Người lạc về đâu
Chương 20: Vậy tôi là ai?
Thúc lững thững, tay chắp sau lưng mon men đi quanh nhà. Anh ngửa mặt nhìn cái ống nứa giắt trên kèo nhà. Thúc đu lên bàn thờ, kiễng chân lôi xuống, dốc ra, mở cuộn giấy trong ống nứa thấy tờ giấy báo tử Nguyễn Đình Thúc đã ố vàng… À, thì ra con trai ông bà Tám đã hy sinh rồi. Vậy thì mình là ai? Thúc mơ mơ, tỉnh tỉnh. Sao người ta cũng gọi mình là Thúc. Chú Thúc kia, thằng Thúc đó, anh Thúc ơi, buồn cười nhỉ. Mình có phải con gia đình này không? Hay là ảo ảnh cái bóng của Thúc. Không, cái giếng kia tay mình đào. Hàng bông bụt kia tay mình trồng. Vườn chè, ao cá, cây mít kia nữa. Đúng rồi! Cô Học ngày xưa hình như yêu mình. Cô ấy đi đón mình về, sao lại như xa lánh mình nhỉ? Đúng rồi! Ông Đoan bà Cảo ngày xưa thường kể chuyện cổ tích cho mình nghe, nay họ đã già, họ không nhận ra mình thôi.
Đêm ấy, tờ giấy báo tử từ trong ống nứa giắt trên kèo nhà chui ra bay xuống chới với trước mặt Thúc. Anh choàng dậy, tờ giấy khẽ khàng đặt mình xuống chiếu. Một ngọn nến trắng leo lét sáng xua màu đêm đen. Một nén hương trầm cháy đỏ. Luồng khói từa tựa dòng máu trắng từ đầu nén nhang cuồn cuộn phun lên. Thúc lầm lì ngồi cạnh nén nhang và tờ giấy ố vàng, chìa hai bàn tay vốc luồng khói trắng. Luồng khói tan ra chảy qua kẽ hở. Anh xòe bàn tay, luồng khói biến mất, chỉ còn ám khí lạnh toát, buốt tận vào xương. Người ta bảo hít một trăm vốc khói của loài trầm hương này vào giữa canh khuya sẽ chữa lành bệnh hoang tưởng. Thúc lại chìa hai bàn tay vốc luồng khói trắng. Lần này anh đưa vội lên miệng, hít thật sâu vào cõi tâm can. Cứ thế, cứ thế, lồng ngực Thúc đầy căng trầm hương. Nhưng chưa đủ một trăm vốc khói thì nén nhang đã tàn.
Ngọn nến xù ra vẫn leo lét cháy. Ánh sáng lờ nhờ đủ để Thúc nhận lại tên mình trên tờ giấy báo tử. Mình đã mất thật ư? Mất từ bao giờ nhỉ? Không, không phải đâu. Mình còn đây cơ mà. Dòng chữ Nguyễn Đình Thúc thẫm như máu nhòe ra. Ngọn nến đột ngột đổ xuống. Tờ giấy báo tử lòe lửa, bùng cháy. Thúc vụt đứng dậy, cởi phăng áo chụp lên đống lửa rồi lao tới đứng trước một chiếc gương trong. Thúc nhận ra chân dung mình trên chiếc gương không còn nguyên vẹn. Khuôn mặt dị hình bởi những vết sẹo chồng chéo, dằng dịt. Nửa vầng trán bên phải xám ngắt tựa miếng thịt trâu. Dung thể kỳ lạ nhưng vẫn là da thịt của Thúc. Kệ nó, chiến tranh mà lị.
Tưởng nhớ một lần ngủ trong quán chợ, Thúc nằm mơ thấy mình đội mũ, đeo sao, ăn mặc chững chạc về thăm quê. Khoác ba lô bước vào sân, thấy bố đang ngồi chẻ tre, đan sảo anh reo to:
- Bố, kìa bố... Thúc của bố đã về đây!
Bố anh buông dao đứng dậy, nhìn trân trân một lúc rồi từ từ lùi vào trong bếp.
Mẹ Thúc vén mành tất tưởi lao ra, ngỡ ngàng đứng như trời trồng rồi bỗng quay mặt lao đi rồi biến mất.
Bà con làng Tống Vũ kéo đến, trăm con mắt nhìn, lắc đầu, lạ lắm.
Học từ ngoài ngõ có hàng bông bụt đỏ như lửa đon đả chạy vào sân, ôm lấy Thúc khóc. Thúc choàng tay đỡ tấm lưng thon thả của người yêu. Chợt nhìn mặt nhau, Học bàng hoàng đẩy anh ra, vừa chạy vừa hét: "Không, không... Tôi không quen anh. Tôi không quen người này".
