Chủ nhật, 17/11/2024, 14:50[GMT+7]

Để Nghị định số 67 vào cuộc sống

Thứ 3, 04/07/2017 | 08:56:00
690 lượt xem
Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành về một số chính sách phát triển thủy sản là chủ trương thiết thực, hiệu quả, tạo “cú hích” giúp ngư dân có điều kiện cải hoán, đóng mới, nâng cấp tàu có công suất lớn để vươn khơi khai thác hải sản. Qua khoảng 3 năm thực hiện Nghị định số 67, tuy đạt được một số kết quả nhất định nhưng số lượng ngư dân tham gia vay vốn theo Nghị định số 67 ở tỉnh ta vẫn chưa được như mong muốn.

Ngư dân Thái Thụy chuẩn bị cho chuyến ra khơi.

Cuối tháng 6, chúng tôi về bến Cửa Lân (Tiền Hải) gặp ông Bùi Xuân Cử (xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải), 1 trong số 25 chủ tàu được UBND tỉnh phê duyệt cho đăng ký đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67. Được vay hơn 16 tỷ đồng, ông Cử đóng tàu cá vỏ thép, công suất máy chính 822,8CV, đánh bắt hải sản bằng lưới rê từ tháng 9/2016. 

Ông Cử phấn khởi cho biết: Ngày 22/6 vừa qua, ông cùng với 7 chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ 280 triệu đồng (35 triệu đồng/tàu) để trang bị máy thông tin liên lạc cho tàu. Đây là việc làm thể hiện sự quan tâm thiết thực của tỉnh, giúp ngư dân chủ động thông tin liên lạc, yên tâm khi hành nghề trên biển, góp phần nâng cao sản lượng khai thác thủy sản và bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương. 

Nói về Nghị định số 67, ông Cử khẳng định: Trước khi có Nghị định số 67, tôi cũng như rất nhiều ngư dân luôn mơ ước có con tàu lớn và hiện đại để yên tâm khi vươn khơi. Nhưng đại đa số ngư dân không đáp ứng được nguồn vốn để đóng được loại tàu như vậy. Nghị định số 67 ra đời đã tháo gỡ được khó khăn trên, giúp ngư dân được vay vốn ưu đãi đóng tàu, thực hiện ước mơ tưởng chừng như không bao giờ đạt được. 

Tuy nhiên, cũng theo ông Cử, hiện nay lượng cá, tôm vùng biển Việt Nam giảm sút, ảnh hưởng đến thu nhập của chủ tàu và người lao động, do vậy đề nghị với nhà nước xem xét hỗ trợ tiền dầu phục vụ vận hành tàu khai thác.  Ngoài ra, ông Cử cũng đề nghị cơ quan chức năng và đơn vị đóng tàu hỗ trợ bởi lớp sơn vỏ tàu đã bị bong tróc gây hoen rỉ vỏ sắt, một số hệ thống điện trên tàu bị trục trặc… 

Theo tìm hiểu của phóng viên, khi triển khai thực hiện Nghị định số 67, các cơ quan chức năng của tỉnh đã khuyến cáo các chủ tàu lựa chọn đóng tàu tại các cơ sở lớn, có uy tín, có thương hiệu. UBND tỉnh cũng chỉ đạo việc thực hiện Nghị định số 67 phải có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành song không chạy theo thành tích mà trên tinh thần “chắc chắn, hiệu quả”. Kết quả, đến nay toàn tỉnh đã phê duyệt danh sách 25 chủ tàu đăng ký đóng mới tàu cá theo Nghị định số 67, số tàu đã được đóng mới là 8 tàu (4 tàu khai thác, 4 tàu dịch vụ hậu cần). Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thái Bình, 8 chủ tàu đã ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng thương mại với tổng số tiền ngân hàng cam kết cho vay 111,5 tỷ đồng, đã giải ngân 111,4 tỷ đồng. 

Về hỗ trợ bảo hiểm khai thác hải sản, ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Đến nay tổng số tiền hỗ trợ theo Nghị định số 67 là 3.117.146.985 đồng, trong đó số tiền bảo hiểm thân tàu ngư lưới cụ là 2.814.146.985 đồng/210 chủ tàu; số tiền bảo hiểm thuyền viên là 303.000.000 đồng/210 chủ tàu/1.010 thuyền viên. 

Cũng theo ông Giang, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị định số 67, nhằm tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67; Thủ tướng Chính phủ cũng có Quyết định số 47/2016/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 về thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư cho chủ tàu đóng mới tàu theo quy định tại Nghị định số 89. Thực hiện các quy định trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức tuyên truyền đến ngư dân các quy định, cơ chế về một số chính sách phát triển thủy sản; tổ chức hướng dẫn, đăng ký và tổng hợp danh sách các chủ tàu đủ điều kiện đăng ký thực hiện thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Mặc dù vậy, trong quá trình thực hiện Nghị định số 67 ở tỉnh ta, kết quả đạt được đã không như mong muốn bởi phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. Đó là một số chủ tàu chưa hiểu rõ chính sách hỗ trợ đóng mới tàu theo Nghị định số 67, đặc biệt là những yêu cầu kỹ thuật của tàu cá đóng mới, điều kiện để được vay vốn, trách nhiệm của chủ tàu... dẫn đến việc một số chủ tàu xin rút không tham gia hoặc xin lùi thời gian thẩm định của ngân hàng để điều chỉnh thiết kế tàu, cân đối nguồn vốn... Một số chủ tàu không đủ năng lực về vốn đối ứng, không chứng minh được nguồn vốn lưu động để vận hành, khai thác tàu sau khi đóng mới; thiếu kinh nghiệm quản lý dẫn đến dự án đóng mới tàu hạn chế nên ngân hàng thương mại khó quyết định cho vay vốn… Ngoài ra, do đặc thù hoạt động trên biển dài ngày nên việc phối hợp để hoàn thiện hồ sơ vay vốn, hồ sơ cấp bảo hiểm của chủ tàu với cơ quan chức năng còn chậm gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Tàu vỏ gỗ, công suất nhỏ vẫn là phương tiện khai thác hải sản chủ yếu của ngư dân. 

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định số 67 một cách hiệu quả, thời gian tới, các ngành, các cấp trong tỉnh tiếp tục tăng cường tuyên truyền phổ biến các nội dung của Nghị định số 67, Nghị định số 89, Quyết định số 47 của Thủ tướng Chính phủ để ngư dân hiểu rõ nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc tham gia thực hiện Nghị định số 67 đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Cùng với đó, các ngân hàng thương mại chủ động tiếp cận hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ tàu được vay vốn và giải ngân nhanh chóng (cả đóng mới, nâng cấp, cải hoán và vay vốn lưu động). UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty Bảo hiểm PJICO Thái Bình tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách bảo hiểm cho ngư dân theo Nghị định số 67.

Phan Anh