Thứ 3, 26/11/2024, 04:58[GMT+7]

Thực hiện lộ trình BHYT toàn dân

Thứ 2, 03/07/2017 | 14:44:10
1,481 lượt xem
Với quyết tâm đạt tỷ lệ 83,8% dân số trong tỉnh tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đến hết năm 2017, việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân đang được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chung tay thực hiện nhằm sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.

Trang thiết bị khám chữa bệnh ngày càng được đầu tư hiện đại.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016 điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm phát triển tỷ lệ bao phủ BHYT. Ngoài việc giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố; gắn việc thực hiện BHYT với việc bình xét thi đua, khen thưởng, tiêu chí công nhận huyện, xã nông thôn mới, UBND tỉnh còn trích ngân sách hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT cho đối tượng chính sách, người thuộc hộ cận nghèo, người nhiễm HIV đồng thời thường xuyên giám sát, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT ở các cấp, các ngành, các địa phương. 

Do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các ngành, các địa phương đã chủ động vào cuộc. Bên cạnh việc đổi mới hình thức tuyên truyền, cải cách thủ tục hành chính theo hướng thuận lợi nhất cho người tham gia BHYT, ngành Bảo hiểm xã hội còn thường xuyên phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh giải quyết kịp thời vướng mắc của người bệnh có thẻ BHYT ngay tại các cơ sở khám chữa bệnh. Cùng với ngành Bảo hiểm xã hội, ngành Y tế cũng tăng cường chỉ đạo các đơn vị y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đổi mới thái độ phục vụ người bệnh. Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp lập danh sách đối tượng tham gia và cấp kinh phí mua thẻ BHYT cho những người thuộc diện được hỗ trợ.

Cùng với các ngành, các huyện, thành phố cũng đã chủ động lên kế hoạch, xây dựng chỉ tiêu phát triển BHYT, giao đến từng xã, phường, thị trấn. Sau hơn một năm đưa chỉ tiêu phát triển BHYT vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, số xã có tỷ lệ người tham gia BHYT tăng lên rõ rệt. Hiện toàn tỉnh có 133/286 xã, phường, thị trấn có tỷ lệ người tham gia BHYT đạt trên 80% dân số.

Người dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đông Hưng. 

Ông Trần Thiên Thai, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, số người tham gia BHYT không ngừng tăng qua từng năm. Nếu như đến cuối năm 2015 tỷ lệ người tham gia BHYT đạt 75,79% dân số, năm 2016 đạt 81,5% dân số thì đến đầu tháng 6/2017 đã đạt 82,79%. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn trên 17% dân số chưa có thẻ BHYT, tập trung chủ yếu ở nhóm đối tượng lao động tự do hoặc đang làm việc tại một số doanh nghiệp nhưng chưa được chủ doanh nghiệp tham gia BHYT. Nguyên nhân là do nhận thức về BHYT của một bộ phận người dân còn hạn chế, vẫn nhầm lẫn giữa BHYT với bảo hiểm thương mại. Người lao động tự do còn chủ quan, chưa quan tâm đến BHYT bởi họ có thu nhập thấp, không ổn định. Do việc sản xuất, kinh doanh khó khăn, một số doanh nghiệp trốn đóng BHYT cho người lao động. Bên cạnh đó, chất lượng khám chữa bệnh và thái độ phục vụ người bệnh BHYT tại một số đơn vị khám chữa bệnh còn hạn chế; thủ tục trong khám chữa bệnh BHYT còn rườm rà.

