Chủ nhật, 24/11/2024, 01:46[GMT+7]

Hãy lên tiếng về xâm hại tình dục trẻ em (kỳ 2)

Thứ 3, 23/05/2017 | 08:24:50
2,706 lượt xem
Những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng gây nhiều lo lắng và bức xúc trong dư luận. Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng, nhà trường và gia đình trong việc nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cho trẻ.

Giờ học ngoại khóa về chuyên đề phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em tổ chức tại Trường THCS Bình Định (Kiến Xương).

Kỳ 2: Làm gì để trẻ không bị xâm hại

Tăng cường giáo dục giới tính trong nhà trường 


Từ trước đến nay, việc giáo dục giới tính đã được các ngành: y tế, dân số, giáo dục phối hợp tổ chức tuyên truyền trong các trường học, tuy nhiên, hoạt động tuyên truyền mới chỉ tập trung ở bậc THPT, THCS chứ chưa chú trọng tuyên truyền ở bậc tiểu học và mầm non trong khi các vụ xâm hại tình dục lại thường xuyên xảy ra ở lứa tuổi này. Trước những vụ xâm hại trẻ em xảy ra ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Thái Bình, thời gian qua, các ngành chức năng đã tích cực vào cuộc. 

Từ đầu tháng 3 đến nay, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã phối hợp với Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh tổ chức truyền thông tại một số trường tiểu học trong tỉnh với các nội dung về giới tính, mức độ cho phép trong quan hệ bạn bè, những biểu hiện, hành vi có thể bị xâm hại để các em nhận biết và có biện pháp phòng tránh. Điều quan trọng là giúp các em không sợ hãi hay lo lắng khi có kẻ xấu đe dọa và cần chia sẻ với ai để được giúp đỡ. 

Bà Đoàn Thanh Hằng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ cho biết: Chúng tôi tổ chức tập huấn ở các bậc học, trong đó chú trọng bậc tiểu học và mầm non, không chỉ giúp các em nhận thức rõ về giới tính, những thay đổi tâm sinh lý ở từng lứa tuổi mà qua những buổi truyền thông chính các thầy cô giáo sau này sẽ là những người cung cấp đầy đủ thông tin cho các em từ những giờ học chính khóa trên lớp cũng như các giờ học ngoại khóa để các em nhận biết và phòng tránh bị xâm hại.

Cùng với hệ thống y tế, dân số, tại các trường học, các thầy cô giáo cũng chủ động cung cấp kiến thức và kỹ năng phòng tránh bị xâm hại cho trẻ. 

Đầu tháng 4, có mặt tại Trường Mầm non An Bình (Kiến Xương), chúng tôi được dự một giờ học về giáo dục kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em cho học sinh lớp 5 tuổi, giờ học có sự tham gia của các bậc phụ huynh. Với kịch bản được xây dựng từ chính các cô giáo của Trường bằng nhiều tình huống thường gặp trong cuộc sống được các em trực tiếp thể hiện: bị lạc, người lạ dụ dỗ, chạm vào người… các cô giáo đã hướng dẫn các em cách xử lý để thoát khỏi kẻ xấu. 

Cô giáo Phạm Thị Lệ, giáo viên nhà trường chia sẻ: Trước những thông tin đau lòng về các vụ việc trẻ bị xâm hại, nhằm cung cấp cho học sinh và phụ huynh học sinh những kiến thức cơ bản về vấn đề này, nhà trường tổ chức giờ học với mong muốn giúp các em có kỹ năng phòng tránh để không bị xâm hại. Từ những giờ học thực sự giúp người thân của các em yên tâm phần nào. “Những kiến thức, tình huống giả định được các cô giáo đưa ra giúp chúng tôi rất nhiều trong việc giáo dục các em, và chúng tôi nhận ra rằng để trẻ không bị xâm hại gia đình cần dành thời gian quan tâm hơn nữa đến con em mình” - anh Nguyễn Anh Dương, thôn Bình Trật Nam, người tham dự giờ học chia sẻ.

Gia đình cần quan tâm đến trẻ 


Một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị xâm hại phần lớn xuất phát từ sự thiếu quan tâm của gia đình. Nhiều vụ xâm hại chỉ sau khi sự việc xảy ra người thân của nạn nhân mới đau lòng nhận lỗi về mình, nhưng tất cả đều quá muộn. 

