Chủ nhật, 17/11/2024, 13:51[GMT+7]

Tạo sức bật cho nuôi tôm nước lợ (Kỳ 3)

Thứ 6, 02/06/2017 | 09:04:52
1,696 lượt xem
Cùng với nguồn vốn tự có, nhờ phát huy tốt nguồn vốn vay từ các ngân hàng, nhiều hộ nuôi tôm nước lợ đến nay không chỉ thoát nghèo bền vững mà trở thành những điển hình sản xuất giỏi tại các địa phương.

Cải tạo ao đầm cần đầu tư chi phí lớn của các hộ nuôi tôm.

Kỳ 3: Vốn - điều kiện tiên quyết tạo thành công

Khi mới ra vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản của xã Nam Thịnh (Tiền Hải) do thiếu vốn sản xuất và kinh nghiệm chưa có nên gia đình anh Bùi Văn Đương, thôn Đồng Lạc gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ của Hội Nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cùng với tiền vay mượn thêm anh Đương đã thuê lao động, máy móc nạo vét ao, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản. 

Đưa chúng tôi đi thăm diện tích 1,5ha nuôi tôm thẻ chân trắng và cá, anh Đương chia sẻ: Từ khi tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng và các đoàn thể thì người nuôi tôm chúng tôi mới có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo. Hiện nay gia đình anh Đương là một trong những hộ có diện tích lớn nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả ở Nam Thịnh, mỗi vụ đều cho lãi 200 - 400 triệu đồng. Anh Đương khẳng định, ngoài kinh nghiệm, mặt bằng sản xuất thì yếu tố về vốn là điều kiện tiên quyết dẫn đến thành công trong nuôi tôm.

Cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng tôm giống tại cơ sở ương dưỡng

Nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng đòi hỏi chi phí rất lớn. Ngoài chi phí nhân công, kỹ thuật, thức ăn, thuốc thú y… còn phải đầu tư cho cơ sở hạ tầng như mỗi vụ đều phải nạo vét tạp chất đáy ao, gia cố bờ ao, đầu tư máy sục ôxy, máy phát điện… Thấu hiểu và đồng hành cùng người nuôi tôm, những năm qua hệ thống ngân hàng Thái Bình đã tích cực đầu tư cho vay vốn phát triển nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. 

Tính đến cuối tháng 2/2017, doanh số cho vay phát triển nuôi tôm nước lợ đạt 130 tỷ đồng, dư nợ đạt 38,7 tỷ đồng với 553 hộ gia đình còn dư nợ, diện tích nuôi 395ha. Trong đó, cho vay ngắn hạn để đầu tư con giống, thức ăn, chi phí nuôi trồng 16,9 tỷ đồng; cho vay trung dài hạn xây dựng cơ sở vật chất là 21,8 tỷ đồng.  

Hiện nay, tổng dư nợ trong lĩnh vực này trên địa bàn huyện Tiền Hải là 29,3 tỷ đồng; huyện Thái Thụy dư nợ 9,4 tỷ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng dư nợ 34,2 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội dư nợ 4,5 tỷ đồng. Theo đánh giá của các ngân hàng, nguồn vốn đầu tư này đã giúp các huyện ven biển nhanh chóng hình thành vùng sản xuất hàng hóa, giúp các hộ sản xuất giải quyết khó khăn về tài chính, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, con giống, thức ăn… bước đầu đưa sản xuất, kinh doanh có kết quả tốt. 

Tuy nhiên, một bộ phận người nuôi tôm nước lợ còn hạn chế về nhận thức. Việc nuôi tôm phát triển tự phát, quy mô nhỏ dẫn đến đầu tư sản xuất manh mún. Việc tiếp thu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế dẫn đến chi phí nuôi cao, hiệu quả mang lại thấp, gây khó khăn cho ngân hàng mở rộng đầu tư. 

Bên cạnh đó, nuôi tôm nước lợ gặp nhiều rủi ro về thiên tai, dịch bệnh khiến nhiều hộ nuôi không có khả năng khôi phục sản xuất, không trả được nợ vay ngân hàng… làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tín dụng ngân hàng. Một số ngân hàng có khả năng đầu tư lớn nhưng chưa mở rộng mạng lưới hoạt động. Do đó, để phát triển nuôi tôm một cách bền vững, bên cạnh các giải pháp như đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển cơ sở sản xuất giống tập trung, tăng cường xúc tiến thương mại… cần chú trọng hơn nữa về vấn đề tăng cường nguồn vốn vay; tiếp tục tăng cường nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; các ngành, các địa phương tạo điều kiện giúp các ngân hàng chính sách có điều kiện mở rộng cho vay đối với các hộ trong vùng nuôi tôm nước lợ để giúp người nuôi tôm tháo gỡ khó khăn về tài chính, nâng cao giá trị, hiệu quả nuôi tôm trên địa bàn tỉnh.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng có cơ chế vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp, hộ nuôi tôm, trong đó lưu ý về cơ chế bảo đảm tiền vay không cần thế chấp hoặc thế chấp bằng tài sản là ao, đầm nuôi và tôm nuôi.
       (Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/2/2017 tại hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam tại Cà Mau)  



Ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải

Phần lớn các khoản cho vay phát triển nuôi tôm trên địa bàn huyện có chất lượng tín dụng khá tốt; khách hàng vay vốn thực hiện vay, trả nợ sòng phẳng. Tuy nhiên nếu không thực hiện tốt liên kết chuỗi giá trị sẽ rất khó đạt mục tiêu sản lượng tôm xuất khẩu, cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh cho con tôm trên thị trường thế giới. Vì vậy, các khâu trong chuỗi giá trị, kể cả công tác tín dụng cần phải minh bạch, rõ ràng để các bên có thể hợp tác tốt với nhau trong việc cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận.

Ông Nguyễn Như Viễn, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh Thái Thụy

 Tính đến hết quý I/2017, tổng dư nợ cho vay phát triển lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của Ngân hàng đạt 111,2 tỷ đồng, trong đó nuôi tôm nước lợ có tổng dư nợ cho vay là hơn 62 tỷ đồng. Thời gian tới, Ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, khoa học, nâng cao chất lượng tín dụng, đơn giản các thủ tục và đa dạng hóa các hình thức cho vay, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn huyện đầu tư nuôi trồng thủy hải sản, trong đó có nuôi tôm nước lợ.

Ông Phạm Văn Nhân, thôn Thúy Lạc, xã Nam Phú (Tiền Hải)

Tôi mong có sự phối hợp giữa các sở, ngành, ngân hàng và các địa phương để tạo điều kiện cho hộ dân vay vốn ưu đãi. Các hộ dân vay vốn hiện nay chủ yếu thế chấp nhà, đất nên nguồn vay thấp chưa đáp ứng cho việc đầu tư trong nuôi tôm nước lợ theo xu hướng công nghệ mới. Thời gian tới, tôi mong rằng tỉnh cần hỗ trợ, khuyến khích các hộ dân hai huyện ven biển phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung, phát triển nuôi tôm nước lợ nói riêng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.

(còn nữa)

Phan Lợi - Mạnh Thắng - Mai Thư - Trần Tuấn