Để tiếp tục thu hút người dân tham gia BHYT, phấn đấu tỷ lệ bao phủ đạt 83,8% dân số vào cuối năm 2017, tiến tới bao phủ BHYT toàn dân, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể phải coi việc thực hiện lộ trình BHYT là nhiệm vụ trọng tâm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương với kết quả phát triển đối tượng tham gia BHYT. Ngành Bảo hiểm xã hội, ngành Y tế và các ban, ngành liên quan tích cực tuyên truyền chính sách BHYT, mở rộng đối tượng, đơn vị tuyên truyền. Việc tuyên truyền luôn phải đổi mới nội dung, hình thức, chú trọng đối thoại chính sách BHYT tại cơ sở, đồng thời kịp thời giải quyết những vướng mắc của người dân khi tham gia BHYT. Công tác cải cách thủ tục hành chính phải được thực hiện thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân từ khâu đăng ký tham gia đến thủ tục thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Cán bộ y tế cần đổi mới, nâng cao thái độ phục vụ bệnh nhân. Ngành Bảo hiểm xã hội cần phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, bảo đảm công bằng giữa những người cùng tham gia, đồng thời khuyến khích người dân tố giác hành vi gian lận trong khám chữa bệnh BHYT.


Bác sĩ chuyên khoa II Doãn Trường Thi, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư

Tổng số người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đăng ký khám chữa bệnh (KCB) tại Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư là trên 130.000 người. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 59.000 lượt người KCB BHYT, chiếm khoảng 97% tổng số lượt người KCB. Song do nhiều nguyên nhân, chi phí đa tuyến chiếm phần lớn nguồn quỹ BHYT của đơn vị; một số đối tượng có bệnh mãn tính nên tần suất sử dụng thẻ BHYT đăng ký KCB cao; để bảo đảm quyền lợi cho những người tham gia BHYT khi đi KCB, Bệnh viện đã tập trung cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, huy động mọi nguồn lực để đầu tư mua sắm, liên kết, liên doanh trang thiết bị y tế và nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ, đồng thời phối hợp với các nhà hảo tâm hỗ trợ bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân điều trị nội trú. Bệnh viện đã sử dụng hiệu quả hệ thống giám định thông tin kết nối liên thông với cổng dữ liệu của ngành Bảo hiểm xã hội nhằm ngăn chặn các hành vi trục lợi quỹ BHYT, bảo đảm công bằng cho người tham gia.


Chị Đỗ Thị Hoan, đại lý thu BHYT hộ gia đình, BHXH tự nguyện xã Thụy Tân (Thái Thụy)

Với đội ngũ cộng tác viên BHYT phủ kín khắp 5 thôn trong xã thường xuyên đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tuyên truyền giúp người dân hiểu được những lợi ích do BHYT mang lại nên số người tham gia BHYT hộ gia đình trong xã không ngừng tăng lên. Đến tháng 6/2017 đã có 513 người tham gia BHYT hộ gia đình. Hiện số người chưa tham gia BHYT hộ gia đình chủ yếu là những người đi làm thuê tại các doanh nghiệp và đang chờ đơn vị sử dụng lao động đóng BHYT; người dân có thu nhập thấp, không ổn định và nhận thức còn chủ quan nghĩ mình chưa bị bệnh nên chưa cần mua thẻ BHYT. Để vận động những người chưa tham gia BHYT hộ gia đình, thời gian tới chúng tôi tiếp tục tới các gia đình để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tư vấn kịp thời và giải thích rõ những lợi ích được hưởng khi có thẻ BHYT.

Chị Đầu Thị Duyên, xã Trọng Quan (Đông Hưng)

Chồng tôi bị bệnh sỏi thận tiết niệu phải lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị. Chi phí cho 2 tháng điều trị tại bệnh viện rất tốn kém. Tính riêng tiền điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã được quỹ BHYT chi trả đã trên 375 triệu đồng. Thu nhập của gia đình phụ thuộc vào nghề nông và cửa hàng tạp hóa nhỏ song cũng chỉ đủ nuôi các con ăn học. Đúng là khi bị bệnh trọng mới thấy được hết giá trị của tấm thẻ BHYT. Nếu không có BHYT chắc tôi không có điều kiện chữa trị cho chồng. Hiện chồng tôi đã phục hồi được phần nào sức khỏe. Để chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, tránh rơi vào tình trạng nghèo hóa khi mắc bệnh trọng, tôi tiếp tục mua thẻ BHYT cho cả 4 người.

Như Hoàng