Thứ 7, 23/11/2024, 09:27[GMT+7]

Những bức thư nặng nghĩa tình

Thứ 2, 04/11/2019 | 11:23:05
2,072 lượt xem
“Anh Bùi Văn Miên quý mến! Như vậy là hơn 1/4 thế kỷ trôi qua, đến ngày 22/11/1996 anh đã toại nguyện lời trăng trối cuối cùng của em Nguyễn Văn Chương, con trai tôi. Em Chương đi bộ đội rồi nằm lại đất rừng phương Nam, gia đình tôi chỉ nhận được giấy báo tử mà không biết phần mộ em Chương nằm ở đâu? Tôi và gia đình mất phương hướng hoàn toàn. Thật bất ngờ nhận được thư của anh báo tin khi em Chương hy sinh anh và đồng nghiệp của anh đã chôn cất em”...

Ảnh minh họa

Đó là một đoạn bức thư của bà Thu Liên Thanh ở thôn 1, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An viết cảm ơn thầy giáo Bùi Văn Miên quê ở xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, nguyên là giáo viên Trường Trung học Nông nghiệp Trung Trung Bộ, thuộc Ban Nông nghiệp khu 5 đóng tại khu ATK - 1200 Quảng Đà, nay là tỉnh Quảng Nam.

Đầu tháng 9/1971, thầy giáo Bùi Văn Miên và các đồng nghiệp của ông đã trực tiếp chăm sóc, cứu chữa, dưỡng thương và chôn cất chiến sĩ đặc công Nguyễn Văn Chương,  hy sinh ngày 2/9/1971 là con trai của bà Thu Liên Thanh, quê ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Bức thư của bà Thanh được thầy giáo Bùi Văn Miên lưu giữ cẩn thận trong nhiều năm qua vì với ông sau chiến tranh đã hoàn thành lời hứa của mình với lời trăng trối của người chiến sĩ Nguyễn Văn Chương trước lúc anh hy sinh. Ông Miên kể lại: Gọi là Trường Trung học Nông nghiệp Trung Trung Bộ nhưng thật ra chỉ là một lán trại nhỏ giữa rừng già sâu hút, sát với đỉnh núi cao hiểm trở thuộc huyện Giằng, tỉnh Quảng Đà, nay là tỉnh Quảng Nam. Ở đây, trường học không phân thành các lớp mà học viên phân theo từng tổ, có tổ là các thương binh, tổ là con em cán bộ được gửi từ vùng địch vào tránh bị địch bắt đi lính, có gần chục người gồm giáo viên, bác sĩ cùng những người phục vụ chủ yếu làm công tác vận động chuẩn bị điều kiện cho kết thúc chiến tranh. Giáo viên không soạn giáo án mà được trang bị súng AK, súng ngắn K54, dao găm, sẵn sàng thực chiến với thám báo, biệt kích và sẵn sàng chống càn. Mọi thứ đều thiếu thốn, lương thực chỉ được cung ứng một phần, mọi người phải lo tự túc, trồng sắn, đào củ mài, ra suối kiếm cá cải thiện và lo cho bữa ăn hàng ngày. Lán trại còn là trạm xá sẵn sàng đón tiếp và cứu chữa thương binh. Chiều ngày 1/9/1971, ông Miên được phân công ra suối kiếm thực phẩm tăng cường cho đơn vị, khi về đến lán trại thì có một thương binh còn rất trẻ, nét mặt thanh tú, bị thương khá nặng lại bị sốt rét đang giật từng cơn, bác sĩ Nguyễn Như Lễ của đơn vị và mọi người đang tập trung chăm sóc, cứu chữa người chiến sĩ trẻ. Ngày hôm sau, sức khỏe người chiến sĩ yếu dần, ông Miên dành cả ngày ngồi bên người chiến sĩ vừa động viên, vừa xoa bóp và bón cho anh từng thìa cháo cá mà chiều qua ông đã ra suối kiếm được. Người chiến sĩ cất tiếng hỏi khẽ: Anh quê ở đâu? Tôi quê Thái Bình. Chiến sĩ trẻ nhắn gửi: “Em tên là Chương. Nguyễn Văn Chương quê ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Tháng 12/1969, đang học lớp 10C Trường cấp 3 Nghi Lộc thì em tình nguyện đi bộ đội, vào đơn vị Đặc công nước tháng 11/1970 và được vào miền Nam chiến đấu. Em có bạn gái rất thân tên là Khuê, bạn ấy đang là sinh viên Khoa Sử, Trường Đại học Sư phạm Vinh...”. Anh ơi... Chương nắm lấy bàn tay ông Miên, khóe mắt anh trào ra dòng lệ, giọng ngắt quãng: Nếu em không về được nữa... anh nhớ báo tin cho gia đình em theo địa chỉ anh nhé... Tiếng của người chiến sĩ Nguyễn Văn Chương cứ thế ngắt quãng rồi lịm dần lúc 17 giờ 26 phút ngày 2/9/1971. Ông Miên lấy tấm khăn phủ lên mặt Chương, giây phút ấy cứ theo ông và giục giã ông tìm về quê hương của liệt sĩ để nói lại điều trăng trối của Chương với mẹ anh, với gia đình trước lúc hy sinh. Kể cho tôi nghe chuyện này ông Bùi Văn Miên đã bật khóc: Thương chú Chương quá! Chú ấy hy sinh khi mới hai mươi tuổi, lúc đưa chú ấy lên núi, mấy anh em tôi chỉ có thể dùng những thanh giát sàn bó cho chú ấy...

