Chủ nhật, 10/11/2024, 05:58[GMT+7]

Nghĩ về mẹ từ một bài thơ

Thứ 2, 05/11/2018 | 10:31:56
7,367 lượt xem
Trong đời mình, tôi đã đọc hàng trăm bài thơ, áng văn về mẹ. Nhưng số bài đọng lại trong tôi như bài “Mẹ” của Lại Tây Dương rất hiếm.

Ảnh minh họa

“Còng lưng cõng cánh đồng làng/Cõng con, cõng cháu, lưng càng còng thêm/Cả khi chân yếu tay mềm/thân tằm rút ruột dệt nên tơ vàng/Sóng to, gió lớn phũ phàng/Lặn vào đời mẹ muôn ngàn khổ đau/Áo sờn vai, tóc bạc màu/Dò đồng nội, lội đồng sâu cấy trồng/Chỉ mong cây lúa nặng bông, nửa nuôi con, nửa nhường chồng mang đi/Bao lần giặc giã hiểm nguy/Mẹ là chiến lũy thành trì chở che/Hết mưa đông lại nắng hè/Mẹ nuôi ông Cống, ông Nghè hiển vinh/Hai bàn tay vẫn trắng tinh/Quanh năm lận đận một mình cô đơn”.

Vẫn là phong cách thơ rất riêng của nhà thơ tỉnh lúa này. Bài thơ đặc sắc ở chỗ nó chỉ gợi chứ không tả. Xin hãy chú ý đến ba chữ “cõng” và hai chữ “còng” trong hai câu đầu. Năm chữ ấy làm thành chân dung của bà mẹ Việt Nam ngàn đời.

Mẹ và cánh đồng là hai thực thể khác nhau nhưng lại gắn liền, hòa quyện với nhau, hóa máu thịt của nhau. Từ cánh đồng ấy mà mẹ sinh ra tất cả từ miếng cơm, manh áo, cháu con… cho đến một nhân cách, một khí phách Việt Nam sừng sững mà hàng ngàn năm qua phải kẻ ngoại bang khổng lồ dẫu tham lam đến đâu vẫn không sao đồng hóa nổi. Phải chăng chính vì thế mà hai từ “đất mẹ” hóa thiêng liêng, hóa danh từ riêng để chỉ quê hương đất nước mình?

Mẹ trong bài thơ không địa chỉ, không tuổi, không tên. Nhưng khi đọc bài thơ, ta lại nghĩ về người mẹ riêng đã chín tháng mang thai, ba năm bú mớm của mình. Sức gợi của bài thơ là thế.

Và cứ như vậy, sức gợi có trong từng câu, từng chữ của bài. Mảnh đất hình chữ S ba mặt núi một mặt biển này là mảnh đất của giông sa bão táp, của giặc dã triền miên… khiến cho trong mỗi bát cơm đều được đong đầy bởi những hạt đắng cay (Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần) (Ca dao).

Tất cả những vất vả, hiểm nguy ấy đều “lặn vào đời mẹ”. Có thể nói mỗi nếp nhăn trên gương mặt, mỗi sợi tóc đổi màu trên đầu, mỗi chiếc áo sờn vai trên người mẹ đều là một câu chuyện dài, dù các nhà thơ, nhà văn có khai thác muôn đời cũng không hết.

Và cũng chính vì thế mà hình tượng người mẹ “Dò đồng nội, lội đồng sâu cấy trồng/Chỉ mong cây lúa nặng bông” trở nên kỳ vĩ. Bởi chính những “cây lúa nặng bông” có được từ nỗi nhọc nhằn “dò đồng nội, lội đồng sâu” ấy của mẹ, đã trở thành hành trang cho những người chồng mang đi đánh giặc, thành những bầu sữa ngọt ngào nuôi những lớp con, lớp cháu lớn lên và trưởng thành, để rồi đến lượt chúng lại “tuốt gươm không chịu sống quỳ” (Thơ Tố Hữu) theo bước cha ông.

Có người lính nào ra đi mà không mang theo hình ảnh người mẹ, người vợ ở hậu phương và những chiến thắng chỉ có được khi người lính được tựa lưng vào một hậu phương vững chắc. Hậu phương ấy chính là quê hương, mà quê hương là gì nếu không là đất - mẹ. Mẹ là hồn cốt của quê hương.

Từ ngàn đời nay, mỗi lần “Binh lửa ầm ầm/Gió lay, nhà bạt cát lầm cửa thưa” (Ca dao) bởi giặc giã, là một lần “Mẹ là chiến lũy thành trì chở che” cho những đứa con ngoài chiến trận, để “non sông” vạn thuở vững âu vàng (Thơ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông).

Kể cả khi giặc giã qua đi, thì mẹ vẫn không thôi vất vả, bởi “Hết mưa đông lại nắng hè/Mẹ nuôi ông Cống, ông Nghè hiển vinh” bằng những bát cơm “Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”. Để chính những ông Cống, ông Nghè đó làm rạng danh đất nước.

Thơ chỉ có thể cảm chứ không thể nói được thành lời. Càng đọc bài thơ này của Lại Tây Dương, tôi càng cảm được nhiều điều hay.

Thanh Vũ

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày