đỡ…

Nói xong chị Liên lại òa khóc. Tấm ảnh của Thúc lại tiếp tục chuyển đi qua các xóm, cho đến gia đình liệt sĩ cuối cùng của xã Thắng Lợi. Tất cả đều hồi hộp chờ mong và tất cả đều âm thầm, thất vọng.

Người chiến sĩ trước bọn cai ngục hành hình vẫn trước sau như một. Mật danh đơn vị, tên tuổi, quê quán của mình anh quyết không để cho đối phương biết. Trong đầu anh luôn tự nhủ dù có bị tra tấn cực hình cũng chỉ khai những điều đã ý thức trước. Ðể lỡ có mê man cũng chỉ nói thế mà thôi. Người chiến sĩ ấy là Thúc. Thúc nhận Thắng Lợi quê hương của người bạn đã hy sinh, khai với tên chúa ngục là quê hương của mình. Tên anh là Nguyễn Ðình Thúc, khai là Nguyễn Gia Kích. Khi vết thương sọ não biến chứng do bị đầu độc, lời khai ban đầu hằn trong bộ óc vẫn láng máng trong tâm tưởng của anh. Ai ngờ, những địa chỉ Thúc đánh lừa địch đã làm bao người vất vả, vô ích. Làm ông Châu, Ngọc Dung lang thang khổ sở tìm kiếm hết nơi này nơi khác.

Ði khắp xã Thắng Lợi, thất vọng, hôm sau ông Châu lại nhảy tàu xuôi về Hà Nội.

(còn nữa)

Nhà văn Minh Chuyên

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày