Chủ nhật, 24/11/2024, 04:55[GMT+7]

Ngành Dệt may giữ vị trí chủ đạo trong kim ngạch xuất khẩu

Thứ 3, 20/06/2017 | 09:18:44
5,127 lượt xem
Với lợi thế là tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào cùng với cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, ngành dệt may phát triển nhanh và trở thành ngành xuất khẩu chủ lực, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn của Thái Bình.

Hầu hết các sản phẩm sợi của tỉnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc làm nguyên liệu chính sản xuất vải phục vụ ngành may.

Để công nghiệp dệt may phát triển, thời gian qua, tỉnh đã có chính sách huy động vốn, tạo vốn thông qua các tổ chức tín dụng, ngân hàng để tạo sức hút đầu tư cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó còn có chính sách phát triển thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, xúc tiến thương mại, làm cầu nối cho các doanh nghiệp hợp tác phát triển kinh doanh. Nhất là chính sách thu hút đầu tư, miễn, giảm tiền thuê đất, miễn, giảm thuế thu nhập từ hoạt động chuyển giao công nghệ... thu hút không chỉ doanh nghiệp trong nước mà còn thu hút được nhiều doanh nghiệp nước ngoài. 

Với những cơ chế trên, đến năm 2016 toàn tỉnh đã có 304 doanh nghiệp trong ngành dệt may. Đa số các doanh nghiệp dệt và sản xuất xơ sợi có nhà máy quy mô trung bình, một số doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, dây chuyền sản xuất hiện đại như Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Cường, Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long, Công ty Cổ phần Damsan. Sự phát triển của ngành công nghiệp dệt may đã tạo việc làm cho hơn 74.200 lao động, chiếm 44% số lao động toàn ngành công nghiệp. Không chỉ thế, ngành dệt may còn đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ngày càng cao và giữ được tỷ lệ tăng trưởng ổn định do các doanh nghiệp dệt, sợi có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng doanh nghiệp và quy mô sản xuất. Năm 2016, giá trị sản xuất của ngành dệt may đạt 13.099,2 tỷ đồng, chiếm 32,02% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. 

Đặc biệt, những năm qua, ngành dệt may tiếp tục giữ vị trí chủ đạo trong kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh. Theo thống kê, năm 2016, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 1,057 tỷ USD, chiếm 75% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, kim ngạch nhập khẩu đạt 822,147 triệu USD, chiếm 67,95% kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh. Về mặt hàng xuất khẩu, may mặc luôn chiếm vị trí chủ đạo, sau đó đến dệt khăn và sản xuất xơ sợi. Ngoài một số sản phẩm tiêu thụ ở trong nước thì thị trường tiêu thụ sản phẩm dệt, sợi chủ yếu xuất sang châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc. Các sản phẩm của ngành dệt may tương đối đa dạng như sợi, khăn, quần áo. Năm 2016, các nhà máy trong tỉnh sản xuất khoảng 8.034 tấn sợi đay, gần 40.000 tấn khăn tay các loại, 93.164.000 quần áo may sẵn. 

Ông Nguyễn Tiến Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao - chi nhánh Thái Bình cho biết: Ngành nghề sản xuất chính của Công ty là hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường chính là Mỹ và Canada với 4 nhà máy trên địa bàn tỉnh tạo việc làm cho hơn 8.200 lao động. Mặc dù thời gian qua Công ty gặp nhiều khó khăn do cơ cấu lại doanh nghiệp song vẫn đạt được nhiều kết quả khá toàn diện. 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Công ty tại chi nhánh Thái Bình đạt 20,5 triệu USD, dự kiến doanh thu xuất khẩu trong năm 2017 của toàn Công ty đạt 120 triệu USD với tổng lượng đơn hàng 5,4 triệu sản phẩm. Hiện tại Công ty đã ký nhận các đơn hàng tới tháng 2/2018. Dự kiến từ năm 2018 trở đi Công ty sẽ tăng trưởng từ 130 - 150% sản lượng. Để thực hiện được mục tiêu này, trong thời gian tới Công ty sẽ đầu tư xây dựng thêm hai nhà máy ở xã Vũ Ninh (Kiến Xương) và xã Minh Quang (Vũ Thư).

Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao - chi nhánh Thái Bình với 4 nhà máy trên địa bàn tỉnh tạo việc làm cho hơn 8.200 lao động.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương, hiện nay ngành dệt may của tỉnh chủ yếu là hàng gia công nên giá trị sản xuất còn thấp. Để ngành dệt may không chỉ đi lên bằng năng suất lao động, những năm tới, ngành dệt may của tỉnh cần tập trung chuyển mạnh từ gia công sang làm hàng FOB (tự chủ nguyên phụ liệu) rồi ODM (tự thiết kế, sản xuất) và OBM (làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối). Bên cạnh đó, tỉnh cần kêu gọi các dự án kéo sợi, dệt may đồng bộ và phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành may nhằm hạn chế nhập khẩu làm tăng giá thành sản phẩm. Tập trung nguồn lực cho sản xuất hàng xuất khẩu và chú trọng phát triển thị trường, đặc biệt quan tâm đến những thị trường tiềm năng như Mỹ, EU.

Thu Thủy