*
* *
Trăng cuối tuần mờ ảo không còn đủ sức tỏa sáng về mặt đất. Không gian mỏng mảnh một thứ ánh vàng nhờ nhạt. Chỉ có những vì sao là vẫn lung linh như trăm nghìn đêm khác. Đêm ấy, Từ và Ngọc Dung - hai ân nhân của Thúc lặng lẽ, nhẹ bước bên nhau trên quãng đường khúc khuỷu ngoại ô. Họ cứ đi, đi mãi, im lặng và buồn. Phải chăng cái đỉnh của tình yêu đã chững lại để ngày mai họ bước sang bên kia bờ hạnh phúc? Bến bờ của những đêm không còn rong ruổi yêu nhau. Không! Dường như họ nhận ra sự lầm lỡ nào đấy ở một trong hai con người. Giận dỗi, yêu thương, oán trách và lỗi lầm cứ đan cài, xáo trộn. Đúng thế! Vừa chậm chạp bước Từ vừa có vẻ đau khổ nghĩ đến một sự bất hạnh đang chờ đợi anh. Chẳng lẽ một kiếp hồng nhan của người con gái yêu anh đã có một thời làm vợ? Chẳng lẽ Ngọc Dung đã có người thương yêu? Dung dối mình ư? Người ta bảo cuộc đời phức tạp và bí ẩn lắm, thật vậy sao? Cái mà anh đã cầm trong tay, tưởng hiểu nó hơn ai hết nhiều khi chính nó lại làm anh thất vọng, làm anh không ngờ...
Họ vẫn đi, im lặng và buồn. Chầm chậm và dừng lại. Hai người lẳng lặng ngồi xuống bên một gốc cây. Không gian mỏng mảnh một thứ ánh vàng nhờ nhạt. Chỉ có những vì sao trước mặt họ là vẫn lung linh.
- Em không hiểu vì lẽ gì, anh Từ… Hay là em không xứng đáng? Hay vì ba mẹ em... Ngọc Dung xóa đi sự im lặng bằng những câu hỏi sẵn trong đầu và quay sang phía Từ. Ánh sáng mờ ảo lại bị vòm cây che lấp, sao biết được vẻ mặt của anh. Đoán chừng đôi mắt hiền khô lúc này giận và lạnh lắm.
- Cô nghĩ đi, ắt sẽ hiểu - câu nói buông ra ở Từ cũng lạnh và giận.
- Hiểu gì cơ?
- Lòng tốt của con người có mục đích, cô hiểu chứ?
Ngọc Dung vẫn chưa hiểu ý Từ, cô muốn phát khóc:
- Có gì anh cứ nói thẳng ra, thế này em khổ lắm!
- Vâng, tôi sẽ nói.
Và Phạm Sinh Từ đã không để những hoài vọng, ẩn khuất ám muội tâm hồn anh. Từ đã thổ lộ tất cả những gì anh nghe được trong những ngày qua. Mỗi người kể về Ngọc Dung một tâm trạng, một quan niệm khác nhau về một thời xa vắng khác nhau. Thời đó, Từ còn ở tận đẩu đâu, Ngọc Dung còn là một cô sinh viên y khoa xinh đẹp hay làm nũng mẹ. Chuyện dài lắm nhưng chung quy lại: Thời ấy, bố Ngọc Dung làm thủ trưởng một đơn vị, thi thoảng cô sinh viên Ngọc Dung thường đi thăm cha. Rồi cô quen một người lính, người lính ấy là chiến sĩ của cha Dung. Hai người mến nhau và yêu nhau. Tình yêu nồng thắm từ hai phía. Rồi chiến tranh khốc liệt ập đến. Người lính ấy cùng cha cô theo những đoàn quân đi ra mặt trận. Trước lúc chia tay, họ chín hẹn mười thề sau ngày thống nhất sẽ về thương nhau. Chiến tranh khép lại, người lính ấy đã về. Nhưng anh không còn nguyên vẹn. Chiến tranh đã cướp mất một phần thể xác và tâm trí anh. Anh trở thành một người vô thức, hết cả mẫn cảm với thế giới quanh mình. Mất ảo giác sự sống, người ta gọi anh là kẻ tâm thần. Ngọc Dung đau khổ lắm nhưng cô vẫn giữ lời thề năm xưa. Và cô đã đón người chiến sĩ ấy về nhà mình cùng ba mẹ nuôi dưỡng, thuốc men, chung sống với nhau trong một căn nhà suốt bao nhiêu