Sản xuất cây màu ở An Châu: Kẻ cười - người khóc
Cười vì mướp đắng, dưa chuột được giá
Năm nay, ông Nguyễn Đình Hải, thôn Kim Châu 2 không trồng chuyên một loại cây màu như năm ngoái mà đa dạng cây trồng để tránh tình trạng mất mùa rớt giá. Ông Hải quyết định trồng sớm 3 loại cây dưa chuột, mướp ngọt, bí xanh trên diện tích 3 sào để bán đầu mùa sẽ được giá cao. Ông cho biết: Dưa chuột và bí xanh năm nay ít quả hơn năm ngoái nhưng giá bán cao, khoảng 5.000 - 8.000 đồng/kg. Tiên lượng mùa hè nắng nóng, loại quả giải nhiệt, dễ ăn như dưa chuột sẽ được người tiêu dùng ưa chuộng nên lứa đầu vãn quả ông Hải phá luôn đi trồng lại.
Cũng chọn trồng nhiều loại cây màu như ông Hải để cây này mất mùa thì đã có cây kia bù lại nhưng bà Nguyễn Thị Vui, thôn Kim Châu 2 chọn trồng mướp đắng và bí xanh. Giàn mướp đắng và bí xanh của gia đình bà sai quả hơn các gia đình khác bởi bà chọn thời điểm trồng từ tháng 2, không tưới đạm trắng mà tưới phân tổng hợp, làm giàn chắc chắn. Bà Vui cho biết: Năm ngoái giá bán một ki-lô-gam mướp đắng chỉ 2.500 - 3.000 đồng, năm nay đắt gấp đôi, khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg. Đến thời điểm này, 2 sào mướp đắng và bí xanh đã thu hoạch được 3 - 4 lứa quả, được trên 10 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cấy lúa. Hai loại cây này vẫn còn sai quả, đang tiếp tục cho thu hoạch.
Hàng chục gia đình ở An Châu đã biết nắm bắt tình hình thời tiết, nhu cầu của thị trường chọn trồng các loại cây màu có thời gian sinh trưởng ngắn, thu được nhiều lứa và quan trọng nhất là giá bán cao.
Khóc vì giá ớt, mướp ngọt giảm quá sâu
Trong khi những người trồng mướp đắng, dưa chuột phấn khởi vì giá bán cao hơn năm ngoái thì các hộ trồng ớt, mướp ngọt tại An Châu lại “khóc thầm” vì giá giảm quá sâu, có thời điểm chỉ bằng 1/9 cùng kỳ năm trước. Người trồng ớt ở An Châu đang điêu đứng vì “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Là một trong những người có kinh nghiệm nhiều năm trồng ớt, chị Nguyễn Thị Thủy, thôn An Nạp không khỏi chán nản, buồn bã vì công sức mình bỏ ra không được đền đáp xứng đáng vì ớt rớt giá thê thảm. Chị Thủy cho biết: 1kg ớt đẹp năm ngoái lúc cao nhất có thể bán được 100.000 đồng, lúc thấp nhất là 45.000 đồng, còn năm nay đầu mùa mới bán được 12.000 đồng/kg, giờ chỉ còn 5.000 - 7.000 đồng/kg. Ớt năm nay vẫn được mùa, một sào ớt thu được khoảng 4 - 5 tạ quả nhưng với giá cả như hiện nay đến cuối vụ cũng chỉ thu được 2 - 3 triệu đồng/sào, với 2.500 gốc ớt trên diện tích 2,5 sào, gia đình tôi chắc chỉ thu được từ 6 - 7,5 triệu đồng, trong khi năm ngoái cũng diện tích, năng suất như vậy gia đình thu được 60 - 70 triệu đồng. Đã không có lãi, bán đổ bán tháo mà tư thương còn “chê ỏng chê eo”. Như vậy là điệp khúc được mùa rớt giá lại một lần nữa khiến người trồng ớt ở An Châu điêu đứng, càng trồng nhiều thì nỗi buồn càng lớn.
Gia đình ông Nguyễn Đình Uẩn, thôn Kim Châu 2 năm nay trồng 6 sào ớt. Ớt năm nay rất sai quả, gần cuối vụ rồi nhưng cây ớt vẫn xanh, quả còn nhiều, tiếp tục ra hoa. Ông Uẩn nhẩm tính: Với diện tích trên, cùng thời điểm này năm trước tôi thu về gần 100 triệu đồng. Năm nay, thời tiết nắng ấm, ớt vào vụ thu hoạch sớm, năng suất cao hơn năm trước nhưng tôi mới chỉ thu về trên 10 triệu đồng, trừ chi phí đi thì chẳng còn lãi. Buồn và chán, ông Uẩn đã chặt bỏ một phần diện tích ớt của gia đình trồng dưa lê siêu ngọt.
Nông dân An Châu buồn vì giá ớt rớt thê thảm.
Ông Đào Ngọc Thuấn, Giám đốc HTX DVNN xã An Châu cho biết: Toàn xã có khoảng 60 hộ trồng ớt chỉ thiên với diện tích 3,5ha (tăng so với năm 2016 khoảng 0,5ha) chủ yếu tập trung tại cánh đồng chuyên màu của thôn Kim Châu 2. Cây ớt đã cho thu hoạch hơn một tháng nay. Năm nay, ớt được mùa nhưng lại rớt giá thê thảm khiến người trồng ớt thất thu. Một số hộ thấy năm ngoái ớt được giá nên năm nay chuyển sang trồng ớt thì ớt lại rớt giá, sinh ra chán nản, điều này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng diện tích trồng cây màu của xã các vụ tiếp theo, nhất là cây ớt.
Thời gian qua, để nâng cao giá trị và tạo thương hiệu vùng trồng rau sạch, xã An Châu đã xây dựng được các vùng sản xuất rau màu an toàn… Tuy nhiên, khi bà con đã tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, chất lượng, số lượng sản phẩm không ngừng tăng thì gặp cảnh được mùa giá lại rớt thê thảm. Vì thế, nông dân xã An Châu mong muốn các cấp, các ngành hỗ trợ trong việc quy hoạch sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho nông sản để sản xuất hiệu quả, bền vững.
Thu Hiền
Tin cùng chuyên mục
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp 08.11.2024 | 19:23 PM
- Xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 13.09.2024 | 08:59 AM
- Kiến Xương: Chủ động phòng, chống lũ lụt, sẵn sàng khôi phục sản xuất sau bão 11.09.2024 | 16:09 PM
- Quỳnh Phụ: Tập trung tiêu thoát nước bảo vệ lúa, rau màu 09.09.2024 | 15:49 PM
- Thái Thụy: Khó khăn tiêu úng cho lúa ngập sau bão 08.09.2024 | 18:31 PM
- 63.276ha lúa mùa được phun trừ sâu bệnh 26.08.2024 | 11:30 AM
- Chủ động khoanh vùng, xử lý sớm sâu bệnh trên lúa xuân 13.04.2024 | 08:32 AM
- Quỳnh Phụ: Triển khai cơ chế, chính sách về tích tụ đất đai 07.12.2023 | 16:09 PM
- Thái Thụy: Chủ động tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp 27.09.2023 | 18:15 PM
- Phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa cuối vụ 14.09.2023 | 17:05 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng
- Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026