Thứ 7, 23/11/2024, 10:02[GMT+7]

Người ngồi đầu nồi

Thứ 2, 05/12/2016 | 08:35:26
1,183 lượt xem

“Báo cáo giám đốc, xin giám đốc ký duyệt danh sách khen thưởng của cơ quan ta năm nay ạ” - tôi nói rồi lui lại đứng chờ. Chẳng cần đợi lâu, chưa đầy phút sau tôi đã nhận lại bản danh sách:

- Báo cáo giám đốc, sao lần nào lãnh đạo cũng tự hạ mức thưởng của lãnh đạo xuống hạng cuối của cơ quan thế ạ? Trong khi công lao của giám đốc thì ai cũng công nhận là phải xếp loại A, đứng trên anh em công nhân.

Nghe tôi nói, ông mủm mỉm cười, chỉ tay vào cái ghế bảo tôi ngồi uống nước. Nhìn tôi, ông khẽ nói:

- Này, anh làm thi đua của nhà máy, anh có biết câu này của các cụ truyền lại không: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu/Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc”.

- Dạ, tôi chưa hiểu ý nghĩa của câu đó là thế nào đâu ạ.

- Câu đó có nghĩa là: Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ. Làm người lãnh đạo phải thế! Nhưng thôi, nói vậy nghe có khi vị cổ quá. Cậu đã nghe mấy câu thơ này của thi sĩ Vương Trọng chưa?

- Dạ...

- Ðây, mấy câu thơ là: Mâm cơm dọn ra chồng con như khách/Chỗ em ngồi mấy phía nồi niêu/Vừa xong bữa cả nhà đi sạch/Hoa hậu cùng mâm bát nhìn theo. Là thủ trưởng đơn vị, mình tự ví mình như người ngồi đầu nồi trong mấy câu thơ tả lại bữa cơm gia đình đấy cậu ạ.

Chà... Người ngồi đầu nồi! Hình ảnh thân thuộc, thú vị và bất ngờ biết bao. Nó khiến ta nhớ đến mẹ ta, trong bữa cơm gia đình những chiều hè đã xa. Buổi chiều mùa hè nắng oi. Nồi cơm mở vung. Ðôi đũa cả trong tay mẹ liên tục lúc đánh cơm, khi xới cơm cho các con ngồi quanh mâm. Ngồi đầu nồi, mẹ lúc nào cũng như chưa được thanh thản bưng bát cơm của mình vì tay còn bận đưa võng quạt và để mắt xem ai sắp hết cơm, lo cho con ăn ngon, đủ no trước mình. Thời buổi đói kém, sợ các con ý tứ ngại ngần không dám đưa bát nên mẹ còn phải luôn miệng vui vẻ: “Cái nồi đồng giấu cơm, còn khối cơm đây này. Mẹ ăn đủ rồi”. Người ngồi đầu nồi, bát cơm đầu là bát cơm hớt và khi mọi người đã no, đứng dậy mới cậy nồi vét miếng cháy cho mình. Người ngồi đầu nồi bữa cơm gia đình không bao giờ tận dụng lợi thế, tranh thủ ăn nhiều, ăn ngon hơn mọi người.

Người lãnh đạo - người ngồi đầu nồi không thể là người có được lợi thế để dành đặc quyền, đặc lợi. Làm nhiều hơn người khác một chút, hưởng ít hơn người khác một chút, người lãnh đạo sống thanh thản.

Tuy nhiên, không ít cán bộ xử sự như người ngồi đầu nồi, lợi dụng vị thế để thu lợi cho bản thân, họ hàng. Trong diễn văn khai mạc hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh việc “cán bộ, đảng viên phải giữ đức liêm, đồng thời chống đặc quyền, đặc lợi” là nói đến tính cấp bách của vấn đề. Bởi như Mác đã khẳng định, nhà nước chỉ thực sự của nhân dân với điều kiện nhất thiết phải đập tan tất cả các đẳng cấp, những đặc quyền...

Người ngồi đầu nồi vui cái vui sum họp, vui cái vui được chăm sóc mọi người, ăn cái ngon của mình cùng cái ngon của mọi người. Dễ ai đã có được niềm vui tinh thần như người ngồi đầu nồi trong bữa cơm gia đình.

Ngọc Tuyền

(Vũ Vân, Vũ Thư)

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày