Thứ 7, 23/11/2024, 21:10[GMT+7]

Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Thứ 3, 16/05/2017 | 09:18:59
2,324 lượt xem
Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài của dân tộc, suốt đời tận tụy, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân, vì lý tưởng cách mạng cao cả của thời đại.

Từ chiếc máy chữ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo nhiều văn kiện quan trọng. Ảnh tư liệu.

Một nhà văn nước ngoài đã từng gọi Bác Hồ là bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Người tiêu biểu nhất cho tư tưởng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa ở Việt Nam, kết tinh những đức tính tốt đẹp nhất của dân tộc. Tư tưởng, phẩm chất và đạo đức của Người mãi mãi là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta noi theo.

Từ những năm 1950 - 1960, Đảng ta đã đặt ra vấn đề học tập tác phong, đạo đức, đường lối chính trị của Hồ Chí Minh, nhất là việc học tập trong cán bộ, đảng viên. Đến năm 1991 (Đại hội VII của Đảng), vấn đề toàn Đảng, toàn dân nghiên cứu về Bác mới được nâng lên một bước: học tập tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh với khái niệm bao hàm đầy đủ nhất, rộng nhất. 

Đặc biệt, trong thời điểm hiện nay, cả nước tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên. Đồng thời, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội khác.

Chúng ta nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với người phương Đông, nhất là người Việt Nam giàu tình cảm, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền, do vậy cần phải nêu gương sáng về đạo đức cho mọi người noi theo. Bác Hồ cũng khẳng định, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên chăm lo tu dưỡng đạo đức như việc rửa mặt hàng ngày, đây là công việc phải làm kiên trì, bền bỉ suốt đời. Người chỉ rõ, đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Việc rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên phải được thông qua hoạt động thực tiễn sinh hoạt, học tập, lao động, chiến đấu.

Ở phong cách Hồ Chí Minh, bất cứ người dân Việt Nam nào cũng ít nhiều biết được đức tính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, tác phong khiêm tốn, giản dị, rất quần chúng, bao dung của Bác. Bác Hồ - với cái tâm trong sáng, cái trí mẫn tuệ, với hành động vĩ đại, đã thực sự trở thành Người hơn tất cả mọi người, chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Bác đã dạy: “Muốn quyết định đúng, trước tiên phải kiểm tra, nghiên cứu rõ ràng. Phải hiểu rằng, Đảng có hiểu rõ tình hình thì đặt chính sách mới đúng. Mà muốn hiểu rõ tình hình thì Đảng nên phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình từng xã, từng huyện, từng khu. Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là nồi vuông úp vung tròn, không ăn khớp gì hết”.

Ngay từ những ngày đầu khi Đảng mới nắm chính quyền, Bác đã lên án tội “báo cáo láo”. Làm được ít suýt ra nhiều để làm một bản báo cáo cho oai nhưng xét kỹ thì rỗng tuếch… Thế là dối trá với Đảng, có tội với Đảng. Làm việc không thiết thực, báo cáo không thật thà cũng là bệnh rất nguy hiểm.

Để nắm được tình hình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở chúng ta phải lắng nghe ý kiến của đảng viên và quần chúng. Nhưng nghe như thế nào, làm thế nào nghe được tiếng nói chân thực của những người trung thực? Thực tế cuộc sống cho ta thấy giá trị chân thật của lời nói tùy thuộc vào tính trung thực của người nói song một phần còn tùy thuộc ở thái độ của người nghe. Do đó, người cán bộ phải học cách nghe, rèn luyện thái độ nghe, làm thế nào để động viên, khuyến khích người nói phản ánh đúng sự thật.

Bác Hồ dạy chúng ta hai cách lãnh đạo rất cơ bản khi thi hành các chủ trương công tác: Phải gắn chặt với quần chúng và phải tổ chức chỉ đạo kiểm điểm rút kinh nghiệm rồi mở rộng ra. Người nói: “Bất cứ việc gì, chúng ta phải bắt đầu từ gốc, dần dần đến ngọn, từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, chớ nên tham mau, tham nhiều trong một lúc”. Trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác, Bác rất quan tâm đến vấn đề cán bộ và Bác đã cho nhiều chỉ dẫn có ý nghĩa phương pháp luận khoa học để giải quyết đúng vấn đề cán bộ.

Điều quan trọng trước tiên theo Người là phải hiểu biết đúng cán bộ. Do vậy, phải chí công, vô tư trong việc xem xét cán bộ. Trong sử dụng cán bộ, Người phê phán gay gắt những bệnh: lạm dụng người bà con, anh em quen biết, bạn bè, ham dùng bọn nịnh hót, ghét những người chính trực, tránh những người không hợp ý mình. Bác căn dặn: Phải có độ lượng mới có thể đối với cán bộ một cách chí công, vô tư, không thành kiến, khiến cán bộ khỏi bị bỏ rơi. Phải chịu khó dạy bảo mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp họ tiến bộ. Phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây mà xa cách cán bộ tốt. Phải có thái độ vui vẻ, thân mật thì các đồng chí mới vui lòng gần gũi mình.

Về vấn đề học tập, Bác quan niệm: “Học để làm người trước, sau đó mới học làm cán bộ”. Người không ngừng mở rộng tầm nhìn ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa, khoa học của nhân loại, nâng cao trình độ bằng phương pháp tự học.

Trong phong cách diễn đạt, bất cứ đối tượng nào, ở bất cứ trình độ nào khi nghe Bác nói chuyện đều cảm thấy thoải mái, kính nể. Đặc biệt, Bác khi là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo, khi là người chính luận sâu sắc, tác giả của những áng hùng văn, những lời kêu gọi cả dân tộc, đồng bào cho đến những lá thư giản dị cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Cách ứng xử của Người cũng rất văn hóa, lịch lãm mà bình dị, tự nhiên, cởi mở, chân tình. Nói đến phong cách Hồ Chí Minh, bất cứ ai cũng có thể nhận thấy ở Người có một phong cách rất riêng, rất Hồ Chí Minh, thể hiện trong tư duy, làm việc, ứng xử cũng như trong sinh hoạt cuộc sống đời thường. Thực tế đã chứng minh, tư tưởng Hồ Chí Minh không phải là dấu cộng những tư tưởng sẵn có của người khác. Từ những vấn đề mang tính quy luật vận động của xã hội, Hồ Chí Minh đã đặt vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của nước ta, đưa ra những câu trả lời không có trong kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tư tưởng cách mạng khoa học của Người là sản phẩm của quá trình tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo.

Tháng 5 này, kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể nhắc lại tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - nhất là phong cách làm việc khoa học, thiết thực, cụ thể, chu đáo để phổ biến, học tập trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, mời gọi nhau suy ngẫm rồi tìm cách thực hiện.

Nguyễn Thanh Hoàng
(Thành phố Cần Thơ)