năm. Chỉ có tình nghĩa sâu nặng lắm mới ràng níu người ta gắn bện với nhau chứ còn người dưng nước lã ai dám hy sinh, gánh chịu như vậy. Người không biết chuyện cho hành động của Ngọc Dung và gia đình cô là phi thường. Đón người bệnh về nhà nuôi dưỡng thật vô tư. Họ có hiểu đâu, đằng sau sự vô tư ấy là một cuộc tình duyên ẩn trắc mà Ngọc Dung không dễ khước từ. Nhưng vì chiến tranh, hai người không có hạnh phúc. Có lẽ vì thế người con trai ấy đã "biến" khỏi gia đình Ngọc Dung. Có lẽ vì giây lát nào đó cơn bệnh chợt tỉnh anh ta đã nhận ra. Anh ta không muốn tấm thân tàn tã của mình làm khổ lây người bạn đời tốt bụng. Anh ta đi rồi, Ngọc Dung chôn chặt mối tình bất hạnh ấy để đến với Từ bằng tình yêu nồng thắm của người con gái muộn màng. Người ta kể về quá khứ của Ngọc Dung đại loại như thế. Có người khuyên Từ: Trai tơ kiếm đâu chả được gái hiền trinh nguyên. Ngọc Dung không ngờ sao có người lại dựng lên cuộc đời cô oan nghiệt như vậy. Họ có hiểu gia cảnh người thương binh bất hạnh ấy là ai mà nỡ suy diễn. Cô khóc, đôi vai nhỏ rung lên. Những giọt nước mắt lã chã. Thảo nào, ngày mới đưa Thúc về nhà, một ít người quanh xóm phố đã xì xèo, nghi kỵ. Nào ngờ, bây giờ lại cả anh nữa. Anh cũng nghĩ điều ấy là sự thật ư? Ngọc Dung rút khăn thấm nước mắt:
- Anh có tin không?
Từ không trả lời câu hỏi ấy, anh hỏi lại:
- Ngày ấy cô có đi thăm ba không?
- Có.
- Có đưa anh thương binh về nhà mình phục thuốc không?
- Có! Việc ấy anh đã nghe chị Liên kể rồi thôi.
- Nhưng chị ấy sao hiểu được bản chất của nó.
Thì ra là thế. Lòng tốt của con người theo anh có mục đích là như thế. Mục đích chiếm đoạt một con người thân tàn, vô thức ư? Như có một cái gì nhói trong lồng ngực, dội lên nghẹt thở, Ngọc Dung đứng dậy nói lời tạm biệt và lao đi. Từ vẫn ngồi mặc cho bóng Dung mờ dần, lẫn vào đêm tối.
Về nhà, Ngọc Dung nằm khóc. Tiếng khóc thay cho lời giãi bày. Tiếng khóc oán ai vô tình hay cố ý làm ám muội lòng thánh thiện của con người với nhau. Giãi bày trong nước mắt, ai có thấu hiểu cho cô? Cuộc đời sao nghiệt ngã thế? Tiếng khóc run lên, vọng sang phòng bà Châu.
Bà Châu hiểu nỗi lòng con gái hơn ai hết. Bà thương Ngọc Dung chịu thương, chịu khó, ham học, hay làm. Ngày còn chú Kích sẹo ở đây, đi làm suốt ngày, tối về cơm nước thuốc men, giặt giũ, coi chú ấy như người ruột thịt. Tốt người, đẹp nết mà số nó vất vả. Bạn bè cùng lứa nhiều người đã chồng con đâu đấy cả rồi.
(còn nữa)
Nhà văn Minh Chuyên
Tin cùng chuyên mục
- Giáng sinh tràn đầy phúc lạc 26.12.2022 | 08:37 AM
- Viết cho mùa hoa cải 12.12.2022 | 08:58 AM
- Chạm đông 07.11.2022 | 09:00 AM
- Nhạc sĩ quê lúa lan tỏa niềm tin chiến thắng Covid-19 20.09.2021 | 09:13 AM
- Lặng nghe hoa loa kèn 05.04.2021 | 10:28 AM
- Đọc “Gió Thượng Phùng ” 28.12.2020 | 10:14 AM
- Pháo đài đồng bằng 26.10.2020 | 11:25 AM
- Pháo đài đồng bằng 19.10.2020 | 14:02 PM
- Pháo đài đồng bằng 05.10.2020 | 15:55 PM
- Đường trơn chân bước 05.10.2020 | 15:39 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh