Cô giáo Đào Thị Châu thắng bệnh hiểm nghèo vươn lên dạy tốt
35 năm trước, giáo viên mầm non được nhiều người coi là nghề trông trẻ, vừa nghèo vừa vất vả, chẳng mấy ai muốn làm, vậy mà cô Châu lại yêu, say mê với nghề. Dạy ở trường quê, lại là xã nghèo xa trung tâm, trước kia mỗi tháng cô chỉ được nhận công 10kg thóc và 6 tháng mới được trả một lần, đời sống rất khó khăn. Thế nhưng cô vẫn cần mẫn với công việc chăm sóc, dạy dỗ em thơ. Sau này, dù bận công tác, chăm lo gia đình nhưng yêu nghề, mến trẻ, cô Châu vẫn cố gắng học tập nâng cao trình độ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục mầm non.
Nhờ ham học hỏi, sáng tạo, với đôi bàn tay khéo léo, lớp học của cô giáo Châu thường có nhiều đồ dùng, đồ chơi đẹp nhất trường, đó đều là những sản phẩm do cô mày mò, tự làm. Với tâm huyết, kinh nghiệm chuyên môn vững, nhiều năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, gần 10 năm nay cô Châu được nhà trường tín nhiệm phân công giữ vị trí khối trưởng khối lớp 4 tuổi. Với chính sách quan tâm của Nhà nước đối với giáo viên mầm non, cuối năm 2012, sau 30 năm công tác, cô Châu được chính thức tuyển dụng, hưởng chế độ của viên chức ngành Giáo dục. Niềm vui đối với cô thật lớn, tạo thêm động lực để cô gắn bó với nghề.
Những tưởng hạnh phúc đã mỉm cười để bù đắp những tháng ngày gian nan, vất vả thì bất ngờ đầu năm 2013 cô Châu được phát hiện bị ung thư đại tràng. Cầm kết quả của bệnh viện, tinh thần cô suy sụp nghiêm trọng, cô luôn sống trong sợ hãi và thất vọng. Nhưng cũng chính lúc ấy, sự yêu thương, động viên của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, nụ cười hồn nhiên của các em nhỏ đã giúp cô lấy lại tinh thần. Cô quyết không buông xuôi mà chiến đấu với căn bệnh ác tính.
Kỳ nghỉ hè năm 2013, cô Châu tiến hành phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột. Sau phẫu thuật, cô phải trải qua 12 đợt truyền hóa chất, xạ trị khiến sức khỏe rất yếu, có lúc tưởng chừng khó qua khỏi. Dù mang bệnh trọng nhưng giữa các đợt truyền hóa chất cô vẫn trở lại với lớp học thân quen, vẫn đảm nhận một mình một lớp, thực hiện đầy đủ các công việc chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ đến dạy từng bài thơ, điệu múa cho các em. Với vị trí khối trưởng, mỗi dịp trước khi lên Hà Nội điều trị bệnh, cô đều quan tâm, chủ động triển khai sớm các nhiệm vụ chuyên môn, không để việc riêng của cá nhân mình ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục chung của nhà trường. Thậm chí, trong suốt quá trình xạ trị, sức khỏe yếu nhưng cô vẫn xung phong tham gia các phong trào, hội thi do nhà trường, ngành Giáo dục phát động. Cô từng giành giải nhất hội thi sáng tạo đồ dùng đồ chơi cho trẻ do nhà trường tổ chức. Đến nay, mặc dù vẫn phải đều đặn khám, chữa bệnh theo chỉ định của bác sĩ nhưng sức khỏe của cô đã khá ổn định.
Cô Châu cười mãn nguyện: Các bác sĩ và người thân đều rất ngạc nhiên khi thấy tôi vượt qua được lưỡi hái tử thần, vẫn tiếp tục gắn bó với công việc vất vả mà bao nhiêu năm tôi đã làm. Chính những nụ cười hồn nhiên, giọng nói bi bô của trẻ đã giúp tôi thêm niềm tin, chiến thắng bệnh tật. Người thân trong gia đình khuyên tôi xin nghỉ việc để dưỡng bệnh nhưng tôi nghĩ khác, nếu hàng ngày không được nghe tiếng khóc, tiếng cười, không được nhìn đám trẻ nô đùa thì chưa chắc tôi đã vượt qua được bệnh tật của mình.
Cô giáo Nguyễn Thị Dung, giáo viên Trường Mầm non Vũ Vân chia sẻ: Trong các cấp học, giáo viên mầm non được coi là vất vả nhất vì học sinh còn rất nhỏ, các cô vừa phải chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ vừa phải dạy trẻ theo chương trình quy định. Giáo viên trẻ, khỏe còn cảm thấy mệt thì chắc chắn cô Châu vừa cao tuổi vừa mang bệnh trọng sẽ vất vả hơn. Thế nhưng, những năm qua, cô Châu không hề sao nhãng việc chăm sóc trẻ mà ngược lại cô lặng thầm nỗ lực vươn lên, thậm chí còn hoàn thành xuất sắc mọi phong trào thi đua của trường, của ngành khiến chúng tôi rất cảm phục.
Cô giáo Đào Thị Hợp, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Vũ Vân cho biết: Với tinh thần đoàn kết cao, cán bộ, giáo viên trong Trường luôn gần gũi, động viên, chia sẻ với cô Châu về mặt tinh thần, vật chất và công tác. Nhà trường phân công các cô giáo trẻ hỗ trợ, giúp đỡ cô Châu đảm nhiệm lớp khi cô điều trị bệnh. Cùng với sự giúp đỡ của nhà trường, đồng nghiệp, cô Châu luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của Trường. Năm học 2016 - 2017, cô Châu là cá nhân duy nhất của Trường đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Nghị lực và lòng yêu nghề mến trẻ của cô giáo Đào Thị Châu là tấm gương sáng cho các giáo viên trẻ noi theo.
Hà Phương
Tin cùng chuyên mục
- Ông Chọn say mê làm việc thiện 15.05.2024 | 08:42 AM
- Nghị lực vươn lên của cô gái một chân 24.08.2023 | 09:38 AM
- Người thương binh hơn 30 năm canh giấc ngủ cho đồng đội 20.07.2023 | 09:14 AM
- Những người “làm dâu trăm họ” ngành y 30.06.2023 | 10:09 AM
- Người truyền lửa đam mê phong trào bóng bàn 05.06.2023 | 10:52 AM
- Hai thầy giáo trao trả hơn 10 triệu đồng và 5.000 yên Nhật cho người đánh rơi 08.11.2022 | 02:28 AM
- Nỗ lực vì sức khỏe người dân 25.04.2022 | 15:01 PM
- Thành viên tổ công tác liên ngành chốt kiểm soát dịch Covid-19 nhặt được của rơi trả lại người mất 15.09.2021 | 23:48 PM
- Biến ruộng thành ao, thu tiền tỷ 13.09.2021 | 08:29 AM
- Vươn lên từ vùng đất trũng 19.07.2021 | 09:46 AM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc hội diễn nghệ thuật quần chúng Hội tụ sông Hồng
- Thường trực HĐND tỉnh: Thông qua kết quả thẩm tra một số tờ trình
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ
- Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc thôn Trung, xã Đông Phương
- Kiểm tra toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương năm 2024
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đất đai
- UBND tỉnh làm việc với đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Kiểm điểm tập thể, cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh năm 2024