Cách đây 6 năm, tại tỉnh ta, trường hợp cháu Đ.K.H.A, sinh năm 1999, học lớp 6, trú tại xã Đông Thọ, thành phố Thái Bình bị đối tượng Đặng Văn Lưu, sinh năm 1946, xã Đông Dương (Đông Hưng) xâm hại nhiều lần dẫn đến mang thai 7 tháng và phải để sinh con. Khi sự việc xảy ra, qua tìm hiểu được biết, bố mẹ em ly hôn từ lúc em còn nhỏ. Vì mong muốn con có cuộc sống tốt hơn người mẹ đi xuất khẩu lao động để con ở nhà cho bà và người thân trông nom. Chỉ đến khi người mẹ về nước, thấy cơ thể con có biểu hiện khác thường, đưa đi khám mới phát hiện ra sự việc.

Theo bà Đặng Thị Hiền, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Kiến Xương, trong hơn 20 buổi truyền thông về sức khỏe sinh sản, phòng tránh xâm hại trẻ tại các trường tiểu học và THCS trong tháng 3 và tháng 4, qua tiếp xúc với các em học sinh, hầu như các em chưa được bố mẹ giáo dục về giới tính, các em vẫn còn e dè, ngại ngùng không muốn thổ lộ. Vì vậy, muốn các em thổ lộ, các thành viên trong gia đình hãy trò chuyện về giới tính với trẻ khi trẻ còn nhỏ, bởi ở độ tuổi này trẻ đang trong quá trình tìm hiểu và khám phá những điều xung quanh. Các bậc cha mẹ hãy là bạn của con, luôn quan tâm đến mọi cảm xúc, buồn vui của con, hãy là người bạn thân thiết để con có thể nói ra mọi điều. Đã đến lúc không chỉ nhà trường, các ngành chức năng vào cuộc mà việc phòng ngừa để trẻ em tránh khỏi các nguy cơ bị xâm hại phải bắt đầu từ chính mỗi gia đình.


Bà Hoàng Thị Lương, Hiệu trưởng Trường Mầm non An Bình (Kiến Xương)

Trước thực trạng trẻ em bị xâm hại có chiều hướng gia tăng, tôi đã chỉ đạo giáo viên trong Trường chủ động soạn các bài giảng về giáo dục giới tính cho trẻ bậc mầm non, tổ chức các buổi ngoại khóa cho các em và mời phụ huynh tham dự. Với các tình huống giả định như bắt cóc, dụ dỗ..., chúng tôi đưa ra các hướng giải quyết để các em biết cách phòng tránh.


Anh Nguyễn Văn Hà, xã Việt Thuận (Vũ Thư)

Là một người cha có con đang học bậc tiểu học nên tôi rất lo lắng trước tình trạng trẻ em bị xâm hại có chiều hướng gia tăng. Theo tôi, cùng với việc tổ chức các buổi truyền thông để giáo dục giới tính cho trẻ về cách nhận biết để phòng tránh, rất cần sự quan tâm của người thân trong gia đình. Bởi nếu gia đình gần gũi với các em, các em sẽ sẻ chia những băn khoăn lo lắng, từ đó đưa ra hướng giải quyết hợp lý.


Cô giáo Đặng Thị Thu Hằng, Tổng phụ trách đội Trường THCS Vũ Thắng (Kiến Xương)

Hàng năm, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh kết hợp với Ban Giám hiệu Trường THCS Vũ Thắng thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa và kỹ năng sống về giáo dục sức khỏe giới tính và phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em. Bên cạnh đó, trên hệ thống loa phát thanh của nhà trường luôn phát những thông tin cần thiết và kỹ năng phòng tránh bị xâm hại.


Em Đoàn Lê Minh Ánh, học sinh lớp 8A, Trường THCS Vũ Vinh (Vũ Thư)

Qua các buổi sinh hoạt ngoại khóa và các tiết Sinh học, em được trang bị nhiều kiến thức hơn về giới tính, sức khỏe sinh sản cũng như các kỹ năng nhận biết về phòng tránh xâm hại tình dục. Bên cạnh đó, bố mẹ thường nhắc nhở em không được đi một mình ở đoạn đường tối, vắng; khi đi luôn mang theo bên mình một túi cát để đề phòng khi có kẻ xấu định giở trò sẽ ném túi cát vào mặt hắn rồi hô hoán để mọi người giúp đỡ.


Nguyễn Cường - Đặng Anh