Thứ 5, 14/11/2024, 12:00[GMT+7]

Gia đình trong xã hội hiện đại

Thứ 4, 28/06/2017 | 09:41:33
49,584 lượt xem
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Ảnh minh họa.

Trong xã hội hiện đại, nhất là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, vai trò của gia đình càng trở nên quan trọng, trở thành thước đo sự ổn định và phát triển của xã hội, đồng thời là nơi lưu giữ và phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp tạo nên bản sắc văn hóa của một quốc gia.

Văn hóa gia đình truyền thống

Trong đời sống văn hóa của người Việt, gia đình giữ vị trí hết sức quan trọng. Gia đình không chỉ là tập hợp những người cùng chung mối quan hệ hôn nhân, huyết thống sinh sống dưới một mái nhà mà còn là nơi con người được đáp ứng các nhu cầu tình cảm, là cái nôi nuôi dưỡng, giáo dục, rèn luyện của mỗi thành viên trong gia đình. Xã hội Việt Nam được hình thành từ nền nông nghiệp lúa nước với lối sống định cư, trải qua những thiếu thốn, khó khăn, phải chống chọi với giặc ngoại xâm, thiên tai và thú dữ hình thành nên mối quan hệ gia đình bền chặt, khăng khít, văn hóa gia đình trở thành đơn vị gốc tạo nên xã hội Việt Nam.

Bản chất của văn hóa gia đình người Việt truyền thống chính là một tổ chức dựa trên mối quan hệ nghĩa tình nơi mà các thành viên sống và yêu thương, gắn bó với nhau bằng tình thân, sự đồng cảm và thấu hiểu. Trong gia đình Việt Nam truyền thống, mối quan hệ ông bà, cha mẹ, con cháu được xây dựng theo một tôn ti, trật tự nhất định, có trên có dưới. Ở đó có tình nghĩa vợ chồng sâu nặng, có tình yêu thương giữa cha mẹ với con cái, sự hiếu thảo, tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái, cháu chắt đối với ông bà, cha mẹ. Chính mối quan hệ nghĩa tình ấy đã góp phần tác động đến việc hình thành nhân cách của mỗi cá nhân trong gia đình, tạo nên nền nếp, gia phong, lối sống của gia đình. Văn hóa gia đình truyền thống tạo cho mọi thành viên của gia đình một bản lĩnh vững vàng khi hòa nhập với đời sống xã hội.

Những biến đổi của gia đình

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lối sống công nghiệp cho phép con người tự chủ hơn, năng động hơn trong phát triển kinh tế, sự tuân thủ giờ giấc tập thể ngày càng trở nên nghiêm ngặt khiến cho những biến đổi về văn hóa gia đình ngày càng rõ nét hơn. Bữa cơm gia đình vốn là một sinh hoạt không thể thiếu trong mỗi nếp nhà người Việt nhưng ngày nay, trong không ít gia đình, đặc biệt là các gia đình ở thành phố sự xuất hiện những bữa cơm có đầy đủ thành viên trở nên hiếm hoi.  

Nếu trước kia gia đình truyền thống thường chung sống từ ba thế hệ trở lên gọi là gia đình “tam đại đồng đường, tứ đại đồng đường” thì ngày nay phần lớn gia đình Việt được tổ chức theo mô hình gia đình hạt nhân có vợ, chồng và con. Các gia đình này tồn tại như một đơn vị gia đình độc lập, gọn nhẹ, linh hoạt và có sự thích ứng nhanh với các biến đổi xã hội, tuy nhiên, kiểu gia đình này cũng bộc lộ những điểm yếu nhất định như sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình giảm bớt, khả năng ảnh hưởng giữa các thế hệ với nhau ít đi kéo theo đó cũng làm giảm khả năng bảo lưu các giá trị của gia đình truyền thống.

Cùng với lối sống cởi mở, ảnh hưởng từ sự giao thoa văn hóa phương Tây thì ngày nay còn xuất hiện thêm những dạng thức gia đình phi truyền thống như gia đình đơn thân, gia đình đồng tính... Những dạng mô hình gia đình này tuy mới xuất hiện gần đây nhưng đã cho thấy những thay đổi về quan niệm và nhận thức. Bên cạnh những người có lối sống hiện đại, tiến bộ có thể bảo đảm cuộc sống như những gia đình bình thường thì ở một vài khía cạnh, những gia đình phi truyền thống cũng phát sinh những hệ quả về sự bất đối xứng trong chức năng thỏa mãn nhu cầu tình cảm, giáo dục và rèn luyện của các thành viên trong gia đình.

Thực tế, những biến đổi về kinh tế, tăng cường hợp tác, giao lưu văn hóa đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập, mức sống, mức độ hưởng thụ cho các thành viên trong gia đình, tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng những mặt trái của sự biến đổi ấy cũng gây ra không ít tác động tiêu cực tới đời sống gia đình hiện đại. Nhiều gia đình do quá chú trọng vào việc kiếm tiền, tăng thu nhập, tranh giành địa vị xã hội mà ít quan tâm tới con cái, tình trạng ly hôn, tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng tới sự phát triển của gia đình.

Mặc dù xã hội có biến đổi như thế nào, chức năng tâm lý, tình cảm của gia đình vẫn còn nguyên giá trị. Khi gặp khó khăn, đau buồn, mỗi người lại tìm về những người thân trong gia đình để bày tỏ tâm tư, tình cảm, vì vậy nếu phát huy tốt vai trò của gia đình sẽ góp phần cải tạo xã hội, đưa xã hội phát triển theo hướng văn minh, lịch sự. Xây dựng gia đình phát triển bền vững, phát huy giá trị truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa hiện đại là hướng đi đúng đắn hướng tới sự phát triển lành mạnh, vì một xã hội tiến bộ, văn minh.

THẢO TIÊN

Hà Phương - 5 năm trước

Cảm ơn nha, bài này đã cung cấp tư liệu cho cháu làm văn ạ, rất có ích ^^

Tải thêm