Đang làm giáo viên Trường Trung cấp Nông Lâm tỉnh Vĩnh Phúc, năm 1970 thầy giáo Bùi Văn Miên được tăng cường cho cách mạng miền Nam và công tác tại Trường Trung học Nông nghiệp Trung Trung Bộ. Kết thúc chiến tranh, ông Miên ở lại làm công tác xây dựng Trường Trung học Nông nghiệp Trung Trung Bộ thêm 4 năm nữa. Đến năm 1979 thì được điều động trở lại miền Bắc học Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương và sau đó về làm công tác giảng dạy tại Trường Nghiệp vụ Vật tư nông nghiệp Trung ương tại tỉnh Hải Dương. Tại đây, thầy giáo Bùi Văn Miên thực hiện lời nhắn gửi trăng trối của liệt sĩ Nguyễn Văn Chương. Ngày ấy phương tiện thông tin liên lạc còn khó khăn nên ông đã kiên trì viết 38 bức thư gửi theo địa chỉ mà trước đó liệt sĩ Nguyễn Văn Chương trăng trối. Những bức thư đầu gửi đi cứ “bặt vô âm tín”. Lá thư thầy giáo Bùi Văn Miên gửi ngày 3/11/1996 mãi tới ngày 22/11/1996 mới đến được Văn phòng UBND xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Thật may mắn, chiều hôm ấy xã Nghi Trung có hội nghị các trưởng thôn. Ông cán bộ Văn phòng UBND xã Nghi Trung mở ngăn kéo bàn làm việc rồi bóc phong thư của thầy giáo Miên ra đọc. Phát hiện được lá thư tâm đức của thầy giáo Bùi Văn Miên quê Thái Bình, ông cán bộ Văn phòng liền trao lại bức thư cho ông Dần, Trưởng thôn 11 về báo tin cho gia đình bà Thu Liên Thanh là mẹ liệt sĩ Nguyễn Văn Chương. Khi nhận được bức thư của thầy giáo Miên thông tin về sự hy sinh và phần mộ của con trai, bà Thanh mừng rỡ và viết thư gửi thầy giáo Bùi Văn Miên xác minh cặn kẽ thêm. Từ đó những thông tin về liệt sĩ Nguyễn Văn Chương được thầy giáo Bùi Văn Miên liên tục kết nối, trao đổi, miêu tả cụ thể với gia đình bà Thanh. 38 bức thư gửi vào quê hương Nghi Trung và sau 33 bức thư của bà Thu Liên Thanh gửi thầy giáo Bùi Văn Miên cùng sự giúp sức của những đồng nghiệp như bác sĩ Nguyễn Như Lễ, Hồ Thăng Nẫm cùng công tác và chiến đấu, chăm sóc, cứu chữa và chôn cất liệt sĩ Nguyễn Văn Chương, đến 9 giờ ngày 23/7/1997 tại phần đất nhỏ gần đỉnh núi của khu rừng già huyện Nam Giang, phía tây tỉnh Quảng Đà nay là tỉnh Quảng Nam, gia đình bà Thanh đã tổ chức cất bốc và quy tập hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Chương đưa về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Nghi Lộc. Đoạn cuối bức thư của bà Thu Liên Thanh gửi thầy giáo Bùi Văn Miên, bà viết: Một phần tư thế kỷ anh mới tìm được gia đình, báo tin cho tôi và gia đình biết phần mộ của em Chương. Tôi và gia đình mừng lắm. Dù em Chương đã hy sinh nhưng tôi vẫn nghĩ em như được sống và trở về. Xin cảm ơn anh, một thầy giáo đức độ và tình cảm, cảm ơn quê hương năm tấn Thái Bình. Chúc anh và gia đình hạnh phúc, an yên.

Ở tuổi 80, thầy giáo Bùi Văn Miên nghỉ hưu ở quê hương xã Việt Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Mỗi lần nhắc về kỷ niệm Trường Trung học Nông nghiệp Trung Trung Bộ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thầy giáo Miên lại đưa bức di ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Chương ra ngậm ngùi và bức thư của bà Thu Liên Thanh gợi lại kỷ niệm.

Nguyễn Thanh Khiết

Thành phố Thái Bình

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày